Sức mạnh chiến hạm tàng hình Pháp có thể tuần tra Biển Đông
Với trang thiết bị hiện đại và dàn vũ khí uy lực, tàu hộ tống La Fayette của Pháp được đánh giá là ứng viên nặng ký để tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông.
Một tàu hộ tống lớp La Fayette của Pháp. Ảnh: Wikipedia
Trong Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã hối thúc các nước thuộc Liên minh châu Âu cùng Pháp điều tàu chiến thực hiện các cuộc tuần tra “thường xuyên và công khai” trên Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải.
Theo bình luận viên Arthur Dominic Villasanta của China Topix, Pháp rất muốn tham gia tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, bởi Paris lo ngại nếu luật pháp quốc tế không được tôn trọng và thực thi ở vùng biển này, những hệ lụy tương tự có thể xảy ra ở Địa Trung Hải, nơi họ có những lợi ích chiến lược.
Ông Villasanta cho rằng nếu thực hiện tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, hải quân Pháp sẽ dùng đến tàu hộ tống tàng hình thuộc lớp La Fayette nằm trong hạm đội 26 tàu hộ tống được trang bị vũ khí đối không, đối đất và săn ngầm hiện đại của mình.
La Fayette (hay còn gọi là FL-3000) là lớp tàu hộ tống tàng hình đa năng do Tập đoàn DCNS thiết kế và đưa vào phục vụ hải quân Pháp từ năm 1996. La Fayette có thể thực hiện một loạt nhiệm vụ như tuần tra, chống tàu chiến mặt nước, tác chiến phòng không, tác chiến chống ngầm cũng như thực hiện các cuộc tấn công sâu vào bên trong đất liền.
Video đang HOT
Tàu hộ tống La Fayette khai hỏa trong một cuộc tập trận. Ảnh: Mer et Marine
Tàu có chiều dài 125 m, lượng choán nước 3.600 tấn, có khả năng hoạt động độc lập trên biển 50 ngày. Tốc độ đối đa của La Fayette đạt 46 km/h, thủy thủ đoàn đầy đủ gồm 139 người.
Thân tàu La Fayette được chế tạo bằng vật liệu composite có đặc tính nhẹ, hấp thụ sóng radar rất tốt, mang lại khả năng tàng hình cho tàu, trong khi vẫn đảm bảo độ vững chắc cần thiết.
Về trang thiết bị điện tử, tàu hộ tống lớp La Fayette được trang bị hệ thống radar hàng hải Racal Decca (DRBN 34), radar định vị phát hiện mục tiêu trên không và mục tiêu nổi “Sea Tiger” DRBV, radar định vị điều khiển hỏa lực Tomson CFS “Castor”"2J.
Bên cạnh đó, tàu còn có hệ thống định vị thủy âm sonar EDO Model 980 và hệ thống đối kháng điện tử RAFAEL C-PEARL-M.
Về vũ khí, La Fayette được trang bị một pháo hạm 100 mm, hai pháo 20 mm, 8 tên lửa diệt hạm MM38 “Excocet” và một hệ thống phòng không với 16 tên lửa siêu thanh tầm ngắn VT-1 có thể bay với vận tốc Mach 3,5, tầm bắn đạt 13 km. Tàu còn được trang bị một trực thăng chống ngầm Pahter hoặc NH-90.
Bộ trưởng Quốc phòng Le Drian tiết lộ rằng hải quân Pháp đã được triển khai ba lần tới Biển Đông. “Muốn kiểm soát nguy cơ xung đột, chúng ta phải bảo vệ quyền tự do hàng hải, bằng chính khả năng của mình. Đây là thông điệp mà Pháp sẽ tiếp tục đưa ra trong các diễn đàn quốc tế”, ông nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Châu Âu nhập cuộc kìm hãm Bắc Kinh trên Biển Đông
Việc Pháp kêu gọi châu Âu tuần tra ở Biển Đông đánh dấu nỗ lực quốc tế mới nhất để kìm hãm Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cuối tuần trước phát biểu tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore, kêu gọi lực lượng hải quân châu Âu có sự hiện diện "thường xuyên và rõ ràng" tại khu vực, để duy trì luật biển và tự do hàng hải.
