Sửa luật thế nào để ngăn “cô gái 19 tuổi có biệt phủ hàng 1000 m2″?
Góp ý vào dự thảo Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) dẫn dụ trường hợp cô gái 19 tuổi sở hữu biệt phủ hàng 1000 m2, không truy được nguồn gốc tài sản vì “không có luật nên thua về lý”. Theo đại biểu, khi sửa luật làm sao phải khắc phục được bất cập này.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình, ảnh quochoi.vn).
Chiều nay (13.6), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), mục tiêu để phòng và chống được tham nhũng thì điều quan trọng nhất là vấn đề thực hiện cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. “Vì sao lại coi trọng việc này? Lâu nay chúng ta thấy việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, những vấn đề thuộc trách nhiệm dân được biết, dân được bàn, dân được làm, dân được kiểm tra thực hiện không tốt”, đại biểu Phương nhìn nhận.
Theo ông, chúng ta nói Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua người đại diện của mình, nhưng người đại diện của mình khi làm gì thì lại không cho dân biết. “Chúng ta đơn cử một việc gần đây nhất là việc BOT. Dự án BOT là việc làm liên quan đến dân nhưng hợp đồng lại có điều khoản bảo mật hay nói cách khác ký hợp đồng này trong bóng tối. Cơ quan kiểm toán cần phải soi sáng để dân được biết thì lại có một bộ khác ngăn cản, lại nói không được kiểm toán vì đây không phải tài sản công, không phải tài chính công thì lại càng làm cho dân nghi kỵ”, đại biểu Phương nói.
Đại biểu Phương cho rằng, với dẫn chứng nêu trên để thấy quan trọng của việc công khai, minh bạch và giải trình của các cơ quan có trách nhiệm.
Phát biểu về vấn đề kê khai tài sản, thu nhập, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho hay, đã có nhiều ý kiến phát biểu nhưng hầu như chưa đề cập đến một đối tượng mà ông băn khoăn. “Xin bắt đầu bằng những sự thật mà chúng ta gặp, có những cô gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ xây trên đất hàng nghìn m2. Có những người mới chỉ là trưởng, phó phòng nhưng đã có những biệt phủ trên khuôn viên hàng nghìn m2. Người dân bình thường suy đoán biết tài sản đó từ đâu mà có, dư luận xôn xao, thế nhưng không làm gì được. Vì không có luật nên chúng ta đã thua về lý. Tôi mong rằng Ban soạn thảo nghiên cứu, đề xuất sửa đổi luật để giải quyết cho được một bất cập rất lớn trong thực tiễn này”, đại biểu Trí đề cập.
Ông nói thêm, lò đã đỏ lửa, nhưng có nóng đến triệu độ, mà lỗ hổng trong luật vẫn còn thì nhân dân, chính quyền không thể lấy được củi tham nhũng để cho vào lò.
Video đang HOT
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội, ảnh VPQH)
Cũng nói vấn đề kê khai tài sản và kiểm soát tài sản thu nhập, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đề nghị xem xét các đối tượng đã từng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, thậm chí khi nghỉ hưu.
“Thực tế, hiện nay, hầu hết các tài sản tham nhũng được cất giấu, gửi ngân hàng hoặc do người thân như bố, mẹ, anh, chị, em, con, cháu ruột thịt đứng tên, đến khi về hưu được gom lại và hợp thức hóa. Tôi đề nghị phải xem xét đối với đối tượng này. Khi xem xét các vụ tham nhũng cần bổ sung những người ruột thịt như nêu trên là những đối tượng phải chứng minh nguồn gốc tài sản”, đại biểu Hạ nói.
