Sức khỏe bệnh nhân 91 phi công người Anh: Diễn biến mới nhất
Bệnh nhân vẫn đang rất nguy kịch, tiếp tục được thở máy, dùng ECMO, lọc máu và bơm rửa màng phổi.
Sáng 15/5, thông tin về sức khỏe bệnh nhân 91 – phi công người Anh mắc COVID-19 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Tiểu ban điều trị – Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19 cho biết, bệnh nhân vẫn đang rất nguy kịch.
Đây là bệnh nhân nặng nhất trong số 52 ca bệnh COVID-19 điều trị hiện tại. Người bệnh trải qua gần 2 tháng nằm viện. Phi công người Anh vẫn đang tiếp tục thở máy và được mở khí quản ngày thứ 22, sử dụng máy ECMO ngày thứ 40, lọc máu, sử dụng thuốc kháng sinh, kháng nấm, bơm rửa màng phổi.
(Ảnh minh họa)
Trước đó bệnh nhân chỉ bị đông đặc một bên phổi, nhưng hiện tình trạng này xuất hiện ở cả hai bên phổi. Phổi của bệnh nhân đã đông đặc gần như toàn bộ, cơ hội hồi phục 2 lá phổi rất thấp.
Bệnh nhân có 5 lần xét nghiệm âm tính với virus corona, nhưng cần điều trị nhiễm trùng và hồi sức trước khi chỉ định ghép phổi.
Về bệnh nhân 278, Tiểu ban điều trị cho biết, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, hết ói, còn ho, không sốt.
Cùng ngày, Bộ Y tế công bố thêm 24 trường hợp mắc COVID-19, đều là hành khách trở về từ nước Nga trên chuyến bay VN0062 hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh).
Tất cả 24 bệnh nhân được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, mã số: BN289, BN290, BN291, BN292, BN293, BN294, BN295, BN296, BN297, BN298, BN299, BN300, BN301, BN302, BN303, BN304, BN305, BN306, BN307, BN308, BN309, BN310, BN311, BN312.
Như vậy, đến nay Việt Nam ghi nhận 312 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 260 người khỏi bệnh, đủ điều kiện xuất viện theo quy định của Bộ Y tế.
Thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam có tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 12.236.
Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 353; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.492 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 3.391. Nước ta có tổng cộng 172 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Đến thời điểm này, 260 bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam được công bố khỏi bệnh/xuất viện. Hiện còn 52 bệnh nhân điều trị tại 6 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ, thì 5 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus corona và 9 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên.
BN19 tay chân linh hoạt sau hơn 2 tháng trên giường bệnh
Hai người Việt Nam đăng ký hiến phổi cho bệnh nhân 91 phi công người Anh
Hai người Việt Nam ngay khi nghe tin tình trạng phi công người Anh nguy kịch đều muốn hiến một phần cơ thể để cứu người, giúp đời.
Chiều 13/5, ông Vũ Hoàng Phúc - Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, có 2 người Việt Nam muốn hiến tặng phổi để ghép cho bệnh nhân 91 (BN91) là phi công người Anh mắc COVID-19. Bệnh nhân này vẫn trong tình trạng nguy kịch, đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Trường hợp muốn hiến tặng phổi đầu tiên là người phụ nữ ngoài 40 tuổi, tình trạng khỏe mạnh, đã có gia đình. Chị không quen biết gì với phi công người Anh. Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chị biết tình trạng bệnh của BN91 nên muốn hiến một phần cơ thể mình với ước nguyện lan tỏa tình thương tới những hoàn cảnh khác.
(Ảnh minh họa)
Trường hợp thứ 2 là cựu chiến binh ngoài 70 tuổi ở Đắk Nông. Ông chia sẻ, qua đài báo ông biết đến tình trạng phi công người Anh rất nguy kịch. Nếu không được ghép phổi, người này sẽ khó qua khỏi. Với nghĩa cử cao đẹp, ông xin số của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người từ Hội Chữ thập đỏ để đăng ký hiến phổi cho người bệnh..
"Ông đã hai lần gọi đến trung tâm để xin đăng ký hiến một phần phổi cho BN91. Tuy nhiên, quy định không cho phép nhận tạng từ người ngoài 70 tuổi. Khi biết tin, ông có vẻ buồn", ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, vừa qua có một trường hợp khác đăng ký hiến phổi cho BN91. Người cho đã chết não, nhóm máu O. Tuy nhiên, do có yếu tố về nhiễm trùng, nên phổi người này bị hỏng, không thể ghép cho phi công người Anh.
Phi công người Anh 43 tuổi, cao 1,83m, nặng 100kg (chỉ số khối cơ thể là 30,1 - có yếu tố béo phì). Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá, giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ.
Ngoài ra, bệnh nhân còn kháng toàn bộ các loại thuốc chống rối loạn đông máu đang được dùng trong nước. Bộ Y tế phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị.
BN91 là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất hiện nay, quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường. Bệnh nhân được xác định dương tính với virus corona vào ngày 18/3, sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ.
Trước đó bệnh nhân chỉ bị đông đặc một bên phổi, nhưng hiện giờ tình trạng này xuất hiện ở cả hai bên. Phi công người Anh đang tiếp tục phải thở máy, lọc máu. Hiện tại, BN91 đang hoàn toàn phụ thuộc vào ECMO (tim phổi nhân tạo, tiên lượng rất xấu, cả 2 phổi đều đã bị xơ hóa đông đặc, chỉ còn khoảng 10% có thể hoạt động.
Theo các chuyên gia, phổi của BN91 bị tổn thương rất nặng, nếu không được ghép phổi, bệnh nhân sẽ khó có thể phục hồi.
Sức khỏe 3 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại TP.HCM thế nào? TP.HCM đang điều trị cho 3 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó phi công người Anh là trường hợp nặng nhất. Ngày 12/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết, bệnh nhân 91 (phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Tình trạng bệnh nhân ổn định, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đang tiếp tục...