Sửa Hiến pháp: Tăng quyền của Chủ tịch nước
(Quyền hạn của Chủ tịch nước được mở rộng hơn về việc phong hàm, phong cấp sĩ quan cấp cao quyền bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Đó là những nét mới trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, thay mặt Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trình bày tờ trình trước Quốc hội ngày 29/10.
Ông Phan Trung Lý cũng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ba yêu cầu của sửa đổi Hiến pháp
Theo tờ trình, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 cần đáp ứng các yêu cầu sau: Thứ nhất, tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa VN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thứ hai, thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng. Thứ ba, hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thật sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài.
Ông Lý cho biết: “Bản dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, dự thảo Hiến pháp giảm 1 chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới. Nhiều quy định đã được sửa đổi, bổ sung làm cho đầy đủ và chặt chẽ hơn”.
Chủ tịch nước mới có quyền phong tướng
Theo ông Lý, dự thảo tiếp tục giữ các quy định của Hiến pháp 1992 về thiết chế chủ tịch nước và làm rõ hơn một số thẩm quyền của chủ tịch nước trong một số lĩnh vực, sắp xếp lại nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch nước.
Trong mối quan hệ với hành pháp: Chủ tịch nước có quyền bãi bỏ văn bản của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và mối quan hệ giữa chủ tịch nước và Chính phủ có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ yêu cầu Chính phủ bàn về vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch nước khi cần thiết.
Dự thảo mở rộng hơn quyền của chủ tịch nước về việc phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao. Theo đó, quy định chủ tịch nước “thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân bổ nhiệm tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN”.
Quốc hội sẽ thảo luận các nội dung sửa đổi Hiến pháp vào các ngày 6 và 15/11.
Chưa rõ việc thu quỹ phòng chống thiên tai
Tại phiên họp của Quốc hội sáng 29/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát trình bày tờ trình dự án Luật phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đọc báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết ủy ban tán thành 18 loại thiên tai thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Song cũng có đề nghị bỏ bớt ra khỏi quy định một số loại thiên tai ít xảy ra, phạm vi ảnh hưởng nhỏ, đồng thời bổ sung quy định vào luật một số loại thiên tai như “cháy rừng do khô hạn, do sét đánh”, “dịch bệnh”…
Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh dự thảo luật quy định hai loại quỹ cho công tác phòng chống thiên tai chưa quy định rõ với loại quỹ đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thì việc quản lý, sử dụng thế nào. Còn quỹ phòng chống thiên tai (mang tính bắt buộc) thì gồm các loại thu gì, quỹ được thành lập ở cấp nào, đối tượng miễn trừ ra sao… cũng chưa thể hiện rõ. Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường lưu ý khi quy định việc thành lập quỹ, cơ chế đóng góp, sử dụng…, cần tránh tình trạng như việc sử dụng và quản lý quỹ phòng chống lụt bão hiện nay. Ngoài ra, dự thảo luật mới quy định hình thức cứu trợ, hỗ trợ, chưa quy định về đối tượng tham gia cứu trợ, hàng cứu trợ, về điều kiện, đối tượng được sử dụng cứu trợ khẩn cấp.
Cũng trong sáng 29/10, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày tờ trình dự án Luật phòng chống khủng bố.
Video đang HOT
Theo tờ trình, ở VN mặc dù chưa xảy ra vụ khủng bố nào do các tổ chức khủng bố quốc tế gây ra, tuy nhiên từ năm 2000 đến nay đã có bốn vụ khủng bố do đối tượng phản động lưu vong người Việt câu kết với các đối tượng phản động, đối tượng hình sự khác trong nước thực hiện được phát hiện, điều tra, xử lý. Cơ quan an ninh cũng phát hiện hàng trăm đối tượng phản động lưu vong người Việt xâm nhập nội địa, mang theo hàng tấn thuốc nổ, vũ khí và phương tiện kỹ thuật nhằm sử dụng thực hiện khủng bố, phá hoại. Do diễn biến phức tạp của tình hình an ninh thế giới, khu vực và trong nước, nguy cơ tiềm ẩn khủng bố ở VN trong thời gian tới là rất lớn.
