Sự thật về máy lọc nước tinh khiết uống liền
Nhiều nguy cơ gây bệnh nằm trong chính nguồn nước của mỗi gia đình. Vì vậy, người tiêu dùng có xu hướng mua máy lọc nước vì đinh ninh nước xử lý qua máy lọc sẽ đảm bảo 100%.
Nguy cơ tiềm tàng từ nguồn nước nhiễm độc
Lõi đen sau khi lọc nước 6 tháng vì lọc chất bẩn trong nước sinh hoạt. Lõi màu trắng là mới nguyên.
Còn bà Hồng Tư, nhà ở phố Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội thì vừa phải đi mổ nội soi lấy sỏi hơn 2 phân. Bà băn khoăn liệu có phải do nguồn nước có nhiều canxi, cặn lắng mà gây bệnh cho bà. Vì vậy, bà cũng đang có ý định mua máy lọc nước.
Tuy nhiên, không phải ai trước khi mua máy lọc hay bình lọc nước cũng đi xét nghiệm nguồn nước sinh hoạt tại gia đình mình.
Theo số liệu của tổ chức Y tế thế giới (WHO) cứ 10.000 người thì có 6 người bị ung thư do sử dụng nước ăn có nồng độ asen lớn hơn 0,01 mg/lít nước.
Khi nói về việc tìm ra giải pháp để giảm lượng chất độc như asen (thạch tín), amoni, kim loại nặng trong nước, PGS.TS Lê Văn Cát, Trưởng phòng hóa môi trường, Viện hóa học thuộc Viện khoa học công nghệ VN (số 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, 04.37563180) ví von khá hình ảnh: “Ở trên đời, không phải một thuốc chữa được bách bệnh, thuốc họ bán là gì chăng nữa thì cũng là một thuốc cho bệnh nhất định”.
Cũng theo PGS Cát: Trên đời không có 2 nguồn nước giống nhau. Vì vậy, nên “khám bệnh” trước khi “bốc thuốc” và tốt nhất nên chọn nơi họ làm ăn cẩn thận và nghiêm túc để xét nghiệm nước.
Phòng hóa môi trường nơi ông Cát phụ trách hiện là nơi nhận các mẫu nước cần xét nghiệm từ các cơ quan, tổ chức và cả những người dân.
Ông Cát tư vấn: Nhiều người lấy mẫu nước khá ẩu, có người lấy chai rượu đựng nước, có người lấy chai xì dầu. Nên cách lấy nước tốt nhất là chọn chai nhựa có nút kín, rửa sạch và súc bằng chính nước mình mang đi xét nghiệm và rửa 3 lần, lấy đầy nút chặt và mang đi xét nghiệm. Nếu lấy nước từ vòi nên mở vòi cho nước chảy 5 phút rồi mới lấy mẫu nước.
Hiện, mức giá xét nghiệm nước tùy thuộc vào số lượng cũng như chỉ tiêu cụ thể. Phía viện hóa học sẽ tư vấn cho dân nên xét nghiệm chỉ tiêu nào dựa vào đó là nước máy hay nước giếng khoan, tùy vào từng vùng địa lý. Chi phí cho việc xét nghiệm với người dân chỉ dao động khoảng 100 đến 150 ngàn đồng cho 5-6 chỉ tiêu xét nghiệm nước. Thời gian có kết quả khoảng 2 – 3 ngày, không kể ngày nghỉ.
PGS. TS Cát cho biết: “Với người dân ở phía Nam Hà Nội, khi xét nghiệm mẫu nước, chúng tôi xét các chỉ tiêu amoni, asen và 5 – 6 chỉ tiêu khác. Phía bắc Hà Nội có 1 số mangan… Nếu rà soát hơn 100 chỉ tiêu thì tốn kém nên chúng tôi khoanh 1 số chỉ tiêu điển hình cho từng vùng để xét nghiệm nhằm tiết kiệm cho người dân”.
Video đang HOT
“Amoni bản chất không ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe nhưng khi bơm vào bể dùng nó biến thành nitơrit, khi vào trong dạ dày bị axít phân hủy nó biến thành hợp chất có khả năng gây ung thư. Hơn nữa, chất này chuyển hóa thành nitorat và nitorit và oxy hóa hồng cầu từ màu đỏ thành màu nâu. Đặc biệt với trẻ con, sức chống chịu không tốt da sẽ không hồng hào mà sẽ xanh xao. Còn asen chủ yếu gây hại cho thần kinh và ung thư da”, ông Cát cho biết thêm.
