Sức khỏe mua rẻ… như bèo
Chuyện tưởng đùa nhưng đã và đang tồn tại suốt nhiều năm qua trên địa bàn các thành phố lớn mà chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, đó là tình trạng bán giấy chứng nhận sức khỏe trái phép, kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
Từ bán trực tiếp
Một trong những điểm nóng về bán giấy chứng nhận khám sức khỏe trên địa bàn Hà Nội đã được phản ánh nhiều trong thời gian gần đây là khu vực trước cổng BV ĐK Hà Đông. Mới đầu tháng trước, lãnh đạo BV ĐK Hà Đông đã phải ra một công văn yêu cầu các cán bộ, y bác sĩ trong BV phối hợp cùng chính quyền địa phương chấn chỉnh hoạt động này. Thế nhưng có mặt tại đây vào ngày 8-9, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh mồi chài bán giấy khám sức khỏe của các “cò mồi” trước cổng BV vẫn diễn ra khá tự do, công khai.
Các BV luôn quá tải nên nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mua giấy khám sức khỏe (ảnh minh họa).
Đường Cù Chính Lan dẫn thẳng vào cổng BV dài chỉ chừng 50m. Thấy tôi tay cầm tập hồ sơ xin việc lững thững đi qua, bà bán hàng nước kiêm trông giữ xe vỉa hè gọi với “gửi xe, khám sức khỏe không?”. Tạt vào uống cốc nước để tìm hiểu thực hư, bà chủ hàng tiếp tục đon đả giới thiệu “cháu đi làm giấy khám sức khỏe lái xe hay đi làm, bác bảo cô L. cô ấy làm cho, tội gì vào BV chờ đợi cả buổi chả đến lượt”. Bà này chưa dứt câu thì người phụ nữ có tên L., chạc hơn 30 tuổi đang ngồi ở cửa nhà tiếp lời “làm sức khỏe gì đưa chị làm cho, chị chỉ lấy chút tiền công thôi còn giá khám như trong BV, vài phút có ngay”.
Tôi tỏ ý nghi ngờ, hỏi lại “khám sức khỏe để xin việc, chị làm được không? Mà đây là làm ngoài hay làm trong BV, giấy khám sức khỏe của BV thật chứ?”. Chị L. lên giọng khẳng định “tất nhiên là giấy chứng nhận của BV, chữ ký bác sĩ, dấu đỏ của BV đàng hoàng. Nếu em làm thì chị lấy 120.000 đồng, ngồi đợi lấy luôn không cần khám”. Để có sức thuyết phục hơn, chị L. chào tiếp “nếu em làm thì ngồi đợi mấy phút, chị đi lấy giấy chứng nhận về thì đưa tiền cũng được, đảm bảo giấy của BV hợp lệ 100%”… Tìm hiểu thêm tôi được biết, ở khu vực này tồn tại khá nhiều “cò mồi” như L. Cơ quan chức năng của địa phương đã có lần rà soát, xử phạt gần chục đối tượng bán giấy chứng nhận sức khỏe trái phép trước cổng BV ĐK Hà Đông, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa giải quyết được.
…Đến rao bán qua mạng
Ngoài hình thức bán giấy khám sức khỏe trực tiếp một cách “chui lủi” trước cổng các BV lớn, rất nhiều cá nhân, tổ chức còn đăng thông tin bán giấy khám sức khỏe trái phép trên các trang mạng Internet. Chỉ cần vào trang tìm kiếm của Google, dễ dàng tìm thấy hàng chục số điện thoại của những cá nhân rao thông tin làm, bán giấy khám sức khỏe mà không cần khám. Cũng chính điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy, nhiều câu chuyện bi hài, gây thiệt hại không nhỏ cho cộng đồng, xã hội.
Các bác sĩ Khoa Khám bệnh – Cấp cứu, BV Việt Đức kể lại câu chuyện vừa xảy ra tại BV này 2, 3 tháng trước. Một công ty phản ánh đến BV về một trường hợp nhân viên vừa xin vào lao động tại công ty. Theo đó, trong giấy chứng nhận khám sức khỏe của nhân viên này do BV Việt Đức cấp có ghi thông tin sức khỏe người được khám tốt, không có gì bất thường, song thực tế người nhân viên được khám sức khỏe này chỉ có 1 cánh tay, 1 cánh tay còn lại đã bị cụt từ nhỏ. Như thế có thể nói các bác sĩ khám sức khỏe cho người nhân viên này đã… không hề khám. Các bác sĩ Khoa Khám bệnh – Cấp cứu của BV Việt Đức phải lập tức đến xác minh lại trường hợp này và phát hiện, giấy khám sức khỏe của người nhân viên trên là giấy giả, con dấu không phải là dấu của BV Việt Đức.
