Sự thật về ma lai, thuốc thư (Kỳ 2)
Những kết cục đau lòng xảy ra đều là thật riêng chỉ ma lai, thuốc thư vẫn là một dấu chấm hỏi về sự thực hư của nó.
Thầy mo Alem (làng Wet, xã Chư Jô, H. Chư Păh) đã bị vạch trần vì bịp bợm dân làng
Chính quyền địa phương đã can thiệp kịp thời nhưng dường như vẫn không ngăn được hoàn toàn cũng như xoá bỏ được suy nghĩ về sự thật có con ma lai, thuốc thư trong tập quán suy nghĩ của người dân buôn, làng nơi đây. Vậy, nguồn cơn sâu xa do đâu, phải chăng đó là do một số bộ phận người dân “ác mồm, độc miệng” khiến bao người u mê, mù quáng?
Ma lai, thuốc thư có thật không?
Đa phần những vụ án đau lòng xảy ra liên quan đến ma lai, thuốc thư đã để lại cho người dân nơi đây không chỉ là những nỗi đau về thể xác mà còn để lại bao hậu quả nặng nề ở các bản, làng. Tuy nhiên, không khó để đưa ra lời giải thích hợp lý cho những nỗi đau này, đó chính là vì dân làng quá mê tín và thiếu hiểu biết khiến xảy ra những bi kịch. Cho đến nay, khi nói đến chuyện tình trai gái ở các buôn, làng muốn được đáp lại tình cảm người ta hay dùng bùa yêu… Và, cũng chính vì thứ bùa yêu đó đã khiến cho Hiên (tên còn gọi: Bã Thảo, SN 1991, trú tại làng Ktu, xã Chư Á, TP Pleiku) nhận lấy một kết cục đau lòng. Chẳng là Hiên đem lòng yêu Nheng (trú tại làng Ngol, phường Trà Bá, TP Pleiku) nhưng tình cảm không được đáp lại. Trong một lần đi làm thuê, Hiên gặp Blân (trú làng Kláh, xã BarMaih, H. Chư Sê), Hiên đã tâm sự chuyện tình cảm của mình, Blân đã cho Hiên một viên thuộc gọi là bùa yêu để Hiên đổi lấy một chiếc ĐTDĐ trị giá 300.000 đồng. Nhưng dùng bùa mãi mà Nheng cũng không thèm để ý đến mình, biết bị lừa nên Hiên đã trả viên thuốc lại cho Blân. Vậy là thông tin Hiên có thuốc, tức bùa yêu đã làm người dân ở đây hoang mang. Tuy nhiên, chính Hiên là người hoang mang không kém nên đã tìm đến cái chết để minh oan cho chính mình trước dân làng.
Có thể thấy rằng, cũng vì nhận thức của một số bộ phận người dân nơi đây còn hạn chế nên những gì đã thuộc về hủ tục thì luôn hằn sâu trong nếp nghĩ của họ. Vì vậy, nó cứ như mồi lửa âm ỉ, chỉ cần có điều kiện là bùng lên dữ dội, mặt khác câu chuyện ma lai, thuốc thư cũng được xem như câu chuyện làm quà “hồi môn” mà thế hệ này để lại cho thế hệ kia. Cũng có những câu chuyện mà khởi đầu từ sự buột miệng, hoặc muốn trêu tức người khác mà vô tình làm cho mình trở thành nạn nhân đau lòng.
Trong một lần đi rẫy, thấy không có ai nói chuyện với mình nên AYin (SN 1987, trú làng Wâu, xã Cư Á) buông lời: Mọi người thấy tôi có thuốc thư hay sao mà không ai nói chuyện với tôi hết vậy? Rồi một lần khác trong cơn tức giận với Huh nên AYin tuyên bố: Tao có thuốc thư đấy, tao đã thư chết người Kinh ở Phú Thọ và nhiều người dân tộc Jrai, Bahnar khác. Mày coi chừng tao! Rồi sự việc đau lòng cũng chẳng chừa AYin ra, trong lúc nhậu, cậu của Ayin là Mlưm bị nôn ra máu, cho rằng AYin bỏ thuốc cho cậu nên AYin đã bị đánh tới tấp, đòi AYin phải đưa thuốc giải. Mọi người đều nghi hoặc, chỉ mình AYin hiểu được thuốc thư là không có thật thì biết lấy đâu ra thuốc giải. Sau khi đi khám, Mlưm mới biết mình bị xuất huyết dạ dày vì… nhậu quá nhiều. Riêng AYin sau khi bị đánh một trận nhừ tử đã ngậm ngùi nhận ra rằng, nhiều lúc lời nói đùa, lộng ngôn của bản thân đã tự hại mình. Bây giờ thì AYin đã hiểu và cũng mong cho những người như mình và những người dân nơi buôn, làng của anh hiểu được ma lai hay thuốc thư chỉ là những thứ không có thật, nhưng nếu cứ tin vào đó thì sẽ có những nỗi đau thật hiện hữu tại buôn, làng.
Đi tìm lời giải
Video đang HOT
Để tìm lời giải về thực hư chuyện ma lai, thuốc thư, chúng tôi đã tìm đến nhà những thầy mo, thầy cúng của buôn, làng và câu trả lời thật đáng buồn vì thầy mo luôn “phán đại”. Chỉ cần một vài thứ như mảnh sành, cục sỏi, miếng cao su hay mẩu xương cá, các thầy mo đều có thể tìm và chữa được bách bệnh, trong đó có bệnh thuốc thư. Tuy nhiên, số phận của các thầy mo cuối cùng cũng trở về con số… “mo”, bởi lực lượng chức năng đã sớm vào cuộc, lật tẩy bộ mặt thật của các thầy mo này.
Làng Wet, xã Chư Jô, huyện Chư Păh vẫn còn nhớ như in việc thầy mo Alem lừa người dân để trục lợi. Trước đó, AYam (SN 1990), Siu Tuân (SN 1989) và 6 người khác cùng trú tại xã Chư Jô ngồi uống rượu. Tối đó, Tuân về nhà và bị đau bụng dữ dội nên bà Siu Hnhơr (mẹ của Tuân) cho rằng, Ayam đã bỏ thuốc thư con bà. Bà HNhơr đã huy động một số người trong làng kéo đến đập nhà và ép buộc gia đình Ayam phải thừa nhận mình bỏ thuốc thư Siu Tuân, bắt Ayam phải viết cam kết bồi thường 12 triệu đồng. Để chứng minh rằng con mình đã bị bỏ thuốc thư, bà HNhơr đã đưa Tuân đến thầy mo Alem. Sau này Tuân kể lại: “Bà Alem thấy mình đau bụng nên bảo mình bị bỏ thuốc thư rồi. Sau một hồi sờ mó, bà Alem lấy ống trúc hút vào bụng mình rồi lấy ra một viên sỏi và bảo đây là thuốc thư đó!”. Dù đã mất một khoản tiền cho thầy mo và đã được lấy thuốc thư ra khỏi người nhưng Tuân vẫn không hết đau.
Sau khi nhận được tin báo của người dân, Công an huyện Chư Păh đã đến vận động gia đình đưa Siu Tuân đến bệnh viện khám, siêu âm và được bác sỹ kết luận Tuân bị phù nề dạ dày, sự việc nhanh chóng được làm sáng tỏ. Khi biết mình đã sai, đứng trước dân làng, thầy mo Alem nói: “Tôi biết việc tôi làm là sai trái, lừa phỉnh bà con, tôi mong bà con dân làng tha thứ cho tôi, tôi hứa từ nay không làm những việc sai trái, lừa phỉnh mọi người như thế nữa”.
Cần loại bỏ những hủ tục
Người dân vùng cao sống và rất tin vào già làng, trưởng bản, đặc biệt cuộc sống của họ luôn gắn chặt với sự hiện hữu của thầy mo. Đau ốm… thầy mo, cất nhà xây cửa, mở ruộng phát nương… cũng thầy mo. Vai trò của thầy mo vì thế càng quan trọng đối với người dân nơi đây nhưng ít ai hiểu được, thầy mo hiện nay đa phần là… nói mò!
