Sự thật về thang “thần dược” từ Campuchia
Chiều 31/5, Thượng tá Lường Văn Ọi, Trưởng Công an TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) cho biết: CQĐT đã bắt giữ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn; ra quyết định khởi tố 5 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng là ăn mặc sang trọng, nói có bài thuốc “thần dược” mang từ Campuchia về để lừa những người nhẹ dạ cả tin…
Ngày 16/5, chị Nguyễn Thị T., 47 tuổi, trú tại phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ đã đến Đội CSĐT tội phạm về TTXH – Công an TP Điện Biên Phủ trình báo về việc chị bị một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 24 triệu đồng.
Theo như đơn trình báo, trong khi đang mua thực phẩm tại chợ trung tâm 3 thuộc địa phận phường Tân Thanh thì có hai phụ nữ ăn mặc sang trọng đến, nói chị bị bệnh nám da và thoái hóa đốt sống cổ. Một người còn nói thêm là trước kia đã từng bị như chị và đã chữa khỏi nhờ một bài thuốc quý mang từ Campuchia về. Nếu muốn mua thì sẽ đưa đi và giới thiệu. Đến khu vực gần Bệnh viện Y học cổ truyền thuộc phường Mường Thanh, hai người phụ nữ lạ mặt giới thiệu chị với một nam giới tự xưng là “thầy thuốc”. Sau khi hỏi về cách dùng, công dụng của thuốc, chị T. muốn mua 8 gói thuốc với giá 3 triệu đồng/gói, tổng số tiền là 24 triệu đồng. Nhưng khi thấy không đủ tiền, một người phụ nữ đã cho chị vay tiền. Sau khi cầm được số thuốc trong tay, chị Nguyễn Thị T. tiếp tục đưa người phụ nữ kia về nhà để trả số tiền đã vay. Vài ngày tiếp theo, thấy dùng thuốc không có tác dụng, chị T đã đến Công an TP Điện Biên Phủ trình báo.
Theo Đội CSĐT tội phạm về TTXH – Công an TP Điện Biên Phủ, trong tháng 5, CQĐT nhận được nhiều đơn trình báo về việc bị nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn bán thuốc mang từ nước ngoài về có thể chữa bách bệnh.
Cơ quan CSĐT đang làm việc với “Thầy thuốc” Lương Văn Thắng.
Quá trình điều tra, Đội CSĐT tội phạm về TTXH – Công an TP đã phối hợp với Công an phường Thanh Bình bắt giữ 6 đối tượng đang tạm trú tại một nhà nghỉ trên địa bàn. Quá trình kiểm tra, các trinh sát phát hiện trong hành lý của các đối tượng có một số gói thuốc kích thước 12×6cm, bên trong có nhiều hạt màu đen xám, không nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ, giống với số thuốc mà người bị hại đã đến trình báo với cơ quan Công an.
Tại CQĐT, bước đầu, các đối tượng khai nhận, đã mua thuốc từ Nam Định mang lên Điện Biên để thực hiện hành vi lừa đảo. Với phương thức thủ đoạn như trên, nhóm tội phạm trên đã lừa bán thuốc cho một số người nhẹ dạ, cả tin trên địa bàn TP Điện Biên Phủ với tổng số tiền trên 40 triệu đồng. Số thuốc các đối tượng lừa bán là vị thuốc nam có tên Màn Kinh Tử có tác dụng lợi tiểu.
Video đang HOT
CQĐT Công an TP Điện Biên Phủ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành bắt tạm giam 6 đối tượng, gồm: Lương Văn Thắng (37 tuổi), Đỗ Thị Quang (51 tuổi), Phạm Thị Tuyết (58 tuổi), Hà Thị Thịnh (56 tuổi), Đỗ Thị Hương (37 tuổi) và Nguyễn Thị Tình (56 tuổi), cùng trú tại tỉnh Nam Định, về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo CAND
Hoang đường chuyện "Thánh cô" dùng nước lã chữa bách bệnh
Thuốc điều trị bách bệnh mà "Thánh cô" cho là mớ cây ngô non, "bông ngũ sắc, lá vú sữa... Ông chồng "Thánh cô" bảo: "Đấy là những thảo dược quý, chữa được bách bệnh nhờ có ơn trên phù phép".
Hơn một tháng nay, ngôi nhà của ông Đặng Văn Thương, ở khu dân cư số 2, tổ dân phố 4, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi, trở nên đông đúc bởi người dân ở tứ phương đến nhờ bà Phạm Thị Phương (vợ ông Thương, nguyên làm nghề bán cá ở chợ Châu Ổ, người chưa hề học qua lớp y thuật nào) chữa bệnh và xem gia sự.
Trong vai bệnh nhân đến xin chữa bệnh, tôi tận mắt chứng kiến cơ ngơi và những thao tác chữa bệnh của bà Phương mà chắc rằng trong sách y học cổ truyền và hiện đại không thể có.
"Thánh cô" đang ngồi trên ghế salon đọc thần chú chữa bệnh cho bệnh nhân
Căn phòng đón và khám bệnh chỉ có 1 chiếc giường, một bộ ghế salon và trên tường treo một bảng đen ghi thời gian khám chữa bệnh của "thánh cô" Phương. Bệnh nhân và người coi gia sự ngồi xuống nền nhà và chờ đến lượt khám, còn "thánh cô" thì ngồi trên chiếc ghế salon.
Ông Thương cho biết bà Phương xuất thân từ gia đình thuần nông. Trước và sau đám cưới, bà Phương làm nghề mua bán cá ở chợ Châu Ổ, sau đó chuyển sang làm nhang và chưa từng học lớp y thuật nào.
