Sửa thuế ôtô: Xe sang tăng giá, xe nhỏ giảm sâu
Xe ôtô sang dung tích trên 3.0 lít sẽ chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao nhất là 75%, tăng 15% so với hiện hành. Ngược lại, những loại xe nhỏ chỉ dưới 1.5 lít sẽ được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống 15% hoặc 20%. Đây là nội dung đáng chú ý trong dự thảo mới nhất về sửa đổi Luật sửa đổi các điều liên quan đến Luật thuế.
Tăng kịch trần trong 1 năm
Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo mới nhất về sửa đổi Luật sửa đổi các điều liên quan đến Luật thuế. Trong đó, mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi có sự điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt mạnh nhất.
Theo đó, Bộ này đã đưa ra nhiều phương án phân chia nhóm mặt hàng ô tô theo dung tích xe với lộ trình thời gian có tăng và có giảm thuế khác nhau.
Ô tô sang trên 3.0 sẽ tăng giá mạnh.
Cụ thể, với các loại xe ô tô từ 1.500 cm3 trở xuống, Bộ này chia làm 2 phương án.
Theo phương án 1, nhóm xe này chia làm 2 nhóm nhỏ để áp thuế. Xe có dung tích từ 1.000 cm3 trở xuống được hưởng mức thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có 25%, giảm tới 20% so với hiện hành từ ngày 1/7/2016 và sau đó, hạ tiếp thuế suất còn 20%, giảm 25% so với hiện hành từ 1/1/2018.
Loại xe trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3 áp dụng thuế suất 30%, giảm 15% so với hiện hành kể từ ngày 1/7/2016 và áp thuế suất 25%, giảm 20% so với hiện hành từ ngày 1/1/2018.
Theo phương án 2, hai nhóm xe trên gộp thành 1 nhóm là tất cả các loại xe có dung tích từ 1.500 cm3 trở xuống thì hưởng thuế suất 30%, giảm 15% so với hiện hành.
Đối với các loại ô tô có dung tích trên 1.500 cm3, Bộ Tài chính chia làm 3 nhóm nhỏ.
Trong đó, nhóm thứ nhất, loại xe có dung tích xi lanh từ trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3, áp thuế suất la 40%, giảm 5% so với hiện hành từ ngày 1/7/2016 và từ ngày 1/1/2018 áp dụng thuế suất 30%, giảm 15% so với hiện hành.
Nhóm xe thứ 2 là loại có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 áp dụng thuế suất 60%, tăng 10% so với hiện hành từ ngày 1/7/2016. Từ ngày 1/1/2018, mức thuế bắt đầu giảm còn 55%, chỉ tăng 5% so với hiện hành.
Video đang HOT
Nhóm thứ 3 chịu mức tăng thuế mạnh nhất là loại có dung tích xi lanh từ trên 3.000 cm3, bao gồm cả mô-tô-hôm (motorhome). Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, nhóm này áp dụng thuế suất 75% (tăng 15% so với hiện hành), từ ngày 1/01/2018 áp dụng thuế suất 70% (tăng 10% so với hiện hành).
Như vậy, mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao nhất chỉ là 75% hay vì mức 195% như một phương án mà Bộ Công Thương từng nghiên cứu cho xe trên 6.0 lít.
Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh này theo nguyên tắc mà Thủ tướng đã chỉ đạo tại cuộc họp về chiến lược ngành ô tô hồi tháng 7. Cụ thể, Bộ sẽ chỉ giảm thuế đối với dòng xe ưu tiên phát triển và áp dụng mức thuế cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3,0 lít. Đây là các loại xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân Việt Nam, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.
Thuế ôtô Việt Nam cao hơn nhiều nước
Bộ Tài chính cũng cho hay, các phương án thuế trên đều đã được tham khảo kinh nghiệm của các nước, đặt biệt là ở 10 nước ASEAN.
Trong đó, 9/10 nước áp dụng phương thức thu theo tỷ lệ % trên giá trị, riêng Philippines áp dụng phương pháp thu hỗn hợp tỷ lệ % với thuế tuyệt đối.
Để khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, nhìn chung, các nước đều áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB thấp hơn đối với các loại xe có dung tích xi lanh nhỏ. Đặc biệt, ở một số nước còn áp dụng thuế TTĐB ở mức thấp đối với dòng xe tiết kiệm năng lượng, xe sử dụng năng lượng sạch.
Cụ thể, mức thuế suất đối với dòng xe dưới 2000 cc của nhiều nước dao động trong khoảng 15% đến 30%, ngoại trừ một số quốc gia như Malaysia (90%), Lào (65%),…
Thuế ô tô Việt Nam cao hơn nhiều nước.
