Sữa Việt đến 46 nước, sắp xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc
Tính đến thời điểm hiện tại, sản phẩm sữa của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự báo, xuất khẩu sữa còn nhiều cơ hội để bứt phá trong thời gian tới, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khi nghị định thư về xuất khẩu sữa giữa hai bên đã được ký kết.
Theo ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), so với các đối tượng vật nuôi khác, chăn nuôi bò sữa đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật cao, nguồn vốn lớn nên đây là nghề làm giàu chứ không phải là nghề nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Nhưng với nhu cầu sử dụng sản phẩm sữa của người dân ngày càng tăng cao, thị trường xuất khẩu rộng mở thì triển vọng phát triển của nghề chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam là rất lớn.
Thống kê của Cục Chăn nuôi cho thấy, hiện, tổng đàn bò sữa của Việt Nam là 293.380 con, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ với 98.999 con. Năng suất và sản lượng sữa của đàn bò sữa Việt Nam hiện đạt 4.500 – 5.000kg/chu kỳ, tương đương hoặc cao hơn một số nước trong khu vực. “Trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa đã có sự tăng trưởng đột phá, riêng doanh thu ngành sữa năm 2018 đạt 5 tỷ USD” – ông Chinh nói.
Một con số cũng rất ấn tượng là, xuất khẩu các sản phẩm sữa ngày càng tăng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sữa đạt 149,18 triệu USD, tăng 24,09% so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết: Hiện nay, sữa Việt đã được xuất khẩu tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường các nước Trung Đông chiếm tới hơn 70%.
7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sữa sang hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là I rắc đạt 88,28 triệu USD, tăng 29,37%; tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 11,59 triệu USD, tăng 52,9%.
Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, từ đó tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc. Ảnh: I.T
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ 2 thế giới (chỉ sau thị trường Mỹ) với tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD và mức tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người liên tục tăng. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung sữa nội địa của Trung Quốc hiện chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu sữa trên thị trường nội địa.
Ông Duy nhận định, thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu sữa hàng đầu của Việt Nam. Nghị định thư về xuất khẩu sữa Việt Nam sang Trung Quốc đã được các cơ quan nhà nước phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu sữa hàng đầu của Việt Nam triển khai.
Video đang HOT
Dự kiến sẽ có lô xuất khẩu đầu tiên sang Trung Quốc theo Nghị định thư trong năm nay. Khi các doanh nghiệp Việt Nam chính thức được xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng để vươn lên vị trí thứ nhất.
“Trung Quốc là thị trường khó tính, quy định kiểm soát có thay đổi thường xuyên. Để giải quyết vấn đề, thúc đẩy xuất khẩu sữa sang Trung Quốc cần nắm đầy đủ và thực hiện đúng nội dung quy định trong Nghị định thư. Với các thị trường khác như Indonesia, Malayssia, Philippines…, cần chú ý tập quán tiêu dùng về sản phẩm, nghiên cứu kỹ thị trường” – ông Duy nói.
Cũng theo ông Duy, bên cạnh vấn đề nghiên cứu, hiểu được thị trường xuất khẩu, về khâu sản xuất cần áp dụng quy trình sản xuất chế biến gắn với công nghệ cao nhằm hạ giá thành, đảm bảo sự ổn định; đồng thời đẩy mạnh công tác quản bá thương hiệu cho sản phẩm…
Xung quanh câu chuyện sản xuất, xuất khẩu sữa, nhất là khi Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, điển hình như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) nêu quan điểm: Để thúc đẩy xuất khẩu sữa, đặc biệt là sang thị trường EU, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ hình thành hợp tác xã và tăng liên kết với doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng theo chuỗi, đầu tư vào hệ thống phân phối; tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh sữa và sản phẩm sữa Việt Nam thông qua chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn hữu cơ.
Ngành chăn nuôi bò sữa tạo thu nhập ổn định cho nhiều nông dân Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Trần Quang.
Phát biểu tại Diễn đàn tầm nhìn và đối thoại PPP ngành hàng chăn nuôi diễn ra sáng nay 24/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: Đối với ngành chăn nuôi, chăn nuôi bò sữa đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong những năm qua, chăn nuôi bò sữa của Việt Nam đang phát triển tốt và từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới.
.Trong những năm qua, chăn nuôi bò sữa của nước ta đang phát triển tốt và từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới. Năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt 109.000 tỷ đồng (khoảng 4.781 triệu USD). Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa. Nhiều chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất tới tiêu dùng trong chăn nuôi bò sữa đã được hình thành và phát triển hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào ngành sữa và trở thành những tập đoàn lớn như Vinamilk, TH true milk…
Bên cạnh những thuận lợi, ngành chăn nuôi cũng như ngành sữa còn gặp phải những khó khăn và thách thức đang hạn chế tiềm năng phát triển của ngành, do đó, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi, cần chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương.
Một trong những giải pháp then chốt được Chính phủ Việt Nam ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP). Tháng 4/2019, Bộ NNPTNT đã thành lập thêm Nhóm công tác PPP về chăn nuôi gồm 4 tiểu nhóm bò sữa, heo, gia cầm, thức ăn chăn nuôi. Nhóm do khối công (Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) và khối tư (các công ty) làm đồng chủ trì với kỳ vọng thúc đẩy thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi.
Theo Danviet
Thị trường rộng mở cho ngành chế biến sữa
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam và Trung Quốc trao đổi Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam, bởi nhu cầu tiêu thụ sữa của thị trường 1,4 tỷ dân này là cực lớn.
