Sự thay đổi 180 độ của Triều Tiên trong giọng điệu chống Mỹ
Các hoạt động tuyên truyền chống Mỹ của Triều Tiên đã thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây khi quan hệ song phương có sự khởi sắc sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore.
Một áp phích với nội dung kêu gọi giảm nhiệt căng thẳng để đối phó với “sự nguy hiểm của chiến tranh”. (Ảnh: DPRK Today)
Theo BBC, những biểu ngữ và áp phích từng xuất hiện tại thủ đô Bình Nhưỡng và các thành phố tại Triều Tiên trước đây thường mô tả Mỹ như một đế quốc hung hãn còn Nhật Bản và Hàn Quốc là những đồng minh thân cận của Washington. Tuy nhiên, theo những du khách tới thăm Triều Tiên gần đây, họ đã nhìn thấy những biểu ngữ và áp phích mới được thay thế, với nội dung tuyên truyền thúc đẩy tiến bộ kinh tế và nối lại tình hữu nghị Hàn – Triều.
Ngoài ra, những tờ báo lớn tại Triều Tiên, vốn được kiểm soát rất chặt chẽ, cũng cho thấy sự thay đổi trong cách tuyên truyền. Đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt đầu phản ánh sự tan băng trong quan hệ ngoại giao quốc tế tới người dân Triều Tiên.
Mỹ không còn là kẻ thù
Những áp phích cũ kêu gọi “đáp trả không thương tiếc” và phá hủy nước Mỹ (Ảnh: Peter Ward)
Đa số người dân Triều Tiên có rất ít cơ hội tiếp cận với các nguồn thông tin, do vậy các hình thức tuyên truyền và truyền thông nhà nước có tác động rất mạnh đối với người dân, nhiều hơn hẳn so với các nước khác trên thế giới.
Trước đây, khi Mỹ bị coi là kẻ thù lớn nhất của Bình Nhưỡng, các kênh tuyên truyền của Triều Tiên không ngần ngại thể hiện cách nước này đáp trả Mỹ, bao gồm hình ảnh những quả tên lửa phá hủy Mỹ hay các binh sĩ Triều Tiên tấn công những kẻ xâm lược từ Washington.
Những áp phích tại Triều Tiên trước đây được thiết kế để khơi dậy tinh thần yêu nước, củng cố lòng tin của người dân vào ban lãnh đạo, đồng thời tạo cảm giác rằng cuộc đấu tranh sinh tồn là chiến thắng vẻ vang của cả dân tộc.
“Những áp phích đả kích được tăng cường khi tình hình quốc tế diễn biến xấu đi. Chúng cho thấy những giai đoạn căng thẳng và lập trường cứng rắn của người dân Triều Tiên đối với Mỹ. Chúng sẽ giảm bớt khi căng thẳng hạ nhiệt. Do vậy, khi tình hình trở nên tích cực hơn, cách thức tuyên truyền cũng sẽ tích cực hơn”, chuyên gia Andray Abrahamian tại Đại học Griffith nhận định.
Những áp phích sau thượng đỉnh liên Triều kêu gọi hòa bình và thống nhất (Ảnh: DPRK Today)
Sau nhiều tháng căng thẳng với những tuyên bố đe dọa chiến tranh gây lo ngại, Triều Tiên trong năm nay đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Mỹ và Hàn Quốc, cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân và tiến tới phát triển hòa bình. Khách du lịch nước ngoài tới Triều Tiên trong những tháng gần đây nói rằng các kênh tuyên truyền của nước này đã có sự thay đổi rõ rệt.
Video đang HOT
Thay vì giọng điệu khiêu khích như trước đây, các áp phích và tuyên truyền tại Triều Tiên hiện nay tập trung truyền tải những thông điệp tích cực, chẳng hạn ca ngợi Tuyên bố chung Panmunjom do Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4.
“Tất cả các áp phích chống Mỹ mà tôi thường xuyên nhìn thấy xung quanh Quảng trường Kim Nhật Thành và tại các cửa hàng nay đã không còn ở đó nữa. Trong 5 năm làm việc tại Triều Tiên, tôi chưa bao giờ thấy chúng biến mất hoàn toàn như vậy”, Rowan Beard, nhà điều hành tour tại hãng lữ hành Young Pioneer Tours, nói với Reuters.
Thực chất, các áp phích mới cũng mang đậm tính tuyên truyền như các áp phích cũ trước đây. Tuy nhiên, nội dung mà chúng truyền tải hoàn toàn khác, đó là về việc tái thống nhất bán đảo Triều Tiên, về tiến bộ kinh tế và thành tựu khoa học của Triều Tiên.
Nội dung kêu gọi phát triển khoa học và kỹ thuật được thể hiện trên một áp phích của Triều Tiên gần đây (Ảnh: DPRK Today)
Sự thay đổi này diễn ra theo đúng trình tự. Khi các cuộc đối thoại với Hàn Quốc và Mỹ đang được Triều Tiên coi như sự khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác trong tương lai, cả Washington và Seoul đều được thể hiện trên các kênh tuyên truyền của Triều Tiên theo hướng trung lập và bớt căng thẳng hơn.
