Sửa Bộ luật Hình sự theo hướng tăng phạt tiền, giảm phạt tù
Đó là thông tin được ông Phạm Quý Tỵ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp – cho biết tại buổi tọa đàm với các chuyên gia tư pháp Nhật Bản về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự ngày 3/2.
Theo ông Phạm Quý Tỵ, trong số 7 hình phạt được Bộ luật Hình sự hiện hành quy định thì có 4 hình phạt không tước quyền tự do của công dân là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và trục xuất.
Ông Phạm Quý Tỵ trao đổi tại buổi tọa đàm.
“Sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này, nhóm chuyên gia chúng tôi tập trung vào xem xét sửa đổi các điều luật về phạt cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ; thực tiễn vừa qua cho thấy hình phạt trục xuất không có gì vướng lớn nên không sửa đổi”- ông Tỵ nói.
Theo ông Tỵ, hình phạt bằng tiền rất được quan tâm trong lần sửa đổi bộ luật này. “Để tăng hình phạt tiền, chúng tôi có quy định mấy điểm mới so với quy định hiện hành. Cụ thể sẽ mở rộng loại tội được quy định có hình phạt tiền, không chỉ áp dụng với người phạm tội “ít nghiêm trọng” (cao nhất 3 năm tù) mà sẽ mở rộng cả với tội “nghiêm trọng” (cao nhất 7 năm tù). Ngoài ra, để khắc phục tình trạng tòa án tuyên phạt hình phạt tiền nhưng các bị cáo chây ì không nộp khoản tiền này, trong khi quy định chưa thật chặt chẽ về mặt pháp luật, dự thảo lần này sẽ đưa ra quy định trong một thời gian nhất định nào đó mà bị cáo không nộp tiền thì sẽ chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù”- ông Tỵ cho biết.
Mặc dù việc chuyển hình phạt tiền sang hình phạt tù đã được ban soạn thảo tham khảo pháp luật hình sự của một số nước, nhưng theo ông Phạm Quý Tỵ, đây là điểm mới đang tạo ra những luồng ý kiến khác nhau.
Video đang HOT
“Tòa án tuyên hình phạt tiền, người ta không chấp hành thì chuyển sang tù như trong dự thảo đang thể hiện thế. Nhưng chuyển từ tiền sang phạt tù thì phương thức chuyển thế nào, chúng tôi đang lúng túng chỗ này. Các nước trên thế giới quy định cách chuyển như thế này: Khi phạt tiền họ tính trên ngày công lao động, ngày thu nhập lao động nên khi chuyển từ tiền sang phạt tù thì thi hành được bao nhiêu, còn lại chuyển sang bấy nhiêu ngày tù. Như thế rất tiện. Nhưng ở Việt Nam thì khác bởi tính ngày công lao động ở ViệtNam thì rất khó khăn, kể cả tính theo lương tối thiểu cũng rất khó”- ông Tỵ phân tích.
Ngoài ra, ông Tỵ cho biết quá trình xây dựng dự thảo bộ luật, nhóm chuyên gia và tổ biên tập đã hướng tới việc tăng cường hình phạt cải tạo không giam giữ để hướng tới chính sách giảm hình phạt tù.
“Chúng tôi đã đề xuất mở rộng loại tội được áp dụng. Lần này mở rộng tới tội “rất nghiêm trọng” có mức án tới 15 năm tù. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ mà không có việc làm thì tuyên hình phạt tiếp theo là phạt lao động phục vụ tại cộng đồng; đối với người có việc làm thì phải nộp 5-20% thu nhập. Quy định điều này bởi vừa qua có thực tế người bị tuyên phạt cải tạo không giam giữ mà không có việc làm thì không chịu bất kỳ một tác động nào, nên lần này phải yêu cầu họ lao động tại cộng đồng. Nếu người được tuyên cải tạo không giam giữ mà không chấp hành thì chuyển sang hình phạt tù, với cách tính là 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày ngồi tù. Đây là điều rất mới nhưng rất dễ thực hiện chứ không khó như hình phạt quy đổi bằng tiền phía trên”- ông Tỵ nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Lộc – nguyên thẩm phán TAND Tối cao (thành viên tổ soạn thảo) – cho biết quan điểm tăng hình phạt tiền, giảm hình phạt tù phù hợp với những chỉ đạo xuyên suốt về cải cách tư pháp và giảm bớt áp lực cho hệ thống giam giữ hiện nay.