Lợi dụng lòng tin của người dân làng Đăk Yă, thầy mo đã phán Duân chính là người bỏ thuốc giết chết già làng nên đã khiến ba mạng người bỏ phí. Giờ đây, người dân đã thấy được phần nào trò bịp của thầy mo và sự cả tin đến mù quáng của mình. Ngày nay, đám thanh niên ngày nào sau khi chấp hành án phạt nay hoàn lương và cả những người già trong làng mỗi khi đi qua ngôi nhà bỏ hoang 4 năm nay của Kel cùng cha ruột là ông Hnhiêu không ai dám ngẩng mặt lên nhìn vào. Không phải vì sợ con ma lai, thuốc thư tiếp tục làm hại họ mà bởi sự xấu hổ, sự ăn năn khi đám thanh niên đã đánh chết Kel, ông Hnhiêu tại khu rẫy Đăk Ram. Anh H’Lây, Trưởng Công an xã Đăk Yă nhớ lại: “Đó một phần từ mấy ông thầy bói, thầy cúng và sự cả tin của người dân làng. Cứ bị đau là thầy mo phán là bị thư và sau một hồi rờ mó họ lấy trong người bệnh ra mảnh chai, rồi sỏi, rồi linh tinh thứ. Nhưng làm gì có, họ chỉ lừa mình thôi, dân mình kém hiểu biết thì mới tin thôi…”.
Trao đổi với Đại tá Trần Văn Thọ, Trưởng Công an huyện Mang Yang về hủ tục ma lai, thuốc thư, chúng tôi mới hiểu được những khó khăn trong việc phá bỏ hủ tục này. Ma lai, thuốc thư chỉ là thứ truyền miệng, dù không ai biết nó hình thù, đặc điểm như thế nào nhưng nó như ăn sâu vào tâm trí của những người dân tộc thiểu số Bahnar, J’rai. “Để bài trừ dứt điểm hủ tục ma lai, thuốc thư này không phải việc có thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà chúng ta cần phải có sự bền bỉ, kiên trì, không ngừng nâng cao nhận thức cho bà con. Ngoài sự vào cuộc của lực lượng Công an, cần có sự ngăn chặn và giải quyết kịp thời các vụ việc từ chính quyền địa phương, các cấp và đoàn thể khác. Nếu cùng làm tốt công tác tuyên truyền, làm cho bà con mình hiểu ma lai, thuốc thư chỉ là trò lừa bịp của một số đối tượng thì mới sớm loại bỏ được hủ tục này”, Đại tá Trần Văn Thọ chia sẻ.
Theo Xahoi
"Ma lai, thuốc thư"... từ hủ tục đến những hệ lụy buồn (Kỳ 1): "Bóng đen" của buôn làng
Đã từ lâu, khi nhắc đến "ma lai, thuốc thư", người dân tộc thiếu số các buôn, làng ở Gia Lai luôn cuộn mình trong sự sợ hãi.
Có những thanh niên sau mỗi cữ nhậu như thế này đã gánh lấy hậu quả đau lòng vì tự nhận mình có thuốc thư
Thậm chí, họ tránh để không ai phải thốt ra ở đầu miệng cụm từ này... Bởi với họ " ma lai, thuốc thư" là một thế lực vô hình nhưng có "quyền năng" cực lớn nên nếu "làm điều không phải" sẽ dẫn đến thiệt thân không chỉ cá nhân mà cả dòng họ của mình.
Ngày nay, theo thời gian, nỗi sợ hãi đó ít nhiều giảm bớt. Tuy nhiên, nó vẫn như một mồi lửa âm ỉ, chỉ cần có cơ hội là phát cháy. Cũng chính vì vậy, đã có không ít những hệ lụy đau lòng mà người dân buôn, làng ở Gia Lai phải gánh chịu...
Chuyện buồn từ những "con ma"
Nếu được hỏi "con ma lai", "thuốc thư" nó có đặc điểm như thế nào thì chắc chắn một trăm phần trăm người dân nơi đây không định nghĩa được. Ấy vậy nhưng khi nhắc đến những câu chuyện về con ma lai, thuốc thư thì tất cả các câu chuyện kể đều dài miên man, ly kỳ, rùng rợn và rất cuốn hút người nghe. Đặc biệt, trong không gian bốn bề là rừng núi thì những câu chuyện về ma lai, thuốc thư lại có sức cuốn hút, làm mộng mị người nghe đến vô cùng. Cũng chính vì thế mà cho đến bây giờ, mặc dù xảy ra đã lâu nhưng người dân ở hai làng Ktu và Wâu thuộc xã Chư Á, TP Pleiku vẫn chưa thể quên câu chuyện buồn nơi phố núi.
