Sự thất vọng của Trump khi không thể điều hành chính phủ giống doanh nghiệp
Các trợ lý và đồng minh cho biết ông Trump ngày càng bối rối và bực bội trước những thách thức từ công việc điều hành bộ máy hành chính liên bang đồ sộ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Ba tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump thất vọng nhận ra rằng điều hành chính phủ không dễ dàng như quản lý một doanh nghiệp vì những đấu đá nội bộ và những thách thức ngáng trở các quyết định của ông, theo Politico.
Trong các cuộc phỏng vấn do Politico thực hiện, hơn 20 người làm việc bên cạnh Trump trong ba tuần sau ngày ông nhậm chức cho biết ông liên tục bất ngờ và tức giận khi đối mặt với trở ngại công việc điều hành nhà nước, từ việc quốc hội trì hoãn phê chuẩn các quyết định bổ nhiệm của ông, các cuộc đấu tranh pháp lý ngáng chân các sáng kiến quyết liệt của ông cho đến nội bộ đấu đá và rò rỉ thông tin ra bên ngoài.
Giới phân tích nhận định những ngày khởi đầu đầy sóng gió của chính quyền mới là một bước thụt lùi đối với một tổng thống vốn là doanh nhân tỷ phú, người đã quảng bá bản thân mình là người duy nhất có năng lực chấn chỉnh những vấn đề của đất nước. Tuy nhiên, theo lời mô tả của những người thân cận tổng thống thì rõ ràng việc chuyển từ việc giám sát một doanh nghiệp gia đình sang điều hành một đất nước đã làm khó Trump.
Trump thường hỏi những câu hỏi đơn giản về các chính sách, đề xuất và nhân sự. Và khi các cuộc thảo luận lâm vào bế tắc, tổng thống lại nhanh chóng thay đổi chủ đề để cho thấy mình luôn kiểm soát tình hình hoặc hướng các câu hỏi về chi tiết sang cho chiến lược gia trưởng Steve Bannon, con rể Jared Kushner hay Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, một quan chức cấp cao của chính quyền tiết lộ.
Trong các cuộc trao đổi riêng, Trump bày tỏ nghi ngờ năng lực của các thẩm phán, công chức hoặc các nghị sĩ gây trì hoãn thậm chí ngăn chặn việc ông bổ nhiệm các vị trí trong nội các và thực hiện các chính sách.
Phát cáu vì nội bộ rò rỉ thông tin
Sau khi Trump phát cáu vì các nguồn tin nội bộ tiết lộ các cuộc điện đàm căng thẳng của ông với các lãnh đạo nước ngoài, một cuộc điều tra đã được tiến hành để truy tìm nguồn rò rỉ thông tin, một trợ lý của Nhà Trắng cho biết.
Các nhân viên ở Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) được chỉ đạo phải hợp tác với các cuộc điều tra, bao gồm các yêu cầu kiểm tra các thiết bị liên lạc điện tử của họ.
Chính quyền mới đang cân nhắc việc hạn chế cho phép các trợ lý tiếp cận các cuộc điện đàm hoặc bản chép lại nội dung điện đàm, một quan chức chính quyền cho hay. Người này còn tiết lộ thêm rằng các vụ rò rỉ thông tin và cơn giận của Trump xung quanh các vụ việc này đã tạo ra bầu không khí khiến mọi người rất thận trọng khi nói chuyện với người khác.
Tổng thống và các đồng minh tin rằng các nhân viên chuyển công tác từ cơ quan khác đến NSC đã quấy nhiễu họ. Ngược lại, các nhân viên NSC cho rằng Trump không có đủ năng lực thẩm định chi tiết và có độ tinh tế cần thiết để xử lý các vấn đề nhạy cảm được thảo luận trong các cuộc điện đàm. Họ cũng cho rằng ông Trump đã chính trị hóa NSC bằng cách chỉ định chiến lược gia trưởng Bannon trở thành thành viên thường trực của NSC.
Tuần trước, Trump tâm sự với một người bạn rằng ông thấy mệt mỏi trước cảnh đấu đá nội bộ và rò rỉ thông tin từ các nhân viên Nhà Trắng “vì điều này ảnh hưởng đến uy tín của tôi” và rằng ông sẽ triệu tập các nhân viên để chỉ thị họ “dừng ngay những việc làm ngớ ngẩn này”.