Cũng tại phiên họp sáng 29/10, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật giáo dục quốc phòng – an ninh, Luật hòa giải cơ sở.
Thanh lọc “sâu” trong bộ máy
Chiều 29/10, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nói việc bỏ phiếu tín nhiệm là rất quan trọng và cấp thiết vào thời điểm hiện nay, vừa có tác dụng răn đe, giám sát và góp phần thanh lọc những “con sâu” trong bộ máy. Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho rằng có tình trạng làm việc chả ưu điểm, khuyết điểm gì cả, “nếu cứ ì ạch như thế mà vẫn tồn tại cả nhiệm kỳ thì chết thiên hạ. Cho nên phải có sự thay đổi. Không phải không có người làm tốt, nhưng anh đứng đó rồi thì lấy ai vào đó làm. Cái nguy hiểm ở chỗ là kéo dài tình trạng biết rằng mình không bao giờ bị thay đổi, còn bây giờ liều thuốc này buộc anh phải chuyển động, cố gắng”.
Không nên lấy phiếu dàn trải
Theo dự thảo nghị quyết về vấn đề trên, QH tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm tại kỳ họp đầu năm, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ QH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn khi người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” người được lấy phiếu tín nhiệm hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu QH đánh giá “tín nhiệm thấp”…
Băn khoăn về quy định hai năm liên tiếp tín nhiệm thấp thì đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nêu giả thuyết: “Quy định hai năm không đủ tín nhiệm quá bán thì sẽ đưa ra xem xét, vậy nếu có trường hợp lấy phiếu năm đầu không đủ 50% tín nhiệm, năm thứ hai được 51%, năm thứ ba lại dưới 50% thì có đưa ra xem xét hay không?”.
Đại biểu Trần Thanh Hải (TP.HCM) cho rằng cần lấy phiếu tín nhiệm mỗi năm một lần và phiếu chỉ có hai lựa chọn “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Khi lấy phiếu tín nhiệm cho kết quả thấp thì chuyển sang bước bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ông Hải nói bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ có tác động lớn.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị hãy thực hiện những điều Hiến pháp quy định, tức là bỏ phiếu tín nhiệm, không làm hai nấc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm như đề xuất.
Nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh từ bộ trưởng và tương đương trở lên, không nên làm dàn trải.
Công khai số phiếu
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị công khai số phiếu – Ảnh: V.V.Thành
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị khi bỏ phiếu tín nhiệm nên công khai số phiếu để cử tri biết, qua đó cử tri đánh giá đại biểu đã thực hiện sự ủy quyền của mình như thế nào. “Nếu Quốc hội nhất trí thì thông qua nghị quyết xong tiến hành lấy phiếu ngay tại kỳ họp này để đánh giá cán bộ năm 2012″ – đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) đề xuất.
Mở rộng vấn đề, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết trong Đảng cũng sẽ triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm, ngoài ra ở địa phương thì giám đốc các sở như giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên – môi trường… có nên được đưa ra “hỏi thăm sức khỏe” bằng việc lấy phiếu tín nhiệm hay không, vì đây là những vị trí tác động đến cuộc sống của người dân rất nhiều chứ không chỉ có những người được QH bầu và phê chuẩn.
Tại Đoàn TP.HCM, nhiều ý kiến đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cần bổ sung hình thức để đo lường tín nhiệm đối với các giám đốc sở và các chức danh tương đương ở cấp tỉnh. Các ý kiến cho rằng những vị trí này rất quan trọng, liên quan rất nhiều đến người dân.
Theo bà Tâm, với những giám đốc sở không phải là ủy viên UBND (không do HĐND bầu) thì cũng cần lấy phiếu tín nhiệm và kết quả sẽ được chuyển cho cơ quan quản lý cán bộ xem xét. Trưởng Đoàn đại biểu QH TP.HCM Huỳnh Thành Lập ủng hộ đề nghị này, “giám đốc sở là tư lệnh của lĩnh vực, bỏ sót ông này thì uổng lắm”.
Theo 24h
Tội phạm tham nhũng "ẩn" vì có sự bao che !?
"Vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn, người ta nghĩ ngay đến chuyện có người bao che. Yếu tố "ẩn" của tội phạm tham nhũng chính là do vậy, do có người bao che, có người "mật báo", có người lấp liếm cho" - Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý phân tích.
Thảo luận tại tại tổ về tình hình tội phạm, công tác phòng chống tham nhũng năm 2012, nhiều ý kiến đã "làm sôi" diễn đàn về độ bức xúc của tệ tham nhũng.
Kê khai tài sản "không trúng" vì hình thức
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đi thẳng vào vấn đề, kết quả chống tham nhũng còn hạn chế phát hiện tham nhũng không tương xứng thực tế vì thực chất các hoạt động "phòng, chống" mới chỉ tiến hành trên diện rộng, chưa đi vào chiều sâu, thực chất vấn đề.
Ông Quyền phân tích, biện pháp "phòng" tham nhũng bằng kê khai tài sản - có mở rộng diện đối tượng phải kê gồm cả vợ chồng, con cái, bố mẹ - vẫn... không trúng vì hình thức. Quan trọng nhất là phải kiểm soát được tài sản của công dân, trong đó có công chức, viên chức.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp dẫn chuyện, những băng cướp nhỏ ở Nam Phi, mỗi khi cướp được tài sản là lượng nhỏ ngoại tệ đều phải "nhiệt tình"... trả lại. Lý do là vì ngoại tệ không tiêu được ở đất nước này. Đó đã là một cơ chế rất hữu hiệu để chống rửa tiền, phòng tham nhũng. Nó cũng biểu hiện việc nhà nước kiểm soát rất tốt tài sản, thu nhập của mọi công dân.
Trong khi tại Việt Nam, có vụ tham nhũng mà qua 4 vòng xét xử, kéo dài 14 năm cũng vẫn chưa xác định được tài sản của cán bộ nghi tham nhũng. Như vậy, chỉ nhìn vào bảng kê khai tài sản, ông Quyền lắc đầu "sao nói lên được điều gì".
"Tôi đồng ý việc niêm yết công khai bảng kê tài sản song chắc nó chỉ có ý nghĩa để cho cán bộ tự thấy mình tự giác thôi chứ không có ý nghĩa để người khác phát hiện tham nhũng" - ông Quyền phát biểu.
Đối phó với tội phạm tham nhũng, theo đại biểu, quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất là chứng cứ. Vì tham nhũng là tội phạm ẩn, được so sánh như biểu tượng thường thấy là hình ảnh 2 bàn tay lồng vào nhau - ý nói hành vi đưa nhận hối lộ.
Song rất nhiều năm qua, dù tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều vẫn ít có kết quả vì khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, đơn vị này vẫn tiếp tục công việc cả năm trời, sau đó mới chuyển tài liệu sang cơ quan điều tra. Lúc này, cơ quan điều tra vào cuộc thì cũng đành "bó tay" vì không thể tìm được chứng cứ. Mọi thứ đã được xóa sạch.
Đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) phân tích thêm, nói tội phạm tham nhũng "ẩn" cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng nói là nguyên nhân chủ quan.
Ông Lý đề cập lại vụ Cục trưởng Cục Hàng hải Dương Chí Dũng bỏ trốn. Đặt câu hỏi vì sao bị can trốn được, người ta nghĩ ngay đến chuyện có người bao che. Chủ nhiệm UB Pháp luật quả quyết: "Yếu tố "ẩn" chính là do vậy, do có người bao che, có người "mật báo", có người lấp liếm, bỏ qua cho. Vậy nên nói "ẩn" như thế là do nguyên nhân chủ quan".
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cũng phản ánh, dân không tin Dương Chí Dũng bỏ trốn êm đềm như vậy, rồi nói bắt là bắt ngay được như vậy.
