Sức ép từ hai phía với Thống đốc Bangkok
Thống đốc Bangkok Sukhumbhand Paribatra hôm 2.11 kêu gọi Trung tâm cứu trợ lũ lụt (FROC) hợp tác chặt chẽ với Chính quyền đô thị Bangkok (BMA) và nhấn mạnh: Đây là biện pháp duy nhất để vượt qua thảm họa lũ lụt.
Thống đốc Bangkok Sukhumbhand Paribatra (phải) cùng Thủ tướng Yingluck Shinawatra (giữa) và Chỉ huy quân đội Prayuth Chan-ocha (trái) thị sát một trạm bơm ở Bangkok.
Sức nước, sức người
Video đang HOT
Căng thẳng gia tăng hôm 30.10, khi khoảng 1.000 cư dân quận Khlong Sam Wa ở phía đông bắc thủ đô Bangkok kéo tới khu vực kênh Sam Wa, yêu cầu nhà chức trách mở rộng hơn nữa cửa xả lũ tại đây để tránh cho khu dân cư của họ khỏi cảnh ngập lụt nghiêm trọng. Một số người sau đó đã dỡ các bao cát tạo thành đê chắn lũ, số khác tìm cách phá cửa xả lũ, chặn một con đường gần nút giao thông Hathainimit – Wat Sukjai…
Trước sức ép từ người dân, Thủ tướng Yingluck đã ra lệnh cho chính quyền Bangkok mở rộng cửa xả lũ tại quận Khlong Sam Wa tới một mét. Bà nói: Phần lớn Bangkok sẽ tránh được bị ngập lụt khi nước được xả qua các kênh của thành phố về hướng Vịnh Thái Lan ở phía nam cách thủ đô 30km.
Việc làm này giúp giải tỏa căng thẳng tại đây, nhưng lại đẩy các khu công nghiệp ở phía bắc phải đối mặt với nguy cơ lụt lội. Do vậy, Thống đốc Bang kok đã cảnh báo sẽ không chùn bước trước “sự chỉ đạo của đám đông” bởi “toàn bộ đất nước sẽ phải chịu hậu quả nếu nước lụt nhấn chìm các khu vực trung tâm thương mại”. “Nếu Bangkok lụn bại thì nền kinh tế cũng sẽ bị lụn bại theo. Nếu kinh tế lụn bại thì ai sẽ phải chịu hậu quả lớn nhất. Tất nhiên không phải là các doanh nghiệp lớn mà là những người dân thường, các công nhân, những người phải gửi tiền về nhà ở các tỉnh khác” – Thống đốc Sukhumbhand nhấn mạnh.
Ông cũng phản bác các chỉ trích rằng tình trạng lụt ở phía bắc thành phố tồi tệ hơn do giới chức thành phố đã chờ đợi quá lâu mới chịu mở cửa hệ thống kênh của Bangkok. “Nói vậy thật hoang đường và là chuyện được dựng lên nhằm mục đích chính trị. Chúng tôi đã mở các cửa xả lũ rộng hết mức có thể từ lâu” – ông nêu rõ.
Hôm 2.11, Thống đốc Sukhumbhand cho hay, ông đã thảo luận tình hình lũ lụt với giới chức của cả Froc và BMA, yêu cầu họ kiềm chế không đưa ra những bình luận có thể dẫn tới xung đột, đồng thời đề nghị hai bên hợp tác chặt chẽ hơn trong các nỗ lực bảo vệ an toàn cho thủ đô.
Với con đê bị người dân phá hỏng một phần, Thống đốc lập tức lệnh cho lực lượng cảnh sát tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt. Kênh Sam Wa ở phía bắc các khu vực công nghiệp Bang Chun và Lat Krabang, là nơi có cơ sở của Honda Motor Co., Unilever và Cadbury Plc, và kết nối với kênh Saen Saeb nằm gần các khu vực trung tâm thương mại.
Theo đánh giá mới nhất của Thống đốc Sukhumbhand, tình hình lũ lụt đã trong tầm kiểm soát nhưng nhà chức trách vẫn đề cao cảnh giác nhằm bảo vệ an toàn cho người dân tại các khu vực vẫn còn được coi là nguy hiểm nhất như Don Muang, Lak Si, Bang Khen, Sai Mai, Lat Krabang, Kannayao, Min Buri, Klong Samwa và Nong Chok.
Ông cho hay: MBA đã lập nên các trung tâm sơ tán có sức chứa hơn 2.600 người và chuẩn bị thêm những nơi có thể chứa được ít nhất 10.000 người sơ tán. Chính quyền thành phố cũng đã phải hoãn kế hoạch mở cửa lại trường học tới ngày 15.11.
Chung tay chống lũ
Ông M.R.Sukhumbhand Paribatra sinh ngày 22.9.1952 tại Bangkok. Thân phụ ông là Hoàng tử Sukhumbhinanda, thân mẫu ông lại là một phụ nữ bình dân – bà Dusadee Paribatra. Ông và người vợ – Sawitree (Pamornbutr) Paribatra có hai con trai là M.L.Pinitbhand Paribatra và M.L.Varabhinand Paribatra.
Ông là một nhà chính trị kỳ cựu thuộc Đảng Dân chủ đối lập, tốt nghiệp đại học Oxford, Anh; từng là Thứ trưởng Ngoại giao. Ngày 11.1.2009 ông đắc cử Thống đốc thứ 15 của Bangkok sau khi thắng cử với số phiếu vượt trội sít sao là 45%.
Sức ép với Thống đốc được hy vọng sẽ giảm, bởi dù trận lụt lịch sử ở Thái Lan kéo dài suốt ba tháng qua gây ra những thiệt hại to lớn về người và của (ít nhất 381 người thiệt mạng, và chi phí để khắc phục hậu quả lũ lụt ước tính có thể lên tới 3,3 tỷ USD), nhưng nước lũ đã được dự báo sẽ rút dần, hứa hẹn cải thiện tình hình cho cả thủ đô Bangkok và các vùng khác.
Giới chức Bangkok đang cùng toàn dân nỗ lực duy trì hệ thống đê, kênh và đê đắp bằng bao cát nhằm chuyển hướng dòng nước lũ ra khỏi trung tâm thành phố. Tới nay, sau ba tháng hoành hành tại Thái Lan, lũ lụt đã lan tràn 63 trên tổng số 77 tỉnh thành; làm 427 người chết và buộc ngừng hoạt động 10.000 nhà máy, xí nghiệp ở phía bắc Bangkok, làm gián đoạn các dây chuyền cung cấp sản phẩm trên khắp châu Á.
Theo Lao Động