"Nếu chúng ta muốn kiềm chế nguy cơ xung đột, chúng ta phải bảo vệ các nguyên tắc và tự mình làm việc đó", ông nói.
Theo Foreign Policy, mặc dù bộ trưởng quốc phòng Pháp không nhắc rõ ràng tới Trung Quốc, bình luận của ông dễ được hiểu là lời chỉ trích Bắc Kinh, nước đang quyết liệt theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông với việc nạo vét ồ ạt và xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo.
"Nếu luật biển không được tôn trọng tại các vùng biển gần Trung Quốc, thì sau này nó sẽ bị đe dọa ở Bắc Cực, ở Địa Trung Hải, hay ở nơi khác", ông Le Drian nói tại Đối thoại Shangri-La.
Lập trường của Pháp đánh dấu nỗ lực quốc tế mới nhất nhằm kìm hãm chiến thuật cứng rắn của Trung Quốc tại Biển Đông. Bình luận của Pháp cho thấy các quốc gia Âu đang vận động một phản ứng cứng rắn hơn trước các động thái quyết liệt của Trung Quốc. Ông Le Drian nói rằng đối với Pháp và châu Âu, việc này không chỉ là để bảo vệ lợi ích kinh tế và thương mại trong khu vực, mà còn để giữ gìn trật tự quốc tế và pháp trị.
Ông Le Drian cho biết ông sẽ sớm cung cấp thêm chi tiết về đề nghị của mình cho việc tuần tra thường xuyên của lực lượng hải quân châu Âu.
Thời điểm bộ trưởng Quốc phòng Pháp đưa ra tuyên bố không hề ngẫu nhiên. Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague trong tháng này dự kiến đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ thẩm quyền của tòa án trong khi vận động các chính phủ khác ủng hộ quan điểm của mình. Tòa nhiều khả năng ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, và Washington đã kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết.
Việc EU tham gia nhiều hơn ở Biển Đông là điều mà Mỹ đã hy vọng từ lâu, Mira Rapp-Hooper, một thành viên cao cấp tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận xét.
"Thời gian Pháp đưa ra lời kêu gọi cũng cho thấy chính phủ Liên minh châu Âu (EU) đang ra mặt ủng hộ phán quyết của tòa trong vài tuần tới", bà nói.
Sự tham gia của Pháp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ mang tính lý thuyết. Họ đã ký thỏa thuận 40 tỷ USD vào năm nay để bán tàu ngầm tiên tiến cho Australia, với lý do lo ngại tăng lên về an ninh khu vực.
Những phát biểu của ông Le Drian cuối tuần qua cũng là lời nhắc nhở đến Trung Quốc rằng trong khi nước này đang cố gắng chuyển các lợi ích kinh tế họ mang đến cho châu Âu thành lợi thế ngoại giao, các quốc gia có ảnh hưởng ở châu Âu vẫn sẵn sàng kìm hãm Bắc Kinh.
Foreign Policy viết rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn muốn vượt qua cái mà họ gọi là một "thế kỷ sỉ nhục", bắt đầu từ Chiến tranh Nha phiến thế kỷ 19 (Các cuộc chiến 1840 -1843 và 1856 -1860 giữa Trung Quốc dưới triều Mãn Thanh và đế quốc Anh) kéo dài cho đến cuối Nội chiến Trung Quốc năm 1949. Tuy nhiên, trớ trêu thay, những hành động của nước này dường như đang buộc pháo hạm châu Âu một lần nữa trở lại Biển Đông.
Phương Vũ
Theo VNE
Pháp kêu gọi châu Âu tuần tra Biển Đông Pháp sẽ đề xuất hải quân các quốc gia châu Âu phối hợp tuần tra tại các vùng biển châu Á để thúc đẩy trật tự hàng hải dựa trên luật pháp trong bối cảnh các quốc gia khác, trong đó có Canada và Ấn Độ, bày tỏ lo ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Straitstimes đưa tin, phát biểu...