Sau vụ việc trên, một nam điều dưỡng viên của khoa đã truy tìm thông tin trên mạng và phát hiện có nhiều người rao bán đầy đủ giấy khám sức khỏe của tất cả các BV lớn. Anh này đã trực tiếp gọi đến 1 số điện thoại của một người rao bán trên mạng để hẹn gặp nhằm mua 1 giấy khám sức khỏe của BV Việt Đức với giá 60.000đ, kết quả hóa ra các loại giấy khám sức khỏe này đều dùng dấu giả. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở y tế, lợi ích của các cơ quan tuyển dụng lao động, học sinh hay đào tạo lái xe mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người mua giấy khám sức khỏe trái phép.
Video đang HOT
Cần siết chặt
Theo quy định, chỉ các BV, cơ sở y tế có đủ điều kiện khám sức khỏe đã được cơ quan chức năng của Nhà nước thẩm định thì mới được tổ chức khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người dân. Việc quản lý, cấp giấy chứng nhận sức khỏe cũng phải được thực hiện một cách chặt chẽ. Quy định mới nhất của Bộ Y tế vừa ban hành tháng 4-2010 về tăng cường kiểm tra công tác khám sức khỏe nhấn mạnh, những trường hợp cố tình vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe, cấp giấy chứng nhận bừa bãi, không đúng sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy tố. Giám đốc các cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khám sức khỏe, cũng như các hành vi vi phạm quy trình khám sức khỏe ở cơ sở mình. Tuy nhiên việc thực hiện quy định không hề dễ dàng.
Nhiều BV luôn đóng sẵn dấu đỏ ở mặt trong tờ giấy khám sức khỏe
Ông Nguyễn Khắc Hiền – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo tất cả các đơn vị trong và ngoài công lập nghiêm túc thực hiện việc khám sức khỏe theo các quy định chuyên môn hiện hành. Đồng thời giao Thanh tra Sở Y tế xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra công tác khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe tại các cơ sở khám sức khỏe trong và ngoài công lập. Điều quan trọng nhất là phải siết chặt kỷ luật công tác khám sức khỏe từ trong chính BV, xử lý nghiêm hành vi tuồn giấy chứng nhận sức khỏe đã đóng dấu ra ngoài hoặc cấp giấy chứng nhận sức khỏe không đúng quy định.
Cũng theo ông Hiền, nhiều BV hiện vẫn đóng sẵn dấu đỏ trên 2 mặt giữa của tờ giấy chứng nhận khám sức khỏe trước khi bán cho người bệnh đi khám sức khỏe tại các phòng chức năng. Việc này dễ bị các “cò mồi” lợi dụng để làm giả giấy chứng nhận, bán ra cho người bệnh tự điền các thông số sức khỏe mà không cần khám. Sắp tới, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nhằm siết chặt thực trạng này.
Theo An ninh thủ đô
Quá dễ để mua khóa luận chỉ với... 30.000 đồng
Có một thực tế rất đáng lên án, ảnh hưởng tới sản phẩm của giáo dục, đó là một số điểm photocopy, trang web đã công khai rao bán, tổ chức hoạt động mua bán "chất xám" - tiểu luận, khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp...
Một bộ tiểu luận từ 15-30 trang đã được in ra giấy có giá là 500 đồng/trang, nếu mua file cóp ra USB - cổng chứa dữ liệu thì khách hàng chỉ phải trả 10.000 đồng/bộ; còn đối với file khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp cóp trực tiếp vào USB thì giá của nó tăng lên 30.000 - 40.000 đồng (với số trang dao động từ 70-120 trang/bộ).
Điều này đang thực sự báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng vào cuộc. Bởi nếu không được ngăn chặn, hành vi buôn bán luận văn, chuyên đề... để trục lợi bất chính không chỉ tiếp tay cho thói gian lận trong học tập, thi cử, mà còn dẫn tới hậu quả ra lò những sản phẩm giáo dục không mong muốn.
