Sự trỗi dậy của Trung Quốc không thể gây ra Thế chiến
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay không dám đi theo chủ nghĩa phiêu lưu bốc đồng vì họ hiểu rõ những hậu quả tai hại nếu đối đầu quân sự xảy ra.
Trong một bài trên báo The Times of India ngày 28/6, tác giả Amitav Achary đưa ra 6 lý do để nhận định rằng sự nổi lên của Trung Quốc không thể gây ra một cuộc chiến tranh thế giới như Đức đã làm cách đây 100 năm, do châu Âu của năm 1914 và châu Á của năm 2014 có nhiều điểm khác biệt chính.
Thứ nhất, châu Âu của năm 1914 là lục địa đa cực, còn thế giới của năm 2014 là một tập hợp đa thành phần – có nghĩa là nhiều thế lực lớn kết hợp với nhau bằng những hình thức phức tạp, với sự kiềm chế và phụ thuộc lẫn nhau. Một số người lập luận rằng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thế lực châu Âu đã không làm được gì để ngăn chặn Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế tại châu Âu trong năm 1914 chỉ nằm trong phạm vi khu vực.
Video đang HOT
Binh sĩ Trung Quốc tập luyện. Ảnh: People Daily
Ngày nay, sự phụ thuộc lẫn nhau trong nội bộ châu Á không chỉ về thương mại mà còn các mạng lưới sản xuất, tài chính và đầu tư. Một nguyên nhân lớn dẫn tới cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là âm mưu bá chủ của Đức. Một thế giới nhiều thành phần giống như một sâu khấu có nhiều diễn viên và đạo diễn – gồm các nước lớn, các tổ chức quốc tế, các tổ hợp đa quốc gia, các nhà hoạt động tích cực xuyên quốc gia và các mạng lưới khủng bố – sẽ gây khó khăn và không thể để cho bất kỳ thế lực nào như Trung Quốc giành quyền bá chủ, nguyên nhân có thể dẫn tới chiến tranh.
Thứ hai, sự khác nhau về vũ khí hạt nhân. Loại vũ khí này không tồn tại trong năm 1914 nhưng ngày nay lại phổ biến. Vì sức mạnh hủy diệt khủng khiếp, vũ khí hạt nhân là một nhân tố lớn khiến các nước lớn e dè trong việc phát động chiến tranh.
Thứ ba, thế giới trong năm 1914 thịnh hành với cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn về thuộc địa ở nước ngoài. Điều này góp phần không nhỏ dẫn tới cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, nhưng ngày nay không có cuộc cạnh tranh như vậy.
Thứ tư, trong xã hội và chính trị châu Âu năm 1914 có một quan niệm mạnh mẽ và rộng rãi rằng chiến tranh là cần thiết để duy trì sự ổn định và cán cân quyền lực. Như Thủ tướng Đức Bismarck đã viết trong bài diễn văn nổi tiếng “sắt và máu” năm 1962 rằng “rốt cục, nói một cách chính xác, chiến tranh là điều kiện tự nhiên của loài người”. Ngày nay, khó tìm thấy những quan niệm như vậy về chiến tranh.
Thứ năm, trong năm 1914, có rất ít thể chế tại châu Âu hoặc thế giới nói chung kiểm soát được sự ganh đua về địa lý. Sự phối hợp quyền lực châu Âu được thiết lập sau các cuộc chiến tranh của Napoleon đã thu hẹp. Năm 2014, có nhiều thể chế khu vực và toàn cầu. Các thể chế châu Á như Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bị chỉ trích vì không hành động đủ để giải quyết các tranh chấp khu vực, song cũng tạo nên những kênh liên lạc và phát triển các nguyên tắc ứng xử để kiềm chế việc sử dụng vũ lực.
Thứ sáu, sự khác nhau liên quan đến bản chất của các chính phủ. Ngày nay, các nhà lãnh đạo châu Á đều nhận thấy sự tăng trưởng kinh tế của nước họ sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu chiến tranh xảy ra.
Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay không dám đi theo chủ nghĩa phiêu lưu bốc đồng vì họ hiểu rõ những hậu quả tai hại nếu xảy ra đối đầu quân sự. Họ cũng không coi chiến tranh như một điều kiện tự nhiên hoặc những phương thức cần thiết để Trung Quốc giành được vị thế quyền lực lớn hơn. Việc duy trì ổn định trong một thế giới nhiều thành phần đòi hỏi phải có các cơ chế khu vực và quốc tế mạnh hơn cũng như vai trò lãnh đạo cùng chia sẻ giữa các thế lực cũ và mới.
Hai yếu tố chung dẫn tới chiến tranh trong tất cả thời kỳ là chủ nghĩa dân tộc và sự tính toán sai lầm. Chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng tăng không chỉ ở Trung Quốc mà cả tại các nước láng giềng.
Còn một điều quan trọng không kém là nguy cơ tính toán sai lầm. Trung Quốc có thể nghĩ rằng Mỹ, với tư cách là một cường quốc đang suy yếu, sẽ ngầm bằng lòng để Trung Quốc chiếm các quần đảo mà Philippines hay Nhật Bản tuyên bố chủ quyền chứ không muốn xảy ra chiến tranh với một nước có vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc cũng có thể đã đánh giá quá cao vị thế ngoại giao quốc tế của mình và đánh giá thấp mức độ phản kháng mà hành động quân sự của họ có thể gây ra trong khu vực. Do đó, châu Á cần khẩn cấp phát triển các cơ chế xây dựng lòng tin và quản lý khủng hoảng để bảo đảm rằng những “ngòi nổ” như tranh chấp lãnh hải không phát triển thành một cuộc chiến tranh toàn diện.
Theo Tin Tức