Sức hút từ một câu chuyện quỷ ám có thật
Có lẽ chiếc hộp Dibbuk cùng những bí ẩn xung quanh nó là điều kéo khán giả đến với “ Possession”.
Nếu nói đến thể loại phim kinh dị về quỷ ám, Exorcist trước giờ vẫn luôn đứng trên ngai vàng và hầu như chưa có bộ phim nào vượt qua được nó. Bộ phim xoay quanh một cô bé bị quỷ ám, khuôn mặt dần thay đổi và hành động trở nên khác thường. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi cô bé ngày càng giống một con quỷ thực sự và trở thành mối đe dọa với người khác. Exorcist được coi là bộ phim kinh dị tâm linh kinh điển của mọi thời đại.
Mùa Halloween năm nay, đạo diễn Sam Raimi lại một lần nữa đương đầu với thách thức của thể loại này khi cho ra đời Possession (tựa việt: Đánh cắp linh hồn) – bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật về chiếc hộp Dibbuk của người Do Thái. Đánh cắp linh hồn tiếp tục chứng tỏ sức hút của những câu chuyện quỷ ám ly kỳ khi 2 tuần liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng phim ăn khách nhất Bắc Mỹ.
“Possession” dựa trên một câu chuyện có thật
Phim xoay quanh cô bé Emily (gọi tắt là Em), trong một lần đi cùng bố mình đến phiên chợ mua bán đồ cũ, đã bị hấp dẫn bởi một chiếc hộp được chạm khắc kì lạ. Sau khi Em mang chiếc hộp về nhà, cô bé trở nên gắn bó đặc biệt với nó, đồng thời hàng loạt những sự kiện kỳ lạ liên tiếp xảy ra với gia đình Em.
Chẳng ai có thể ngờ rằng, ẩn giấu bên trong chiếc hộp cổ là một linh hồn lang thang đói khát đang tìm kiếm một cơ thể để chiếm lĩnh. Linh hồn ấy đã biến Em thành một con người khác, và mang những bất hạnh liên tục đến với gia đình cô.
Câu chuyện có thật về chiếc hộp cổ Dibbuk cùng những bí ẩn xung quanh nó có lẽ là một trong những nguyên nhân kéo khán giả đến rạp xem bộ phim này. Với những khán giả yếu bóng vía, Đánh cắp linh hồn có thể khiến họ phải giật mình vì những yếu tố ghê rợn kéo đến bất ngờ. Bối cảnh phim ngập trong bầu không khí u tối, rùng rợn cùng các âm thanh kinh dị cũng là các hiệu ứng giúp làm tăng sự sợ hãi của khán giả.
Sự ghê rợn trong tạo hình của cô bé Em khi bị quỷ ám, cảnh hai ngón tay thò ra từ cổ họng, đàn mối bay khắp nhà, hay cảnh linh hồn đang tìm cách thoát ra khỏi cơ thể của cô bé… cũng có thể làm sợ hãi những khán giả yếu tim. Tuy nhiên, với những fan của thể loại kinh dị, thì Possession thực sự chưa đủ “nặng ký” để khiến họ phải rùng mình. Bộ phim cũng không khiến khán giả bị ám ảnh nhiều khi họ bước ra khỏi rạp chiếu.
Nếu đem so sánh với Exortist hoặc một số bộ phim kinh dị về quỷ ám khác, những hình ảnh củaĐánh cắp linh hồn vẫn thuộc dạng khá “nhẹ nhàng”. Poster phim gây ấn tượng cho khán giả bởi cảnh một bàn tay chui ra từ miệng bé gái. Cảnh quay đó trong phim cũng ấn tượng, nhưng không đến mức quá ghê rợn khiến khán giả phải… nhắm mắt.
Video đang HOT
Poster “Possession”
Ngược lại, thậm chí nhiều khán giả có thể tìm thấy tiếng cười trong bộ phim này, và chắc chắn đó cũng là một dụng ý của đạo diễn Sam Raimi để làm mềm hóa câu chuyện. Những tình tiết như trận bóng rổ tưởng tượng, hay khi vị giáo sư giảng giải những bí ẩn về chiếc hộp cho người cha, thậm chí cả cảnh trừ tà của vị pháp sư… có thể khiến khán giả bật cười. Phim gây ấn tượng bởi những hiệu ứng hình ảnh và âm thanh, nhưng cốt truyện lại khá đơn giản, không có quá nhiều nút thắt mở hay những tình tiết lắt léo “đánh đố” khán giả.
Thành công của Đánh cắp linh hồn phải kể đến diễn xuất ấn tượng của sao nhí 13 tuổi – Natasha Calis. Phần lớn thời lượng phim, Natasha phải mang gương mặt hoặc thất thần, hoặc gớm ghiếc, và cô bé đã thể hiện rất thành công sự chuyển đổi của một người từ bình thường sang bị quỷ ám, không chỉ là những biểu hiện trên gương mặt, mà còn rất đạt qua tiếng thét, kêu gào hay khóc lóc.
Bên cạnh câu chuyện ghê rợn, Đánh cắp linh hồn cũng chứa đựng một câu chuyện khác, đầy ý nghĩa nhân văn về tình cha con, giữa Em và Clyde – người cha sẵn sàng đối đầu với cả thế giới để cứu con gái mình khỏi quỷ dữ.
Không phải là một câu chuyện quá đáng sợ, nhưng là một câu chuyện rất đáng để giải trí, Đánh cắp linh hồn sẽ được công chiếu rộng rãi trên toàn quốc từ hôm nay, 26/10.
Theo Afamily
Những trò "doạ khán giả" của dòng phim kinh dị
Nhắc đến Halloween là người ta nhắc đến bí ngô, hoá trang và ...phim kinh dị. Đêm Halloween sẽ thật tuyệt vời nếu như gia đình, bạn bè ngồi bên nhau, cùng xem một bộ phim "rợn tóc gáy". Một cảm giác thật thú vị! Chúng ta hãy cùng "điểm danh" những trào lưu "doạ khán giả" trong lịch sử phim kinh dị nhé!
Trào lưu 1: Ác quỷ trong truyền thuyết
Là trào lưu cực kỳ thịnh hành vào thời kỳ đầu của phim kinh dị - đầu thập niên 30 cho đến giữa thập niên 50, những bộ phim thuộc thể loại này thường dựa trên các nhân vật trong văn học và thần thoại cổ đại như Dracula hay xác ướp Ai Cập,... Hãng phim Universal là người đi tiên phong trong việc sản xuất phim kinh dị thuộc trào lưu này với Dracula (1931), Frankenstein (1931), The Mummy (1932), The Invisible Man (1933),... và đã đạt được những thành công rực rỡ.
Tuy nhiên đến những năm 40, dòng phim về ác quỷ xuống dốc nghiêm trọng với một loạt thất bại của Frankenstein meets the Wolf Man (1943), House of Frankenstein (1944) hay House of Draculs (1945), thậm chí còn được "biến thể" thành dòng phim... hài trong series Abbott and Cotstello meets... Trong cơn đại suy thoái của thể loại này, The Creature from the Black Lagoon (1954) xuất hiện như một điểm sáng hiếm hoi nhưng cũng không đủ sức vực dậy cả dòng phim đang mất dần sức hút.
Trào lưu 2: UFO
Trong khi dòng phim về những ác quỷ khát máu đang mất dần vị thế độc tôn thì một trào lưu mới đã xuất hiện. Vào cuối những năm 1940, cả nước Mỹ đều như sôi lên với những câu chuyện về UFO (vật thể bay không xác định). Không bỏ lỡ thời cơ quý giá đó, các nhà làm phim Hollywood lập tức tung ra loạt phim kinh dị về các sinh vật ngoài hành tinh với những tác phẩm thuộc hàng "kinh điển" như The Things From Another World (1951), The War of the World (1953) và Invation of the Body Snatchers (1956).
Trào lưu 3: Quái vật khổng lồ
Năm 1933, bộ phim King Kong được ra mắt khán giả, đánh dấu sự ra đời của một thể loại phim kinh dị mới - dòng phim về những con quái vật to lớn và hung tợn bất ngờ xuất hiện và tấn công con người. Tuy nhiên phải đến 20 năm sau thì dòng phim này mới bắt đầu nở rộ khi The Beast From 20000 Fathoms (1953) sử dụng hiệu ứng stop-motion của Ray Harryhausen trở thành một cơn sốt tại khắp các phòng vé. Trào lưu này tiếp tục thành công với Godzilla (1954 - làm lại năm 1956), bộ phim về loài kiến khổng lồ Them! (1954) và It Came From Beneath the Sea (1955) tuy nhiên lại nhanh chóng rơi vào thoái trào từ những năm 1960.