File khóa luận tốt nghiệp... chỉ với 30-40 ngàn đồng.
PGS. TS Phạm Văn Quyết - Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, ĐH KHXH&NV (ĐHQGHN) cho biết, theo quy trình đào tạo của nhà trường, đối với hệ đào tạo bậc thạc sĩ, trước khi làm luận văn, các học viên phải lập và báo cáo đề tài cũng như giáo viên hướng dẫn cho Ban Giám hiệu nhà trường. Kế đó, Ban Giám hiệu nhà trường ra thông báo thành lập một ban (bao gồm các thầy giáo, nhà nghiên cứu chuyên môn...) chuyên đảm nhận việc kiểm định tính cấp thiết, mức độ khả quan cũng như xét xem có sự trùng lặp với các đề tài khác không. Các đề tài này sau khi bảo vệ được lưu trong bảng biểu theo dõi. Do đó, các học viên có suy nghĩ "đạo, xào" luận văn cần nhận thức rõ hệ lụy đi kèm.
Để thu thập thêm cứ liệu cho bài viết này, phóng viên đã có cuộc thâm nhập thực tế thị trường mua bán "chất xám" đã và đang tồn tại trên địa bàn thành phố thời gian qua. Sáng 26/8, trong cơn mưa tầm tã của đợt thời tiết chuyển mùa, "khoác" lên mình bộ dạng của những sinh viên đang có nhu cầu tìm mua tiểu luận, khóa luận, chúng tôi tìm tới cung đường Trần Đại Nghĩa - đoạn gần khu vực Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội (quận Hai Bà Trưng). Đập vào mắt chúng tôi lúc này là hình ảnh các cửa hàng photocopy nằm san sát nhau. Lượng khách (chiếm đa phần là sinh viên) lui tới nơi đây để in, sao tài liệu học tập luôn nườm nượp.
Tấp vào một cửa hàng nằm ngay mặt đường, khi biết chúng tôi có nhu cầu muốn "sắm" cho mình một bộ file tiểu luận để nộp gấp cho thầy giáo chấm lấy điểm, chủ quán là một trung niên không ngần ngại cung cấp ngay một điểm chuyên kinh doanh mua bán tiểu luận, khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp... nằm cách đấy không xa.
"Lò" sản xuất, buôn bán "mặt hàng đặc biệt" này nằm trong một con ngõ nhỏ gần khu vực Trường ĐH KTQD. Có lẽ với mục đích "quảng cáo" cho khách hàng biết các mặt hàng kinh doanh của mình nên chủ cửa hiệu photocopy ở đây đã cho gắn một tấm biển quảng cáo có nội dung: "... Chuyên in tiểu luận, luận văn, đề án, chuyên đề" ngay phía đầu ngõ. Bất giác ai đi qua cũng phải tò mò mà ngoái nhìn...
Chỉ nhìn thấy khách vừa kịp dừng xe, nữ chủ quán khoảng ngoài 40 tuổi vận bộ quần áo ngủ đon đả mời chào: "Em cần gì? Cứ để xe đấy, vào đây!". Thấy chúng tôi đề cập đến việc muốn mua một vài bộ khóa luận tốt nghiệp có liên quan đến ngành tài chính ngân hàng để về "xào" cho đỡ mất thời gian, chị chủ quán vừa đẩy chiếc ghế về phía khách, đồng thời không quên bật màn hình chiếc máy tính đang nằm giữa gian nhà: "Đợi chị chút! Cái gì cũng có hết".
Nhiều cửa hàng photocopy luôn sẵn sàng bán khóa luận với giá rẻ như bèo
Vừa mở máy, người phụ nữ này vừa tranh thủ quảng cáo thêm về các loại "hàng" mình đang có như các tiểu luận, khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp bao hàm các nội dung có liên quan đến những chuyên ngành như: kế toán, tài chính, kinh tế, ngân hàng... cửa hàng đều có đủ. "Trăm nghe không bằng một thấy", sợ khách chưa tin, nữ chủ quán liền nhấp chuột vào bên trong một file chứa dữ liệu có trong máy tính.
Đến đây chúng tôi mới "tá hỏa" trước một list (danh sách) dài cả hàng trăm bản tiểu luận, khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp... của các khối ngành kinh tế đều được bài trí khá bài bản trong một bản thống kê gồm 3 cột với các nội dung tương đương: Mã tiểu luận, khóa luận tên đề tài số trang đính kèm.