Đại biểu nêu một tình huống: Có một ông bố nghèo ở quê có 2 con làm quan lớn, trước khi từ trần ông có mời luật sư và 2 con đến dặn rằng bố để cho mỗi con 500 cây vàng. Các con rất ngạc nhiên hỏi tại sao bố nghèo mà lại có khoản tiền đó. Ông nói là làm gì có cây vàng nào, chỉ đề phòng khi các con phát sinh tài sản khi kê khai nó có nguồn gốc rõ ràng. “Vì vậy, tôi đề nghị riêng đối tượng này cũng phải xem xét để quy định cho phù hợp”, đại biểu Hạ nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, người điều hành phiên thảo luận đã giải đáp tình huống đại biểu Hạ đã nêu. “Xin thưa các vị đại biểu Quốc hội, việc thừa kế cũng như việc tặng cho đã được pháp luật dân sự, pháp luật về thừa kế quy định rất chặt chẽ, có trình tự, thủ tục, có cơ quan chứng thực chứng nhận việc này. Không phải bằng một tờ giấy viết tay như vậy, sau này cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập coi đó là tài sản hợp pháp”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Theo Danviet
Ai tin người nhà cán bộ bán nước, lao động chân tay xây... biệt phủ
"Khi quan chức có khối tài sản lớn một cách bất minh, họ có muôn vàn cách để chuyển giao cho người thân trong cùng huyết thống đứng tên để đảm bảo khối tài sản đó vẫn là của mình nhưng lại không phải kê khai, giải trình" - TS Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói vậy khi trao đổi với Dân Việt.
Biệt phủ từng bị dư luận nghi ngờ là của vị lãnh đạo Công an tỉnh Yên Bái.
Gần đây có những trường hợp quan chức khi bị dư luận "soi" về khối tài sản như biệt phủ, đất đai, họ cho rằng đó là tài sản của bố mẹ, anh em, theo ông đây có phải là cách "lách luật"?
- Quả thực đây là vấn đề rất khó kiểm soát bởi hiện nay chúng ta chưa có quy định truy nguyên nguồn gốc tài sản. Nguồn gốc tài sản của mỗi cá nhân đều hình thành từ những cách làm khác nhau. Việc ông A là quan chức, ông có bố mẹ vốn là nông dân thuần túy, người anh hay em chỉ làm nghề giản đơn như bán nước chè ngoài vỉa hè hay công việc lao động chân tay gì đó mà lại xây được biệt phủ lộng lẫy thì chẳng ai tin. Dư luận nghi ngờ người đứng tên tài sản đó chỉ là cách né, còn thực tế nó là của vị quan chức.
Luật pháp của chúng ta hiện nay chưa cho phép cơ quan chức năng tiếp cận việc truy nguyên nguồn gốc tài sản. Nếu có quy định thì giải quyết những vụ việc nghi vấn về đứng tên tài sản hay kê khai tài sản không khó.
Như vậy nếu quan chức có tài sản lớn được hình thành một cách bất minh rồi cho người thân đứng tên thì đó là cách tẩu tán tài sản thưa ông?
- Như tôi đã nói, phải có quy định để tiếp cận việc truy nguyên nguồn gốc tài sản. Còn nếu như không có quy định đó thì các vị quan chức có tài sản lớn có thể "đánh lận con đen", nghĩa là chuyển giao tài sản cho người khác trong gia đình đứng tên. Ví dụ như con trai của một vị Bí thư Tỉnh ủy mà báo chí đã nêu, người này ăn chơi, trình độ không có nhưng khi kiểm tra thấy người con lại đứng tên một khối tài sản lớn.
Nói tóm lại khi quan chức có khối tài sản lớn một cách bất minh, họ có muôn vàn cách để chuyển giao tài sản đó cho người thân đứng tên, để đảm bảo khối tài sản đó vẫn là của mình nhưng không phải chịu trách nhiệm kê khai, giải trình. Nếu chúng ta không có quy định chặt chẽ thì đúng là vấn đề này khó kiểm soát.
Không ít quan chức khi bị phát hiện đang sở hữu khối tài sản lớn như biệt thự, biệt phủ, họ đã giải trình có được là do nuôi gà, nuôi lợn, chạy xe ôm, mua chổi đót... Dư luận thấy rất hài hước, thậm chí bất bình về cách giải thích này. Ông có nghĩ vậy?
Dù có rào "lưới" pháp luật thật chặt chẽ để chống tham nhũng nhưng đầu vào là công tác cán bộ không tốt, để lọt cán bộ hư hỏng thì họ cũng tìm cách để phá "lưới" pháp luật
- Liên quan đến vấn đề truy nguyên nguồn gốc tài sản cần phải nói rằng cũng có một bộ phận cán bộ, công chức biết cách làm giàu chính đáng. Vấn đề là phải có bằng chứng thuyết phục về việc họ đã tham gia sản xuất kinh doanh hay nói cách khác là làm nghề "tay trái".