Một người nắm rõ nội tình cho biết Trump càng bực bội hơn sau khi biết các rắc rối xung quanh việc ông bổ nhiệm Anthony Scaramucci, một trong những người vận động quyên góp quỹ chính trị cho ông, làm cố vấn. Theo Trump, các rắc rối này xuất phát từ đấu đá nội bộ giữa các trợ lý của ông.
“Trump rất tức giận. Ông ấy không thích chuyện ngớ ngẩn này”, người này nói.
Video đang HOT
Dù có các nỗi thất vọng đó, ông Trump vẫn say sưa đắm mình trong những biểu tượng quyền lực của tổng thống. Ông yêu thích Phòng Bầu dục, nơi ông dành phần lớn thời gian để làm việc. Sau cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp, ông đã dẫn họ đi thăm căn phòng nổi tiếng này.
Tuy nhiên, ông cũng tìm cách chạy trốn khỏi áp lực của công việc tổng thống bằng cách thường xuyện gọi điện cho bạn bè cũ và rủ họ đi chơi golf. Các trợ lý của Trump nói đùa rằng họ ước sếp mình dành nhiều thời gian ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach, Florida, nơi ông cảm thấy thoải mái hơn.
Thùng thuốc súng chực chờ bùng nổ
Hầu hết những người trả lời phỏng vấn Politico cho biết các hoạt động bên trong Nhà Trắng càng trở nên căng thẳng hơn vì tổng thống có xu hướng quản lý chi tiết khi gặp thất vọng và đổ lỗi cho trợ lý.
Các cuộc phỏng vấn cũng cho thấy thùng thuốc súng chực chờ bùng nổ tại Nhà Trắng, nơi nhiều trách nhiệm công việc chưa được phân công rõ ràng, tinh thần làm việc của một số người rất thấp, chủ nghĩa bè phái tràn lan và tình trạng mệt mỏi đang dâng cao.
Các phe nhóm ở Washington đang chuyển qua bàn luận về khả năng sẽ diễn ra một cuộc sắp xếp lại nhân sự Nhà Trắng. Một người gần gũi với Trump nói: “Tôi nghĩ ông ấy muốn thực hiện điều ấy ngay bây giờ nhưng ông ấy biết như vậy là hơi sớm”.
Những người thân cận tổng thống tỏ ra lo lắng trước viễn cảnh đó vì họ cho rằng đó sẽ là một sự ghi nhận ngầm rằng đội ngũ của họ đang đấu đá.
Có lẽ công việc mà Trump quản lý kỹ nhất là thư kí báo chí Nhà Trắng của Sean Spicer, người đóng vai trò như bộ mặt của Nhà Trắng nhưng luôn không làm hài lòng người rất ý thức về hình ảnh như Trump.
Trump, một người thích xem các kênh truyền hình cáp, từng nhiều lần phê bình các trợ lý và người đại diện về những lần xuất hiện của họ trên tivi. Sau các cuộc họp báo của Spicer, Trump nói với người phát ngôn rằng ông không hài lòng về một số câu trả lời hoặc thái độ của Spicer. Spicer tâm sự với nhiều người rằng ông thấy cảm thấy công việc của mình rất khó khăn.
Quan hệ căng thẳng tại Nhà Trắng
Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus (trái) và Steve Bannon (phải), chiến lược gia trưởng của Trump, đang có mối quan hệ căng thẳng. Ảnh: Boston Globe
Tình hình nhân sự đấu đá ở Nhà Trắng có thể không nhanh chóng kết thúc. Hiện vẫn còn căng thẳng giữa Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus và Bannon, chiến lược gia trưởng của Trump. Các cố vấn của Priebus chỉ trích đội ngũ của Bannon đã vội vã ra sắc lệnh hành pháp để cấm công dân của 7 nước Hồi giáo lớn nhập cư và cho rằng những người này đã không thu thập thông tin cần thiết trước khi đưa ra sắc lệnh đó.
Một số người ngạc nhiên khi biết rằng đệ nhất phu nhân Melania Trump quyết định thuê Lindsey Reynolds làm chánh văn phòng của bà và đưa Stephanie Winston Wolkoff vào vị trí cố vấn cấp cao. Cả hai người này làm việc trong nhóm lên kế hoạch cho lễ nhậm chức tổng thống nhưng Reynolds đã đột ngột rời bỏ công việc trước ngày nhậm chức. Một số người cho rằng quyết định ra đi của Reynolds khi đó là do các mâu thuẫn cá nhân với Wolkoff.
