Sự thấu hiểu muộn màng
Tôi gặp thím lần đầu tiên khi tôi mười ba tuổi. Chồng thím là em họ của cha tôi. Sau bốn năm thống nhất đất nước và sau bao dò hỏi tìm kiếm, cuộc đoàn tụ anh em họ hàng diễn ra tràn đầy nước mắt mừng vui.
Thời điểm đó, gia đình tôi vừa từ giã phố phường đi kinh tế mới. Má tôi vốn là phụ nữ thị thành, cầm cuốc làm rẫy đã tròn năm rồi mà vẫn chưa quen. Gieo hạt xuống, trong khi người ta rành rọt tính toán sào đất này phải được mấy tạ đậu phụng, quy ra bao nhiêu lít dầu bán đi thì mới đủ tiền phân tro cho vụ tới, hoặc phải được mấy tạ lúa thì mới đủ cho cả nhà chừng đó miệng ăn… thì má tôi vẫn chưa thông thạo việc sàng sảy.
Thím xuất hiện ở nhà tôi vào mùa thu hoạch đậu xanh. Nhìn má tôi vụng về dồn đậu phơi khô vô bao để đập vỏ, thím giằng cái cây trong tay má tôi và vung lên nhịp nhàng, vừa làm vừa tận tình hướng dẫn: “Chị phải đập như thế này thì đậu mới nứt vỏ mà không bị vỡ hạt”. Rồi thím xăng xái giúp má tôi bẻ bắp tuốt lúa cùng vô vàn công việc nặng nhọc khác. Trong khi má tôi liên tục thở dốc và xoa xoa vết chai trong lòng bàn tay thì thím chống nạnh nhìn quanh đất đai đỏ au mà tắc lưỡi: “Em mà có được vài sào đất màu mỡ thế này thì làm giàu luôn cho chị coi. Thích thật đấy”.
***
Thư từ giữa hai nhà qua lại trong hai năm thì vợ chồng thím quyết định rời quê vào Nam lập nghiệp ngay trên mẫu đất mà ba má tôi khai phá, còn gia đình tôi thì quay ngược ra phố thị. Năm đó, tôi mười sáu tuổi.
Thím là người đàn bà nặng ân tình. Để cảm ơn ba má tôi nhường lại mẫu đất bằng giá gần như cho không, thím hay ra nhà tôi chơi, lần nào cũng đem theo cặp gà, chục trứng cùng các loại đậu, nếp, cây trái vườn nhà. Khi vợ chồng thím đào ao nuôi cá thì quà cho nhà tôi có thêm mấy con cá tươi rói.
Ảnh minh họa
Chuyện đáng kể ra đây là dẫu giỏi giang chuyện nhà nông là thế nhưng thím lại rất vụng về bếp núc. Mỗi lần đến nhà tôi, thím đều hồ hởi đẩy má tôi ra khỏi bếp bằng câu nói quen thuộc: “Bận bịu quanh năm suốt tháng rồi, hôm nay có em thì chị nghỉ ngơi đi”. Rồi thím xông xáo xắn tay áo xông vô bếp. Sau một hồi, thím hào hứng dọn lên bàn bữa ăn do chính mình “đạo diễn”. Tất cả các món đều là luộc, kể cả con cá trắm. Thím có món chấm quen thuộc là bột canh vắt thêm tí chanh.
Video đang HOT
Sợ mất lòng thím nên mấy lần đầu, dù chẳng hợp khẩu vị, má tôi vẫn cứ để nguyên vậy, cố gắng ăn. Nhưng những lần sau, má làm như vô tình sai tôi giã chén nước mắm tỏi hoặc lấy thêm tí muối tiêu. Xắn một khúc cá luộc, má nói như vu vơ: “Con cá này mà nấu ngót hay hấp thì tuyệt lắm đó”. Vài lần má muốn nhân cơ hội họ hàng sum họp bày thím làm vài món cho vui. Nhưng nhìn con cá hấp do má tôi dọn ra cái dĩa bầu dục rồi rắc ngò thơm lên trên, thím cười hì hì: “Chị thích làm những món cầu kỳ nhỉ! Em chịu thôi”.