Trào lưu 4: Phù thuỷ
What Ever Happened to Baby Jane? (1960)
Câu chuyện về những trò hành hạ, khủng bố tinh thần của một ngôi sao nhí bị căn bệnh lão hoá đối với người chị gái tàn tật của mình - What Ever Happened to Baby Jane? (1960) đã mở ra một dòng phim kinh dị mới, trong đó những kẻ giết người, gieo rắc nỗi khiếp sợ đều là phụ nữ. Trào lưu này cực thịnh vào giữa những năm 60 với William's Strait-Jacket (1964), Dead Ringer (1964), Robert Aldrich's Hush Hush..., Sweet Charlotte (1964), nhưng đến những năm 70 lại trở nên nhàm chán đối với khán giả do những phim thời kỳ này như What's the Matter with Helen? (1971) hay Persecution (1974) gần như không có sáng tạo gì mới mẻ mà chỉ đi theo motip sẵn có.
Trào lưu 5: Quỷ ám
Dòng phim này có những đại diện rất đáng tự hào như Rosemary's Baby (1968) - một trong những phim kinh dị thuộc hàng kinh điển hay The Exorcist (1973) - phim khiến nhiều khán giả phải bỏ chạy khỏi rạp và The Omen (1976) - một tác phẩm hiếm hoi kết hợp được cả yếu tố kinh dị lẫn các giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, chính sự rập khuôn, lặp lại nguyên mẫu của 3 bộ phim nổi tiếng trên như Beyond the Door (1974) và The Godsend (1979) cùng với việc tham lam sản xuất các phần tiếp theo của các tác phẩm thành công (như Exorcist II: The Heretic (1977) đã tự giết chết trào lưu phim kinh dị này.
Trào lưu 6: Thảm hoạ từ các loài sinh vật
Jaws của đạo diễn Steven Spielberg không chỉ thành công về mặt doanh thu phòng vé mà còn rất thành công trong việc... làm cho khán giả tránh xa các kì nghỉ ở bãi biển. Hình ảnh những con cá mập với hàm răng trắng ởn, sẵn sàng "xử lý" bất cứ một du khách nào không may rơi xuống biển đã in đậm trong tâm trí của mọi khán giả. Vậy là một trào lưu mới lại bắt đầu với một loạt phim về những loài vật "có khả năng ăn thịt người" (như cá sấu, cá mập,...) gồm Piranha (1978), Day of the Animals (1977) hay Crocodile (1981).
Dù rằng thời hoàng kim của dòng phim này đã kết thúc từ đầu những năm 1980 nhưng doanh thu của Jaws II: The Revenge (1987) vẫn đạt được mức cao kỉ lục. Nếu muốn biết vì sao có những người cả đời không đặt chân đến những bãi biển hay khu đầm lầy thì bạn hãy thử xem tác phẩm thuộc dòng phim này một lần nhé !!!
Trào lưu 7: Slasher Shock
Slasher Shock (với mô-típ phim về một kẻ tâm thần đi giết người hàng loạt) là một trong những trào lưu phim kinh dị nổi tiếng và tạo được nhiều tiếng vang nhất, mở đầu bằng Halloween (1978) - một cú nổ lớn của làng phim ảnh thế giới. Ngay sau đó là một loạt phim kinh dị thuộc thể loại này ồ ạt ra mắt, với không ít những tác phẩm xuất sắc như Friday the 13th (1980), A Nightmare on Elm Street (1984).
Cũng giống như dòng phim kinh dị về đề tài "quỷ ám", do những phim về sau càng ngày càng thiếu sáng tạo cộng với việc cho ra mắt phần tiếp theo của các phim đã thành công đã đẩy dòng phim Slasher đến bờ vực thoái trào.