Dù vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy một đội ngũ Nhà Trắng mới đang nỗ lực tìm cách củng cố để ổn định tình hình. Các trợ lý hàng đầu và các đồng minh của Trump đang gấp rút tìm kiếm người gánh vác chức vụ giám đốc truyền thông, một vai trò khó khăn mà Spicer đang phải gánh vác cùng nhiệm vụ thư kí báo chí Nhà Trắng.
Hôm 8/2, một số cố vấn cấp cao của Trump gặp James Baker, một chính khách của đảng Cộng hòa, người giữ ghế chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush để xin lời khuyên.
Dù những ngày mở đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump trải qua những gập ghềnh và bất thường, nhiều người ngưỡng mộ ông không cảm thấy lo lắng bởi điều này.
“Tôi không thất vọng về công việc của tổng thống. Ông ấy điều hành giống như nhiều giám đốc điều hành vĩ đại mà tôi biết. Và tôi hy vọng ông ấy sẽ tiếp tục quản lý đất nước theo phương thức khác với cách chúng ta đã thấy trong quá khứ”, Michael Caputo, một trợ lý trong ban vận động tranh cử trước đây của Trump, cho biết.
Hồng Vân
Theo VNE
4 kịch bản chính trường Mỹ thời Tổng thống Trump
Chuyên gia tin rằng tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể trở thành người được yêu mến bởi đường lối dân túy, nhưng cũng có thể hứng chịu thất bại nặng nề.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Darrell West, giám đốc Chương trình Quản trị Viện Brookings, chuyên gia về biến động chính trị, nhận định 4 kịch bản có thể xảy ra khi Donald Trump chính thức lãnh đạo nước Mỹ.
Chính quyền Cộng hòa truyền thống
Khả năng đầu tiên là một chính quyền theo đường lối Cộng hòa truyền thống. "Về mặt điều hành, ông ấy có thể giao các chi tiết cụ thể trong quá trình hoạch định chính sách cho Phó tổng thống Mike Pence, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus", ông West viết.
"Nếu vậy, ông Pence sẽ có vai trò như thủ tướng trong chính quyền mới. Bộ ba nêu trên sẽ đưa các chính sách của ông Trump xích lại gần những lựa chọn truyền thống của đảng Cộng hòa trong nhiều vấn đề". Khi đó, Tổng thống Trump có thể tìm cách hòa giải những hiềm khích với giới lãnh đạo trong đảng sau chiến dịch vận động tranh cử vừa qua.
Ông ấy có thể nhấn mạnh "quan điểm chính thống của đảng Cộng hòa trong vấn đề cắt giảm thuế, bãi bỏ các quy định cũng như chương trình bảo hiểm Obamacare", trong khi "rời xa lập trường không mang tính truyền thống của mình trước đây".
Việc ông Reince Priebus được chọn làm Chánh văn phòng Nhà Trắng có vẻ như báo trước đường lối lãnh đạo này. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan có lẽ cũng cầu mong cho điều đó xảy ra, với hy vọng vào "một kỷ nguyên mới của chính phủ Cộng hòa đoàn kết".
'Người nổi loạn được yêu mến'
Kịch bản thứ hai sẽ là ông Trump trở thành "người nổi loạn được yêu mến", "người phá vỡ các quy tắc truyền thống nhưng lãnh đạo hiệu quả". Khi đó, tỷ phú sẽ tiếp tục chỉ trích các lãnh đạo trong đảng và vào vai người hùng của những người thấp cổ bé họng, hay "những người bị lãng quên".
Nếu điều đó xảy ra, ông Trump có khả năng sẽ làm hòa với phe Dân chủ trong quốc hội Mỹ, bằng cách hứa hẹn bảo vệ các chương trình Medicare và An sinh Xã hội mà phe của ông Ryan trong đảng Cộng hòa đã muốn loại bỏ từ nhiều năm qua.
"Quan hệ của ông ấy với đảng Cộng hòa sẽ đầy căng thẳng do những quan điểm đó là điều họ ghét cay ghét đắng", ông West viết. "Nhưng người dân sẽ đánh giá cao việc ông ấy chiến đấu vì họ. Sau một thời gian, ông có thể tái lập liên minh trong đảng Cộng hòa và khiến đảng của mình bớt bị trói buộc bởi các lợi ích lớn".