"Em lấy khóa luận đề tài, chuyên ngành gì?", chủ quán hất hàm hỏi một trong hai chúng tôi. "Chị cứ lấy đại cho em một bộ có liên quan đến chuyên ngành tài chính ngân hàng". Nghe rồi, chị sử dụng thao tác chắt lọc dữ liệu thông qua từ khóa "ngân hàng". Hàng loạt mã đề tài, tên khóa luận theo đó xuất hiện. Tôi liền nhanh tay chỉ 2 mã số của một khóa luận có đề tài nghiên cứu về việc đẩy mạnh huy động vốn của 2 chi nhánh ngân hàng có trụ sở đóng tại Hà Nội. "OK!" - vừa nói, chị vừa điền mã ký hiệu của khóa luận trên vào một tờ giấy trên bàn. "Thế còn lấy gì nữa không em?". "Chị cho em thêm 2 bộ tiểu luận của môn Triết học và Kinh tế chính trị nữa, nội dung thế nào cũng được". Tay chị lại thoăn thoắt điền mã số ra giấy....
Vén bức màn bí mật
Sau khi "chốt" lại danh sách mã số các tiểu luận, khóa luận, chị liền thao tác mở một folder (nơi chứa dữ liệu). Đến đây, chúng tôi càng thấy "phát hoảng" hơn khi mà bên trong là hàng trăm file tiểu luận, khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp... với tên file đính kèm bởi các mã số... Đáng chú ý sau khi nhận đủ tiền, chị chủ quán còn đưa ra lời "bảo hành" chắc như đinh đóng cột: Bọn em cứ yên chí về chất lượng của các khóa luận, tiểu luận trên. Nhiều "đầu nậu" nhận làm khoá luận, chuyên đề với giá hàng triệu đồng còn đổ về đây để mua lại của chị đem về "xào" lại đấy...!
Tiếp tục ghi nhận thêm về thị trường mua bán tiểu luận, khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp trên địa bàn thành phố, chúng tôi ghé vào một điểm chuyên cung cấp tài liệu, giáo trình đã được photocopy trong con ngõ nằm trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - đoạn gần Trường Đại học Luật Hà Nội.
Thấy tôi bảo là sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học đóng trên địa bàn đang cần mua cho mình file tiểu luận, đề cương ôn tập của khối ngành tư pháp, cô nhân viên bán hàng cho biết: "Mỗi file tiểu luận của khối ngành luật (luật thương mại, luật hình sự...) được copy trực tiếp ra USB có giá 20 ngàn đồng/bộ. Còn khóa luận tốt nghiệp các chuyên ngành có giá 30 ngàn đồng/bộ".
Cầm tờ tiền mang mệnh giá 50 ngàn đồng từ tay chúng tôi, qua vài thao tác cô nhân viên đã "bắn" sang USB của tôi một khóa luận lên đến 85 trang giấy A4.
Giao diện một file chuyên đề luận được chụp lại.
Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian vài tiếng đồng hồ, qua khảo sát, thâm nhập thực tế, chúng tôi đã có trong tay chiếc USB chứa "chất xám" của 5-6 tiểu luận, khoá luận các loại - và như vậy chỉ cần bỏ ra chút tiền, một khối lượng kiến thức không phải ít đã mặc nhiên thuộc về chúng tôi. Đáng chú ý, khi bóc gỡ dữ liệu lưu trữ trong chiếc USB chúng tôi nhận thấy: toàn bộ số khóa luận, tiểu luận trên đều được làm khá cẩn thận, các mục lời nói đầu, nội dung cho đến lời cảm ơn, danh mục tài liệu tham khảo... rồi tên sinh viên thực hiện...
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu hết các điểm kinh doanh "chất xám" trên địa bàn thành phố hiện nay đều kiêm dịch vụ photocopy, in ấn tiểu luận, khóa luận, chuyên luận tốt nghiệp... Và một điều ít ai nhận biết được đó chính là việc, tại một số điểm, chủ cửa hàng sau khi nhận dịch vụ in, chỉnh sửa căn lề tiểu luận, khóa luận... cho khách đã lén copy vào máy của mình, sau đó cung cấp cho người có nhu cầu mua số "chất xám" này.
