Sửa Luật Cư trú: Giảm áp lực tăng dân số
Ngày 26-2, trong khuôn khổ phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Một trong những vấn đề được chú ý là các quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại các đô thị lớn.
Theo tờ trình của Chính phủ do Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày, công dân được nhập cư vào các thành phố lớn trực thuộc Trung ương nếu có một trong các điều kiện: Có nhà ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình; có chỗ ở hợp pháp mà không phải là nhà ở thuộc sở hữu của mình và tạm trú liên tục từ 2 năm trở lên; được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu là người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột.
Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của các cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP và trường hợp được người cho thuê, cho mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc phòng công chứng. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi tạm trú. Với trường hợp công dân đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội thì thực hiện theo Luật Thủ đô.
Theo cơ quan thẩm tra, so với quy định hiện hành về điều kiện đăng ký thường trú, các điều kiện nói trên được quy định theo hướng chặt chẽ hơn. Luật hiện hành quy định thời gian tạm trú chỉ từ 1 năm, nay tăng lên 2 năm. Luật hiện hành không quy định diện tích tối thiểu khi nhập khẩu, không quy định xác nhận của chính quyền địa phương trong trường hợp người có hộ khẩu cho người ở thuê, ở nhờ nhập khẩu. Còn dự thảo luật bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương khi phải bảo đảm cả điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản, có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
Tại phiên họp, đa số thành viên UBTVQH tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung dự luật. Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với việc bổ sung về điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ. Đối với điều kiện “phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng”, Ủy ban Pháp luật đề nghị phải quy định rõ ràng hơn. Ủy ban Pháp luật cho rằng, để bảo đảm đầy đủ các quy định của pháp luật về dân sự và nhà ở, cần quy định cụ thể gồm 2 văn bản rõ ràng. Đó là hợp đồng dân sự về cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ có chứng thực của chính quyền địa phương hoặc công chứng và văn bản của người có sổ hộ khẩu đồng ý cho người thuê, mượn, ở nhờ được đăng ký thường trú tại chỗ ở đó. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, với các quan điểm chỉ đạo đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng các quy định thông thoáng của Luật Cư trú để đăng ký thường trú tại nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội, tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng, giao thông, trường học, bệnh viện, điện, nước; đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý cư trú.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Nguyên tắc là người dân phải được tự do cư trú, đi lại, được chăm sóc y tế, có chỗ học hành… Việc đăng ký thường trú, tạm trú phải thông thoáng, khuyến khích được người dân đến thực hiện các thủ tục này.” Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cơ quan soạn thảo phải rà soát lại toàn bộ để đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân.
Sau khi tiếp thu, chỉnh sửa, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, vào tháng 5-2013.
Theo ANTD
Khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước
Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Theo bà Lê Hoàng Oanh- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nội dung về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định phù hợp hơn với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một số quyền mới được bổ sung và thể hiện bước tiến mới trong việc mở rộng phát triển quyền, phản ánh kết quả của quá trình đổi mới vừa qua.
Tuy nhiên, trong chương II, điều 42 "Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập" thì cần có những quy định cụ thể hơn. Trong điều 54 sửa đổi bổ sung "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân" cần khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế nhà nước bởi trên thực tế, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giữ vai trò rất quan trọng trong các mũi nhọn của kinh tế đất nước, thực hiện các công trình trọng điểm về an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, đảm bảo an sinh xã hội...
Theo ANTD
Cho ý kiến sửa đổi Luật Cư trú Văn phòng Quốc hội cho biết, phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ khai mạc hôm nay, 25-2. Tại phiên họp này, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Ngoài ra, UBTVQH cũng thảo luận về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác...