Sự thật về hồng thủy ở Trung Quốc: Từ bài học xương máu, Bắc Kinh thay đổi và thành công ngoạn mục ra sao?
Mưa lớn ở miền nam Trung Quốc năm nay đã kéo dài gấp đôi thời gian thông thường so với các năm trước đây, và lượng mưa được ghi nhận vượt xa so với nạn lũ thảm họa vào năm 1998.
Lượng mưa vượt xa thảm họa năm 1998
Mưa lớn kỷ lục năm 2020 đã gây ra tình trạng lũ lụt ở nhiều địa phương thuộc vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử (Trường Giang).
“Mùa mưa thông thường ở Trung Quốc là 24 ngày. Nhưng năm nay đã là 43 ngày,” tạp chí The World của đài PRI (Mỹ) ngày 31/7 dẫn lời Xiquan Dong, chuyên gia về thời tiết cực đoan ở Đại học Arizona, Mỹ, cho hay.
Đến nay, tình trạng lũ lụt ở Trung Quốc chưa gây ra thiệt hại đến mức nghiêm trọng như thảm họa năm 1998. Một số chuyên gia môi trường nhận định những chiến lược giảm nhẹ thiên tai trên nền tảng tự nhiên – như trồng cây và phục hồi các vùng phân tán lũ – đã giúp giảm thiểu đáng kể thiệt hại.
Giáo sư Liu Junguo, giáo sư Trường Khoa học và Kỹ thuật môi trường, thuộc Đại học khoa học kỹ thuật phương Nam ở Thâm Quyến, Trung Quốc, chỉ ra: “Lượng mưa [năm nay] cao hơn rất nhiều so với năm 1998, song tình trạng lũ ít nghiêm trọng và ít gây tổn thất hơn.”
Mùa mưa năm nay, Trung Quốc báo cáo khoảng 158 người chết hoặc mất tích, bên cạnh hơn 400.000 nhà cửa bị thiệt hại hoặc phá hủy – theo số liệu của Bộ Quản lý ứng phó khẩn cấp (MEM). Trong khi đó, nạn lũ năm 1998 làm hơn 3.000 người chết và khiến 15 triệu người trở thành vô gia cư.
Theo The World, chính phủ Trung Quốc đánh giá nạn lũ năm 1998 có nguyên nhân xuất phát từ mưa lớn bất thường, tình trạng phá rừng tràn lan và mật độ dân số cao ở đôi bờ sông Dương Tử cùng các sông nhánh.
Ông Liu nói thảm họa năm 1998 khiến các nhà hoạch định ở Bắc Kinh nhìn nhận lại hoàn toàn về lĩnh vực kiểm soát lũ lụt. Hướng tiếp cận mới được vạch ra trong 10 năm tiếp theo, như một phần trong Chương trình Biến đổi khí hậu quốc gia được Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành năm 2007, trong đó đề cập sự chuyển hướng tập trung sang những giải pháp có nền tảng tự nhiên để kiểm soát rủi ro lũ lụt.
“Rõ ràng đây là bước ngoặt hết sức quan trọng để chính phủ Trung Quốc suy nghĩ về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên,” Liu nói.
(Ảnh: CGTN)
Trồng cây và các “đô thị bọt biển”
Trong nhiều thế kỷ, chiến lược phòng chống lũ của Trung Quốc phụ thuộc vào việc đắp đê ở các bờ sông để giữ nước trong các lòng sông hẹp, và người dân vẫn sinh sống sản xuất ở phía bên kia đê.
Với hơn 32.000 km đê điều, Trung Quốc sở hữu một trong những hệ thống đê to lớn nhất thế giới.
Nhằm bù đắp những tổn thất do hệ thống đê bị quá tải, Trung Quốc đã tái khởi động một số dự án phục hồi sinh thái lớn nhất thế giới, trồng hàng tỷ cây xanh để ngăn dòng lũ đổ vào các con sông cũng như giúp hấp thụ thêm nước lũ ở thượng nguồn.
“Chính phủ Trung Quốc khởi xướng nhiều chương trình tái tạo rừng,” giáo sư Liu Junguo nói. “Khi chúng tôi trồng thêm nhiều cây ở thượng nguồn thì có thể làm giảm dòng chảy. Điều này rất có lợi cho giảm thiểu các trận lũ.”
Video đang HOT
Dù các chương trình trồng rừng nhận một số phê bình về cách thức tiến hành, Liu nói nghiên cứu của ông thể hiện rằng việc trồng cây phủ xanh đồi trọc có thể làm giảm lũ lụt đến 30%, tùy từng bối cảnh.
Ngoài ra, các dự án “thành phố bọt biển” cũng hướng tới gia tăng không gian xanh và mặt đường cho phép hấp thụ thêm nước mưa trong các không gian đô thị dễ bị ngập lụt.
“Thành phố bọt biển” được mô tả là các đô thị theo đuổi phát triển kiến trúc phỏng theo tự nhiên, chống ngập lụt mà không cần cống thoát nước. Các đô thị sẽ tìm cách hấp thụ và tích trữ nước mưa để làm dịu không khí trong nội thành vào những ngày nắng nóng. Giải pháp này có cơ chế hoạt động tương tự như miếng “bọt biển”.