"Vợ tôi khám chữa bệnh, bốc thuốc nam kiêm coi gia sự là nhờ có ơn trên phù hộ đấy. Vì mục đích cứu độ chúng sinh, nên "thánh cô" không lấy tiền" - ông Phương nói. Tuy nhiên, trong chiếc đĩa đặt trên bàn thì có xấp tiền đủ loại, mệnh giá nhỏ nhất là 20.000 đồng; lớn nhất là 100.000đồng. "Đó là lòng thành của khách để lo hương khói, hoa quả cho thánh cô" - ông Thương phân trần.
Qua quan sát thì thấy cách khám bệnh, cho thuốc của bà Phương rất kỳ lạ. Từng bệnh nhân thay phiên nhau đến ngồi, quỳ hoặc đứng trước mặt, để bà Phương khám. Trên bàn chỉ có vài chai nước lã, xấp giấy giống như giấy vàng mã và một ít lá cây gọi là thuốc.
Đến lượt tôi khám bệnh, bà Phương hỏi: Con đau bệnh gì? Chỗ nào? Dạ, ở đầu. Thế là bà Phương liền dùng tay xoa lên đầu, rồi thổi và đọc câu "thần chú" gì đó mà tôi không hiểu.
Tiếp đó bà Phương vò mấy tờ vàng bạc để trên bàn bỏ vào chai nước lã trên bàn, lắc đều rồi đưa cho tôi rồi bảo: "Con uống hết chai nước này bệnh sẽ khỏi ngay!".
Dường như với bất kỳ bệnh nhân nào cũng được bà Phương khám bệnh và cho thuốc như thế. Tuy nhiên, cũng có người ngoài dùng tay xoa xoa, miệng thổi thổi bà Phương còn dùng một cây bút bi đã hết mực châm vào chỗ mà người đến xin thuốc cho rằng bị đau. Một người nhà bệnh nhân ghé tai tôi nói: "Hôm nay ít người nên "thánh cô" mới tự dùng bút bi châm vào chỗ đau của bệnh nhân chứ hôm nào đông khách thì người nhà phải làm".
Về thuốc điều trị bách bệnh mà bà Phương cho chỉ là mớ cây ngô non, bông ngũ sắc, lá vú sữa... Ông Thương bảo: "Đấy là những thảo dược quý, chữa được bách bệnh nhờ có ơn trên phù phép". Bà Phương lên đồng chữa bệnh tuy mới gần 2 tháng, nhưng có khá nhiều người đến xin thuốc đến 5 - 6 lần.
Chị H (ở thị trấn Châu Ổ) mắc bệnh nan y từ nhiều năm nay, gia đình đưa đi nhiều nơi chữa trị, nhưng bệnh tình chị H. không thuyên giảm. Nghe tin bà Phương được thần nhập có thể chữa bách bệnh, gia đình chị H. tìm đến để xin được chữa trị mong thoát khỏi tử thần.
Còn chị Hạnh, ở xã Bình Chương - Bình Sơn, cũng nghe mọi người giới thiệu nên đã đến xin chữa trị cho người cha bị liệt từ nhiều năm nay. Cứ mỗi lần đi là chị Hạnh mang theo chai nước sôi để nguội mà người cha vẫn uống hằng ngày đến để bà Phương làm phép rồi mang về cho cha uống.
Có điều lạ là bà Phương còn lấy cả gói kẹo sữa bò mà ông Thương để trên bàn thờ thắp hương ra làm phép và cho chị Hạnh đem về cho cha ăn, để chữa bệnh. "Mới uống vài chai nước thánh mà cha tôi có vẻ khỏe hẳn lên" - chị Hạnh khoe với tôi.
Thấy vậy nên chị Hạnh đã giới thiệu cho người chị gái mình bị đau đầu, đau lưng, nhức mỏi và đau bao tư ở tận Gia Lai ra chữa bệnh. Vì nhà xa, nên được bà Phương ban ơn khám và cho thuốc một lần để khỏi phải đi lại nhiều lần tốn thời gian và tiền bạc. "Tuy mới uống thuốc được 3 ngày nhưng chị tôi đã dần khỏe ra" - chị Hạnh cho biết.
Khi nghe tin đồn, anh Q. (ở tận huyện Mộ Đức - Quảng Ngãi) cũng tranh thủ chở vợ ra chữa bệnh. Khi được hỏi anh có tin vào phương pháp chữa bệnh của bà Phương hay không thì anh Q. nói: "Nghe nói bà Phương được thần nhập, có thể chữa bách bệnh nên tôi cũng đưa vợ đi xem sao. Việc chữa bệnh không chỉ nhờ thuốc, mà còn phải có đức tin thì mới có thể khỏi được".
Tuy vậy, qua thực tế chữa bệnh của bà Phương cũng bị một số người bệnh kịch liệt phản ứng vì cho rằng khi uống "nước thánh" mà bà Phương cho chẳng có dấu hiệu tích cực cho bệnh tật cả. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe và an toàn, người bệnh cần đến khám ở các cơ sở y tế của Nhà nước, nhằm đề phòng tránh tình trạng tiền mất tật mang.
Đồng thời các ngành chức năng của huyện Bình Sơn cần tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng mê tín dị đoan, đồng bóng cho thuốc chữa bệnh, gây xáo động tư tưởng một bộ phận người dân và làm mất trật tự ở địa phương.
Theo ANTD
Quế - Vị thuốc quý chữa bách bệnh Có rất nhiều lợi ích từ vỏ quế với sức khỏe đa chiều của bạn mà vẫn chưa khám phá hết! Quế còn gọi là quế quỳ, quế thanh, nhục quế, quế tâm. Bộ phận dùng chủ yếu là vỏ. Vỏ quế có chứa nhiều tinh dầu, tinh bột, chất nhầy, tanin và chất mầu. Theo Đông y, quế có vị cay ngọt,...