Không chỉ bán tại các điểm kinh doanh dịch vụ photocopy, một số đối tượng nhận thấy mạng Internet là kênh thông tin, giao dịch chớp nhoáng nên đã công khai rao bán trên mạng. Các diễn đàn, trang web đính kèm các nội dung quảng cáo, rao bán đại loại như: "Bán luận văn, khóa luận... giảm giá"; "khách hàng mua nhiều sẽ được giảm giá"...
Nhấp vào đường link: ..., chúng tôi chứng kiến việc giao diện màn hình máy tính hiện ra thông tin khá gây sốc: "Biểu phí dịch vụ đặt mua (luận văn, khóa luận) giảm giá từ 25/6 đến 30/6/2010", đính kèm là hàng loạt biểu giá đặt mua luận văn thạc sĩ - luận văn cao học. 100 ngàn đồng/bộ tài liệu luận văn thạc sĩ, bài thảo luận có giá 40 ngàn đồng/bộ... đó là một số thông tin có trong biểu giá trên. Rồi tại trang web: ..., hàng loạt lời quảng cáo "chắc như đinh đóng cột" như: bất kể luận văn, khóa luận theo các khối ngành... tất cả đều có cả.
Thực tế này cho thấy rõ ràng đây là hành vi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ đã ra đời được 5 năm, tuy nhiên tại nhiều trường đại học tình trạng sinh viên vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Phổ biến nhất vẫn là việc sao chép tài liệu của người khác cho những đề tài của mình. Tình trạng sao chép này dẫn đến trường hợp có những tài liệu đã được sao chép dây chuyền qua rất nhiều người. Và nếu như chúng ta không trang bị cho giáo viên những công cụ phát hiện đạo văn, đơn cử như công cụ kiểm tra tính cá biệt của tác phẩm thì rất khó phát hiện được tình trạng đạo văn, sao chép tài liệu...
Phát hiện "cop" tiểu luận sẽ không công nhận điểm Đem vấn đề "chất xám" đang được rao bán công khai hiện nay đến trao đổi với đại diện Ban Giám hiệu ĐH KTQD HN, chúng tôi được PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng cho biết: Hiện tượng mua bán các file tiểu luận, khóa luận như hiện nay rất đáng lên án. Bởi đây là hoạt động kinh doanh gây ảnh hưởng "chất xám" học đường. Các trường hợp sử dụng file tiểu luận, khóa luận để nộp, lấy điểm cho mình phải bị xử lý nghiêm. Cũng theo PGS. TS Bùi Anh Tuấn, để ngăn ngừa việc sinh viên mua "chất xám", lấy tiểu luận, khóa luận người khác làm của mình, hằng năm, nhà trường đều phổ biến nội quy rộng rãi tới các khóa học. Theo đó, những sinh viên nào nếu bị phát hiện gian lận trong quá trình làm tiểu luận, khóa luận sẽ bị xử lý nghiêm. Điểm số theo đó sẽ bị hạ xuống (tùy từng mức độ vi phạm). Đặc biệt, đối với trường hợp sử dụng đề tài, khóa luận của người khác khi bị phát hiện, nhà trường còn thực thi biện pháp không công nhận điểm, đưa ra kỷ luật trước trường. PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho hay: Để ngăn chặn việc mua bán "chất xám" như hiện nay, các trường đại học cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến nội quy liên quan đến việc xử lý nghiêm các sai phạm có liên quan cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn đề tài tiểu luận, khóa luận, chuyên đề... cần sát sao trong quá trình chấm điểm, kiểm tra tính trung thực đối với từng học sinh, sinh viên. Bởi trên thực tế cũng có thể xảy ra trường hợp sinh viên trường này do cùng khối ngành kinh tế đã mua đề tài, khóa luận của sinh viên trường khác. Đồng thời, trong quá trình chấm duyệt, cần phân loại mảng đề tài một cách rõ rệt để từ đó sớm phát hiện, xử lý kịp thời các tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp trùng lặp, có dấu hiệu gian lận.
Theo CAND
Tình ảo - Lắm chuyện bi hài Không ít người online để tìm một nửa cho mình... (Ảnh minh họa) Vì tò mò, muốn biết sự thú vị và thực hư của các mối quan hệ mạng ảo ra sao, tôi đăng ký vào một trang mai mối online và bắt đầu đi tìm cho mình một chàng hoàng tử bạch mã. Không nhất thiết phải khai tình trạng hôn...