Sư trụ trì chùa Bồ Đề muốn tiếp tục nuôi trẻ
Cơ quan chức năng Hà Nội cho biết, bước đầu xác định sư trụ trì Thích Đàm Lan không liên quan vụ mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề. Sư trụ trì chùa Bồ Đề cho biết, muốn tiếp tục nuôi trẻ.
Theo tin tức nhận được, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều 12/8, ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cho biết, chưa có kết luận chính thức về trách nhiệm liên quan của sư trụ trì Thích Đàm Lan trong vụ mua bán trẻ con ở chùa Bồ Đề, quận Long Biên, do một số trục trặc hành chính. Song, thông tin bước đầu cho thấy, vụ mua bán trẻ em không liên quan gì đến sư Thích Đàm Lan.
“Việc mua bán hoàn toàn do cô Trang làm. Tất nhiên nếu nói không liên quan hoàn toàn thì không phải vì bà Lan là sư trụ trì nên cũng phải có trách nhiệm về việc này” – ông Long nói.
Các em nhỏ tại chùa Bồ Đề chiều 12/8.
Về thông tin 11 trẻ em trong chùa Bồ Đề nghi bị mất tích, theo ông Long, cơ quan công an đã làm sáng tỏ. Cụ thể, 10/11 cháu đã về gia đình nhà bố mẹ đẻ, 1 cháu còn lại được nhận làm con nuôi. “Bước đầu thông tin cho thấy không có chuyện mua bán 11 cháu bé này. Còn thông tin chính thức từ cơ quan điều tra thì trong ngày mai sẽ có. Có thể phía quận Long Biên sẽ họp báo vào thứ Năm tuần này để đưa ra kết luận chính thức” – ông Long nói.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng nhìn nhận, vụ việc mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề là bài học rất lớn để siết chặt hơn nữa về công tác quản lý.
Bác thông tin 11 trẻ “biến mất”
Cũng trong chiều 12/8, trao đổi với PV qua điện thoại, đại tá Vũ Văn Hùng, Trưởng Công an quận Long Biên, xác nhận cơ quan công an đã có kết quả xác minh, xác định rõ ràng địa chỉ hiện tại của 11 cháu bé từng được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề, đồng thời bác bỏ những thông tin cho rằng các cháu “biến mất” đầy bí ẩn.
Video đang HOT
Sư trụ trì Thích Đàm Lan trao đổi với báo chí chiều 12/8.
Sau khi Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, người làm việc tại khu nuôi trẻ của chùa Bồ Đề) và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, ở quận Hoàng Mai) bị bắt về hành vi mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, công an đã nhận được đơn phản ánh về việc còn một số cháu từng được nuôi dưỡng tại chùa nhưng hiện đã biến mất…
Sau một thời gian tổ chức điều tra, xác minh dựa trên danh sách tên các cháu trong đơn, công an xác định 8 cháu đã được gia đình, bố mẹ đón về nhà nuôi (có địa chỉ cụ thể); 1 cháu đang làm con nuôi của một gia đình cán bộ nhà nước (có thủ tục xin nhận con nuôi hợp pháp); còn lại 2 trường hợp vẫn đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề.
Theo cơ quan công an, đơn cử như trường hợp cháu Cù Duy Anh (SN 2008) đang được bà ngoại nuôi dưỡng ở Bắc Giang, do mẹ đẻ của cháu là Dương Thị Đ. (SN 1983) đang đi lao động ở Malaysia. Sau khi được gia đình đón về nuôi, cháu Duy Anh được làm thủ tục đổi tên thành Dương Đức Minh.
Cháu Cù Hoàng Anh (SN 2011, mẹ đẻ tên Hằng, không rõ địa chỉ) bị đẻ rơi tại quán internet, khi Hằng mới 16 tuổi. Hội trái tim nhân ái đã đưa hai mẹ con vào chùa, song Hằng đã bỏ đi. Nay cháu Cù Hoàng Anh đang sống tại chùa Bồ Đề. Cháu Cù Tuấn Anh (SN 2008) cũng đang sống cùng mẹ đẻ là Vũ Thị Hảo tại chùa Bồ Đề…
Sư trụ trì muốn tiếp tục nuôi trẻ
Chiều 12/8, trả lời phỏng vấn báo chí tại chùa Bồ Đề, sư trụ trì Thích Đàm Lan cho biết, từ năm 1989 nhà chùa đã cưu mang 10 cháu bé mồ côi, bị chất độc da cam, động viên cho các cháu học ở gia đình. Về sau, số lượng các cháu được nhà chùa cưu mang ngày càng tăng, có thời điểm 50 cháu được nuôi ở chùa về sau đều có công ăn việc làm, lập gia đình.
Đến năm 2007, một số trường hợp như những nữ sinh đẻ con ngoài ý muốn cũng đem con đến gửi gắm nhà chùa, hoặc có người gửi con ở chùa 1-2 năm rồi lại đón về. Tính từ 1989 đến nay, chùa đã nuôi được khoảng 150 em trưởng thành.
Nói về việc Nguyễn Thị Thanh Trang bị bắt về hành vi mua bán trẻ em tại chùa, sư thầy Thích Đàm Lan bảo rất bất ngờ và buồn, quan điểm của nhà chùa là Trang làm thì Trang phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cần xử lý nghiêm minh.