Tuy nhiên, ông Lộc chia sẻ, điều này cũng đang gây ra nhiều tranh cãi. Ví dụ như một người đã chấp hành xong 1/2 thời gian ngồi tù rồi thì mới được áp dụng quy định ra tù trước thời hạn hay phải thi hành được 1/3 thời gian? Tại sao mấy loại tội về an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, nhân phẩm sức khỏe con người, cướp bóc, sản xuất mua bán trái phép chất ma túy,… không được xét tha tù trước thời hạn?
Ông Lộc cho rằng những điều này cần được thảo luận rất kỹ lưỡng và lắng nghe ý kiến nhiều chiều của các cơ quan, tổ chức liên quan.
Đại diện cơ quan nghiên cứu phía Nhật Bản cho biết nhiều bản án ở nước này cũng nói rõ nếu số tiền không trả được thì sẽ quy đổi bằng bao nhiêu ngày ngồi tù. Ví dụ, nếu hình phạt tiền là 100 triệu Yen, mỗi ngày là 1 triệu Yen, mà người đó không trả được ngày nào thì phải tính ra 100 ngày lao động. Cách tính này do thẩm phán khi xét xử quyết định.
“Nếu quy định tỷ lệ tiền tương ứng với số tiền cố định trong luật thì luật sẽ dễ phải thay đổi thường xuyên. Ở Nhật Bản có những hình phạt tiền rất lớn, ví dụ như có những hình phạt lên tới 500 triệu Yen. Đây là hình phạt tòa án áp dụng đối với tội vi phạm về chống độc quyền, vi phạm về gian lận chứng khoán, thu lợi trái phép. Ở Nhật Bản tội thu lời bất chính là một tội phạm nghiêm trọng và nếu nghiêm trọng thì mức tiền phạt là rất lớn. Rất ít vụ án chỉ có hình phạt là phạt tiền, mà thường thường thì hình phạt tiền kèm theo hình phạt tù. Phạt tiền chỉ là hình phạt bổ sung về mặt kinh tế. Vấn đề băn khoăn là có chuyển phạt tiền sang hình phạt tù hay không? Thẩm phán ra bản án bao giờ cũng nói rõ là nếu không trả khoản tiền đó thì sẽ có quy định rõ bao nhiêu tiền tương ứng một ngày tù. Như vậy các quy định này có tác dụng ở chỗ người đó không trả được tiền thì được đưa vào tù bằng vai trò của kiểm sát viên”- vị này cho biết.
Thế Kha
Theo Dantri
Lộn xộn xung quanh vụ một luật gia đòi tiền "hứa thưởng" 145 tỉ đồng ở TPHCM
Xuất cảnh, ngôi nhà được Nhà nước quản lý theo diện "nhà vắng chủ", rồi từ nước ngoài, gia đình này quay lại Việt Nam làm đơn xin lại nhà. Gặp luật gia tư vấn về pháp luật, rồi đến hợp đồng hứa thưởng trị giá 35% tổng trị giá nhà và đất.
Tuy nhiên, xung quanh chuyện ngôi nhà này, đã xảy ra nhiều tranh chấp và phải chờ tòa phán quyết.
Ngôi nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3.
Sau nhiều năm thụ lý vụ án dân sự, ngày 27.1, TAND TPHCM đã xét xử vụ kiện đòi tiền hứa thưởng lên đến 145 tỉ đồng của một luật gia và nhiều yêu cầu xung quanh, liên quan đến ngôi nhà số 446-448 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3. Diễn biến vụ kiện dân sự liên quan đến ngôi nhà số 446-448, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM (hiện là trụ sở ngân hàng ACB), sau 2 buổi đưa ra xét xử (ngày 20 và 27.1), trưa 27.1, TAND TPHCM đã nghị án và cho biết, sẽ tuyên án vào chiều 3.2 tới. Xung quanh ngôi nhà có giá trị hàng trăm tỉ đồng này đã xảy ra tranh chấp với nhiều người và đơn vị.