“Bình Nhưỡng cần bầu không khí hòa bình, lắng dịu và các áp phích tuyên truyền sẽ giúp nước này tạo ra bầu không khí đó”, Fyodor Tertitskiy từ hãng tin NK News cho biết.
Ngay cả những món đồ mang nội dung chống Mỹ thường được dùng để bán cho khách du lịch làm quà lưu niệm cũng bắt đầu có sự thay đổi. Khách du lịch sẽ không thể tìm thấy các tấm thiệp, tranh ảnh hay tem thư với hình ảnh tên lửa Triều Tiên phóng tới Washington.
“Chúng từng xuất hiện rất phổ biến, nhưng nay đã được chuyển đi hết”, Simon Cockerell, nhà quản lý của hãng lữ hành Koryo Tours, nói với Reuters.
Phá vỡ truyền thống
Báo Triều Tiên đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Singapore ngay sau khi sự kiện diễn ra (Ảnh: DPRK Today)
Sự thay đổi trong chính sách đối ngoại chung của Triều Tiên cũng được phản ánh trên Rodong Sinmun - tờ báo nhà nước và là cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên.
Trước đây Rodong Sinmun từng nhiều lần đăng các bản tin tiêu cực về Mỹ, mô tả Washington như một lực lượng thù địch và coi việc Mỹ tham gia vào các cuộc xung đột như cuộc chiến tại Syria là bằng chứng cho chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Tuy nhiên trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Singapore hôm 12/6, Rodong Sinmun đã dừng đưa các thông tin chỉ trích Mỹ.
Sau hội nghị thượng đỉnh, Rodong Sinmun đã đăng bản tin với dày đặc hình ảnh, ca ngợi nhà lãnh đạo Kim Jong-un là chính khách toàn cầu và là người kiến tạo hòa bình. Khác với thông lệ từ trước đến nay, truyền hình và báo chí Triều Tiên cũng đưa tin về các chuyến đi gần đây của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc và Singapore trong khoảng thời gian gần với sự kiện thực tế. Trước đó, phải vài ngày sau khi sự kiện diễn ra, người dân Triều Tiên mới thấy các thông tin này xuất hiện trên truyền thông.
“Về giọng điệu, Mỹ bây giờ được mô tả như một quốc gia bình thường. Tất cả những hành động của Mỹ mà Triều Tiên từng coi là thù địch thì nay đã biến mất hoàn toàn khỏi báo chí”, Peter Ward, một chuyên gia về Triều Tiên và là cây bút của NK News, cho biết.
Theo ông Ward, truyền thông Triều Tiên cũng đưa tin “trung lập” về việc Mỹ rút khỏi hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc gần đây.
“Điều này rất đặc biệt. Việc đưa tin trung lập hoặc tích cực thường chỉ dành cho những nước mà Triều Tiên có quan hệ hữu hảo”, chuyên gia Ward nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri
Thách thức cho tiến trình phi hạt nhân hóa từ vũ khí ngầm của Triều Tiên
Mặc dù Triều Tiên đã cam kết phi hạt nhân hóa tại hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, song giới chuyên gia vẫn hoài nghi về sự tồn tại của những cơ sở vũ khí ngầm mà Bình Nhưỡng có thể không công khai với thế giới.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trở về Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Theo cây bút Joby Warrick của Washington Post, Triều Tiên có thể cất giấu ít nhất 20 đầu đạn hạt nhân trong các boong-ke được đặt ở đâu đó tại các khu vực đồi núi hiểm trở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Cho đến nay, Triều Tiên chưa cam kết công khai rằng nước này sẽ dỡ bỏ các đầu đạn hạt nhân, hoặc cho phép các thanh sát viên tiếp cận số đầu đạn hạt nhân này. Bình Nhưỡng cũng chưa tiết lộ về nơi lưu trữ các đầu đạn hạt nhân.
Washington Post cho rằng các hoạt động vẫn diễn ra hàng ngày tại phòng thí nghiệm phóng xạ hóa học gần khu phức hợp Yongbyon của Triều Tiên - nơi plutonium dùng để chế tạo những quả bom nguyên tử mới vẫn đang được chiết xuất từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng. Chỉ cách phòng thí nghiệm này một con con sông nhỏ, các hoạt động thử nghiệm vẫn đang diễn ra tại lò phản ứng 20 megawatt - nơi sản xuất nhiên liệu hạt nhân đủ để chế tạo thêm vài quả bom nguyên tử nữa.
Các cơ sở này chỉ là một phần trong hàng trăm cơ sở được quy hoạch tại khu phức hợp vũ khí của Triều Tiên. Đây được cho là nơi vừa có thể sản xuất các vũ khí hóa học và hạt nhân phức tạp, vừa có thể che giấu tinh vi các vũ khí này dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế.
Cũng vì lý do này nên các chuyên gia trên toàn thế giới đã bày tỏ sự bất ngờ khi Tổng thống Trump trong tuần này tuyên bố mối nguy hiểm từ chương trình vũ khí được Triều Tiên theo đuổi suốt hàng chục năm qua đã được xóa bỏ. Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí còn viết trên Twitter rằng "không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nữa".
