Sửa dị tật bàn tay, bàn chân như hình càng cua cho bệnh nhi 2 tuổi
Sau khi hội chẩn liên tục và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ bác sỹ Terry Light – chuyên gia bàn tay của Mỹ, Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM đã phẫu thuật “sửa chữa” thành công dị tật cho bé L.
Bàn chân bệnh nhi trước khi phẫu thuật. (Ảnh: TTXVN phát)
Ngày 8/7, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đã thực hiện phẫu thuật “sửa chữa” thành công dị tật bàn tay, bàn chân như hình càng cua cho một bệnh nhi 2 tuổi.
Bé trai B.H.L (2 tuổi, trú tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng cả tứ chi dị dạng hình càng cua.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, ở tháng thứ sáu của thai kỳ, thông qua siêu âm, các bác sỹ cho biết em bé trong bụng chị có tứ chi dị dạng hình càng cua. Sau khi bé B.H.L chào đời, toàn bộ hai bàn tay, hai bàn chân của bé đều có bốn ngón và bị chẻ đôi khiến cho mọi sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.
Với bàn tay, bàn chân không bình thường, bé L. hầu như không thể cầm nắm đồ vật và chơi đùa như trẻ em cùng trang lứa. Sợ con không cầm bút được thì không thể đi học, gia đình đã đưa bé đến khắp các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh tìm cách điều trị. Đi đến đâu các bác sỹ cũng đều nhận định bé B.H.L mắc hội chứng càng cua nhưng vẫn chưa thể điều trị vì nhiều rủi ro và biến chứng.
Với hy vọng cuối cùng, gia đình đưa bé B.H.L đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Tại đây, êkíp chỉnh hình của bệnh viện đã đánh giá, phân loại và xác định đây là loại dị tật loại 3, dính ngón một và hai phức tạp, không có kẽ ngón.
Video đang HOT
Sau khi hội chẩn liên tục và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ bác sỹ Terry Light – chuyên gia bàn tay của Hoa Kỳ, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã quyết định “sửa chữa” tứ chi dị dạng của em B.H.L sau kiểm tra sức khỏe tổng quát ổn định.
Bàn tay bệnh nhi trước khi phẫu thuật. (Ảnh: TTXVN phát)
Bàn tay của bệnh nhi sau khi phẫu thuật. (Ảnh: TTXVN phát)
Do bệnh nhi thuận tay trái nên các bác sỹ quyết định “sửa chữa” bàn tay trái trước. Sau gần 2 giờ khéo léo cắt nối và tạo hình, bàn tay em được phục hình 80%, chức năng vận động được bảo tồn gần như bình thường, tay em co duỗi, cầm nắm và cảm giác nóng lạnh khá tốt. Sau thành công đó, các bác sỹ tiếp tục sửa chữa với ba phần chi còn lại.
Sức khỏe của bệnh nhi B.H.L đang bình phục dần sau mổ, đi lại tốt, cầm nắm khả quan, dự kiến em sẽ cầm bút được, có thể đến trường sau khi tập vật lý trị liệu đầy đủ, định kỳ tại bệnh viện.
Theo bác sỹ Nguyễn Dương Phi, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, hội chứng càng cuahay còn gọi là hội chứng càng tôm hùm (lobster claw syndrome) là hội chứng hiếm gặp chiếm tỷ lệ 1/100.000 trẻ sinh sống, khiến bàn tay và bàn chân người bệnh phát triển không bình thường ngày từ trong bụng mẹ. Do đó, người bệnh sinh ra thường có một khe hở nơi lẽ ra là chỗ của ngón (tay hay chân) giữa khiến bàn tay hoặc chân có hình dáng như chiếc càng tôm hùm. Ngày nay, phẫu thuật tái tạo, sử dụng tay, chân giả có thể giúp cải thiện chức năng cho những người mắc hội chứng này./.
Đinh Hằng
Theo TTXVN/Vietnamplus
Ông Tây 'ghép tim' nặng lòng với bệnh nhi
"Hơn ai hết, tôi hiểu được sống thêm lần nữa may mắn và hạnh phúc đến mức nào. Tôi nghĩ bản thân mình phải có nghĩa vụ đem cơ hội ấy đến với nhiều người hơn nữa", ông Edward Smith (79 tuổi, quốc tịch Úc) trải lòng. Ông là người sống nhờ một quả tim ghép được hiến tặng và có nhiều hỗ trợ cho bệnh nhi Việt Nam.
Ông Edward Smith (bìa phải) trong một lần trao tặng các thiết bị y tế cho bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vào năm 2018. Ảnh: T.T
em cơ hội sống cho bệnh nhi
Ông Edward Smith có dáng người to cao, khỏe mạnh và lanh lẹ ít ai biết ông từng bị bệnh tim rất nặng. May mắn được sống khỏe mạnh sau khi ông được ghép tim của một cô gái trẻ hiến tặng. "Tôi chưa bao giờ gặp được gia đình cô, nhưng tôi hiểu đó là cách họ trao cơ hội sống cho cộng đồng. Sau khi phẫu thuật, cơ thể tôi chấp nhận trái tim thật kỳ diệu. Và giờ thì tôi có mặt trên đời này thêm 10 năm, mỗi ngày tôi đều coi là cơ hội sống thứ hai của mình", ông tâm sự.