Sau khi có kết quả, các chuyên gia tại đây sẽ tư vấn cho người dân dùng bộ lọc được asen. Theo PGS Cát: “Với amoni, công nghệ lọc nước RO cũng không có tác dụng gì. Xử lý amoni khá chúng tôi cũng có phương án xử lý. Xử lý amoni là vấn đề nặng nề nhất ở đồng bằng Bắc bộ với nguồn nước ngầm ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Hà Tây, khu vực phía Nam Hà Nội cũ … Hầu như nước tại các nhà máy nước ở khu vực Pháp Vân, Hạ Đình…nằm trong khoảng 10 – 30mg/lít tức gấp 5 cho đến 10 lần amoni tiêu chuẩn. Và các nhà máy nước này không xử lý nổi. Và để xử lý phải áp dụng phương pháp vi sinh và hóa học để loại bỏ”.
Chọn loại thiết bị lọc nào hiệu quả?
Dạo qua thị trường, NTD nếu không được các chuyên gia tư vấn sẽ không biết nên chọn bình hay máy lọc nước nào cho hiệu quả cả về sức khỏe và kinh tế.
Máy lọc nước 2 cục tác dụng lọc nước sinh hoạt đã được các nhà máy nước xử lý.
Loại bình dân nhất là thiết bị lọc nước sử dụng cọc than hoạt tính, các cọc than hoạt tính này được ép từ than hoạt tính dạng bột có trộn thêm chất liên kết và một số phụ gia như gốm chống khuẩn…Than hoạt tính có công dụng hấp phụ các chất màu, mùi, các hợp chất hưu cơ và một số ion kim loại nặng nhưng không loại trừ được asen, amoni…
Tại Trung tâm thương mại nội thất Phương Đông (225 Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội; 04-36250567-04-39947498) hiện bán bình lọc nước hiệu Korea King với mức giá khá rẻ là 470 ngàn đồng.
Chị Trang, bán hàng tại đây cho biết: Đây là hàng lắp tại Việt Nam chứ nếu nhập Hàn Quốc làm gì có giá đó. Nước qua bình lọc này vẫn phải đun vì nó chỉ lọc thô, lọc cặn. Sau 1 thời gian sử dụng phải thay lõi (giá lõi thay này là 60 – 70 ngàn đồng).
Tại đây còn có máy lọc của Kanguru, Maxim. Máy lọc Kanguru 5 lõi, vỏ inox không nhiễm từ giá 3,050 triệu đồng. Máy lọc Kaguru 6 lõi 3,350 triệu đồng có thêm chức năng lõi nonan bạc diệt khuẩn.
Cũng là lõi gốm diệt khuẩn, cao cấp hơn là thiết bị lọc Mantensui được quảng cáo là nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật do công ty VinaJaTech (239 Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội; ĐT: 04.39956906) phân phối.
Theo anh Đinh Đại, nhân viên công ty thì đây là thiết bị lọc nước với 7 lớp lọc được tích hợp vào trong duy nhất một lõi lọc nhỏ gọn. Mantensui có thể lắp đặt một cách đơn giản trực tiếp vào vòi nước ở bồn rửa. Giá thiết bị này là 2,850 triệu đòng đồng. Tuy nhiên, anh Đại khuyến cáo trước khi dùng vẫn nên đun dù lọc được asen, amoni, vi khuẩn tả, ecoli… có hại cho cơ thể. Với quả lọc khoảng 6 – 9 tháng thay 1 lần tùy lưu lượng nước. Giá là 550 ngàn đồng/quả lọc.
Máy lọc 3 lõi công nghệ RO giúp lọc asen và amoni theo như giới thiệu của doanh nghiệp. Thường được giới thiệu sử dụng để lọc nước có nguồn từ giếng khoan.
Công nghệ RO là sử dụng màng bán thấm hiện được bán nhiều trên thị trường. Công nghệ này có khả năng tách các ion và phân tử có kích thước rất nhỏ. Nhưng nhược điểm của RO là nó làm cho các ion kim loại trong nước giảm xuống quá mức vi lượng cần thiết ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh tổng hợp và trao đổi chất của cơ thể.