Nếu khơi thông được thị trường rộng lớn này, chắc chắn kim ngạch xuất khẩu sữa của Việt Nam không dừng lại ở con số khiêm tốn như hiện nay.
Xuất khẩu liên tục tăng
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2016 - 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) sữa và sản phẩm từ sữa liên tục tăng, từ 84,47 triệu USD năm 2016 lên 82,65 triệu USD năm 2017 và 129,68 triệu USD năm 2018. Giá trị kim ngạch XK trung bình cả giai đoạn tăng trưởng là 27,37%. Trong 3 tháng đầu năm 2019, giá trị kim ngạch XK sữa đạt 48,6 triệu USD.
Ngành chăn nuôi bò sữa có nhiều thị trường phát triển. Ảnh: T.L
Trong năm 2019, hoạt động XK sữa dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi các doanh nghiệp (DN) trong nước tăng cường thúc đẩy XK ra nước ngoài. Đặc biệt, đến nay phía Trung Quốc đã hoàn tất báo cáo đánh giá rủi ro mở cửa thị trường sữa cho Việt Nam. Sau hơn 6 năm đàm phán, Nghị định thư về XK sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết, tạo cơ hội rộng mở cho sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam XK vào thị trường 1,4 tỷ dân này.
Theo báo cáo thị trường sữa toàn cầu 2018 của FAO, Trung Quốc sản xuất 35,6 triệu tấn sữa, giảm 1,1% so với năm 2017. Để đáp ứng tiêu dùng sữa và sản phẩm sữa trong nước, nước này đã nhập 14,6 triệu tấn sữa quy đổi. Đây là quốc gia có tiềm năng rất lớn cho XK các sản phẩm sữa của Việt Nam trong những năm tới.
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nhận định, đến năm 2020, nước này cần tới 1,1 tỷ lít sữa nhưng ngành sữa của Trung Quốc hiện tại còn non trẻ, chi phí sản xuất cao cũng như hạn chế về nước và thức ăn sẽ tiếp tục là bất lợi cho ngành sản xuất sữa nội địa, vì vậy, việc nhập khẩu các sản phẩm từ sữa chế biến là tất yếu.
"Dư địa XK sữa Việt sang Trung Quốc là rất lớn, kể từ khi xảy ra vụ sữa bột nhiễm melanine chính người dân Trung Quốc vẫn nghi ngại khi sử dụng sữa trong nước, chất lượng bò sữa cũng có vấn đề do đồng cỏ bị ô nhiễm. Tuy nhiên, thách thức lớn là hiện nay sữa của Úc và New Zealand đang chiếm thị phần lớn trên thị trường sữa Trung Quốc, do đó, sữa của Việt Nam vào Trung Quốc có triển vọng nhưng sẽ gặp phải cạnh tranh của hai "ông lớn" này" - ông Chinh nói.
Tập trung sản xuất theo chuỗi
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, ngành chăn nuôi bò sữa đang có sự phát triển ấn tượng với tốc độ tăng trưởng đàn bò sữa là 2,09%/năm, tốc độ tăng trưởng sản lượng sữa giai đoạn 2016-2018 là 8,52%, năng suất sữa trung bình của đàn bò vắt sữa trong cả nước năm 2018 đạt trên 5.000kg/con/năm, mức khá cao. Đặc biệt, tại một số trang trại áp dụng công nghệ cao của Vinamilk, TH true milk, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, năng suất sữa trung bình/con/ngày của đàn bò đạt từ 24,51 - 28,35kg/con/ngày.
Trong khi đó, tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam tuy cao hơn một số nước trong khu vực nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều mức tiêu thụ trung bình của thế giới, năm 2018 đạt 27 kg/người/năm, dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa khoảng 28 lít/người/năm.
Dù Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 các nước châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa nhưng sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn sữa và sản phẩm sữa về để phục vụ tiêu dùng trong nước.
Để tận dụng được tiềm năng cũng như cơ hội đối với ngành sữa, nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng. Đồng thời, đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Cần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, quy mô hóa nền chăn nuôi là chìa khóa cho sự bền vững của nền chăn nuôi tiên tiến. Việc hình thành chuỗi liên kết giúp DN có vùng nguyên liệu ổn định và người nuôi bò yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất.
"Việt Nam rất có tiềm năng và dư địa trong việc tiêu thụ sản phẩm sữa. Hiện, sức sản xuất của các DN Việt Nam mới đạt 1 triệu tấn sữa. Việt Nam phải nhập khẩu số lượng gần 1 triệu tấn sữa mới thì mới đạt được con số 25 lít sữa/đầu người/năm và mức bình quân này chỉ bằng 1/4 so với mức tiêu thụ trên thế giới" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Để ngành sữa Việt Nam phát triển, ông Chinh kiến nghị, Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo sữa quốc gia do Bộ NNPTNT làm Trưởng ban, thành viên là các bộ, nghành có liên quan: Công Thương, KHCN, Y tế, GDĐT và lãnh đạo của các tỉnh chăn nuôi bò sữa trọng điểm để thống nhất chỉ đạo Chương trình sữa học đường.
Theo Danviet
Nhập nhằng việc thu tiền sữa học đường trường Tiểu học Trung Yên Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường không được thu gộp tiền sữa học đường với tiền ăn bán trú. Tuy nhiên, quận Cầu giấy (Hà Nội) lại chỉ đạo các trường thu gộp hai khoản này thành một một khoản có tên là "tiền ăn". Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo...