Sửa đổi Bộ Luật Lao động: Cần cân nhắc kỹ!
Phải có đánh giá cụ thể, tính toán kỹ lưỡng và có lộ trình thí điểm thực hiện khi sửa đổi luật để không gây xáo trộn quá mức khi đưa luật vào cuộc sống.
Bộ Luật Lao động (BLLĐ) ra đời vào tháng 6-1994, đã trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012 nhưng đến nay vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Bên cạnh đó, xu thế hội nhập sâu rộng của Việt Nam đòi hỏi BLLĐ phải tiếp tục được hoàn thiện. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung BLLĐ và đang tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Dự kiến tháng 1-2017, dự án được trình lên Chính phủ và tháng 4-2014 sẽ trình Quốc hội phê duyệt.
Tăng tuổi nghỉ hưu: Phải có lộ trình
Trong dự án sửa đổi, bổ sung BLLĐ lần này, vấn đề được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm nhất chính là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 58 hoặc 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Thực ra, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo luật trước đây nhưng không được Quốc hội thông qua. Đến nay, dù viện dẫn rất nhiều lý do nhưng đề xuất này tiếp tục vấp phải những ý kiến trái chiều, thậm chí có không ít ý kiến cho rằng nếu làm không khéo sẽ dẫn đến phản ứng như NLĐ đã làm với điều 60 Luật BHXH vừa qua.
Việc nâng tuổi nghỉ hưu cần phải được tính toán kỹ và phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động
Video đang HOT
Không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu là ý kiến chung của đội ngũ cán bộ Công đoàn. Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP HCM, cho biết phần lớn doanh nghiệp (DN) ở những ngành thâm dụng lao động thường tìm cách sa thải hoặc cho công nhân (CN) lớn tuổi nghỉ việc với lý do năng suất lao động kém trong khi DN phải chi trả thêm nhiều chế độ khác như thâm niên, phúc lợi, khen thưởng… Mất việc ở độ tuổi 40-45 nên CN rất khó tìm việc và không thể tham gia đóng BHXH. Do vậy, buộc họ chờ 15-20 năm để hưởng lương hưu là không khả thi. Từ thực tế ấy, ông Đô kiến nghị cần có lộ trình thí điểm tăng tuổi hưu ở các khu vực lao động khác nhau và có đánh giá cụ thể trước khi đưa nội dung này vào luật.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật – Bảo hộ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), tình trạng sức khỏe của NLĐ không mấy khả quan. Cụ thể, NLĐ trẻ tuổi có khả năng cao mắc các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa… Đây là hệ quả tất yếu của việc đa số NLĐ hiện nay phải làm việc liên tục, tăng ca nhiều giờ trong điều kiện ô nhiễm bụi, tiếng ồn, cường độ lao động nhanh, sức lực bỏ ra nhiều. “Nhiều CN nói với tôi rằng họ rất khó có thể tiếp tục làm việc đến 60-62 tuổi vì không đủ sức khỏe. Hơn nữa, với cách tính lương hưu khá thấp như hiện nay cộng với thời gian hưởng bị thu hẹp không đủ bù cho thời gian đã cống hiến nên NLĐ sẽ không mặn mà với chế độ hưu trí” – ông Triều băn khoăn.
Hài hòa lợi ích
BLLĐ hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của NLĐ không được quá 4 giờ/ngày, 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ/năm. Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung BLLĐ lần này, số giờ làm thêm được đề xuất tăng lên không quá 12 giờ/ngày (gồm cả thời gian làm việc và thời gian làm thêm, tối đa 600 giờ/năm) và DN phải bố trí cho NLĐ nghỉ bù nếu huy động NLĐ làm thêm giờ liên tục trong 5 ngày.