Ngôi nhà vốn thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đắc Kha và bà Vương Thị Khanh. Khi gia đình này đi xuất cảnh thì căn nhà được Nhà nước quản lý theo diện "nhà vắng chủ". Ông Kha mất năm 2004, bà Khanh và ông Nguyễn Đắc Quang (con trai) về Việt Nam xin lại nhà. Năm 2007, bà Khanh làm "hợp đồng hứa thưởng" cho, tặng toàn bộ tài sản nhà, đất cho ông Quang, có làm chứng của Trung tâm Thông tin tư vấn pháp luật Tân Việt (thuộc Hội Luật gia VN), do luật gia Đặng Đình Thịnh - Chánh văn phòng (hiện là GĐ Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP.HCM-Hội Luật gia VN) - ký tên, đóng dấu. Sau đó, ông Quang, bà Khanh làm "hợp đồng hứa thưởng" với luật gia Đặng Đình Thịnh 35% tổng giá trị nhà đất (theo đơn kiện của ông Thịnh đòi tiền thưởng là 145 tỉ đồng). Ngày 28.6.2011, Bộ Xây dựng ra quyết định trả nhà cho bà Khanh. Ngày 4.7.2011, UBND TPHCM cũng ban hành quyết định trả nhà cho bà Khanh.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi ông luật gia Đặng Đình Thịnh: "Hợp đồng hứa thưởng theo ông là hợp pháp không?", ông Thịnh cho rằng: "Tôi thấy là hợp pháp... vì ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây!". Tòa hỏi tiếp: "Ông ký hợp đồng hứa thưởng với tư cách gì ?", ông Thịnh trả lời: "Tôi ký hợp đồng hứa thưởng với tư cách công dân". HĐXX vặn lại: "Pháp luật có quy định cho việc hứa thưởng để đi đòi nhà không?", lúc này ông Thịnh cho rằng: "Theo tôi biết, cá nhân, tổ chức thuê ai làm thì ai làm thì có thưởng. Có trường hợp thưởng lên đến 60%...". Nghe vậy, vị bồi thẩm đoàn, HĐXX liền nói: "Hợp đồng đòi nợ có thưởng thì có, nhưng trường hợp hợp đồng hứa thưởng để chạy nhà thì chưa có"... Lúc này, ông Thịnh cho rằng, đây không phải là hợp đồng hứa thưởng để... chạy nhà!
Xuất phát từ 2009, bà Khanh ký giấy ủy quyền cho ông Quang làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, được quyền quản lý, cho thuê, bán, tặng, nên ông Khanh đã làm văn bản khai nhận di sản thừa kế số 006111 ngày 6.9.2011 và đã làm trước bạ chủ sở hữu ngôi nhà vào ngày 12.9.2011 (sau khi có quyết định trả nhà của Bộ Xây dựng và UBND TPHCM). Liên quan tới ngôi nhà này có nhiều vụ kiện đan xen, phức tạp. Cụ thể, do ông Khanh thực hiện giao dịch với nhiều người, dẫn đến luật gia Thịnh kiện bà Khanh, ông Quang ra toà đòi số tiền "hứa thưởng" lên đến 145 tỉ đồng.
Trong khi đó, bà Đặng Thu Hà nộp đơn kiện ông Quang, bà Khanh vì phá vỡ hợp đồng mua bán nhà, mà ông Quang đã nhận tiền cọc bán nhà với số tiền là 210 tỉ đồng (giá bán 250 tỉ đồng). Ông Quang nộp đơn kiện bà Khanh (con kiện mẹ) về "hợp đồng hứa thưởng cho tặng toàn bộ nhà, đất". Ngân hàng ACB kiện ông Quang, bà Khanh về "hợp đồng cho thuê nhà 50 năm" do ông Quang, bà Khanh đã ký hợp đồng với ACB và ông Vũ Huy Hoàng kiện đòi 22 tỉ đồng (tiền đặt cọc) do ông Quang ký hợp đồng bán ngôi nhà này cho ông Hoàng.
Theo Chí Hải
Lao động
Hủy án vụ người đàn ông bị đánh chết sau khi cự cãi với CSGT Sau khi bị thu xe và cãi nhau với CSGT, anh Hiền đón xe ôm về nhà thì bị 2 thanh niên bám theo hành hung đến chết. Ngày 28/1, TAND TPHCM mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án "người đàn ông bị đánh chết sau khi cự cãi với CSGT" với 2 bị cáo Lê Thanh Bằng (SN 1977, ngụ Bến...