Sự trở lại của thế giới hai cực từ sáng kiến Một vành đai, Một con đường
Kế hoạch đầy tham vọng kết nối châu Á, châu Âu, châu Phi của Trung Quốc thông qua cơ sở hạ tầng không chỉ là minh chứng cho thấy tiềm lực của quốc gia này mà còn hé lộ những vết nứt trong thế giới phẳng.
Sự bất hòa trong mối quan hệ Mỹ – Trung đang kéo toàn cầu hóa rạn nứt. Ảnh: Industryweek
Thế giới trong chiến tranh lạnh được chia ra thành khối Đông và khối Tây, phụ thuộc vào mối quan hệ gần gũi của các quốc gia với Mỹ hoặc Nga. Gần 30 năm sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang tái tạo đường phân chia chính trị và hàng loạt quốc gia được kỳ vọng sẽ tỏ rõ lập trường ủng hộ Washington hay Bắc Kinh.
Theo thông tin từ Reuters, nước Ý tuần trước cho biết ý định tham gia vào Sáng kiến Một vành đai, Một con đường (BRI) thông qua ký kết biên bản ghi nhớ, trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 xuất hiện trong dự án này. Phó Thủ tướng Ý Luigi di Maio nhấn mạnh động thái mới này nhằm mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu thay vì tăng cường quan hệ chính trị với Bắc Kinh.
Vị Phó thủ tướng đã đáp lại những lo ngại của Mỹ trước viễn cảnh một đồng minh chủ chốt ủng hộ dự án lớn của Trung Quốc bởi Washington cho rằng BRI sinh ra để phục vụ Trung Quốc thay vì mang lại lợi ích cho nước Ý.
Quan điểm khác nhau trong trường hợp của nước Ý càng cho thấy cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang lan tỏa lên toàn cầu. Sức nặng kinh tế và chính trị của Bắc Kinh đang vượt xa khỏi châu Á, vươn đến khu vực Mỹ Latinh và Tây Âu – những khu vực được mặc nhiên nằm trong tầm ảnh hưởng của Washington.
Đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng khi chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu chiến tranh thương mại, chấm dứt kỷ nguyên xem thương mại và đầu tư là các lĩnh vực trung lập, tách rời khỏi chiến lược cạnh tranh.
Nhiều nỗ lực đàm phán liên tiếp được tạo ra nhưng kết quả đến nay vẫn chưa thể ngã ngũ và một thỏa thuận kết thúc căng thẳng thương mại vẫn là câu hỏi dành cho tương lai.
Không chỉ vậy, tham vọng lớn của dự án Một vành đai, Một con đường khiến Washington không khỏi lo ngại vào giai đoạn trỗi dậy với vị thế cường quốc của Trung Quốc. Nếu thành công, dự án này sẽ kéo toàn bộ vùng đất Á-Âu gần gũi hơn với Trung Quốc, tăng khả năng làm giảm tầm quan trọng của các liên kết xuyên Đại Tây Dương, tác giả Gideon Rachman nhận định trên Financial Times.
Các dự án của Trung Quốc tại Washington đang phải đối mặt với sự kiểm tra ngặt nghèo hơn vì lo ngại ý nghĩa chiến lược phía sau. Sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp Trung Quốc vào nhiều cảng trên thế giới cũng được xem là động thái cạnh tranh với hải quân Mỹ.
Chưa hết, sự mở rộng quy mô toàn cầu của công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei thời gian qua được Financial Times nhận định là một ví dụ về cuộc tranh đấu rộng lớn trên cả lĩnh vực công nghệ.
Video đang HOT
Nhiều tháng trở lại đây, Mỹ đã quyết định dừng sử dụng sản phẩm của Huawei cũng như kêu gọi đồng minh có động thái tương tự vì lý do an ninh quốc gia.
Một vài đồng minh quan trọng như Nhật Bản, Úc đã đứng về phía Mỹ trong vụ Huawei nhưng không ít quốc gia khác, ví dụ Anh, vẫn đang suy nghĩ về vấn đề này. Việc đồng ý cho phép Huawei đồng nghĩa với nước Anh chấp nhận rủi ro phá vỡ những thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo đầy quý giá giữa London và Washing nhưng nếu cấm Huawei, niềm hy vọng về gia tăng đầu tư thương mại từ Trung Quốc hậu Brexit sẽ gặp rủi ro.
Việc kẹt giữa Washington và Bắc Kinh chắc chắn là tình thế không hề dễ chịu. Sau khi Canada tiến hành bắt và dẫn độ Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Châu, Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt khi tiến hành bắt giữ một số công dân Canada.