Chống tham nhũng từ... tư duy
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án TAND TPHCM nói: "Chúng ta giật mình khi nổ ra những vụ án với số tiền chiếm đoạt rất lớn, diễn ra trong thời gian dài. Vậy tại sao giờ mới phát hiện. Chuyện Vinalines mua chiếc ụ nổi cũ kỹ, lạc hậu vậy mà không ai phát hiện sao? An ninh kinh tế không phát hiện, hay có mà không công khai xử lý?... Tôi cho là chúng ta biết nhưng chần chừ, dẫn đến sai phạm lún sâu dần".
Đại biểu Phan Trung Lý (trái) - Chủ nhiệm UB Pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) băn khoăn, từ lãnh đạo đến cán bộ, người dân đều luôn luôn nói về tham nhũng nhưng khi có những vụ việc rành rành là tham nhũng nổi lên như PMU18, Vinashin rồi hiện tại là Vinalines thì cuối cùng lại quy về "tội trạng" là không hoàn thành nhiệm vụ, làm trái quy định chứ không chỉ đích danh là tham ô.
"Mua tàu cũ dẫn đến gây thiệt hại lớn cũng không nói là tham ô mà lại là lám trái chỉ đạo Thủ tướng. Nhưng thực chất việc này phải nói là mua tàu cũ với giá gần bằng tàu mới. Có khi con tàu giá mua 1.000 tỷ đồng, thực tế chỉ phải trả 500 tỷ, số còn lại từ lãnh đạo đến cấp dưới cắt ra chia nhau" - ông Hồng phán đoán.
Đại biểu cũng bộc bạch, khi nghe tin nổ ra những vụ án "đình đám" như vậy, "dân thường" như ông nghĩ ngay đến việc tử hình đến nơi nhiều quan chức cấp cao. Vậy nhưng cuối cùng cũng chỉ là mấy tội danh nhẹ nhàng như trên. Thậm chí có người sau đó còn khôi phục sinh hoạt Đảng. Ông Hồng bình luận đó là việc "không thể hiểu nổi".
Đại biểu đặt vấn đề, nên chăng có luật đưa ra những mức định khung cụ thể, làm thất thoát, thiệt hại đến 200 tỷ, 500 tỷ.... là cứ vậy áp án chung thân, tử hình. Làm mạnh tay để tránh tình trạng lãnh đạo làm sai, gây thiệt hại đến hàng nghìn tỷ mà lĩnh án không bằng hành vi của kẻ ăn trộm, giết người.
Ông Hồng đặt vấn đề phải chống "tư duy tham nhũng" ngay từ việc nhỏ nhất. Chuyện người lao công tại khu phố, cứ tháng nào nhận được thêm phong bì bồi dưỡng thì quét dọn sạch bong, tháng nào quên, lỡ hạn là làm quấy quá được ông Hồng dẫn ra để nói về chuyện này.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, có hiện tượng hành chính hóa, nội bộ hóa để giảm án tham nhũng. Số vụ án tham nhũng nhiều nhưng khởi tố kiểu đầu voi đuôi chuột. Thất thoát nhiều nhưng khi kết luận lại không có tham ô. Thu hồi tài sản chiếm đọat trong các vụ án tham nhũng rất thấp, chỉ vài %, vậy đi đâu hết? Nếu chỉ phát hiện, xử tù mấy năm rồi tha thì không răn đe được tham nhũng. Phải tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng.
"Nhiều vụ án đầu voi đuôi chuột, PMU18, rồi Vinashin, giờ là Vinalines, thất thoát nhiều như vậy nhưng kết luận không thấy dấu hiệu tham ô mới là lạ, tài sản thu hồi cũng rất thấp. Thu hồi tài sản là yêu cầu đặt ra trong phòng chống tham nhũng, nếu không, chỉ đi tù một thời gian được giảm án về thì không thể khắc phục được thiệt hại" - ông Đương nhấn mạnh.
Theo Dantri
Vụ bắt tên cướp đâm chết người truy đuổi: Đề xuất phong hàm vượt cấp cho đại úy Hoàng Chiều 18.9, Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) đã chuyển hồ sơ vụ việc cùng hung thủ gây án Cao Xuân Lập (28 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) cho Cơ quan CSĐT, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an TP.HCM thụ lý để tiếp tục điều tra làm rõ (Báo Thanh Niên đã thông tin). Đại úy Hoàng đang được điều trị tại...