Ngược lại, mức thuế suất đối với dòng xe trên 3000 cc đặc biệt cao ở hầu hết các nước, ví dụ như ở Indoensia (125%), Lào (90%), Malaysia (105%). Tuy nhiên, cũng có quốc gia không phân biệt mức thuế suất thuế TTĐB giữa các chủng loại xe như Singapore (thống nhất áp dụng thuế suất 20%).
Riêng Philippines thu thuế TTĐB đối với xe ô tô vừa ở mức tuyệt đối và tương đối, trên cơ sở giá bán của nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu, trừ thuế TTĐB và GTGT.
Chẳng hạn, nếu là xe 13.300 USD trở xuống, nước này chỉ thu thuế 2%. Nhưng xe từ 13.300 USD đến 24.500 USD thì thuế tiêu thụ đặc biệt lại tính bằng 267 USD 20% giá trị vượt quá 13,300 USD.
Theo bảng so sánh tương quan thuế tiêu thụ đặc biệt với các nước ASEAN, có thể thấy, dòng xe dung tích dưới 2.000 cc của Viẹt Nam đang có mức thuế 45% là rất cao, cao hơn 25% so với Indonesia, Brunei, Singapore, cao hơn 10% so với Myamar, cao hơn 15% so với Thái Lan, Campuchia. Mức thuế trên của Việt Nam chỉ thấp hơn Malaysia, Lào.
Với dòng xe từ 2000- 3000cc của Việt Nam, thuế suất đang là 50%, cũng cao hơn 30% so với Campuchia và Singapore, cao hơn 25% so với Myamar, Brunei, cao hơn 10% so với Thái Lan và Indonesia và chỉ thấp hơn Lào và Malaysia.
Trong khi đó với dòng xe tiêu hao nhiều nhiên liệu là xe trên 3.000 cc, mức thuế của Việt Nam lại đang ưu đãi hơn rất nhiều so với các nước ASEAN.
Cụ thể, thuế suất 60% của dòng xe này ở Việt Nam chỉ bằng một nửa so với mức thuế của Indonesia, thấp hơn 45% so với Malaysia, thấp hơn 30% so với Lào và chỉ cao hơn 10% so ứi Thái Lan, cao hơn 25% so với Brunei…
Trung bình 9 nước ASEAN, thuế tiêu thụ đặc biệt ở 3 dòng xe trên lần lượt là 38%, 44% và 59% trong khi ở Việt Nam, cao hơn nhiều khi lần lượt là 45%, 50% và 60%.
Tuy nhiên, khi tính trung bình 4 nước lân cận là Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia, thuế tiêu thụ đặc biệt 3 dòng xe là 40%, 51% và 75% cho thấy, dòng xe trên 3.0 lít ở Việt Nam ở mức thấp nhất, thấp hơn tới 15%, trong khi 2 dòng xe còn lại, đáng lẽ có thể ưu tiên phát tiển thì thuế cũng cao hơn.
Theo Phạm Huyền
Vef
Toyota đề nghị giảm thuế ôtô
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe thân thiện môi trường dung tích động cơ dưới 2 lít. Cụ thể, nhà sản xuất Nhật Bản muốn thuế suất đánh vào dòng xe này giảm từ 45% hiện nay xuống còn 30%.
Giảm thuế để tăng dung lượng thị trường
Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) - ông Yoshihisa Maruta thừa nhận giá thành một chiếc xe 4 chỗ tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với giá thành sản xuất một chiếc tương tự tại Thái Lan, nguyên nhân chính là do sản lượng của chiếc xe đó tại Việt Nam thấp hơn nhiều, chỉ bằng 1/15.
TMV muốn thuế suất đánh vào dòng xe thân thiện môi trường giảm từ 45% hiện nay xuống còn 30%.
Khoản chênh lệch chi phí đó của xe sản xuất tại Việt Nam, theo Tổng Giám đốc TMV, bao gồm: chi phí đóng gói, vận chuyển và kho bãi... cho linh kiện nhập khẩu cao (13%), thuế nhập khẩu một số linh kiện CKD cao (3%) và khấu hao lớn (4%).
Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển rõ ràng là một bất lợi lớn đối với năng lực cạnh tranh của xe ô tô nội. Trong khi phần lớn linh kiện ô tô lắp ráp tại Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, làm phát sinh rất nhiều các loại chi phí thì Thái Lan đã nội địa hóa hơn 80% theo giá trị linh kiện. Chưa kể, hầu hết các nhà cung ứng linh kiện đều nằm quanh các nhà sản xuất ô tô, điều này giúp ngành công nghiệp ô tô của quốc gia láng giềng giảm thiểu được rất nhiều chi phí đóng gói, hậu cần.