Giỗ chạp có mời khách khứa nên má tôi không để thím đẩy ra khỏi bếp. Không chỉ vậy, má còn kín đáo dặn chị em tôi nếu thấy thím động tay tới những món chính thì hãy khéo léo đẩy thím ra xa bằng cách nhờ làm việc khác như lột hành tỏi, lặt rau, lau chén bát… Vậy mà trong một phút sơ suất, tôi quên mất thím đang đứng gần nồi thịt luộc. Hậu quả là miếng thịt ba chỉ má tôi tề đầu đuôi cho thẳng thớm vuông vức qua tay xắt của thím đã trở thành một đĩa nạc mỡ lát dày lát méo. Mà không thể không dọn lên bàn vì sợ thím buồn.
Riết rồi thím trở thành chuyện vui cười trong nhà tôi. Bữa cơm chị em tôi nấu lỡ có món gì đó không vừa miệng là tên thím được nhắc như một sự so sánh mà chúng tôi phải đỏ mặt ngượng ngùng.
***
Tôi lấy chồng, ở xa bên nội lẫn bên ngoại. Đợt tôi sinh con đầu lòng, má tôi đến chăm được ba tháng, mẹ chồng cũng giúp được vài tháng. Sau đó, tôi tất bật với việc vừa đi làm vừa chăm sóc em bé. Không kể ra đây thì ai cũng biết cuộc sống của người phụ nữ hiện đại trong giai đoạn có con nhỏ là như thế nào. Tôi luôn trong tình trạng hấp tấp, vội vã. Hấp tấp đưa con đi gửi, hấp tấp chạy tới cơ quan cho kịp giờ, rồi trong khi mọi người rủ nhau cơm trưa văn phòng, tranh thủ nghỉ ngơi thì tôi hấp tấp giữa trời nắng chang chang chạy tới nơi gửi trẻ để cho con bú. Chiều về lại hấp tấp đón con và vòng quay của những việc không tên. Đó là chưa kể những khi con sốt vì mọc răng, vì viêm phế quản…
Mệt quá, tôi đang tính xin nghỉ không lương thì thím xuất hiện: “Biết cháu sinh em bé lâu rồi mà đợi tới hôm nay nông nhàn thím mới đến thăm được”. Như ngày nào, thím xách theo cặp gà, con cá và túi đậu xanh, đẩy tôi ra khỏi bếp và nói: “Hôm nay có thím, cháu chơi với con đi”. Không phải vừa bế con vừa nhét áo quần vô máy giặt, vừa bế con vừa khuấy cái nồi trên bếp, tôi tận hưởng sự thanh thản lâu rồi mới có được.
Thím dọn ra bàn đĩa thịt gà luộc và con cá chép luộc. Thấy tôi cười, thím bẽn lẽn: “Ăn tạm nhé! Thím không biết nấu cầu kỳ như má cháu đâu”. Thật ra, tôi cười chỉ vì nhớ lại kỷ niệm. Những ngày xa xưa ấy bỗng chốc sống lại trong tôi. Chân thực và sống động, như cái tình của thím đối với gia đình tôi suốt bấy nhiêu năm – mộc mạc mà bền chặt. Giờ đây chỉ cần ai đó chịu vô bếp cho tôi được nghỉ ngơi đôi chút thì món gì với tôi cũng ngon.
Ảnh minh họa
Đợt ấy, thím ở lại chơi với tôi gần một tháng. Đó cũng là lần đầu tiên thím xa nhà lâu đến thế, so với dự định ban đầu là chỉ vài hôm. Cũng bởi người đàn bà nông thôn ấy cảm thương cảnh tất bật vất vả của đứa cháu gái chốn đô thành.