Tương lai phi hạt nhân hóa
Triều Tiên phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters)
Theo các chuyên gia về vũ khí và các cựu quan chức từng tham gia các cuộc đàm phán trước đây với Bình Nhưỡng, mặc dù hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa diễn ra tại Singapore có thể làm giảm nguy cơ chiến tranh cận kề, song việc xóa bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên vẫn còn là tương lai xa. Viễn cảnh đó cần đến nhiều yếu tố, bao gồm các cuộc đàm phán khó khăn, nhiều năm nỗ lực để giải giáp vũ khí cũng như quá trình xác thực, và quan trọng nhất là sự thay đổi hoàn toàn trong nhận thức của Triều Tiên về các cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân.
Vài giờ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố thành công của hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, một số người cho rằng việc nhà lãnh đạo Mỹ tin có thể thay đổi Triều Tiên là một "ý tưởng ngây thơ".
"Năng lực của Triều Tiên ngày hôm nay không khác gì so với một tuần trước đó", Robert Einhorn, học giả tại Viện nghiên cứu Brookings và là cựu quan chức phụ trách kiểm soát vũ khí tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định. Ông Einhorn từng tham gia vào các cuộc đàm phán trước đây với Triều Tiên về chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.
Cho đến nay, cam kết công khai duy nhất của Triều Tiên liên quan tới kho vũ khí hạt nhân của nước này được gói gọn trong 19 chữ thể hiện trong tuyên bố chung được nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump ký kết hôm 12/6. Trong tuyên bố này, ông Kim Jong-un cam kết "hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Cam kết này cũng không khác nhiều so với những lời hứa từng được các nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra trong các cuộc đàm phán quốc tế từ đầu thập niên 1990. Trong khoảng thời gian hứa hẹn đó, Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân và hàng loạt vụ phóng tên lửa tầm xa, thậm chí có những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đủ tầm bay tới Mỹ.
Sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên ( KCNA) cho biết nước này sẽ "tuân thủ nguyên tắc từng bước và hành động đồng thời" trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được mục tiêu duy trì "nền hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa" bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, thông báo của KCNA không đưa ra những cam kết cụ thể về việc dỡ bỏ các vũ khí có sẵn hay phá hủy mạng lưới các nhà máy và phòng thí nghiệm sử dụng cho việc chế tạo các vũ khí mới.
Trong cuộc họp báo tại Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thừa nhận việc giải giáp kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể mất nhiều năm. Tuy nhiên, ông Pompeo nói rằng các cuộc đàm phán để xây dựng chi tiết cho chương trình phi hạt nhân hóa có thể bắt đầu từ tuần tới.
Triều Tiên cần làm gì?
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Các chuyên gia vũ khí cho rằng vẫn còn nhiều bước cần phải làm, hoặc ít nhất là làm song song, trước khi có thể phá hủy bom nguyên tử và tên lửa của Triều Tiên. Trước hết, chính quyền Triều Tiên cần công khai các thông tin có thể kiểm chứng về các cơ sở chế tạo vũ khí của nước này, từ các lò phản ứng hạt nhân cho tới các boong-ke và đường hầm ngầm. Đây là nơi giới chức tình báo Mỹ tin rằng những vũ khí và trang thiết bị nghiên cứu tối tân của Triều Tiên được cất giấu.
Tiếp theo, Triều Tiên phải cho phép hàng trăm chuyên gia nước ngoài vào Triều Tiên để thị sát từng tòa nhà, kho lưu trữ, thậm chí có thể điều tra hàng chục cơ sở nghi vấn mà Bình Nhưỡng không liệt kê vào danh sách chính thức. Nếu được hoàn tất, các bước đi này sẽ tạo nền tảng cho việc giải giáp vũ khí hạt nhân thực sự. Đây là quá trình nan giải và có thể mất tới 15 năm để hoàn thành.
Mặc dù giới chức Triều Tiên đưa ra những tuyên bố tích cực sau hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, song giới quan sát cho rằng Triều Tiên chưa quyết liệt từ bỏ vũ khí hạt nhân. Hành động cụ thể duy nhất của Bình Nhưỡng là phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri sắp sụp đổ hồi tháng 5 và một bãi thử tên lửa vào tuần trước.
Giới quan sát Triều Tiên vẫn hoài nghi về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đồng ý từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã thành công trong việc giảm nhẹ mối đe dọa với người Mỹ, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại, bằng việc tránh nguy cơ đối đầu hạt nhân giữa hai nước.
Thành Đạt
Theo Dantri
Vì sao Triều Tiên không ganh đua với láng giềng? Với Trung Quốc, cải cách kinh tế đem lại những kết quả to lớn nhưng nếu Triều Tiên làm vậy, có thể sẽ là tự sát chính trị Quay lại thời điểm năm 1989, khi khối xã hội chủ nghĩa gặp khó khăn, người dân Triều Tiêu giàu gấp đôi dân Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc mở cửa, phát triển kinh tế...