Sự thật về ‘tụt lưỡi’, ‘cắn lưỡi’ và ‘nuốt lưỡi’
Khi thấy một người co giật hay bất tỉnh tụt lưỡi, phản xạ của nhiều người là chèn ngay vật gì đó vào miệng nạn nhân để ngăn không cho họ cắn lưỡi hoặc nuốt lưỡi.
Cho bệnh nhân nằm nghiêng, đặt gối mềm dưới đầu, nới lỏng cổ áo là những việc cần làm khi thấy một người bị tụt lưỡi – ShutterStock
Tuy nhiên, cắn lưỡi hay nuốt lưỡi thực chất chỉ là “truyền thuyết”. Qua những tình huống đã xảy ra, chúng ta cần sự nhìn nhận thấu đáo hơn để có cách xử trí phù hợp.
Thường gặp trong cấp cứu trên sân cỏ
Vào đầu tháng 5 vừa rồi, trong trận bóng đá ở giải V-League giữa đội B.Bình Dương và Hà Nội, sau pha va chạm mạnh vào đầu, cầu thủ Bình Dương nằm bất tỉnh trên sân. Thấy cầu thủ có dấu hiệu “nuốt lưỡi”, trọng tài điều khiển trận đấu đã đưa tay vào miệng anh để ngăn không cho…nuốt lưỡi.
Sự việc “nuốt lưỡi” cũng được gặp nhiều lần ở các trận cầu quốc tế. Nổi tiếng là vụ tiền đạo Tây Ban Nha Fernando Torres bất tỉnh sau va chạm mạnh trong một pha tranh chấp bóng (năm 2017). Báo chí quốc tế khi đó đưa tin, để ngăn Torres “nuốt lưỡi”, các đồng đội đã mở miệng, đút tay vào miệng và giữ lưỡi cho cầu thủ này. Trong trận đấu giữa hai đội Bờ Biển Ngà và Mali ở vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Phi, tiền vệ Moussa Doumbia của Mali cũng bị bất tỉnh sau một pha va chạm cực nặng, một đồng nghiệp cũng đã ra tay kéo lại lưỡi cho anh.
Đó là những hành động đẹp được cộng đồng ca ngợi. Tuy nhiên, về mặt y khoa, trang tin Healthline dẫn lời một chuyên gia phân tích: Một người không thể tự nuốt lưỡi của mình. Lưỡi được một hệ thống cơ giúp giữ nó luôn ở đúng chỗ trong miệng. Khi bị động kinh, co giật, không ai thè lưỡi ra, thậm chí, lúc này, lưỡi còn thường bị thụt nhẹ vào và gần như không cử động nhiều. Vì vậy, cũng không xảy ra trường hợp cắn lưỡi gây tử vong khi động kinh, chuyên gia của Viện Sức khỏe quốc gia (Mỹ) khẳng định.
Trang First Aid Training Cooperative (Đào tạo sơ cứu) hướng dẫn: Nếu nạn nhân bị va chạm mạnh vào phần đầu và bất tỉnh như trường hợp các cầu thủ trên, nguy cơ thực sự có thể xảy ra là tắc nghẽn đường thở, được gây ra do… lưỡi tụt sâu vào phía trong, gọi tắt là “tụt lưỡi”, chứ không phải tử vong do “nuốt lưỡi”. Đặc biệt, đừng cố nhét bất cứ vật gì vào miệng một người trong cơn động kinh hay tụt lưỡi, để tránh làm họ nghẹt thở.
Video đang HOT
Cho nằm nghiêng, thay vì đút tay vào miệng
Bác sĩ Lý Xuân Quang, Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải thích: Tình trạng lưỡi tụt sâu vào phía trong, do cơ lưỡi giãn nhiều, sẽ gây hẹp, tắc nghẽn đường thở, khó thở. Tình trạng này chỉ có nguy cơ xảy ra với những người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ; hôn mê, ngủ sâu do dùng thuốc ngủ, gây mê; người bị động kinh; hoặc va chạm mạnh, chấn thương vùng đầu, bất tỉnh, ảnh hưởng đến não.
Theo bác sĩ Quang, người bị tụt lưỡi có biểu hiện hôn mê mất ý thức; thiếu ô xy, tím tái; khó thở, thở khò khè ở vùng họng giống như người ngủ ngáy lớn.
Ở bệnh viện, bệnh nhân (trong các trường hợp gây mê sâu) được xử trí phòng tụt lưỡi bằng dụng cụ chuyên dụng.
Ở ngoài, trong trường hợp thấy người tụt lưỡi, bác sĩ Quang hướng dẫn: Việc quan trọng nhất là giúp bệnh nhân có thể thở được dễ dàng bằng cách cho nằm nghiêng. Để lưỡi không tụt vào sâu, có thể dùng các ngón tay để ở góc xương hàm dưới nâng cằm, góc hàm của bệnh nhân lên trên, ra phía trước.
Ngoài ra, theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Quốc Hùng, Khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), khi bệnh nhân động kinh, co giật thì cần cho bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên, chùi sạch nước bọt hoặc các chất nôn ói (nếu có) để giúp thông thoáng đường thở. Di dời những đồ vật có thể gây sang chấn cho bệnh nhân ra xa. Đặt một chiếc gối mỏng, mềm dưới đầu bệnh nhân; nới lỏng cổ áo, cà vạt, thắt lưng… Ghi nhận thời gian cơn co giật (co giật kéo dài trong bao lâu) của bệnh nhân. Khi cơn co giật thoái lui, đảm bảo bệnh nhân đã thở lại như bình thường.
Bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện trong các trường hợp: chưa được chẩn đoán động kinh trước đó, đang mang thai, đang bị tiểu đường hoặc bị chấn thương lúc co giật; cơn co giật kéo dài hơn 5 phút hoặc cơn co giật thứ hai xảy ra ngay khi cơn đầu tiên vừa chấm dứt; sau cơn động kinh nếu bệnh nhân không thở lại tốt như bình thường, than đau đớn trong người hoặc không tỉnh lại.
Theo thanhnien
Cầu thủ Bình Dương bị 'nuốt lưỡi' sau cú va chạm, lưỡi có tụt vào trong?
Sau cú va chạm mạnh, cầu thủ CLB Bình Dương rơi vào tình trạng sốc, "nuốt lưỡi", phải điều xe cứu thương đến cấp cứu.
Phút thứ 3 trong trận đấu giữa CLB Bình Dương và Hà Nội diễn ra vào chiều 5/5, cầu thủ Nguyễn Hoàng Thiện Đức của Bình Dương đã có va chạm rất mạnh với cầu thủ Omar của đội khách.
Ngay sau đó, Thiện Đức nằm bất tỉnh trên sân, có dấu hiệu co giật. Trọng tài chính Ngô Duy Lân phát hiện cầu thủ có hiện tượng "nuốt lưỡi" nên nhanh trí dùng tay tách 2 hàm của cầu thủ Thiện Đức. Thành Lương cũng tháo băng đội trưởng để nhét và giữa 2 hàm của đồng đội tránh hiện tượng nuốt lưỡi trước khi xe cấp cứu kịp đến sân.
Cầu thủ Nguyễn Hoàng Thiện Đức có dấu hiệu co giật và có hiện tượng "nuốt lưỡi" sau va chạm mạnh vói cầu thủ đội bạn
Trên thế giới đã từng chứng kiến nhiều cầu thủ bóng đá bị "nuốt lưỡi" sau va chạm. Mới nhất, trong vòng loại World Cup 2018, tiền vệ Moussa Doumbia của đội Mali đã bị bất tỉnh sau khi va chạm đầu mạnh với cầu thủ của đội Bờ Biển Ngà. Phát hiện cầu thủ đội bạn có dấu hiệu nuốt lưỡi, hậu vệ người Bờ Biển Ngà đã can thiệp kịp thời "kéo" lại lưỡi cho Moussa Doumbia.
Vào năm 2017, cầu thủ Fernando Torres, CLB Atletico Madrid cũng bị ngã đập đầu, bất tỉnh trên sân cỏ sau va chạm với cầu thủ đội bạn và cũng gặp tình trạng "nuốt lưỡi" tương tự.
Cụm từ "nuốt lưỡi" được biết đến nhiều trong thể thao khi bị co giật, hôn mê, tuy nhiên thực tế đây chỉ là một cách gọi chứ không đúng về mặt y khoa do mặt dưới lưỡi được nối liền với sàn miệng bằng một dải mô, được gọi là hãm lưỡi (thắng lưỡi), giúp cố định lưỡi. Do đó, không có khả năng nuốt lưỡi vào trong một cách cơ học.
Thắng lưỡi phía dưới giúp cố định lưỡi
Theo giải thích của y học, hiện tượng "nuốt lưỡi" thực chất xảy ra khi 1 người bất tỉnh, khiến cơ lưỡi giãn ra, có thể chèn ép đường thở, đặc biệt khi nạn nhân ở tư tế nằm ngửa. Khi bị nghẹt đường thở không được cấp cứu kịp thời có thể gây tím tái do thiếu oxy, có thể tử vong.
Tuy nhiên, chỉ những trường hợp chấn thương nặng, hôn mê sâu mới khiến lưỡi tụt vào sâu, còn các trường hợp não vẫn hoạt động, sẽ kích thích cơ lưỡi trở lại bình thường.
Theo BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, trường hợp ở bệnh viện, bệnh nhân bị hôn mê sâu, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để phòng tụt lưỡi.
Nếu trường hợp bệnh nhân cắn phải lưỡi, đứt lưỡi, xuất huyết nhiều, bác sĩ cấp cứu sẽ phải đặt ống nội khí quản, mở khí quản cấp cứu.
Trường hợp nạn nhân bị co giật, có dấu hiệu tụt lưỡi hoặc đã tụt lưỡi, BS Chính khuyến cáo, cách sơ cứu tốt nhất là đặt nạn nhân nằm nghiêng sang 1 bên, đầu hơi cao để tránh làm tắc đường thở.
Ngay sau đó gọi người hỗ trợ và gọi ngay cấp cứu. Nếu trên người bệnh nhân có vòng, cần tháo ra đồng thời nới rộng quần áo cho bệnh nhân, tạo môi trường thông thoáng xung quanh. Thường các cơn động kinh sẽ tự hết sau vài phút và bệnh nhân sẽ tỉnh lại, thở bình thường.
"Tuyệt đối không đặt bất cứ vật gì vào miệng bệnh nhân, kể cả giẻ. Điều này hoàn toàn sai lầm và không cho bệnh nhân ăn, uống bất cứ thứ gì khi lên cơn co giật vì rất dễ nghẹt đường thở", BS Chính khuyến cáo.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật của Hoa Kỳ (CDC) thống kê, có khoảng 10% dân số có thể co giật trong suốt cuộc đời. CDC khuyến cáo, nếu co giật trên 5 phút không hồi, bắt buộc phải gọi cấp cứu.
Minh Anh
Theo vietnamnet
Tự cắn lưỡi khi ngủ Tật cắn lưỡi là một phần của rối loạn giấc ngủ, không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ mà còn dẫn đến một số biến chứng về sức khỏe. Ảnh minh họa Nguyên nhân Khi đang ngủ ban đêm, cơ thể có thể có những chuyển động không thể kiểm soát hoặc rối loạn chuyển động nhịp điệu khiến...