Sư Thích Đàm Lan cũng khẳng định, ở chùa không thể có trường hợp sư liên quan đến việc mua bán trẻ em, còn đường dây bên ngoài len lỏi vào thì chùa không thể ngờ được. “Tôi vẫn nghĩ mình chỉ biết làm từ thiện, khi người ta đói thì cho ăn, không có chỗ ở thì cho ở, khi ốm đau cho đi viện nên rất chủ quan” – bà Lan chia sẻ.
Về hướng giải quyết cho các cháu đang được cưu mang tại chùa Bồ Đề, sư Thích Đàm Lan cho biết, đợi có kết quả thanh kiểm tra xong, nhà chùa mong các ban ngành tạo điều kiện cho chùa tiếp tục được cưu mang những mảnh đời bất hạnh.
Theo báo Tiền Phong
Hà Nội: Khởi tố vụ án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề
Ngày 4/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề(quận Long Biên, Hà Nội). Hai đối tượng bị bắt khẩn cấp để điều tra hành vi mua bán trẻ em.
Theo Trung tá Nguyễn Cao Khải - Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (Đội 12, Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội), qua đơn tố cáo của người dân, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã phối hợp với Công an quận Long Biên làm rõ việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề.
Cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978), người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, quê xã Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình) để điều tra hành vi mua bán trẻ em.
Trung tá Nguyễn Cao Khải - Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em thông tin về vụ việc tới các phóng viên
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, hai nghi phạm bị bắt đã thực hiện việc mua bán bé Cù Nguyên Công (trẻ sơ sinh được nuôi tại chùa Bồ Đề vào cuối năm 2013) với giá 35 triệu đồng.
Tài liệu điều tra cho thấy, cuối tháng 10/2013, một trẻ sơ sinh được phát hiện bị bỏ rơi ở cổng chùa trong tình trạng dây rốn chưa rụng. Nhà chùa đã đưa vào chùa để chăm sóc, nuôi dưỡng và đặt tên cháu là Cù Nguyên Công. Sau đó, một gia đình người dân trên địa bàn quận Long Biên đã nhận làm bố mẹ đỡ đầu và thường xuyên chăm sóc cháu Công.
Đến tháng 11/2013, cháu Cù Nguyên Công bị mắc bệnh nặng nên phải nhập viện nhiều ngày để điều trị và được đưa về nhà chùa vào cuối tháng 12/2013. Tuy nhiên, cháu Cù Nguyên Công đã biến mất khỏi chùa Bồ Đề vào những ngày đầu tháng 1/2014 mà không ai biết lí do tại sao, kể cả bố mẹ đỡ đầu của cháu.
Hai đối tượng Trang và Nguyệt. (Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp)
Qua điều tra, cơ quan công an xác định, vào thời điểm trên, Phạm Thị Nguyệt đã liên hệ với Nguyễn Thị Thanh Trang, quản lý nhà mở của chùa Bồ Đề, để đưa cháu Công ra ngoài cho người khác nuôi để lấy tiền, thực chất là buôn bán trẻ em. Trang đã nhận của Nguyệt số tiền 35 triệu đồng rồi làm các thủ tục "rút" cháu Công đưa ra ngoài.
Cháu Cù Nguyên Công. (Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp)
Để hợp thức hoá hồ sơ, hai đối tượng cấu kết với mẹ đẻ cháu là chị Trần Thị Thu Hà (SN 1989, trú tại huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) để làm các giấy tờ có liên quan. Cơ quan công an cũng làm rõ, tháng 10/2013, chị Hà sinh cháu Công nhưng do không có khả năng nuôi dưỡng nên đã gửi vào chùa Bồ Đề.
Hiện cơ quan điều tra đã triệu tập những người có liên quan để làm rõ các tình tiết của vụ án, trong đó có sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề.
Về thông tin bé Công đã qua đời vào ngày 27/6 vừa qua, Trung tá Nguyễn Cao Khải, cho hay, cơ quan công an có nhận được thông tin trên và sẽ khẩn trương xác minh, nếu cần thiết sẽ sử dụng các biện pháp pháp y.
Cơ quan điều tra cũng tiếp tục làm rõ có bao nhiêu trẻ em được nuôi tại chùa Bồ Đề đã bị đem cho, bán. Về việc chùa Bồ Đề nuôi nhiều trẻ em, Trung tá Nguyễn Cao Khải cho biết, chùa Bồ Đề không có chức năng này. Các cơ quan liên quan cũng đã nhiều lần họp để nhắc nhở.
Tiến Nguyên
Theo dantri
Sư Đàm Lan nói gì về 11 trẻ nghi mất tích ở chùa Bồ Đề? - "Hiện nay trong danh sách 11 bé thì có 4 bé vẫn ở lại chùa, số các cháu còn lại đã được mẹ đẻ cháu đón về ở cùng mẹ", sư Đàm Lan- trụ trì chùa Bồ Đề nói về 11 cháu bé nghi mất tích mà công an đang điều tra. Như tin tức đã đưa, ngay sau khi có thông...