Không có nghi ngờ gì về việc ông Trump tự cho mình là một nhà cải cách theo đường lối này. Trong bài phát biểu chiến thắng ông Trump đã nói: "những người dân bị lãng quên ở đất nước này sẽ không còn bị lãng quên", và rằng "người Mỹ nào cũng sẽ có cơ hội hiện thực hóa tối đa tiềm năng của mình".
Dù vậy những người hoài nghi vào tuyên bố này cho rằng thành công trong kinh doanh của ông Trump chủ yếu được xây dựng trên lưng của chính "những người bị lãng quên" đó. Ông Trump có nhiều vụ phá sản, bị cáo buộc không thực thi nghĩa vụ tài chính và tấn công "những người thấp cổ bé họng" dám đối đầu mình.
Thất bại
Kịch bản thứ ba là một nhiệm kỳ thất bại của ông Trump và cộng sự. Những nỗ lực của tổng thống có thể đổ bể vì bê bối, tham nhũng hoặc đơn giản là sự thiếu năng lực.
Theo nhận định của ông West, "nhiệm kỳ tổng thống thất bại" có thể khởi đầu với việc không được công nhận rộng rãi bởi đa số cử tri Mỹ, do ông Trump thua về số phiếu phổ thông trong kỳ bầu cử vừa qua. Ông có khả năng bước vào Nhà Trắng với tư cách tân tổng thống có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong lịch sử.
"Trong tình huống đó, ông ấy có thể sẽ không có 'tuần trăng mật' nào và sự ủng hộ dành cho ông ấy sẽ giảm ở giữa nhiệm kỳ", chuyên gia West viết. Giọt nước tràn ly có thể là các bê bối và sai lầm, chẳng hạn như việc lạm dụng quyền tổng thống hoặc sự thiếu năng lực nói chung, khiến người Mỹ phản đối tổng thống mới.
"Nhiều nhà lãnh đạo siêu giàu đắc cử tại các nước khác, như ông Silvio Berlusconi tại Italy, thực hiện chủ nghĩa tư bản thân hữu và tự cho mình đứng trên pháp luật, để rồi cuối cùng phải hứng chịu hậu quả về chính trị hoặc luật pháp", ông West viết.
Ông Trump trong chiến dịch tranh cử từng xem đám đông người ủng hộ là bằng chứng ông đang đi đúng hướng, bất chấp nhiều tranh cãi từ những bình luận gây kích động tới cáo buộc sàm sỡ phụ nữ. Ông cũng có thể sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc gặp mặt người dân lớn sau khi đắc cử, nhằm đáp trả những lời chỉ trích.
Cứng rắn
Kịch bản cuối cùng có thể xảy ra là Donald Trump trở thành "một lãnh đạo độc tài". "Các cuộc biểu tình bạo lực hoặc bạo loạn tại đô thị có thể gây bất ổn xã hội và khiến ông Trump quân sự hóa lực lượng cảnh sát địa phương, trấn áp những người đối lập và khiến việc kiện những người bất đồng chính kiến trở nên dễ dàng hơn", theo ông West.
"Thay vì phát ngôn giận dữ trên Twitter, ông ấy có thể sử dụng lực lượng hành pháp để hành động cứng rắn với người biểu tình, hoặc chỉ đạo chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon thực hiện những chiến dịch bôi nhọ nhắm vào đối thủ", ông bình luận.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump không che giấu sự ủng hộ phong cách nhà lãnh đạo quyền lực. Ông nhiều lần cam kết sẽ tống giam đối thủ Hillary Clinton - hành động "sẽ vi phạm các quy tắc lâu nay về chuyển giao quyền lực trong hòa bình", ông West viết.
Trên mạng xã hội, ông Trump có vẻ chú ý nhiều hơn đến việc đáp trả những quan điểm đối nghịch.
Tuy nhiên, kịch bản nào sẽ trở thành hiện thực là điều không ai dám chắc, bởi Donald Trump luôn chứng tỏ ông là người rất khó đoán.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Donald Trump bổ nhiệm chánh văn phòng Nhà Trắng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 13/11 chọn Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus vào vị trí chánh văn phòng Nhà Trắng. Donald Trump cảm ơn Reince Priebus (cà vạt xanh) trong bài phát biểu chiến thắng ngày 9/11. Ảnh: Reuters Reince Priebus là một đồng minh trung thành trong chiến dịch tranh cử của ông...