Sức hút nơi cổng trời Cao Phạ
Những năm qua, người dân xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải đã thay đổi tư duy và nhận thức về phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững kết hợp bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra sức hút riêng cho sản phẩm du lịch của địa phương.
Khách du lịch thích thú trải nghiệm bay dù lượn trên cánh đồng Cao Phạ.
>>Cao Phạ sẵn sàng đón khách du lịch “mùa nước đổ”
Nếu như đèo Khau Phạ được ví như con đường dẫn lên cổng trời thì xã Cao Phạ là điểm đặt chân đầu tiên trên hành trình ấy với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mây núi bồng bềnh và mênh mông ruộng lúa. Khai thác tiềm năng ấy, nhiều năm nay, chính quyền địa phương với sự đồng hành của tổ chức phi chính phủ Khau Pha Friends đã tuyên truyền, vận động người dân tại các bản: Tà Sung, Tà Chơ… nằm trong thung lũng phát triển du lịch, coi đây là một ngành nghề chính để thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Người dân được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để tu sửa nhà, cải tạo môi trường sống. Xã cũng định hướng người dân xây dựng sản phẩm và dịch vụ du lịch theo hướng lấy bản sắc văn hóa địa phương làm điểm nhấn như: khôi phục và phát triển nghề nhuộm chàm để bán khăn, vải nhuộm chàm; tổ chức các ngày hội môi trường; phát động các đợt ra quân trồng cây, xử lý rác thải… Nhờ đó, du lịch ở Cao Phạ dần phát triển một cách bền vững, có trách nhiệm, mang sức hút riêng. Sức hút đầu tiên đến từ sản phẩm du lịch “dù lượn”.
11 năm tổ chức, sản phẩm này được đánh giá là một trong những trải nghiệm đáng giá để khám phá trọn vẹn vẻ đẹp kỳ diệu của Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, bởi sự khác biệt do cảm xúc tự do, góc nhìn từ trên cao mang lại. Nguyễn Phương Thảo Vy – du khách ở Hà Nội từng chia sẻ: “Sự phấn khích xen lẫn tự hào cứ len lỏi toàn bộ tâm trí. Tự hào vì thiên nhiên đất nước mình đẹp quá, tự hào vì đã vượt qua những đắn đo, lo lắng của bản thân đến được đây. Cảnh vật xung quanh đẹp đến nghẹt thở, thiên nhiên và con người lúc này như hòa làm một. Bên dưới là những đồng ruộng bậc thang trải dài hùng vĩ, phía trên là mặt trời ấm áp rọi sáng. Mình chỉ việc tận hưởng, hít hà mọi thứ thôi”.
Sau trải nghiệm ấy, du khách có thể tiếp tục hòa mình vào thiên nhiên, bản sắc văn hóa, con người nơi đây khi đến với các homestay nằm nép mình giữa thung lũng. Đây là sức hút thứ nữa của Cao Phạ. Cũng là các homestay cộng đồng như bao nơi nhưng ở đây có đội ngũ kiến trúc sư chuyên nghiệp đến tận nơi hỗ trợ thiết kế và xây dựng lại ngôi nhà sàn theo hướng thân thiện với tự nhiên, bảo tồn các nét văn hóa truyền thống, biến những ngôi nhà ban đầu còn đơn sơ thành các cơ sở lưu trú homestay xinh đẹp với các tiện nghi hòa hợp với thiên nhiên.
Đường điện, đường hoa trải dọc bản làng; còn có thư viện cộng đồng, sân chơi phiêu lưu gồm các trò chơi truyền thống, dân tộc của người địa phương ngay trong bản. Chủ các homestay đã được hướng dẫn và hỗ trợ các kỹ năng nấu nướng, giao tiếp, thực hành tiếng Anh, đón khách để mang lại cho khách du lịch những trải nghiệm tốt nhất.
