Sức hút của những án mạng bí ẩn
Thời gian gần đây, khán giả màn ảnh thường xuyên được chứng kiến sự đổ bộ của những tác phẩm thuộc đề tài trinh thám, tội phạm.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, The Afterparty, Death on the Nile, See How They Run và Glass Onion đã thay phiên nhau thống trị màn ảnh rộng và cả lĩnh vực truyền hình. Trong khi series Knives Out (2019) đẩy sự hấp dẫn của những án mạng bí ẩn lên một tầm cao mới, chỉ hai năm trước đó, Murder on the Orient Express (2017) đã tạo nên cơn sốt phủ sóng khán giả toàn cầu.
Không cần phải là một Benoit Blanc, người xem cũng dễ dàng nhận ra những vụ án kỳ bí đang dần trở nên phổ biến trong văn hóa đại chúng. Sở dĩ, thể loại trinh thám – tội phạm từng vắng bóng trong các bộ phim và chương trình truyền hình không chỉ một vài năm, mà là hàng thập kỷ kể từ thời đại hoàng kim của chúng. Bên cạnh sức hút mạnh mẽ, có nhiều yếu tố giúp phục sinh dòng phim yểu mệnh này sau khoảng thời gian không được chú ý đến.
“Sự vắng mặt khiến nhung nhớ dâng trào, và việc những vụ án giết người bí ẩn lặn mất khỏi ánh sáng màn ảnh trong một thời kỳ dài khiến cho sự trở lại càng thêm phần thú vị”, Douglas Laman nhận định.
Khẩu vị trinh thám cổ điển
Hoài niệm là một liều thuốc mạnh tác động lên tâm trí người xem hơn bất cứ điều gì khác trong bối cảnh điện ảnh hiện đại. Khán giả có những kỷ niệm khó quên khi theo dõi những bộ phim trinh thám cổ điển hoặc thậm chí có những mối liên hệ kỳ lạ với bí ẩn của lịch sử.
Tất nhiên, khẩu vị này không hoàn toàn là lời giải thích cho sự hấp dẫn từ các vụ án bí ẩn ngày một trỗi dậy trong văn hóa đại chúng. Nó không phải toàn bộ, nhưng là một yếu tố quan trọng chứng minh nguyên nhân chúng ta khó lòng cưỡng lại sức hút đến từ những bí ẩn chết người trên màn ảnh.
Yếu tố “cổ điển” không thể thiếu trong những bộ phim trinh thám.
Sự hồi sinh của dòng phim này cũng phụ thuộc vào mối liên hệ kỳ lạ với văn hóa nước Anh. Quốc gia này không phải là nơi duy nhất có thể sản xuất các bộ phim hoặc chương trình truyền hình về đề tài án mạng giết người. Nhưng nhờ bộ óc vĩ đại của các tác giả như Agatha Christie, xứ sở sương mù trở thành địa điểm gắn liền với những tên tuổi đình đám của dòng phim này.
Các bộ phim truyền hình Anh Quốc trước đó đã thâm nhập vào thế giới văn hóa điện ảnh nhân loại, nhưng điều đó càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trong những năm gần đây nhờ sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim tội phạm. Các tác phẩm được mệnh danh “tài sản văn hóa đại chúng” như Downton Abbey (2010), Peaky Blinders (2013) và những kênh stream như AcornTV hay Britbox đã đưa câu chuyện án mạng kỳ bí của Anh lên vị trí hàng đầu trong tâm trí người hâm mộ.
“Một khi bạn bắt đầu thâm nhập vào lĩnh vực giải trí của Anh, bạn nhất định sẽ tìm thấy thứ gì đó liên quan đến những bí ẩn giết người”, Laman nhận xét.
Tấm gương phản chiếu hiện thực
Đằng sau những án mạng đen tối, sự hỗn loạn của xã hội thực tại làm cho các vụ án bí ẩn trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Ngoài những động lực mang tính cảm xúc, lý trí cũng là một phần thúc đẩy người xem quan tâm đến những bộ phim tội phạm.
Khán giả có thể học được cách bảo vệ bản thân từ những bộ phim. Ảnh: T-Street Productions.