***
Tôi chỉ đi làm và chăm sóc con mà thấy cuộc sống nhiều khi rối nùi. Không tránh khỏi những lúc cảm thấy bế tắc, muốn buông xuôi. Còn thím, người phụ nữ trong thời chiến, vừa một mình nuôi nấng con cái, mong ngóng tin chồng ở chiến trường, vừa phải chu toàn việc nhà, việc ruộng nương, lại thêm công tác làng xã. Tôi tự hỏi thím và những người phụ nữ như thím lấy đâu ra sức lực và thời gian?
Tôi hiểu ra vì sao thím chỉ biết làm món luộc. Trong khi tôi, có chồng bên cạnh luôn sẵn lòng bế con, phụ giúp việc nhà mà còn phải mua sẵn thịt hộp, cá hộp cho những khi mệt quá chẳng muốn động tay nấu nướng, dù chỉ là luộc vài cái trứng, mớ rau. Tôi chợt nhớ, thím từng là chuyện vui cười của chị em tôi mỗi khi lỡ tay nêm nếm. Bỗng muốn ôm thím, nói lời xin lỗi vì sự thấu hiểu muộn màng.
Theo Báo Phụ Nữ
Cha dượng làm việc đến đột quỵ để nuôi cô bé mồ côi từ trường làng đến sinh viên du học Mỹ
Năm sinh nhật tròn 10 tuổi thì bố cô đột ngột bỏ hai mẹ con cô ra đi. Do áp lực cuộc sống, mẹ cô đành nhắm mắt đi bước nữa.
Lần đầu tiên nhìn thấy người đàn ông đó, cô bất ngờ lắm. "Người gì mà vừa già vừa xấu, so với bố, chắc ông ấy phải nhiều hơn bố ít nhất 10 tuổi, mắt thì nhỏ, mặt thì toàn nếp nhăn, chắc phải đến 50 tuổi mất", cô nghĩ mà mặt buồn rười rượi.
Ông là người quản lý mỏ than, sau khi lấy mẹ cô, ông này vẫn đến mỏ than làm việc, ngày phát lương, ông đưa cho mẹ cô không thiếu một đồng, về đến nhà là mua kẹo cho cô, mong cô gọi một tiếng bố. Nhưng cô nhất quyết không gọi. Mẹ bắt gọi thì cô cứng đầu bảo: "Mẹ dựa vào đâu mà bắt con gọi người ấy là bố, bố chết rồi". Người đàn ông đứng bên cạnh cười ngượng ngùng: "Vậy thì gọi là chú vậy". Bảo gọi chú cô cũng không chịu, luôn mồm chê ông là bẩn, là xấu.
Tình yêu thương vô điều kiện của cha dượng đã giúp cô bé trường làng thành sinh viên du học Mỹ (Ảnh minh họa)
Năm 14 tuổi cô xuống huyện học cấp 2. Cuối tuần nào người đàn ông ấy cũng đến đón cô, trên đường đi ông trò chuyện với cô rất nhiều nhưng cô trả lời rất ít bởi cô cho rằng không cần thiết phải nói chuyện với người đàn ông này. Các bạn trong lớp hỏi cô: "Người hay đón cậu là ai vậy?" thì cô trả lời: "Là một người họ hàng xa". Nhưng lần nào đến đón cô, ông cũng mang theo rất nhiều đồ ăn, ông bảo đó là đồ mẹ cô gửi.
Một lần tình cờ cô mới phát hiện ra rằng, hóa ra không phải mẹ cô gửi đồ cho cô bởi mẹ cô bảo, ăn quà vặt hư người, hơn nữa chi tiêu cũng rất ngặt nghèo, tháng này không gửi gì cho cô được. Tuy vậy, cô vẫn đều đặn nhận được bánh quy và sữa bột. Ông bảo: "Mẹ con nói, con đang tuổi ăn tuổi lớn nên phải ăn nhiều đồ có chất một chút". Mặc dù đến từ nông thôn nhưng khoản ăn uống của cô không kém gì so với những đứa trẻ ở thành phố. Cô biết chính người đàn ông đó đã quan tâm đến cô. Trái tim nhỏ bé của cô khi đó có đôi chút ấm áp nhưng cô vẫn không sao gọi ông được một tiếng bố.