Hàn Quốc cũng rơi vào tình thế khó khăn khi yêu cầu chính phủ Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao, khiến lượng khách Trung Quốc tới xứ sở kim chi giảm đáng kể. Chưa hết, người tiêu dùng Trung Quốc năm 2017 cũng đột nhiên quay lưng lại với nhà bán lẻ Hàn Quốc Lotte, buộc thương hiệu này phải đóng cửa 3/4 số cửa hàng tại đây sau động thái cung cấp đất cho chính phủ triển khai tên lửa của Lotte bị Bắc Kinh phản đối.
Áp lực trực tiếp ngày càng cao từ Trung Quốc lên đồng minh Mỹ đang cho thấy sự tự tin gia tăng của Bắc Kinh, phản ánh sự thay đổi lớn trong tiềm lực kinh tế.
Trong cuộc chiến giành ảnh hưởng với Trung Quốc, con át chủ bài của Mỹ thường là an ninh thay vì thương mại. Mặc dù các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức hay Úc hiện đều giao dịch với Trung Quốc nhiều hơn Mỹ, họ vẫn phải tìm đến Mỹ trong vấn đề bảo vệ quân đội.
Lợi thế an ninh này của Washington có thể bị suy giảm nếu yêu cầu các nước đồng minh trả chi phí quân sự của Tổng thống Donald Trump được thông qua. Trong khi đó, Trung Quốc lại không phát triển trong lĩnh vực cung cấp bảo đảm an ninh nên trật tự thế giới mới dường như sẽ không phân chia dựa trên các liên minh quân sự đối lập như trong chiến tranh lạnh.
Thay vào đó, công nghệ có thể trở thành nền tảng của sự phân chia toàn cầu mới. Trung Quốc từ lâu đã cấm Google, Facebook và bây giờ Mỹ đang vật lộn để cản trở Huawei. Với mối quan tâm đến việc kiểm soát và chuyển dữ liệu xuyên biên giới, các quốc gia có thể ngày càng chịu áp lực khi phải chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc và rõ ràng có thể thấy rằng hai nền kinh tế lớn nhất này đang ngày càng xa cách nhau.
Thế giới hai khối của chiến tranh lạnh đã được thay thế bằng một kỷ nguyên toàn cầu hóa nhưng toàn cầu hóa giờ đây có thể bị đe dọa bởi sự tái xuất hiện của thế giới hai phe.
Huawei kiện chính phủ Mỹ, đáp trả lệnh cấm sử dụng thiết bị
Tổng hợp
Theo theleader
Tại sao Mỹ phản đối mô hình kinh tế Trung Quốc?
Giới tinh hoa Mỹ cho rằng cần phải kiềm chế Trung Quốc cho dù cách thức kiềm chế vẫn còn chưa được thống nhất. Quan hệ Mỹ-Trung chắc chắn sẽ còn nhiều sóng gió
Theo nhà báo kỳ cựu của Thời báo Washington Post, Bob Woodward, nước Mỹ đang coi Trung Quốc là kẻ thù thực sự.
Bài viết này sẽ phân tích một số nguyên nhân tại sao Mỹ lại có sự phản đối mạnh mẽ Trung Quốc như thế.
Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng trở nên khó đoán định (Ảnh: SCMP).
Từ nhiều năm qua, giới tinh hoa Mỹ đã bày tỏ sự bất bình đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vì không được tham gia những lĩnh vực độc quyền của các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc.
Họ phàn nàn rằng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được bảo vệ và bảo hộ mạnh mẽ đang đè bẹp các doanh nghiệp Mỹ không chỉ ở Trung Quốc mà còn trong cạnh tranh toàn cầu.
Kế hoạch "Made in China 2025" đặc biệt khiến Washington tức giận. Phó Tổng thống Mỹ, Mike Pence coi đây như là chiến lược của Bắc Kinh nhằm đặt 90% các ngành công nghiệp hiện đại nhất thế giới dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Kế hoạch "Made in China 2025" được cho là nhằm loại bỏ các hoạt động đầu tư của Mỹ ra khỏi các thị trường công nghệ cao của Trung Quốc, cạnh tranh với các hoạt động đầu tư công nghệ cao của Mỹ trên toàn cầu.[1]
Qua đó, cho phép Trung Quốc thách thức ưu thế quân sự của Mỹ và làm suy yếu năng lực của Mỹ sử dụng vũ lực để có được những cơ hội thương mại và đầu tư.
Nhận xét về mô hình kinh tế của Trung Quốc hiện nay, nhà kinh tế Chang Ha-joon cho rằng trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc được tạo thành từ hơn 100.000 doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước tham gia mạnh mẽ trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như công nghiệp viễn thông, ngành điện và sản xuất ô tô. [2]
Bắc Kinh mong muốn doanh nghiệp nhà nước trở thành những doanh nghiệp đi đầu thế giới trong ngành sản xuất sản phẩm bán dẫn, xe điện, chế tạo robot và tài trợ cho những doanh nghiệp này thông qua các khoản trợ cấp.