(Ảnh: CGTN)
Khôi phục các vùng trữ lũ
Kế hoạch mới của Trung Quốc cũng tập trung vào phục hồi các vùng phân tán lũ nằm dọc sông Dương Tử – tức các vùng trũng có thể đón lũ định kỳ.
Jeff Opperman, chuyên gia tài nguyên nước của World Wildlife Fund (WWF), nói với The World: “[Các vùng trũng trữ lũ] là một đặc điểm tự nhiên. Những dòng sông có xu hướng dâng lên và tràn vào các vùng trũng quanh chúng với tần suất khá thường xuyên.”
Ông bổ sung rằng việc tái định cư người dân để tránh khỏi các vùng trũng thấp là giải pháp tốt nhất để bảo vệ con người khỏi nạn lũ lụt, cũng như cho phép dòng chảy sông ngòi phát triển tự do. Trong tình huống lý tưởng, các chính sách nhà nước được hoạch định nhằm ngăn chặn con người xây dựng và phát triển ở các vùng trũng thấp.
Sau thảm họa năm 1998, nhà chức trách Trung Quốc thuyết phục 2.4 triệu người rời bỏ các vùng trũng ở lưu vực sông Dương Tử và trả lại 2.600 km2 địa hình này.
Giáo sư Liu Junguo – một nhà khoa học môi trường – nhận xét tích cực về các giải pháp can thiệp trên nền tảng tự nhiên. “Nếu không có những chương trình dạng này, nạn lũ sẽ tồi tệ hơn rất nhiều.”
Tuy nhiên, việc phủ xanh đất trống đồi trọc và xây dựng mặt đường thấm nước cũng có giới hạn về hấp thụ nước, và việc phục hồi các vùng trũng có những giới hạn của nó. Việc thuyết phục hàng chục triệu người tái định cư khỏi các vùng trũng quanh sông Dương Tử gần như là bất khả thi – theo David Shankman, chuyên gia về lũ lụt Trung Quốc tại Đại học Alabama, Mỹ.
“[Các vùng trũng] là trái tim của khu vực trồng lúa ở Trung Quốc,” ông nói.
Nhiều gia đình đã sinh sống ở các vùng địa hình này trong nhiều thế hệ và không muốn bỏ ruộng. Bất chấp nỗ lực khuyến khích của nhà nước, dân số ở các vùng đất thấp tiếp tục tăng lên, làm cho các khu vực lưu trữ nước lũ thiết yếu bị thu hẹp. Điều này làm cho lũ lụt tồi tệ hơn, Shankman nói.
Trung Quốc đã đầu tư nhiều tỷ USD vào xây dựng các con đập ngăn nước trên sông Dương Tử và các sông nhánh nhằm điều tiết nước lũ. Đập Tam Hiệp, hoàn thành năm 2006, đã giúp điều tiết đến 30% dòng lũ năm nay – theo báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Hồ chứa trên sông Tân An, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, xả lũ ngày 8/7/2020 (Ảnh: Xinhua/Weng Xinyang)
Lũ lụt sẽ không biến mất
Chuyên gia Xiquan Dong tin rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến hiện tượng mưa lớn trên trung bình trở nên thường xuyên hơn dọc sông Dương Tử.
“Do biến đổi khí hậu, nhiệt độ đại dương tăng lên và làm hình thành thêm lượng hơi nước ở miền nam Trung Quốc,” ông nói. “Các hiện tượng dị đoan như lũ lụt sẽ xảy ra thường xuyên hơn trước đây.”
Nhiều nghiên cứu tiến hành trong thập kỷ qua xác nhận luận điểm của Dong. Sự thay đổi tình trạng mưa có thể tác động đến nhiều hệ thống sông chủ yếu của thế giới.
Cecilia Tortajada, chuyên gia chính sách thủy lợi ở Đại học Singapore, cho rằng các dự án quy mô lớn của Trung Quốc có thể là bài học cho phần còn lại cho thế giới về những giải pháp có hiệu quả hoặc không.
“Trong lĩnh vực kiểm soát lũ, họ (Trung Quốc) đã học được rất nhiều,” bà nói, cảnh báo các nước cần sẵn sàng đón nhận một thế giới với các trận lũ ác liệt và bất ngờ hơn. Thách thức sẽ trở nên đáng ngại hơn cùng với sự nóng lên của Trái đất.
“Lũ lụt sẽ không biến mất,” Tortajada nói. “Mọi người cần có kế hoạch bởi đây sẽ là thường thái mới.”
Nghiên cứu 60 năm mưa bão ở TQ: Chuyên gia phát hiện điểm bất thường, đưa ra dự báo "không ai muốn tin"
Tổ chức nghiên cứu về thiên nhiên môi trường Greenpeace cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ trở thành "điều bình thường mới".