Ngày cô thi vào cấp 3, ông bàn với mẹ cô: "Hay là chúng ta chuyển lên thành phố ở". Mẹ cô liền phản đối: "Lên thành phố thì làm gì chứ? Làm sao mà sống nổi?". Ông bảo: "Vì con. Đằng nào con cũng phải ra ngoài thuê nhà, như vậy thì sao chúng ta yên tâm được, hơn nữa, ở thành phố kiếm tiền dễ hơn ở đây, mỏ than cũng sắp hết việc rồi, tôi phải kiếm tiền nuôi hai mẹ con, con cũng phải học đại học nữa".
Hồi đó cô 17 tuổi. Đứng trong góc nhà, cô xắn tay áo như muốn khóc. Vì tiền đóng học phí cấp 3 rất nhiều, tiền tích góp không đủ nên ông đã phải đi bán máu. Trong ngăn kéo có hóa đơn bán máu của ông mà một lần tình cờ cô đã nhìn thấy. Cầm tập hóa đơn trên tay cô rất muốn khóc. "Chú, cảm ơn chú rất nhiều". Ông ngượng ngùng xoa hai tay vào nhau và cười: "Đều là người một nhà, có gì mà phải cảm ơn". Mặc dù ông không sành khoản ăn nói nhưng lại luôn tìm cách bắt chuyện với cô.
Một hôm cô nghe thấy ông và mẹ cô nói chuyện: "Con bé thật tội nghiệp, mới 10 tuổi đã không còn bố, nếu tôi không đối xử tốt với nó, thật tình tôi không biết phải ăn nói với ông ấy thế nào. Ngày mai là sinh nhật con bé, em thử hỏi xem con thích gì để chúng ta tặng". Đó là lần đầu tiên có người tổ chức sinh nhật cho cô. Tự tay ông làm cơm và vì cô tuổi ngựa nên ông đã tặng cô một con ngựa bằng vải mua tận dưới thị trấn. Gắp miếng thức ăn đưa miệng mà trái tim cô cảm giác thật nghẹn ngào.
Vì cô, cả gia đình đã chuyển lên thành phố. Ông thì làm thợ sửa giày trên vỉa hè còn mẹ cô thì mở một sạp hoa quả. Ngày nào cô cũng dạo qua hai nơi này. Công việc của ông khá bận bịu, lúc nào đến cũng thấy ông luôn chân luôn tay, nhìn thấy cô, ông luôn mồm: "Cháu đợi chút nhé". Bên cạnh chỗ ông ngồi sửa giày có một quán bánh bao và một quán bán khoai lang nướng. Có lúc ông mua bánh bao cho cô, có lúc thì mua khoai lang nướng.. Ông cười mắt ông trông càng nhỏ, cô đứng như trời trồng đón lấy chiếc bánh. Cô biết, tuy là ngồi ngay cạnh quán bánh bao nhưng chắc chắn chưa một lần ông dám mua bánh để ăn. Lúc đó cô mới cảm nhận được sự tồn tại lẫn nhau giữa cô và ông.
Và chuyện không vui đã lại ập đến khi cô đang học lớp 11. Mẹ cô tự nhiên ngất xỉu ngay tại sạp bán hàng và không bao giờ tỉnh lại nữa. Cô nghĩ mình là một đứa trẻ bất hạnh. "Không còn bố, giờ mẹ cũng không còn, từ nay về sau, con sẽ dựa vào ai đây?". Ông liền bảo: "Con gái, đừng khóc nữa, vẫn còn chú mà". Liệu cô và người đàn ông không cùng quan hệ huyết thống này sẽ sống thế nào đây? Ông không nói không rằng, ngày nào cũng sáng đi sớm tối về muộn, nấu cơm cho cô ăn, chăm sóc cô. Những lúc cô học hành bận rộn, quần áo của cô cũng do một tay ông giặt giũ. Một năm sau cô thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng. Cầm tờ giấy báo trúng tuyển trên tay, ông đã không cầm nổi nước mắt, ông bảo: "Chú đã chuẩn bị sẵn mấy món để chúc mừng cháu đây". Lúc đó cô đã rất muốn gọi ông là bố nhưng chẳng hiểu sao vẫn không thể cất lên thành lời. Cô bảo: "Chú, để cháu làm thêm mấy món nữa cho hoành tráng".