Góp ý đề xuất này, ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ TP, bày tỏ: “Hiện nay, việc làm thêm giờ thường không là tự nguyện mà đó là phần công việc NLĐ buộc phải làm để đủ sống. Khảo sát thực tế cho thấy thời gian làm thêm giờ của NLĐ luôn cao hơn quy định của pháp luật, có trường hợp lên đến 1.000 giờ/năm. Trong khi đó, nhà nước chưa có quy định chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ nên ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tái tạo sức lao động, nhất là khả năng duy trì nòi giống. Do vậy, khi điều chỉnh cần hài hòa lợi ích giữa NLĐ và DN theo hướng thời gian làm thêm càng tăng thì tăng thêm số tiền phải trả cho NLĐ. “Nếu số giờ làm thêm dưới 200 giờ thì trả như quy định hiện hành; số giờ làm thêm từ 200-300 giờ thì nhân thêm hệ số 1,5 (so với tiền lương làm thêm dưới 200 giờ); thời gian làm thêm từ giờ thứ 300-400 thì nhân thêm hệ số 2″- ông Nam đề xuất.
Cùng có kiến nghị tăng giờ làm thêm đồng thời phải tăng tiền công tương ứng cho NLĐ, bà Trần Thị Như Phương, Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM, cho rằng không nên dùng cách bố trí ngày nghỉ bù thay cho việc trả lương tăng ca theo một số ý kiến đề xuất vì NLĐ tăng ca là để tăng thu nhập. “Hơn nữa, nếu sử dụng phương án nghỉ bù thì ai sẽ là người giám sát việc thực hiện của DN để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ?” – bà Phương đặt vấn đề.
(Theo Người Lao Động)
Hai phương án tuổi nghỉ hưu
Theo đề xuất của Bộ Lao động, tuổi nghỉ hưu có thể giữ như hiện hành (nữ 55 tuổi, nam 60) hoặc tăng lên 60-62 tuổi.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có tờ trình Chính phủ dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lao động. Trong đó, Bộ đưa ra hai phương án tuổi nghỉ hưu: giữ như hiện hành (nam 60 và nữ 55 tuổi) và tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60. Việc tăng này được thực hiện theo lộ trình mỗi năm 3 tháng để đảm bảo vận hành "mượt mà", không gây xáo trộn mạnh đến bố trí và sử dụng lao động.
Những nguyên nhân khiến quỹ hưu trí mất cân đối (xem chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành - Hoàng Phương.
Lãnh đạo Bộ cho hay, đề xuất này dựa trên nhiều cơ sở: tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng so với giai đoạn trước, khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài, nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm; Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số. Đồng thời, nếu giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí đang mất cân đối.
Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu không nâng tuổi nghỉ hưu thì năm 2020, mức thu Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bằng mức chi và đến 2037, cán cân thu chi cân bằng, bao gồm cả kết dư quỹ, phải lấy ngân sách bù vào.
Ông Trần Đình Liệu, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phân tích, hiện nay tuổi thọ bình quân của người Việt là 73, thời gian bình quân đóng BHXH khoảng 25 năm, bình quân tuổi nghỉ hưu là 54 (nam 60, nữ 55 tuổi); thời gian hưởng lương hưu kéo dài khoảng 19-20 năm thì không quỹ nào chịu nổi.
"Với mức đóng và tỷ lệ đóng như hiện nay thì mức hưởng lương hưu của người Việt Nam chỉ khoảng 55 -60%, nhưng người lao động đang được hưởng tối đa 75%. Việc điều chỉnh mức hưởng của người lao động rất khó nên phải nâng tuổi nghỉ hưu lên", ông lý giải.
Dự án đang lấy ý kiến rộng rãi chuyên gia và người dân. Tháng 1/2017, dự thảo Luật sẽ chính thức trình Thủ tướng và tháng 4/2017 trình Quốc hội.
Thái Mạc
Theo VNE
Bảo hiểm xã hội kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết, quỹ bảo hiểm xã hội đang mất cân đối chi trả trung bình cho 6 năm lương hưu của mỗi người dân. Trao đổi với báo chí chiều 26/10, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết tuổi nghỉ...