Sức ép đè lên Palestine với đề nghị gia nhập LHQ
Sức ép quốc tế đang gia tăng đối với Palestine tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, nơi nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới bắt đầu quy tụ về đây với hy vọng có thể tránh được một cuộc đối đầu xung quanh việc Palestine đề nghị Liên hợp quốc công nhận nhà nước Palestine là thành viên chính thức.
Người dân Palestine may cờ tại thành phố Nablus, khu Bờ Tây, để chuẩn bị chiến dịch quốc gia kêu gọi sự ủng hộ nước này là thành viên của LHQ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 20/9, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Barack Obama sẽ hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmud Abbas vào tối 21/9, một cuộc gặp không có trong chương trình dự kiến ban đầu của nhà lãnh đạo Mỹ.
Washington hiện dẫn đầu các nỗ lực nhằm ngăn cản Palestine đệ đơn xin gia nhập Liên hợp quốc với tư cách thành viên đầy đủ vào ngày 23/9 tại kỳ họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, và dọa sẽ dùng quyền phủ quyết tại cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tổng thống Abbas trước đó đã lần lượt gặp Tổng thống Pháp và Ngoại trưởng Anh, hai nước ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an để tìm cách phá vỡ bế tắc hiện nay.
Trong một phát biểu mang tính răn đe ngày 20/9, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhấn mạnh rằng, các cuộc xung đột kéo dài 60 năm qua (ám chỉ cuộc xung đột Israel-Palestine) không thể đầu độc quá trình xây dựng nền dân chủ tại các nước Hồi giáo.
Cùng thời điểm này, nhóm Bộ tứ về Trung Đông (gồm Mỹ, Liên hợp quốc, Nga và Liên minh châu Âu -EU) đã nhóm họp để soạn thảo một tuyên bố cho phép nối lại vòng đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine trước khi Palestine chính thức đệ đơn lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon yêu cầu Liên hợp quốc công nhận thành viên chính thức.
Về phần mình, Chính phủ Israel khẳng định người Palestine không thể giành đa số chín phiếu cần thiết trong Hội đồng Bảo an để hợp thức hóa yêu cầu gia nhập Liên hợp quốc với tư cách thành viên chính thức.
Theo các nguồn tin ngoại giao, Palestine hầu như chắc chắn không nhận được đa số phiếu này.
Video đang HOT
Trước khi lên đường đi New York ngày 19/9 để bày tỏ quan điểm của Israel trước yêu cầu gia nhập Liên hợp quốc của Palestine, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo nỗ lực của Palestine tại Liên hợp quốc trong tuần này để được công nhận là nhà nước sẽ thất bại.
Ông khẳng định chỉ có thể đạt được hòa bình thông qua đàm phán trực tiếp, chứ không thể bằng các tuyên bố đơn phương.
Trong khi đó, EU vẫn chưa công bố lập trường chính thức của họ, mà theo lời Ngoại trưởng Anh William Hague là nhằm gây sức ép tối đa với cả hai phía Palestine lẫn Israel trong việc trở lại thương lượng trực tiếp. Đáp lại, ông Hanane Achraoui, thành viên phái đoàn Palestine tuyên bố Palestine vẫn trông đợi EU đưa ra lập trường trên nguyên tắc như thường lệ.
Hiện Chính quyền Mỹ đang gia tăng nỗ lực ngăn cản EU ủng hộ Palestine, nhằm tránh việc phải dùng đến lá phiếu phủ quyết vào thời điểm một năm sau bài diễn văn của Tổng thống Obama khẳng định muốn thấy một nhà nước Palestine gia nhập Liên hợp quốc trong năm 2011.
Ngoại trưởng Palestine Ryad al-Maliki đã kêu gọi Washington xem xét lại lập trường của mình để đứng về phe đa số các nước ủng hộ yêu cầu của Palestine gia nhập Liên hợp quốc.
Nhiều nguồn tin cho biết, hiện có khoảng 120 trong tổng số 193 nước tham gia bỏ phiếu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố ủng hộ Palestine.
Ngoại trưởng Thụy Điển Các Bin (Carl Bildt) tuyên bố một ngày mới đang bắt đầu tại Liên hợp quốc.
Các nỗ lực ngoại giao đang được tăng cường nhằm tránh một thảm họa cho con tàu hòa bình Trung Đông trên hành trình đối thoại và thương lượng. Cộng đồng quốc tế cần phải tìm ra một giải pháp ngoại giao cho tương lai của tất cả các bên liên quan.
Trong khi đó, cùng ngày 20/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogfanov tuyên bố Mátxcơva sẽ ủng hộ các nỗ lực của Palestine muốn Liên hợp quốc công nhận tư cách thành viên chính thức.