Ông Yang Weimin, một cố vấn kinh tế cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho biết Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách thay đổi hệ thống kinh tế để trở thành một nước tự chủ về công nghệ.
Điều Trung Quốc làm không khác những gì các nước hiện đại hơn đã làm vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 như Nhật Bản hay Đức. [3]
Kế hoạch "Made in China 2025" của Trung Quốc được cho là thách thức ưu thế công nghệ toàn cầu của Mỹ (Ảnh: Getty).
Thực tế, mô hình kinh tế của Trung Quốc theo đuổi đã giúp họ thành công trong việc đưa nước đông dân nhất thế giới thoát nghèo.
Năm 1984, 75% dân số Trung Quốc sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực. Đến năm 2018, tỷ lệ này giảm xuống dưới 1% và Trung Quốc đang ở vị thế thách thức ưu thế công nghệ của các nước phương Tây và Mỹ.
Tạp chí phố Wall thừa nhận rằng sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc là do các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong khuôn khổ một kế hoạch công nghiệp. [4]
Hiện tại, Washington đang quyết liệt chống lại mô hình kinh tế của Trung Quốc bởi các công ty công nghệ Mỹ e ngại rằng họ không còn làm chủ sân chơi công nghệ toàn cầu nữa.
Thậm chí, Mỹ còn sử dụng chiến tranh kinh tế và đe dọa quân sự để ngăn chặn mô hình kinh tế Trung Quốc đang theo đuổi.
Mô hình kinh tế mà Trung Quốc đang theo đuổi được nhận định là làm ảnh hưởng đến những lợi ích sinh lợi của giới tinh hoa kinh tế Mỹ và các nhóm kinh doanh Mỹ theo cách như sau:
(i) các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đóng cửa với các nhà đầu tư Mỹ; (ii) các ngành được bảo hộ ngăn chặn các nhà đầu tư Mỹ kiếm lợi nhuận; (iii) những yêu cầu của Trung Quốc trong hợp tác liên doanh hạn chế các hoạt động đầu tư của Mỹ và nhằm mục đích tiếp cận công nghệ cho phép phát triển các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh với các công ty Mỹ.
Dù việc tiếp cận với các thị trường Trung Quốc và nguồn nhân công giá rẻ được Mỹ đánh giá cao nhưng Washington không muốn rằng việc tiếp cận này phụ thuộc vào các thỏa thuận liên doanh cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp nhận công nghệ Mỹ.
Các tập đoàn lớn của Mỹ được yêu cầu tiếp cận không hạn chế tất cả các thị trường Trung Quốc và các doanh nghiệp Mỹ có thể cạnh tranh bình đẳng với Trung Quốc.
Mục đích của việc Washington đưa ra yêu cầu nói trên có thể có 2 lý do: thứ nhất, nhằm tối đa hóa những cơ hội mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư Mỹ ở Trung Quốc; thứ hai, nhằm ngăn chặn Bắc Kinh phát triển những doanh nghiệp quốc gia lớn có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp Mỹ.
Theo tạp chí Business Insider, mô hình kinh tế của Trung Quốc cũng đe dọa lợi ích của các nhà đầu tư Mỹ và có thể trở thành một tiền lệ cho các nước khác. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm thêm cơ hội kiếm lợi nhuận cho người Mỹ.
Những nước kém phát triển đã nhiều lần thực hiện các mô hình kinh tế, trong đó các doanh nghiệp nhà nước và việc kế hoạch hóa công nghiệp ở vị trí trung tâm. Trong hầu hết mọi trường hợp, Washington đã sử dụng các biện pháp trừng phạt.
Giờ đây, giới tinh hoa Mỹ nhất trí cho rằng cần phải kiềm chế Trung Quốc cho dù cách thức kiềm chế vẫn còn chưa được thống nhất. Quan hệ Mỹ-Trung chắc chắn sẽ còn nhiều song gió trong thời gian tới.
Theo GDVN
Sách lược của Trung Quốc khi tung "đòn" giận vào Canada thay vì Mỹ Có một lý do khiến Bắc Kinh gây áp lực với Canada chứ không phải Mỹ sau vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính của Huawei, bà Meng Wanzhou. Úc và New Zealand có thể là những quốc gia tiếp theo chịu áp lực từ Trung Quốc. Trung Quốc đang ép buộc các đồng minh của Mỹ phải lựa chọn: đứng về phía...