Ông Yoshihisa Maruta cho rằng, để giảm bớt chênh lệch về chi phí, TMV sẽ từng bước tăng cường nội địa hóa các linh kiện, nhưng điều này được nói là phải đi đôi với việc sản lượng của mỗi mẫu xe gia tăng trong những năm tới. "Nội địa hóa chỉ được thực hiện nếu giảm được chi phí. Điều này phụ thuộc vào sản lượng" - người đứng đầu TMV nói thẳng.
Nếu chi phí sản xuất một linh kiện trong nước thấp hơn chi phí nhập khẩu linh kiện đó từ nước ngoài đã bao gồm thuế nhập khẩu, đóng gói, vận chuyển và kho bãi... thì linh kiện đó sẽ được cân nhắc nội địa hóa, ông này lưu ý thêm.
"Việc cắt giảm chi phí sẽ cần sản lượng đủ lớn cho mỗi mẫu xe. Chúng tôi cần phải lựa chọn và tập trung năng lực sản xuất hiện tại vào 1 hoặc 2 mẫu xe chủ lực để đạt được mức sản lượng cao hơn cho mỗi mẫu xe. Điều đó sẽ giúp chúng tôi nội địa hóa được thêm các linh kiện" - Tổng Giám đốc TMV diễn giải.
Và có vẻ như lựa chọn của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chính là dòng xe thân thiện môi trường khi công ty này chính thức đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe này để thúc đẩy thị trường. Định hướng này cũng phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.
Win - win - win, ba bên cùng thắng
"Đề xuất này là giải pháp cùng thắng win-win-win của Nhà nước - Người tiêu dùng - Doanh nghiệp sản xuất. Về lâu dài, Nhà nước có thể tăng thu ngân sách do sản lượng gia tăng, người tiêu dùng mua xe thân thiện môi trường với giá hợp lý hơn và doanh nghiệp sản xuất có thể giảm chi phí khi nội địa hóa" ông Yoshihisa Maruta nói.
Cụ thể, TMV muốn thuế suất đánh vào dòng xe thân thiện môi trường giảm từ 45% hiện nay xuống còn 30%. Theo định nghĩa của công ty này, xe thân thiện môi trường là xe có 5 chỗ ngồi, dung tích động cơ dưới 1,5 lít, tiêu chuẩn khí xả Euro 4... Dựa trên dự án được đề xuất, Chính phủ sẽ đánh giá và cấp chứng nhận xe thân thiện môi trường và chỉ những dự án có chứng nhận này khi đi vào sản xuất mới được hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trước đó, như Pháp luật Việt Nam từng đề cập, hồi đầu tháng 4 năm nay, ông Yoshihisa Maruta từng "úp mở" về việc TMV có thể đóng cửa nhà máy tại Việt Nam từ thời điểm năm 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực ASEAN giảm còn 0%. Thông điệp này như một "phép thử" dư luận của TMV, và ngay sau đó đã được "đính chính".
"Chúng tôi có thể kết luận là hoàn toàn không có việc đó. TMV luôn mong muốn sản xuất tại Việt Nam và hiện đang tìm mọi cách duy trì sản xuất - CEO hãng xe Nhật nói lúc đó - TMV luôn nỗ lực cắt giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh, tuy nhiên chỉ mỗi cố gắng của doanh nghiệp thôi chưa đủ. Để công nghiệp ô tô phát triển, cần có 2 điều quan trọng. Thứ nhất là cần có các chính sách hỗ trợ công nghiệp ô tô trong nước cho đến khi thị trường phát triển đến quy mô cần thiết. Thứ hai, đó là những chính sách liên quan đến thị trường ô tô cần ổn định, tránh tăng, giảm đột ngột".
Nay, với "gói" đề xuất vừa gửi đến Bộ Tài chính, TMV có thể nói đã chính thức đưa ra "yêu sách" của mình. Để giữ chân "người khổng lồ" và cứu vãn giấc mơ về một ngành công nghiệp ô tô nội địa, chắc hẳn Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ sớm có phản hồi.
Theo Autodaily
Ôtô nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giảm giá mạnh? Hàng loạt các hiệp định thương mại Việt Nam đã và sắp ký kết đều cắt giảm dần về 0% đối với thuế nhập khẩu ô tô. Sớm nhất, từ 2016, hầu hết ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ có thuế suất 0%. Thuế ô tô đồng loạt về 0% Mới đây, Việt Nam và Liên minh châu Âu...