Trào lưu 8: Tai hoạ từ các chủng tộc khác
Là trào lưu khá ngắn ngủi (1979 - giữa những năm 80), dòng phim này không có nhiều đại diện xuất sắc. Alien (1979) là bộ phim mở đầu, đồng thời cũng là phim thành công nhất của thể loại này. Suốt thời kỳ thịnh hành của mình, dòng phim này đã cho ra đời không ít tác phẩm, nhưng không có bộ phim nào là thực sự xuất sắc. Mãi tới năm 1987, Predator ra đời, đạt được thành công nhất định nhưng đồng thời cũng đặt dấu chấm hết cho thời kì "cai trị" của dòng phim về các người ngoài hành tinh.
Trào lưu 9: Cảm giác tự rùng mình
Trào lưu mới này ra đời vào giữa những năm 90, là một tiểu thể loại của dòng phim Slasher Shock lẫy lừng trước đó, bắt đầu bằng Scream (1996) - bộ phim có doanh thu trên 100 triệu USD. Năm sau, Scream II và I Know What You Did Last Summer ra mắt, củng cố địa vị cho "ông vua" mới này. Đến đầu những năm 2000, Scream được dàn dựng lại thành một series phim kinh dị cho tuổi teen, đồng thời I Know What You Did Last Summer cũng được làm tiếp phần II. Nhưng những nỗ lực "remake" các tác phẩm kinh điển cũng không giúp cho "ông vua" này tránh khỏi việc bị "hất" khỏi ngai vàng.
Trào lưu 10: Ám ảnh
The Ring
Là một trào lưu mới xuất hiện từ cuối thập niên 90, và là trào lưu hiếm hoi có nguồn gốc từ châu Á, những phim kinh dị thuộc thể loại này thường không gây cho khán giả cảm giác sợ hãi đến mức hét lên bằng các hình ảnh ghê rợn, mà thường để cho nỗi sợ len lỏi sâu dần trong tâm trí, tạo cho người xem một sự ám ảnh đến rợn người. Nổi tiếng nhất của trào lưu này là bộ phim Ringu (được Hollywood làm lại với tên mới The Ring). Thành công của The Ring đã khiến các nhà làm phim Hollywood chú ý đặc biệt tới thể loại này và bắt tay vào sản xuất lại những phim như The Grudge, Dark Water, Pulse (Nhật Bản) hay Mirror, The Uninvited (Hàn Quốc),...
Trào lưu 11: Tra tấn
Saw (2004) là một trong những bộ phim "có lãi" nhất trong lịch sử với doanh thu 103 triệu USD trong khi chi phí sản xuất chỉ là 1,2 triệu USD. Mặc dù gây tranh cãi trong việc miêu tả quá rùng rợn việc tra tấn, hành hạ cũng như sự đau đớn của các nạn nhận nhưng Saw vẫn là một bộ phim được các fans của dòng phim kinh dị đánh giá cao. Bằng chứng là các phần tíếp theo của Saw đều nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía khán giả. Có một "người mở đường" thành công vang dội, trào lưu phim kinh dị mới này nhanh chóng phát triển với một loạt tác phẩm như Hostel (2006), Turistas (2006), Captivity (2007).
100 năm đã trôi qua kể từ khi bộ phim kinh dị đầu tiên được ra mắt, biết bao trào lưu đã ra đời, đạt đến đỉnh vinh quang rồi thoái trào, nhường chỗ cho một xu hướng mới "hot" hơn, hấp dẫn hơn. Sức sáng tạo của con người là vô tận, các nhà làm phim sẽ không ngừng tạo ra những trào lưu phim ảnh mới. Mùa Halloween năm nay, có thể phim kinh dị thuộc trào lưu "tra tấn" vẫn sẽ khẳng định sức hút. Nhưng không ai dám chắc rằng, đến năm sau trào lưu này còn thu hút khán giả hay không? Một trào lưu khác sẽ ra đời? Hay một "ông vua" trong quá khứ sẽ hồi sinh? Câu trả lời còn ở phía trước.
Theo PLTP
Phim kinh dị ăn khách liên tiếp đổ bộ Việt Nam Mùa Halloween năm nay sẽ rất đặc biệt đối với các fan của phim kinh dị. Sau một loạt phim kinh dị nổi tiếng như Hotel Transylvania, Possession, Frankenweenie đến Việt Nam, mới đây, bộ phim vừa giữ vị trí quán quân trên bảng xếp hạng phim ăn khách Bắc Mỹ - Paranormal Activity 4 sẽ tiếp tục ra mắt khán giả Việt...