Một ngày giữa tháng 3/2013, dân làng Ktu và Wâu rỉ tai nhau đầy bí ẩn rằng thằng Ayin (SN 1987, trú tại làng Wâu), thằng Hiên (còn gọi: Bã Thảo, SN 1991, trú tại làng Ktu) hay thằng Gling (SN 1988, trú làng Ơp, xã Ia Krel, H. Đức Cơ, Gia Lai) mới đến làng Ktu với chị gái nó đều có... thuốc thư. Với người dân Bahanar và J'rai thì ma lai là loại ma không hình thù, chuyên bay nhảy ăn thịt người hay súc vật chết, đặc biệt những con ma lai này ban ngày thì là người nhưng khi đêm đến mới thành ma và hơn nữa, chính những người có "ma lai" lại làm ra thuốc thư. Trong cuộc sống có xích mích với ai, thù hằn ai thì chỉ cần bỏ thuốc là người đó cứ ốm dần ốm mòn rồi chết. Thực hư thế nào thì không rõ nhưng cái tin mấy người kể trên có thuốc thư làm buôn làng xôn xao. Dân làng đi đâu thấy anh chị em nhà đó là tránh xa không dám chung đường. Họ sợ sệt chẳng dám nói chuyện vì sợ "lỡ cái mồm" nói bậy mất lòng thì coi như chết. Bọn trẻ con trong buôn cũng có "lệnh cấm" gần nhà có thuốc thư kia.
Tránh xa là một nhẽ nhưng đột nhiên ngày 11/4, Hmơ (SN 1995, trú làng Ktu) chết (chết vì bệnh lý). Thế nên, người dân nơi đây cứ thổi phồng sự việc lên rằng chỉ có con ma thuốc thư mới là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Hmơ. Mà chắc chắn chỉ có thằng AYin giết chết Hmơ bằng thuốc thư mà thôi. Dân làng lo sợ, gia đình Hmơ khiếp hãi sau khi chôn cất Hmơ đã chôn luôn xe máy và tất cả vật dụng mà lúc sống Hmơ đã dùng vì cho rằng đã "dính" thuốc thư của AYin. Trong tận cùng nỗi đau và căm hận trước cái chết theo gia đình của Hmơ là có phần "tức tưởi" nên Mưng, anh họ của Hmơ đã quyết một phen loại trừ con ma lai, thuốc thư ra khỏi làng. Mưng đã cùng với bốn thanh niên khác trong làng là: Lin, Yin, Yơn, Sun đến nhà và đánh AYin tới tấp vào đầu làm Ayin bị rách da phức tạp, lộ sọ 7cm phải đi cấp cứu tại BV đa khoa tỉnh Gia Lai. Không chỉ vậy, gia đình Hmơ còn yêu cầu gia đình AYin xin lỗi và phải bị xử theo luật làng. Bị dân làng hắt hủi, nghi kị, nay con trai bị đánh trọng thương, bà H'Nai (mẹ của AYin) đã chuẩn bị dây thắt cổ tự tử nhưng may mắn được con trai là AYân phát hiện. Trước sự việc trên, Công an TP Pleiku cùng chính quyền địa phương đã điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, gọi hỏi các đối tượng có liên quan đến thuốc thư lên làm việc cũng như giải thích cho người dân hai làng Ktu, Wâu hiểu rõ bản chất sự việc.
Sự thật về con ma lai, thuốc thư như thế nào thì không rõ nhưng sự ghẻ lạnh, nghi kị của người dân trong buôn làng khi cho rằng một ai đó có thuốc thư đã khiến cho cuộc sống của những người bị nghi vô cùng khổ sở. Hiên ở làng Ktu là một trong số "nạn nhân" của tin đồn đó. Mới hơn 20 tuổi nhưng Hiên đã phải chịu không biết bao nhiêu sự ghẻ lạnh, kì thị của dân làng chỉ vì mọi người cho rằng Hiên cũng mang thứ thuốc thư trong người. Sống dồn nén, cuối cùng mẹ của Hiên là bà H'Nai định thắt cổ tự tử, người dân chưa hết bàng hoàng thì phát hiện Hiên cũng sặc sụa mùi thuốc sâu. Cũng vì ma lai, thuốc thư mà không ít những người như Hiên đã phải bỏ buôn, làng đi biệt xứ...
