Sức công phá vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên có thể đạt tới 23 kiloton
Trong vụ thử hạt nhân lần thứ năm ngày 9/9 năm ngoái, Triều Tiên đã cho thử vũ khí hạt nhân ở độ sâu hơn 800m tính từ mặt đất.
Một chuyên gia Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc phân tích các dư chấn đo được sau vụ thử hạt nhân thứ 5 của Triều Tiên, tại Seoul ngày 9/9/2016. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông tin này – được đăng trên trang web chuyên về Triều Tiên mang tên “38 North” (38 độ Bắc) của Viện nghiên cứu Hàn-Mỹ thuộc trường Đại học Johns Hopkins hôm 6/1 – dựa trên kết quả phân tích của hai chuyên gia địa chất học của Mỹ thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Los Alamos, ở bang New Mexico (Mỹ) là Frank Pabian và David Coblentz.
Hai nhà nghiên cứu này đã tiến hành phân tích những hình ảnh mà vệ tinh thương mại chụp được hôm 7/7 và 15/9 năm ngoái để đưa ra kết luận trên.
Các nhà nghiên cứu đã quan trắc được sự biến đổi về địa hình do vụ thử hạt nhân ở khu vực gần đỉnh núi Mantap. Dựa trên sự biến đổi địa hình của khu vực này, 2 nhà nghiên cứu của Mỹ phỏng đoán rằng điểm phát nổ nằm sâu trong lòng đất 800m.
Theo 2 nhà nghiên cứu này, sức công phá của vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Triều Tiên đạt khoảng từ 11,9 tới 23,7 kT (1 kT=1000 tấn).
Video đang HOT
Trước đó, vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Triều Tiên hồi tháng 9 năm ngoái được cho là có sức công phá trên 10 kT, dựa trên phân tích sóng địa chấn khi diễn ra vụ thử hạt nhân.
Hàn Quốc triển khai pháo phản lực đa nòng
Theo Đài KBS, quân đội Hàn Quốc đã triển khai Hệ thống pháo phản lực đa nòng thế hệ mới mang tên Cheonmu (Thiên Vũ), sản xuất bằng công nghệ trong nước, tại đảo Baengnyeong và đảo Yeonpyeong, trên vùng biển phía Tây.
Cheonmu có tầm bắn tối đa đạt 80 km, sử dụng thiết bị dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS, có thể tấn công chính xác mục tiêu, với sai lệch chỉ trong khoảng bán kính 15 m. Ngoài ra, với khả năng san bằng khu vực có diện tích gấp ba lần sân bóng đá, Cheonmu là vũ khí chủ chốt của quân đội Hàn Quốc, nhằm vô hiệu hóa pháo tầm xa của Triều Tiên.
Việc bố trí Cheonmu tại hai đảo Yeonpyeong và Baengnyeong là một biện pháp nhằm đối phó với khả năng Bình Nhưỡng có thể tấn công quân sự gần đường biên giới liên Triều trên biển – Đường ranh giới phía Bắc (NLL), nhân lúc Hàn Quốc tiến hành vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye và Mỹ ra mắt chính phủ mới.
Tư lệnh Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc Lee Sang-hoon hôm 6/1 đã tới thăm đảo Baengnyeong và nhấn mạnh đến nhiệm vụ tấn công của “đơn vị các đảo phía Tây Bắc”. Điều này cho thấy quân đội Hàn Quốc đang quyết tâm biến các đảo phía Tây Bắc trở thành một căn cứ tiền đồn để triển khai tấn công khi gặp tình huống nguy cấp.
Quân đội Hàn Quốc cũng đang xem xét phương án bố trí trực thăng Apache, loại trực thăng tấn công có uy lực mạnh được nhập vào Hàn Quốc năm ngoái, tại các đảo phía Tây Bắc, gần biên giới liên Triều trên biển Tây.
Theo Vietnam
Sợ Trung Quốc bỏ rơi, Ngoại trưởng Triều Tiên tức tốc thăm Bắc Kinh
Ngoại trưởng Triều Tiên sang thăm Bắc Kinh được cho là để xoa dịu và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trung Quốc.
Ngoại trưởng Triều Tiên đã tới thăm Bắc Kinh trong một nỗ lực nhằm xoa dịu và tìm kiếm sự giúp đỡ trước khi phải đối đầu với lệnh trừng phạt từ quốc tế
Kyodo ngày 12/9 đưa tin, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho vừa tới thăm Bắc Kinhtrong bối cảnh Mỹ đang ra sức thúc đẩy các lệnh trừng phạt mới chống lại nước này sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vào hôm 9/9 vừa qua.
Chuyến thăm này có thể xuất phát từ việc Bắc Kinh thúc giục Bình Nhưỡng kiềm chế các hành động leo thang căng thẳng và tiếp tục lộ trình phi hạt nhân hóa.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại ngày 10/9 cũng nhấn mạnh rằng vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng không có lợi cho hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên.
Tuy đưa ra các chỉ trích và cảnh báo nhưng xét cho cùng, Trung Quốc vẫn là đồng minh chính của Triều Tiên.
Do đó, chuyến thăm của ông Ri được giới quan sát nhận định là bước đi của Bình Nhưỡng nhằm mục đích xoa dịu và tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt chính trị, ngoại giao từ Bắc Kinh khi Triều Tiên đang phải đối mặt những áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt cũng như sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra Trung Quốc cũng khó lòng cắt đứt quan hệ với Triều Tiên và không muốn chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ.
Sở dĩ như vậy là do Trung Quốc xem Triều Tiên là một vùng đệm trong chính sách cân bằng với Mỹ và các đồng minh trong khu vực.
Sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng hiện vẫn là con bài để Bắc Kinh thương thảo với Mỹ xung quanh nhiều vấn đề bao gồm tranh chấp biển Đông.
Theo Báo Giao Thông