Nhờ đó, gần 20 homestay trên địa bàn luôn kín khách mỗi mùa du lịch, bình quân thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, trẻ em, phụ nữ trong cộng đồng còn được hướng dẫn, đào tạo để ngày càng hoàn thiện các kỹ năng, trở thành hướng dẫn viên bản địa, luôn sẵn sàng đồng hành cùng khách du lịch trong các chuyến trekking leo núi, thăm thú bản làng, cắm trại ở khu KoongHill hay giúp các du khách nhí làm quen với cuộc sống của người dân bản địa trong Trại hè “Rực rỡ Tây Bắc – Hành trình văn hóa Khau Phạ”…
Đây cũng là một sản phẩm du lịch mới mẻ ở Cao Phạ, được liên kết với tổ chức Khau Phạ Friends để hình thành tour trải nghiệm đặc biệt cho các du khách nhí. Trong 7 ngày, các du khách nhí được trải nghiệm văn hóa bằng cách sống trong những căn nhà sàn cùng gia đình bản địa, hòa mình vào cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái, Mông và tìm hiểu về kho tàng văn hóa qua các hoạt động: nhuộm vải tự nhiên, vẽ sáp ong, đan tre, chơi trò chơi dân gian; được khám phá thiên nhiên cùng các hoạt động bảo vệ môi trường; phát triển tính tự lập và học các kỹ năng sống từ chính những người bản địa.
Thung lũng Khau Phạ yên bình cũng sẽ mang lại một mùa hè sôi động qua hoạt động: thả diều, trồng rau, bắt cá, bắt ốc, tắm suối, tắm thác… Chị Phạm Bảo Anh ở Hải Phòng tâm sự: “Khi mình cho con tham gia Trại hè Khau Phạ chỉ đơn giản vì muốn con có một tuổi thơ như hồi bố mẹ nó, được rong chơi, tránh xa điện tử, tivi… Nhưng rồi thứ các con nhận về lại hơn thế! Con được giao lưu và kết nối với những người bạn từ nhiều nền văn hóa, học hỏi và tôn trọng sự khác biệt lẫn nhau. Mỗi tối gọi điện con đều hào hứng kể hôm nay được học những gì, trải nghiệm những gì và hình như chúng nó chẳng nhớ gì bố mẹ ở nhà”.
Cao Phạ còn có những sức hút với những người nơi xa, dẫu vùng đất này có khó khăn muôn vàn vẫn mong muốn gắn bó. Vợ chồng anh Vũ Công Trung ở bản Sẻ Sáng là một trong số đó. Năm 2019, sau khi đặt chân tới Cao Phạ, anh đã “mê” ngay nơi này để rồi trong một thời gian ngắn, anh quyết định tìm mua ngay một mảnh đất để ở lại. 1 ha đất được anh san gạt, cải tạo trồng 300 cây đào chín sớm, 300 gốc mận tam hoa, 200 gốc lê tai nung cùng hàng trăm cây tớ dày, hoa sim…
Video đang HOT
Trại hè được tổ chức tại Cao Phạ mỗi mùa hè hàng năm không chỉ tạo một sản phẩm du lịch mới mà còn góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc.
Rồi hơn 1 năm trở lại đây, anh đã bỏ hẳn cơ sở du lịch trị giá hàng chục tỷ đồng ở Cô Tô, Quảng Ninh để dồn lực đầu tư về Cao Phạ làm du lịch. Hiện nay, homestay của anh Trung có 7 bungalow, 7 phòng khép kín và 1 nhà sàn cộng đồng, mới đi vào hoạt động dịp mùng 2/9 qua.
Anh dự định sẽ kết hợp với những người dân bản địa xây dựng các tour trải nghiệm văn hóa bản sắc dân tộc nhưng một cách chỉn chu hơn, thường xuyên hơn. Anh Trung chia sẻ: “Chưa có nhiều khách đến nhưng tôi tin rằng mảnh đất xinh đẹp cùng văn hóa, con người nơi đây sẽ chinh phục được những du khách khó tính nhất”.
Có thể thấy, sức hút của Cao Phạ đến từ việc khai thác đi đôi với bảo tồn từ cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, con người theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Đây cũng là mục tiêu chung mà tỉnh Yên Bái đang hướng tới.