Marissa Harrison, Phó giáo sư Tâm lý học tại Đại học Pennsylvania cho biết, con người quan tâm đến chủ đề này bởi chúng ta đã tiến hóa để cảnh giác đến những gì có thể gây hại cho bản thân. Điều đó giống như bản năng sinh tồn: Thông qua việc tìm hiểu về những vụ án mạng – trả lời những câu hỏi như ai là kẻ giết người, vụ án đã xảy ra thế nào, nạn nhân là ai – khán giả cũng sẽ tìm hiểu được cách phòng ngừa, tránh cho chính bản thân mình trở thành một nạn nhân trong tương lai.
Vì vậy, những bí ẩn giết người là phiên bản phản chiếu hoàn hảo cho sự thật về một thế giới với nhiều điều hỗn loạn diễn ra trước mắt. Những câu chuyện này thừa nhận sự hiện diện của bạo lực và những mặt tối không thể phủ nhận của xã hội.
“Chúng ta đã tương tác với tất cả các loại câu chuyện từ thuở bình minh của giống loài. Những truyền thuyết được kể bằng miệng, các bản vẽ trên vách hang động kể về cả những chiến thắng và thất bại như một cách để truyền những bài học của thế hệ trước cho thế hệ sau. Và các vụ án luôn là những ví dụ điển hình nhất. Con người đặc biệt bị thu hút bởi những câu chuyện cho phép chúng ta tự hỏi điều gì đã xảy ra và xảy ra như thế nào? Tôi sẽ hành động như thế nào nếu tôi là một người trong vụ án đó?”, nhà phân tích Justine Mastin chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh việc phản ánh một phần thực tại, những bộ phim trinh thám cũng không quên mang đến những “hình tượng anh hùng” để thỏa mãn khát vọng công lý của khán giả, đơn cử như Hercule Poirot trong Death on the Nile hay Benoit Blanc của series Knives Out. Các nhà sản xuất đã khéo léo kết hợp những mặt tối của cuộc sống xã hội với một nhân vật anh hùng có thể xuất hiện vào phút cuối, vạch ra tất cả manh mối, mang lại trật tự bình ổn sự hỗn loạn, và đảm bảo rằng những điều xấu xa cuối cùng sẽ phải bị trừng phạt đích đáng.
Trong một bài báo về tính tò mò của khán giả với những bí ẩn giết người, David Evans của tờ Psychology Today đã từng gọi các bộ phim tội phạm là “câu chuyện cổ tích dành cho người lớn”. Chúng tuân theo một motif cơ bản: cái ác gây ra nhiễu loạn cho cộng đồng, nhưng cuối cùng cái thiện vẫn giành được chiến thắng.
Chiêu trò thương mại
Không thể phủ nhận, một trong những công thức quan trọng tạo nên thành công cho các tác phẩm trinh thám/tội phạm là dàn diễn viên đồ sộ với những tên tuổi quen thuộc. Danh sách dài các nhân vật trong một vụ bí ẩn giết người là điều bắt buộc phải có đối với bất kỳ bộ phim nào vì điều này tạo ra cơ hội để mở rộng cốt truyện, xây dựng các mối quan hệ phức tạp tạo nên nhiều nút thắt giá trị cho câu chuyện.
Dàn diễn viên tên tuổi của Knives Out.
Từ Clue, Brick tới Bullet Train hay Knives Out,… đều cố gắng tận dụng công thức thương mại này. Nếu như Bad Times at the El Royale tạo nên sức hút với sự có mặt của Chris Hemsworth, Jon Hamm; Jake Gyllenhaal, Robert Downey Jr. là hai cục nam châm hút khách cho Zodiac; Gone Girl thành công nhờ thể hiện xuất sắc của ngôi sao Ben Affleck thì Se7en nổi tiếng vì bộ đôi tài tử Brad Pitt và Morgan Freeman.
Hơn ai hết, những nhà sản xuất hiểu rõ một sự thật rằng, việc “nhét” đầy một tấm áp phích quảng cáo với toàn những khuôn mặt tên tuổi có thể giúp các bộ phim của họ thu hút đông đảo quan tâm của khán giả. Đó là một sự học tập có chủ đích bởi trước đó, các bộ phim siêu anh hùng đình đám của MCU và DCEU đều đã áp dụng thành công chiêu trò này.
'Death on the Nile' vụ án kinh điển được làm mới
Kể lại câu chuyện kinh điển, phim trinh thám "Death on the Nile" vẫn tươi mới nhờ tài đạo diễn của Kenneth Branagh và dàn diễn viên ngôi sao.
Thể loại: Trinh thám, tâm lý / giật gân
Đạo diễn: Kenneth Branagh
Diễn viên: Kenneth Branagh, Annette Bening, Gal Gadot, Armie Hammer, Russell Brand
Đánh giá: 7/10
(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Năm 2017, Kenneth Branagh gây chú ý khi đạo diễn và đóng chính trong Murder on the Orient Express (2017) - chuyển thể từ tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng của nhà văn Anh Agatha Christie. Tác phẩm quy tụ dàn diễn viên ngôi sao, thu hơn 350 triệu USD phòng vé trên kinh phí 55 triệu USD.
Tiếp nối thành công, đạo diễn thực hiện phần hậu truyện Death on the Nile với dàn sao hùng hậu không kém. Nội dung vẫn xoay quanh hành trình phá án của thám tử lừng danh Hercule Poirot (Kenneth Branagh) nhưng bối cảnh chuyển từ Châu Âu sang Ai Cập.
Vụ giết người bí ẩn trên sông Nile
Chuyện phim xảy ra vào thập niên 1930, bắt đầu bằng cuộc tình của cô gái trẻ Jackie (Emma Mackey) và anh chàng điển trai Simon Doyle (Armie Hammer). Vì muốn xin việc cho người yêu, cô nhờ người bạn thân giàu có Linnet Ridgeway (Gal Gadot) nhận anh về làm.
Điều Jackie không thể ngờ là Simon lại phải lòng Linnet ngay lập tức. Từ mối quan hệ chủ tớ, bộ đôi bắt đầu cuộc tình sóng gió, lên kế hoạch kết hôn còn Jackie trở thành kẻ bên lề.
Tạo hình hai ngôi sao Armie Hammer (trái) và Gal Gadot trong phim.
Trong chuyến đi hưởng tuần trăng mật ở Ai Cập, Simon và Linnet liên tục bị Jackie theo dõi. Thậm chí, Linnet không ngừng nghĩ rằng cô bạn thân đang âm mưu sát hại mình để trả thù.
Kịch tính bắt đầu khi đôi nhân tình tham gia chuyến du lịch dọc theo sông Nile trên con tàu Karnak. Khi đó, Jackie bất ngờ xuất hiện cùng nhiều hành khách bao gồm Hercule Poirot. Như đã thành thông lệ, án mạng xảy ra và thám tử lừng danh lại phải ra tay giải quyết.
Đảm nhận phần kịch bản vẫn là Michael Green - biên kịch nổi tiếng từng nhận đề cử Oscar 2017 với Logan (2018). Anh cũng là người chấp bút kịch bản Murder on the Orient Express và nhiều tác phẩm nổi tiếng như Blade Runner 2049 (2017), The Call of the Wild (2020), Jungle Cruise (2021).
Để kể lại vụ án kinh điển của Agatha Christie, biên kịch chia phim thành hai phần. Nửa đầu được xây dựng theo phong cách "đun chậm" (slow burn), cài cắm nhiều tình tiết mang tính chất gợi mở, làm bàn đạp để giải quyết câu chuyện ở nửa sau. Án mạng không xảy ra ngay lập tức mà chỉ xuất hiện ở giữa phim, khiến người xem phải đặt câu hỏi ai là nạn nhân.
Kinh phí tập trung cho phần nhìn
Xuất bản lần đầu năm 1937, Death on the Nile được xem là một trong những tiểu thuyết hay nhất của Agatha Christie. Đến nay, cuốn sách từng nhiều lần được chuyển thể lên sân khấu lẫn màn ảnh. Cốt truyện đơn giản nhưng trở thành kinh điển, là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm cùng thể loại ra đời sau đó.