Từng hỗ trợ nhiều cho trẻ em Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục, đến khi được ghép tim, ông cho biết, càng thêm trân quý những gì cuộc sống ban tặng cho mình và tự nhủ lòng phải đem nhiều niềm vui đến với cộng đồng. Ông chủ động đến một số bệnh viện ở TPHCM đề xuất giúp đỡ bệnh nhân tim, nhất là trẻ em và để lại thông tin ở đấy nhưng không hiểu sao chẳng ai liên hệ.
Năm 2012, trong lần tới Đà Nẵng ông vô tình gặp một thành viên trong tổ chức từ thiện Những trái tim đồng cảm. "Họ hỏi tôi có quan tâm việc hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ nhỏ không? Tôi nghĩ tại sao không nhỉ? Bất kể trẻ em màu da nào, độ tuổi nào, nếu các cháu khó khăn thì đều cần được giúp đỡ, nhất là những trường hợp cần kíp điều trị y tế", ông kể. Từ đó, ông mải miết đi "vá" những trái tim của bệnh nhi ở Huế và Đà Nẵng bằng cách tài trợ chi phí cho những ca phẫu thuật tim. Đến bây giờ, đã có hàng trăm trái tim được chữa lành nhờ sự giúp đỡ của ông.
"Có lần tôi nhìn các bé sau khi mổ tim xong, chạy vòng tròn chơi với nhau trong sân, trông các em thật vui vẻ, thoải mái và khỏe mạnh. Không ai nghĩ rằng cách đó không lâu, các cháu phải chiến đấu với bệnh tật để giành giật sự sống. Những cơn đau đã không hành hạ các cháu nữa là điều tôi mong muốn nhất", ông nói.
Việc nghĩa không tính ngày dừng lại
Ngoài việc giúp bệnh nhi bị bệnh tim, ông còn giúp nhiều trẻ em khó khăn khác, và tài trợ nhiều thiết bị y tế hiện đại cho bệnh viện. Cuối năm 2018, ông tặng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng máy thở, máy siêu âm tim... Tháng 6/2019 vừa rồi, ông quay lại tiếp tục tặng thêm các thiết bị y tế khác trị giá hàng tỷ đồng. Ông nói, ông nghĩ đơn giản rằng, máy móc hiện đại sẽ giúp các bác sĩ tìm ra bệnh và chữa bệnh nhanh hơn. Bệnh viện nào cũng cần nhưng vì nó tốn quá nhiều tiền nên khó có thể mua được.
"Tôi nhớ năm 2018, dịp đến tặng lồng ấp cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, tôi thấy một bé sơ sinh chỉ nặng 833g. Em bé ấy nhỏ như một lon nước, và các bác sĩ đã đưa vào lồng ấp để sự sống của em được duy trì. Lúc ấy, tôi tự nói với bản thân mình đã giúp em thêm một cơ hội sống. Cảm giác thật không thể nào quên", ông Edward Smith không giấu được niềm hạnh phúc.
Ông hào sảng nói, mọi người hãy gọi ông là một nhà đầu tư đã nghỉ hưu bận rộn. Bởi ông đi khá nhiều chủ yếu để gặp gỡ mọi người, gặp những hoàn cảnh cần giúp đỡ, đó là điều khiến cuộc sống trở nên có nghĩa hơn.
Riêng Việt Nam, ông nhẩm tính từ năm 2012, ông đã trở lại gần 30 lần vì những lý do khác nhau, trong đó có tiếng gọi của những bệnh nhi. "Ông bụt" này còn hỗ trợ cho các em nhỏ được sửa chữa dị tật ở Philippines và các nước châu Á khác. Hỏi ông sẽ tiếp tục việc nhân nghĩa này đến bao giờ, ông trải lòng chưa bao giờ nghĩ tới thời điểm ngừng lại. "Tôi sẽ làm hết sức có thể, bởi vì tôi tin rằng, tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ phải giúp đỡ cộng đồng, riêng bản thân tôi càng phải đem thêm cơ hội sống thứ hai đến cho mọi người nhiều hơn nữa", ông nói.
Tháng 11/2018, UBND thành phố Đà Nẵng đã trao tặng bằng khen cho ông Edward Smith vì những đóng góp tích cực cho chương trình can thiệp và phẫu thuật tim mạch cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng.
THANH TRẦN
Theo Tiền phong
Người nghèo "hụt hơi" vì chi phí y tế tăng nhanh Ngày 30/5, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã công bố kết quả khảo sát chỉ số hài lòng người bệnh Việt Nam 2018. Theo đó, tỷ lệ người bệnh hài lòng đã vượt trội so với nhiều năm trước, tuy nhiên, lại có nhiều lo ngại về chi phí y tế khi tiền "ốm đau" tăng nhanh hơn tiền...