Ngắm nhìn ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mùa nước đổ khiến những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) hiện lên với màu của đất nâu hòa quyện cùng trời xanh và mặt nước óng ánh, dưới nắng vàng rực rỡ đẹp tựa như một bức tranh.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nằm trải rộng trên diện tích hơn 2.300ha, nhưng tập trung nhiều nhất ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha. Đây là nơi canh tác lúa nước của người Mông và cũng là minh chứng cho sự sáng tạo trong việc canh tác lúa nước thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai và thủy lợi của đồng bào dân tộc miền núi.
Nếu có dịp đến Mù Cang Chải vào tháng 6, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang nơi đây vào mùa nước đổ.
Không thẳng cánh cò bay như những cánh đồng ở vùng đồng bằng phù sa châu thổ, những thửa ruộng ở vùng cao ở Tây Bắc nói chung và Mù Cang Chải nói riêng cứ chồng lên nhau từ lớp này đến lớp khác như những bậc thang bắc lên trời xanh.
Để có những thửa ruộng bậc thang, người Mông ở Mù Cang Chải phải chọn những vùng đất trên triền đồi, sườn núi có diện tích khá rộng, độ dốc vừa phải và vị trí thuận lợi để đón nước mưa, nước suối.
Mặc dù công việc khai đất và dẫn nước cho ruộng bậc thang nơi đây có khó khăn hơn, nhưng bù lại, ngoài những vụ mùa bội thu, người dân nơi đây còn kiến tạo nên một kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ.
Mùa đổ nước, người dân đắp đập, ke bờ, dẫn nước vào ruộng để chuẩn bị cày ải, gieo mạ và cấy lúa.
Đâu đâu cũng thấy những thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng, lớp lớp trải rộng khắp các quả đồi.
Ánh nắng phản chiếu của nước quyện cùng ánh mặt trời, và màu xanh của mạ non tạo nên một bức tranh đẹp mê mẩn trên những thửa ruộng bậc thang với hình ảnh bà con dân tộc Mông đang hăng say cấy hái.
Bằng sự sáng tạo thông minh, đôi bàn tay cần cù, chăm chỉ, cùng sức mạnh tập thể, những người dân vùng cao đã tạo nên hệ thống ruộng bậc thang độc đáo và kỳ vĩ.
Không chỉ giúp nhân dân có cuộc sống ổn định, đẩy lui đói nghèo mà sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang cùng nét văn hóa bản địa độc đáo còn giúp Mù Cang Chải trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha - thiên đường ruộng bậc thang Việt Nam - đã được Nhà nước công nhận Danh thắng quốc gia.
Không chỉ vậy, Mù Cang Chải còn được bầu chọn vào top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới.
Nhằm quảng bá du lịch cũng như vẻ đẹp ruộng bậc thang, hàng năm huyện Mù Cang Chải tổ chức các hoạt động du lịch "mùa nước đổ" thu hút đông đảo du khách đến với vùng cao nơi đây.
Nhằm tôn vinh danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mông, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn di sản, thu hút khách du lịch, từ năm 2015 tỉnh Yên Bái đã cho tổ chức nhiều hoạt động gồm chọi dê, hội giã cốm, hội chợ ẩm thực, dù lượn "Bay trên mùa vàng" và "Bay trên mùa nước đổ" tại đỉnh Khau Phạ, đồi Mâm Xôi cùng nhiều hoạt động văn hóa khác.
Cùng với sự thân thiện, hồn hậu, hiếu khách, mùa nước đổ đang giúp Mù Cang Chải đẹp hơn trong lòng du khách.
Cổng Trời 200 tuổi trên đỉnh Đèo Ngang Hoành Sơn Quan nằm trên đỉnh Đèo Ngang, thuộc ranh giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, người dân địa phương thường gọi di tích trên là 'Cổng Trời'. Cổng Trời - Hoành Sơn Quan tọa lạc trên đỉnh Đèo Ngang (xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ảnh: Phượng Vũ. Cổng Trời 200 tuổi Cách trung tâm thị xã...