Tại công ty Tín Việt (phòng 15-03 B Hà Thành Plaza, 102 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội; ĐT:3785 3647) đang phân phối máy lọc Everpure với công nghệ lọc RO. Theo chị Lê Thị Hường, nhân viên kinh doanh thì nếu là nước bơm từ giếng, chúng tôi sẽ khuyên nên dùng máy lọc công nghệ RO. Giá máy lọc này có giá từ 7,88 triệu đồng đến 10,250 triệu đồng.
Còn nếu nước nguồn qua xử lý của nhà máy nước, có thể dùng công nghệ precoat. Đây là công nghệ lọc hoàn hảo giữa vi lượng lọc màng và hấp phụ của than hoạt tính lọc được hầu hết các vi trùng. Với công nghệ này tùy công suất và chức năng loại bỏ các chất trong nước sẽ có giá từ 2,270 triệu đồng đến 6,740 triệu đồng.
Nếu là cơ quan, xí nghiệp sẽ có model riêng với công suất lớn giá dao động từ 3,4 đến hơn 20 triệu/máy.
Tại công ty Sunny – Eco jsc (Số 1, ngõ 121, phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội; 04-629 294 78) hiện đang bán máy lọc công nghệ nano.
Chị Dung, nhân viên tại đây tư vấn, lõi nano có tính năng lọc kim loại nặng, giữ lại khoáng chất cần thiết. Có máy lọc 2 lõi và 3 lõi. 2 lõi dành cho hộ gia đình giá khoảng 3,280 triệu đồng. 3 lõi dùng cho 4 – 5 người dùng giá 3,780 triệu đồng.
Máy dùng cho cơ quan vài trăm người giá trung bình trên 20 triệu đồng.
Như vậy, người tiêu dùng thông minh trước khi mua máy lọc nước hãy hiểu rõ nguồn nước nhà mình có bị nhiễm chất gì quá tiêu chuẩn, từ đó chọn máy lọc có chức năng phù hợp để tiết kiệm và hiệu quả.
Theo VTC
Dễ phát bệnh vì uống nước sai cách
Trong thực tế thăm khám dinh dưỡng, các bác sĩ đã từng phát hiện nhiều trường hợp phát bệnh do tuỳ tiện dùng các loại nước uống không đúng cách.
Các bác sĩ đã từng phát hiện nhiều trường hợp phát bệnh (táo bón, rối loạn nhịp tim, cao huyết áp...) hoặc đang có bệnh nhưng diễn tiến trầm trọng hơn do tuỳ tiện dùng các loại nước uống không đúng cách.
Nước là chất dinh dưỡng tuy không cung cấp năng lượng nhưng đặc biệt cần thiết cho một cơ thể sống. Nước tham gia vào tất cả các quá trình chuyển hoá trong cơ thể người, cần thiết để tiêu hoá thức ăn, hoà tan và hấp thu các vitamin quan trọng, làm mát cơ thể, điều hoà thân nhiệt, bôi trơn các khớp, tăng thải độc chất và loại bỏ chất thải ra ngoài.
Chỉ nên uống nước khi thấy khát?
Ảnh minh họa.
Trung bình một người trưởng thành cần uống khoảng 1,5 - 2 lít nước một ngày, chưa tính lượng cung cấp qua nước canh, xúp,... trong bữa ăn. Với trẻ em thì lượng nước đưa vào được tính toán chính xác dựa vào ký lô cân nặng. Mỗi người ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh môi trường, mức độ làm việc, tình trạng bệnh lý khác nhau sẽ có nhu cầu nước khác nhau. Nói chung là nên cung cấp đủ nước cho cơ thể để có những hoạt động tốt nhất.Về cách uống, nên uống lai rai trong ngày, không nên đợi khát mới uống. Với trẻ em, thường mải chơi quên uống nước, cũng nên lưu ý nhắc nhở cho uống nước thường xuyên. Tỷ lệ nước trong cơ thể trẻ em luôn cao hơn người lớn và sự thiếu nước sẽ ảnh hưởng cấp kỳ đến hoạt động và sự sống của trẻ. Người cao tuổi có thể bị mất cảm giác khát nước nên người chăm sóc phải nhớ để cho uống nước từng ít một và rải đều trong ngày. Phụ nữ cho con bú sữa mẹ cần uống khoảng 3 lít gồm nước lọc, sữa và nước canh, xúp... mỗi ngày.
