Sự tụt dốc của đất nước từng dùng đôla làm giấy vệ sinh
Thời thế thay đổi và những bước đi thiếu tầm nhìn đã biến Nauru từ một đất nước giàu có nhất nhì thế giới, người dân dùng đôla làm giấy vệ sinh trở thành một quốc gia đói nghèo.
Có diện tích 21 km2, Nauru là một trong những quốc đảo nhỏ nhất thế giới với dân số 10.000 người. Cựu thuộc địa của Anh nằm cách Sydney 4.000 km này từng bị cả thế giới ghen tỵ vì sự giàu có.
Nauru nằm cách Sydney 4.000 km.
Từ việc giàu lên nhờ… phân chim
Đúng vậy, không hề có trò đùa nào ở đây, khi việc phát hiện ra lượng phân chim hóa thạch khổng lồ tích lũy trong hơn 1.000 năm đã thay đổi đất nước này mãi mãi. Phân chim là nguồn phân bón tuyệt vời và dẫn đến những nỗ lực khai thác triệt để, Ban đầu, “phế phẩm” nói trên được khai thác bởi người nước ngoài. Tiếp đó, sau khi giành độc lập năm 1968, chính cư dân của Nauru cũng tiến hành công việc trên. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Nauru xếp hàng đầu thế giới về mức độ giàu có, tính theo thu nhập trên đầu người. Đó là một thành tựu vĩ đại cho một quốc gia nhỏ bé lạc lõng giữa Thái Bình Dương.
Video đang HOT
Sự tụt dốc của đất nước từng dùng đôla làm giấy vệ sinh Cả đất nước biến thành một công trường khai thác photphat lớn.
Đắm chìm trong sự giàu có, người dân nơi đây từ bỏ lối sống truyền thống và sa đà vào các loại thực phẩm thiếu lành mạnh, thuốc lá hay bia rượu, dẫn đến cuộc khủng hoảng về sức khỏe rất nặng nề. Tuổi thọ trung bình của người dân giảm xuống 50. Tỷ lệ mắc bệnh tim, tiểu đường, hay các bệnh mãn tính khác tăng vọt cùng vòng eo của họ. Trong năm 2007, 94,7% dân số của Nauru được WHO xác định là thừa cân, với 71,7% mắc bệnh béo phì – mức cao nhất trên toàn cầu. Hiện nay, Nauru có tỷ lệ nhiễm bệnh tiểu đường loại 2 cao nhất thế giới – tác động tới 31 % số người trưởng thành ở quốc đảo này.
Tấm bảng vận động người dân duy trì lối sống sạch sẽ, khỏe mạnh.
Đến cảnh nghèo đói do đầu tư sai
Tuy nhiên, những điều tồi tệ giờ mới bắt đầu, khi mà lượng photphat đang dần cạn kiệt khiến nguồn thu của chính phủ suy giảm nhanh chóng. Những mỏ lớn được khai thác giờ chỉ còn là lớp đất hoang mục ruỗng. Có tới 75% diện tích của Nauru được kết luận là không thể ở được. Dẫn đến vùng đất từng được coi là “hòn đảo thiên đường” nhờ thảm thực vật tuyệt đẹp và phong phú sẽ chẳng bao giờ có lại danh hiệu của nó một lần nữa.
Giáo sư John Connell, người đứng đầu Viện Khoa học địa chất, đại học Sydney cho hay: “Tác động của việc khai mỏ là rất nặng nề. Bạn biết đấy, photphat tập trung ở đỉnh của các mẫu san hô, nếu muốn lấy photphat ra, bạn phải múc chúng từ các đỉnh nhọn này. Do đó, việc khai thác tạo ra cảnh quan hết sức khác biệt, lởm chởm và trở nên vô dụng cho các mục đích sử dụng khác”.
Việc khai thác photphat để lại những tác động rất lớn.
Cư dân địa phương cũng không hề muốn điều này xảy ra với đất nước của họ. James Aingimea, 84 tuổi, người đứng đầu giáo hội ở Nauru phát biểu: “Tôi ước Nauru có thể như trước đây. Khi tôi là một cậu bé, nó vô cùng đẹp đẽ. Có những hàng cây, màu xanh bao phủ khắp nơi, tôi có thể uống nước dừa tươi và ăn các loại quả khác. Chứng kiến những gì xảy ra hôm nay, tôi thực sự muốn khóc”.
Rất nhiều người dân bản xứ đã bỏ việc, lao vào các chuyến du lịch đắt tiền, mua những mẫu xe hơi thời thượng – kể cả Lamborghini: “Hiếm khi có ai đó nghĩ đến việc đầu tư. Những tờ đôla có khi còn được dùng làm giấy vệ sinh. Mỗi ngày đều là một ngày hội”, một người dân khác nói với đài BBC.
Nhiều năm sau đó, quốc đảo này bước vào tình trạng phá sản. Chính phủ – những người đã thực hiện hàng loạt các vụ đầu tư kém cỏi đã phải vay nợ từ nước ngoài. “Rất nhiều tiền đã bị ném vào những dự án mà chẳng bao giờ thành công. Ví dụ như những tòa nhà ven biển ở Melbourne, khách sạn ở một vài quốc gia, nhà máy xử lý photphat ở Ấn Độ hay Philippines chẳng bao giờ cất cánh”, giáo sư Connell tiết lộ. Và giờ đây, rất nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, những chiếc xe sang trở thành đống sắt vụn.
Khu nhà tù được xây dựng theo thỏa thuận với Úc.
Trong nỗ lực cải thiện tình hình, năm 2001, Nauru ký thỏa thuận với Australia về một trung tâm giam giữ ở nước ngoài để đổi lấy viện trợ. Tính đến nay, số tiền mà nước này nhận được là 27,1 triệu USD. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn rất bộn bề và tình trạng nghèo đói đang bao phủ cả đất nước. Vậy là, từ một quốc đảo thiên đường, Nauru nay trở thành vùng đất bị lãng quên với đầy những tàn tích của việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức.
Theo Tri Thức