Vụ án kinh hoàng
6 năm trôi qua, cây trên rừng đã bao mùa thay lá, con nước dưới khe đã bao lần đầy vơi vậy mà với người dân Bahanar làng Đắk Yă, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh bởi một vụ án mạng kinh hoàng. Ba người bị giết hại một cách dã man cũng chỉ vì con ma lai, thuốc thư.
Tự tung tin mình có thuốc thư, những đối tượng này bị đưa ra kiểm điểm trước người dân xã Chư Á, TP Pleiku
Thời đó trong làng có Duân (29 tuổi) và Kel (27 tuổi) là hai đối tượng chuyên đi trộm cắp vặt, gây gổ với thanh niên trong làng nhưng mặc nhiên chẳng có ai dám động vào chúng. Chẳng phải cả hai có tài cán gì xuất chúng mà bởi trong những cơn say, cả hai đều tuyên bố: "Đứa nào xen vào chuyện của tao, chúng tao thư chết". Cả hai chẳng thể ngờ cái điều mà bọn chúng đem ra hù dọa dân làng lại chính là cái án tử treo lơ lửng trên đầu mình. Trong một lần được già làng Hni khuyên răn, cả hai đang lúc say bí tỉ đã tuyên bố thẳng thừng là sẽ giết già làng nếu còn xen vào chuyện của mình. Và rồi, chẳng ai ngờ già làng Hni mắc bệnh ốm rồi chết thật. Vậy là "sự thật" về kẻ giết già làng đã rõ, nhưng để thêm phần chắc chắn, người dân đã mời thầy mo về tìm kẻ giết hại già làng. Dưới quyền uy từ những bài phép của mình, thầy mo đã chỉ vào Duân và phán đây chính là kẻ thư chết già Hni.
Ngôi nhà của ông Hnhiêu và Kel (làng Đăk Yă, xã Đăk Yă, H. Mang Yang) những người bị dân làng đánh chết vì bị nghi có thuốc thư hiện nay đang bỏ hoang
Dân làng Đăk Yă đã có một đêm không ngủ, lửa được đốt ở nhà Rông, người già cũng chẳng thể lên tiếng trước sự ra đi đầy oan uổng của già làng. Đám thanh niên không thể kìm lòng được nên hùng hổ kéo đến nhà Duân đập phá tan hoang nhà cửa, tài sản. Duân sau khi bị "phán" là thủ phạm đã rầu rĩ đi uống rượu. Sau khi ngà ngà về, thấy nhà mình bị phá tan tành nên tìm đến nhà Rông chửi bới thanh niên đang tụ tập ở đây. Trong cơn bực bội khi thấy Duân, gần 40 thanh niên đã đánh Duân cho đến chết rồi kéo xác bỏ ra khu nhà mồ của làng. Cho rằng Duân thư chết già làng thì Kel cũng là người xấu vì hai người này chơi thân thiết với nhau, đều có thuốc thư, sáng hôm sau, đám thanh niên làng Đăk Yă tìm đến nhà Kel đập phá nhà cửa. Sau đó, chúng kéo lên rẫy Đắk Ram đánh chết Kel cùng cha ruột của Kel là ông Hnhiêu (76 tuổi).
Hung thủ gây ra cái chết cho ba người cũng đã bị trừng trị theo pháp luật, những bản án, những tháng ngày ngồi sau song sắt, các đối tượng đã biết được thực hư chuyện ma lai, thuốc thư là như thế nào? Chỉ vì những điều phi lý, không tưởng, người dân nơi đây đã gieo vào buôn làng những nỗi đau có thật. Chuyện ma lai, thuốc thư cho đến nay vẫn là những câu chuyện đầy bí ẩn, ít nhiều có sự giảm bớt. Tuy nhiên, trong tiềm thức của người dân nơi đây, nó vẫn tồn tại và đó chính là lý do tại sao nỗi đau cho đến nay vẫn chưa thể dừng lại.
(Còn nữa)
Theo Xahoi
Sự thật thảm án "Ma lai" ở Tây Nguyên Đồng bào bản địa Tây Nguyên nghìn đời đã tạo dựng, gìn giữ bồi đắp kho tàng văn hóa quý giá, đặc sắc qua Luật tục, Sử thi, Truyện cổ... Thế nhưng bên cạnh những giá trị tích cực, còn đó mảng tối tâm linh đày đọa nhiều phận người bi thảm nhất. Ma lai là một minh chứng. Những trang viết về...