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cũng đã gửi một bức thư tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền Palestine trong nỗ lực trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này./.
Theo TTXVN
Palestine quyết không từ bỏ nỗ lực gia nhập LHQ
Một quan chức cấp cao Palestine ngày 4/9 khẳng định Palestine sẽ không từ bỏ nỗ lực trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc.
Tổng thống Palestine Mahmud Abbas. (Nguồn: Internet)
Phát biểu với báo giới, ông Nabil Shaath, một thành viên đảng Fatah của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas, tuyên bố: "Palestine sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc công nhận nhà nước Palestine trong đường biên giới năm 1976... Nếu Mỹ bỏ phiếu phủ quyết đề nghị này, Palestine sẽ tiếp tục gõ cửa Hội đồng Bảo an."
Palestine nhấn mạnh sẽ không từ bỏ các nỗ lực để trở thành thành viên Liên hợp quốc ngay cả khi một đề xuất hòa bình mới được đưa ra, đồng thời cho biết động thái này không loại trừ khả năng tiến hành các cuộc đàm phán mới.
Tuyên bố của ông Shaath được đưa ra sau khi tờ Thời báo New York của Mỹ đưa tin Washington đang nỗ lực thúc đẩy một đề xuất đàm phán hòa bình mới nhằm thuyết phục Palestine từ bỏ việc tìm kiếm vai trò thành viên Liên hợp quốc.
Báo trên dẫn lời các nhà ngoại giao nước ngoài và quan chức Mỹ cho biết Washington đang tìm cách kéo Israel vào bàn đàm phán và thuyết phục Palestine không đề nghị Liên hợp quốc công nhận độc lập.
Theo các quan chức này, chính quyền Mỹ không chỉ muốn tránh một biện pháp phủ quyết mà còn muốn tránh một cuộc bỏ phiếu mang tính biểu tượng của Đại hội đồng Liên hợp quốc vì việc này sẽ đẩy Mỹ và một số nước khác vào phe phản đối.
Mỹ lo ngại rằng trong cả hai trường hợp nêu trên, một làn sóng giận dữ có thể quét qua các vùng lãnh thổ Palestine và cả thế giới Arập trong bối cảnh khu vực này đang rất bất ổn.
Trong những tháng qua, Tổng thống Abbas và các quan chức cấp cao Palestine đã xúc tiến gặp gỡ các nhà ngoại giao và quan chức trên khắp thế giới nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của họ đối với nỗ lực thành lập nhà nước Palestine.
Ông Abbas sẽ tiếp tục chuyến công du quốc tế của mình với điểm dừng chân tiếp theo là Bồ Đào Nha vào cuối tuần này.
Theo ước tính của Palestine, dự kiến sẽ có khoảng 140 nước bỏ phiếu ủng hộ Nhà nước Palestine độc lập trong các cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, dự kiến khai mạc cuối tháng Chín này.
Bên cạnh đó, Palestine cũng phát động một chiến dịch quảng bá lớn nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho nỗ lực gia nhập Liên hợp quốc thông qua các phương tiện truyền thông và các cuộc biểu tình hòa bình.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Palestine, ông Ahmed Aridi ngày 4/9 cho biết đài này sẽ sớm bắt đầu các chương trình phát thanh bằng sáu ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Arập, Pháp, Tây Ban Nha, Nga và tiếng Do Thái) nhằm quảng bá nỗ lực của Palestine.
Chương trình phát thanh này nằm trong khuôn khổ chiến dịch mang tên "Palestine 194," sẽ được chính thức khởi động cuối tuần này, bao gồm cả các băngrôn quảng cáo và các cuộc biểu tình hòa bình tại Bờ Tây cũng như ở nước ngoài.
Trong một diễn biến liên quan, ông Shaath cho biết Đại diện cấp cao về đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton sẽ tới Ramallah (thuộc Bờ Tây) trong tuần này để thảo luận với ông Abbas nhằm tìm kiếm quan điểm thống nhất liên quan đến các nỗ lực của Palestine.
Cùng thời gian này, Đại diện nhóm Bộ Tứ về Trung Đông, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và Đặc phái viên Trung Đông của Mỹ David Hale cũng sẽ hội đàm tại Ramallah./.
Theo TTXVN
Khi các nhà lãnh đạo thế giới thích chỉ trỏ Đối với các nhà lãnh đạo thế giới, chỉ tay cũng là một phần công việc của họ. Họ đến từ các quốc gia khác nhau có triết lý sống khác nhau, nhưng khi muốn nhấn mạnh hoặc giải thích rõ quan điểm của mình, họ đều có chung một hành động: chỉ tay. Tổng thống Mỹ Barack Obama. Phó tổng thống Mỹ...