Ví dụ như cán bộ, công chức có thể chơi chứng khoán, có thể tư vấn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị nào đó ngoài lĩnh vực phụ trách hoặc góp vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh ngoài lĩnh vực phụ trách... Các hoạt động kinh doanh này Đảng và Nhà nước đều cho phép. Nếu cán bộ làm giàu theo cách như thế để có thu nhập cao, có tiền mua sắm tài sản lớn thì theo tôi rất đáng hoan nghênh.
Nhưng kiểu quan chức giải trình có tài sản hàng chục tỷ đồng do đi buôn chổi đót, nấu rượu, nuôi lợn, nuôi gà, chạy xe ôm... nghĩa là làm những nghề không sinh lợi nhuận nhiều, không thể tích lũy được khoản tiền lớn thì rõ ràng dư luận, xã hội nghi ngờ là có lý do.
Tới đây Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi cần phải bổ sung quy định để việc kê khai tài sản cũng như truy nguyên nguồn gốc tài sản được đảm bảo thưa ông?
- Nói chung Luật phòng, chống tham nhũng chỉ là một đạo luật để ngăn ngừa lòng tham và khả năng trục lợi của một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất. Còn vấn đề gốc vẫn là công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm được cán bộ phải làm sao chọn được người có tài, có đức.
Tôi xin nói về kinh nghiệm của người xưa để chúng ta tham khảo. Triều đại của vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) có những quy định rất chặt chẽ, sáng suốt để lựa chọn người tài, bổ nhiệm quan lại. Có những quy định để đảm bảo rằng nhân tài được lựa chọn đó là đích thực, thông qua những công cụ của pháp luật gọi là bảo cử: Nghĩa là có người đứng ra để đảm bảo rằng người tiến cử đó có tài năng, đức độ, trong sáng, nếu như người đó vi phạm pháp luật thì người đã đảm bảo cũng phải chịu trách nhiệm.
Ở thời đó, chế độ thi tuyển hay còn gọi là khoa cử được tổ chức rất nghiêm ngặt để chọn ra người có tài năng, đức độ. Bên cạnh đó có chế độ khảo khóa, nghĩa là định kỳ, định lệ hằng năm hoặc 2 -3 năm xét lại một lần. Việc này hiện nay Singapore và Hàn Quốc đang làm. Còn chúng ta hiện nay, người được bổ nhiệm xong rất ít bị xuống chức trừ ra vi phạm rõ ràng, trắng trợn thì mới bị kỷ luật, cách chức.
Quay trở lại việc xây dựng pháp luật, cho dù có rào "lưới" pháp luật thật chặt chẽ để chống tham nhũng nhưng đầu vào là công tác cán bộ không tốt, để lọt cán bộ hư hỏng thì họ cũng tìm cách để phá "lưới" pháp luật.
Xin cảm ơn ông (!)
Triều đại của vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) có những quy định rất chặt chẽ, sáng suốt để lựa chọn người tài, bổ nhiệm quan lại. Có những quy định để đảm bảo rằng nhân tài được lựa chọn đó là đích thực, thông qua những công cụ của pháp luật được gọi là bảo cử: Nghĩa là có người đứng ra để đảm bảo rằng người tiến cử đó có tài năng, đức độ, trong sáng, nếu như người đó vi phạm pháp luật thì người đã đảm bảo cũng phải chịu trách nhiệm.
Theo Danviet
Công an triệu tập 2 tài xế tông gãy barie ở BOT Tân Đệ Công an huyên Vu Thư cho biêt đa triêu tâp 2 ngươi tông gay barie của BOT Tân Đê va tiêp tuc xac minh ngươi dung dao chem barie va đanh nhân viên thu phi. Sáng 9/6, trao đổi với Zing.vn, thiếu tá Bùi Tiến Trường, Trưởng Công an huyện Vũ Thư, cho biết công an đã xác minh được danh tính của...