Tăng mức cảnh báo lũ
Hơn 700.000 người dân ở miền nam Trung Quốc đã được sơ tán sau khi mưa liên tục trong 1 tháng đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở vùng này.
Báo động lũ lụt ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử đã được nâng từ cấp 4 lên cấp 3 vào ngày 4/7 vừa qua. Theo Nhân Dân Nhật báo (Trung Quốc), chính quyền địa phương vẫn tiếp tục cảnh báo người dân về nguy cơ mưa lớn trong nhiều ngày tới.
Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc cho biết, tính hết ngày 28/6, hơn 12 triệu người từ 13 tỉnh nước này đã bị ảnh hưởng bởi mưa lớn kể từ đầu tháng 6, ít nhất 78 người chết hoặc mất tích và 729.000 cư dân buộc phải sơ tán. Thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 25,7 tỷ nhân dân tệ (3,63 tỷ USD).
Theo dự báo thời tiết, mưa lớn sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới và ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp vốn đang cố gắng hồi phục từ sau đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức địa phương cho rằng các cải tiến trong hệ thống kiểm soát lũ lớn ở dọc theo các con sông lớn như sông Dương Tử sẽ giúp ngăn chặn thiệt hại.
Lũ lụt nghiêm trọng ở khu dân cư thuộc tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
"Hiện có 40 hồ chứa - bao gồm đập Tam Hiệp - có thể giúp điều chỉnh lưu lượng nước và lũ lụt. Trên tổng thể, chúng có khả năng xử lý tới 57,4 tỷ mét khối nước", Ning Lei, quan chức của Ủy ban Tài nguyên Nước Trường Giang, nói.
"Những công trình này là vũ khí mạnh nhất, hiệu quả và tiết kiệm nhất mà chúng tôi có để ngăn chặn lũ lụt."
Trung Quốc sẽ ngày càng có nhiều trận mưa lớn?
Yang Fuqiang, cố vấn cấp cao về biến đổi khí hậu và chính sách năng lượng của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc dự kiến sẽ đối mặt với lượng mưa cực đoan hơn trong những năm tới.
"Theo xu hướng chúng tôi thấy, trong tương lai sẽ có thêm nhiều trận lũ lụt nghiêm trọng và mưa cực lớn sẽ xuất hiện không đồng đều trên một số vùng có diện tích lớn," ông Yang nói.
Tổ chức nghiên cứu về thiên nhiên Greenpeace cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ trở thành "điều bình thường mới".
"Mưa lớn không phải là thứ xảy ra ngẫu nhiên. Chúng ta có thể thấy rằng biến đổi khí hậu là một phần nguyên nhân gây ra những trận lũ lụt khủng khiếp như vậy".
Theo Sách Xanh về Biến đổi Khí hậu của Trung Quốc (công bố năm 2019), từ năm 1961 tới năm 2018, số lượng "mưa cực lớn" ở Trung Quốc đã gia tăng theo thời gian. Từ những năm 1995 tới nay, số lượng mưa cực lớn đã tăng mạnh.
Bên cạnh đó, từ năm 1951 tới năm 2018, nhiệt độ trung bình ở Trung Quốc đã tăng tầm 0,24 độ C trong mỗi 10 năm - mức tăng nhanh hơn nhiều so với mức độ tăng trung bình của toàn cầu trong cùng khoảng thời gian.
Lượng mưa hàng tháng của Trung Quốc tính tới nay đã đạt 292mm, tăng 7% so với những năm trước. Từ đầu tháng 6, nhiều khu vực ở Trung Quốc - bao gồm Quảng Tây, vùng trung tâm và vùng phía đông của tỉnh Quảng Đông - đã có lượng mưa hơn 500mm.
Đặc biệt, có khu vực lượng mưa lên tới 800mm. Trong khi đó, cả năm ngoái Bắc Kinh chỉ có lượng mưa 800mm.
Ông Yang cho biết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ khác biệt tại các vùng khác nhau.
"Biến đổi khí hậu sẽ gây ra mưa lớn tại miền nam nhưng hạn hán nghiêm trọng ở miền bắc Trung Quốc, trong khi các vùng dễ gặp hạn hán ở tây bắc sẽ có độ ẩm cao hơn và thời tiết ở đông bắc Trung Quốc sẽ ấm hơn," ông nói.
"Sản lượng hoa màu ở Trung Quốc sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực".
Zou Ji, chủ tịch Quỹ Năng lượng Trung Quốc, cho biết biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn trên khắp thế giới.
"Chúng ta cần xây dựng những hệ thống cảnh báo sớm để hạn chế rủi ro," ông Zou nói.
Lũ đổ về đập Tam Hiệp vượt thiết kế chịu đựng 17 m Mưa lớn kéo dài tại khu vực miền Trung và miền Nam Trung Quốc khiến mực nước lũ tại đập Tam Hiệp dâng cao trở lại, làm dấy lên lo ngại về thiệt hại ở quy mô lớn hơn. Dự án Tam Hiệp của Trung Quốc, một trong những đập thủy điện lớn nhất thế giới, đang gồng mình giữ lại nước lũ...