Thách thức đặt ra với Kenneth Branagh là phải làm mới câu chuyện cũ, thậm chí quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả. Đồng thời, đạo diễn cũng phải vượt qua chính mình với thành công của phần một.
Kenneth Branagh tiếp tục đạo diễn và vào vai thám tử Hercule Poirot.
Để giải quyết bài toán đó, Branagh đầu tư mạnh về phần nhìn. Kinh phí 90 triệu USD đổ dồn vào phần kỹ xảo. Hiệu ứng vi tính giúp cho bối cảnh Ai Cập cổ đại hiện lên sống động như thật.
Ê-kíp chọn những địa điểm nổi tiếng là biểu tượng của đất nước Kim tự tháp, chẳng hạn như đền Abu Simbel, thành phố Luxor, Giza hay Aswan nằm dọc bên bờ sông Nile. Đặc biệt, con tàu Karnak được mô tả như phiên bản thu nhỏ của Titanic, với những căn phòng có nội thất xa hoa và thiết kế độc đáo.
Branagh tiếp tục sử dụng định dạng phim 65mm để quay phim, thay vì 35mm tiêu chuẩn. Với kinh nghiệm làm phim hơn 30 năm, đạo diễn liên tục thay đổi nhiều góc máy để khiến người xem không bị nhàm chán.
Ông dùng tông màu sáng, rực rỡ làm nổi bật sự hào nhoáng của thế giới tài phiệt. Thi thoảng, khung hình chuyển sang màu đen trắng để tạo sự tương phản về thị giác.
Dàn diễn viên hợp vai
Lần thứ hai hóa thân Hercule Poirot, Kenneth Branagh tiếp tục thể hiện thành công vị thám tử đề cao sự chính xác. Ông đem lại sự hài hước đồng thời giúp người xem hiểu rõ hơn về nội tâm nhân vật.
Bộ đôi Gal Gadot và Armie Hammer phối hợp ăn ý ở lần đầu đóng nhân tình. Nhân vật Linnet của Gadot không đòi hỏi nhiều kỹ năng diễn xuất nhưng ngôi sao luôn biết cách tạo dấu ấn, trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý. Trong khi đó, Hammer phá vỡ hình tượng lịch thiệp để vào vai Simon có phần đểu cáng.
Gal Gadot luôn tỏa sáng mỗi lần xuất hiện trong phim.
Trailer phim
Đứng cạnh hai ngôi sao, Emma Mackey - nổi tiếng với series Sex Education - không hề lép vế trong vai Jackie. Nữ diễn viên sinh năm 1996 gây chú ý bằng thần thái tươi trẻ và lối diễn tự nhiên, lột tả nhân vật sống thiên về tình cảm hơn lý trí.
Một số tên tuổi gạo cội như Annette Bening hay Russell Brand xuất hiện khiến màn kịch trở nên hấp dẫn. Bất kỳ ai cũng có khả năng trở thành nghi phạm nhưng đều chuẩn bị lý do riêng để biện hộ cho bản thân.
Bên cạnh đó, Tom Bateman cũng quay trở lại dự án với vai Bouc - bạn thân thám tử Hercule Poirot. Nhân vật có ít đất diễn nhưng là mấu chốt quan trọng trong phim.
Khởi chiếu toàn cầu ngày 11/9, tác phẩm nhận 63% tươi từ giới phê bình trên Rotten Tomatoes và 6.6/10 điểm trên IMDb. Phần lớn khán giả khen lối kể chuyện của đạo diễn và sự góp mặt của dàn diễn viên. Một số ý kiến đánh giá phim thấp vì cốt truyện còn đơn giản, cái kết dễ đoán và thời lượng dài (127 phút).
'Án mạng trên sông Nile' tung trailer sau bê bối đời tư của diễn viên Ngày 22/12, trailer mới cho "Death On the Nile" đã được công bố. Bộ phim là phần hậu truyện của tác phẩm "Murder On the Orient Express" (2017). Trailer Death On the Nile Ngày 22/12, trailer bộ phim trinh thám chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Agatha Christie Death On the Nile ( Án mạng trên sông Nile) đã được tung...