Cho trẻ uống trà như người lớn?
Có thể tạm chia lượng nước cần uống hàng ngày thành mười phần, trong đó nên uống sáu phần nước lọc (nước tinh khiết), hai phần sữa và hai phần nước trái cây là lý tưởng nhất. Nếu chơi thể thao hay làm việc ngoài trời nắng nóng, mất nhiều mồ hôi... phải uống thêm nước sao cho cân nặng không giảm nhiều và nước tiểu được pha loãng đến độ vàng trong.
Các loại nước mát như nước mía lau, rễ tranh, mã đề... uống rất ngon vì vị ngọt dịu và thơm mát, giúp thanh lọc cơ thể khi mụn nhọt, rôm sảy nhưng cũng không nên uống thường xuyên vì gây lợi tiểu và mất nước. Trà atisô giúp nhuận gan lợi mật, tăng cường thải độc, có thể dùng nếu ưa thích nhưng không thể thay thế hoàn toàn nước lọc hay lượng sữa trong ngày.
Nước trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hoá, tốt cho người lớn nhưng không nên uống trà quá đặc vì có thể gây táo bón, thiếu máu thiếu sắt (nếu dùng thường xuyên) và mất ngủ ở những người nhạy cảm. Chỉ nên dùng nước trà xanh tối đa 2 - 3 ly một ngày, còn lại vẫn nên uống nước lọc, sữa và ăn thêm trái cây. Riêng trẻ em không khuyến khích dùng nước trà. Các loại nước ngọt có gas, nước hương trái cây,... có đá uống thật đã khát và thú vị nhưng chỉ nên dùng hạn chế vì đường tinh là loại thực phẩm phải sử dụng hạn chế (dưới 20g/người/ngày), chưa kể khả năng bị nhiễm hoá chất từ đường hoá học, màu, mùi...
Nước khoáng tốt hơn nước tinh khiết?
Các loại nước khoáng được khuyến khích sử dụng cho người tập thể thao hoặc làm việc ngoài trời bị mất nhiều mồ hôi, người bị tiêu chảy cấp để bù các ion khoáng cho cơ thể bị mất qua mồ hôi và phân trong thời hạn ngắn vài giờ sau mất nước. Sau đó vẫn nên dùng nước lọc để bù nước cho cơ thể.
Như vậy đối với người bình thường (không bị mất chất khoáng nhiều như những trường hợp nói trên) thì không khuyến khích dùng nước khoáng thường xuyên, mặc dù nếu thận hoạt động tốt thì những chất khoáng thừa vẫn được thải ra ngoài. Trẻ em dưới một tuổi, người bệnh thận cũng không nên uống nước khoáng vì thận yếu không thải được những chất khoáng dư thừa, sẽ tích luỹ lại trong người và gây rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, phù,...
Làm sao biết cơ thể thừa hay thiếu nước?
Chúng ta có một dấu hiệu khá tin tưởng là dựa vào màu sắc của nước tiểu để dự đoán tình trạng thiếu, đủ hay dư nước trong cơ thể, vì thận là cơ quan chính để điều hoà lượng nước trong người, giữ hằng định một lượng nước cần thiết để các hoạt động của cơ thể được tiến hành ổn thoả. Nếu nước đưa vào cơ thể không đủ, thận sẽ giữ lại nước trong cơ thể và làm nước tiểu cô đặc, có màu vàng sậm.
Nếu uống quá nhiều nước thì lượng dư sẽ tăng thải làm nước tiểu trắng trong và tiểu nhiều. Tốt nhất là giữ cho nước tiểu có màu vàng nhạt khi cơ thể đủ nước. Tuy nhiên có những bệnh lý có bất thường nước tiểu như viêm gan, tắc mật có vàng da vàng mắt thường kèm tiểu vàng sậm, bệnh đái tháo đường, tiểu nhạt, nhiễm trùng tiểu,... thì cần loại trừ.
Theo SGTT