Lên đại học, tiền học phí càng nhiều hơn. Ông quyết định về quê bán nhà. Ông bảo: "Vốn dĩ định sau này sẽ về quê sống nhưng giờ thì không muốn nữa, bán đi để lo tiền học cho cháu, chỉ cần cháu được đi học là chú yên tâm rồi". Và cô đã dùng số tiền đó để trang trải học phí suốt 4 năm đại học.
Cô biết tiền sinh hoạt phí mà ông gửi hàng tháng là do ông ki cóp từng tí một của những ngày dầm mưa giãi nắng, mái đầu bạc phơ, nước da đen sạm. Sau đó, do thành tích học tập suất sắc, cô đã dành được học bổng sang Mỹ học. Trước khi đi cô đã về nhà chào ông. Đó là lần đầu tiên cô tận mắt nhìn thấy ông khóc.
Ông bảo: "Con gái, nếu sang đó cháu thấy không sống được thì hãy về nhà nhé, cháu không phải lo cho chú, chú tự lo cho mình được". Và cô cũng đã khóc. Cô bảo: "Chú, cháu lo chú ở nhà một mình...". Đang nói thì ông nghẹn ngào ngắt lời cô: "Chú là người sắt, cháu không phải lo cho chú đâu". Hôm cô đi ông cũng đi tiễn cô, mái tóc bạc phơ của ông bay phất phơ trong gió. Trước khi đi ông đã đưa cho cô một chiếc túi giấy. Ngồi trên tàu mở túi ra xem, cô sững sờ, đó là một gói tiền với đủ các mệnh giá, to có, nhỏ có, cũ có, mới có... Cầm gói tiền trên tay, cô khóc nức nở.
Mấy năm sau cô trở về, lần trở về này là để lo chuyện hậu sự cho ông. Cách đây ít lâu ông đã bị đột quỵ ngay trước quầy sửa giày của mình. Cô đã đặt cho ông một chiếc áo quan tốt nhất, còn tốt hơn cả cái của mẹ cô. Theo tục lệ ở đó thì cô phải đội mũ rơm để tỏ lòng hiếu thảo, đó là việc mà con gái nên làm. Rất nhiều người truyền tai nhau khen cô: "Đang du học bên Mỹ mà cũng về lo việc cho bố dượng cơ đấy, thật là có hiếu quá". Nhưng cô biết cô nợ ông rất nhiều, có lẽ không có gì có thể bù đắp được những tình cảm và sự quan tâm mà ông đã dành cho cô. Cô luôn muốn ông được sống tốt hơn, muốn đền đáp ân tình suốt bao năm qua ông dành cho cô. Nhưng giờ cô biết rất rõ rằng, ông đã trở thành người thân của cô từ rất lâu rồi và trong trái tim ông, cô chính là cô con gái mà ông thương yêu nhất.
Mọi người có mặt ở đó đều nghĩ rằng cô sẽ gọi ông là chú như bao năm qua cô vẫn gọi, nhưng không, từ sâu trong đáy lòng mình cô đã chân thành gọi ông bằng tiếng bố. Một tiếng bố khiến cô vỡ òa trong nước mắt.
Theo GĐVN
Cuộc nói chuyện cuối cùng giữa mẹ chồng và nàng dâu hiếu nghĩa trước khi định xin phép "về nơi sản xuất" Bất ngờ hơn, khi Trang xin phép rời nhà chồng mang con ra đi và chào bố mẹ chồng, bố mẹ chồng Trang đã gọi con dâu và cháu lại bảo. Tính đến thời điểm này, Trang đã sống trong cuộc hôn nhân được 9 năm 3 tháng 7 ngày. Bản thân Trang cũng chẳng nghĩ, dù đã có 2 con trai nhưng...