Sự thật về dịch vụ “alo là có tiền”
Chỉ cần liên hệ số điện thoại là vay được tiền – Đây là hình thức hoạt động tín dụng đen núp bóng kinh doanh tài chính “nở rộ” trong thời gian qua. Thông qua việc dán tờ rơi quảng cáo cho vay vốn hết sức đơn giản, hấp dẫn, các đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và khó khăn về kinh tế của một bộ phận người dân để đưa họ vào “bẫy” vay tiền lãi suất cao.
Đến khi nạn nhân không có khả năng chi trả, chúng quay sang đòi nợ, siết nợ với những thủ đoạn kinh hoàng. Biến thể mới của “tín dụng đen” đã và đang gây ra bức xúc trong nhân dân…
Đòi nợ bằng “bom bẩn”
Một ổ nhóm 5 đối tượng hoạt động “tín dụng đen” bằng tờ rơi quảng cáo vừa bị Công an quận Đống Đa (Hà Nội) xử lý. Cầm đầu ổ nhóm này là Nguyễn Hữu Tuấn (36 tuổi, ở Cát Linh, Đống Đa). Sống bằng nghề cho vay nợ nhưng Tuấn không đăng ký địa chỉ hoạt động cụ thể, không mở tiệm cầm đồ như các đối tượng khác mà chỉ thuê một địa điểm nhỏ tại ngõ An Trạch 1, quận Đống Đa, làm chỗ tụ tập đàn em, chỉ đạo hoạt động cho vay lãi suất cao.
Dưới trướng của Tuấn là 4 đệ tử chuyên làm nhiệm vụ đi thu nợ, đòi nợ gồm Nguyễn Minh Thiệp (26 tuổi, quê Hưng Yên); Nguyễn Thành Công (25 tuổi, ở Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội); Nguyễn Thanh Tùng (26 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) và Phạm Xuân Tuyến (27 tuổi, quê Hải Phòng). 4 nhân viên thu nợ này được Tuấn trả lương 5 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn được thưởng theo phần trăm số tiền thu được đối với các món nợ khó đòi.
Để tổ chức hoạt động cho vay nợ, Tuấn sai đám đàn em chọn thời điểm tối đêm đi dán tờ rơi quảng cáo “Cho vay trả góp” tại các khu vực công cộng, cột điện, tường nhà dân. Trong tờ rơi này, Tuấn lấy thông tin là “Chị Nhi”, kèm theo số điện thoại của Tuấn.
Thủ tục cho vay hết sức đơn giản, khách vay chỉ cần photo CMND và sổ hộ khẩu và “alo” vào số điện thoại trên tờ rơi, sẽ có người của Tuấn đến tận nơi gặp, thỏa thuận việc cho vay và trao tiền. Bản thân con nợ sẽ không bao giờ được gặp trực tiếp Tuấn, không biết tên thật và địa chỉ thật của chủ nợ.
Trong số đàn em của Tuấn, Nguyễn Minh Thiệp được giao nhiệm vụ kiểm tra, thẩm định con nợ giống như công việc của nhân viên tín dụng ngân hàng. Nghĩa là sau khi có khách gọi điện thoại đến số máy của Tuấn hỏi vay tiền, Thiệp sẽ đến tận nhà kiểm tra xem có đúng người vay ở địa chỉ đó không, kiểm tra hộ khẩu, CMND và điều kiện gia cảnh, chụp ảnh nhà ở của khách vay rồi mang những thông tin trên về báo cáo với Tuấn.
Nếu đồng ý cho vay, Tuấn đưa tiền cho Thiệp mang đến giao cho người vay và viết giấy vay tiền, trong đó chỉ ghi thông tin về khách vay và số tiền vay, thời hạn thanh toán. Phía người cho vay để trống hoặc lấy tên và địa chỉ giả. Sau khi hoàn tất việc cho vay tiền, Tuấn chuyển số điện thoại của khách vay cho đám đàn em liên hệ đi thu nợ.
Công an TP Hà Nội phối hợp chính quyền địa phương gỡ bỏ quảng cáo “tín dụng đen”.
Một trong những nạn nhân của nhóm “tín dụng đen” trên là ông Trần Minh T (50 tuổi, ở tập thể Mỳ Chùa Bộc, phường Quang Trung, quận Đống Đa). Ngày 6-3-2017, ông T. nhìn thấy tờ rơi quảng cáo “Chị Nhi – cho vay tiền chỉ cần photo CMND và hộ khẩu” đã gọi điện vào số điện thoại in trên tờ rơi. Nguyễn Hữu Tuấn hỏi tên tuổi, địa chỉ, số tiền cần vay rồi cử Nguyễn Minh Thiệp đi kiểm tra. Do ham mê cờ bạc nên ông T. đồng ý vay thực tế 4 triệu đồng nhưng phải trả thành 6 triệu đồng trong vòng 40 ngày, mỗi ngày phải đóng 150.000 đồng.
Cầm “hồ sơ” của ông T. về, tối cùng ngày, Thiệp được Tuấn đưa cho 4 triệu đồng mang đi giao cho ông T. Tuy nhiên khi đưa tiền, Thiệp “cắt” 500.000 đồng với lý do tiền công xăng xe đi lại và thu luôn 150.000 đồng tiền lãi của ngày hôm đó. Như vậy viết giấy vay 6 triệu đồng nhưng thực tế ông T chỉ được cầm 3.350.000 đồng.
Đóng tiền đến ngày 18-3 được 1,8 triệu đồng, ông T. không có khả năng trả nợ. Gọi điện nhiều lần không được, ngày 25-3, Nguyễn Thành Công đến nhà ông T., yêu cầu anh H. con trai ông T. gọi bố về trả nợ, sau đó lấy số điện thoại của anh H. để chuyển cho Nguyễn Hữu Tuấn gọi điện đe dọa “nếu không trả sẽ dùng biện pháp mạnh”.
Video đang HOT
2 ngày sau, thấy con nợ không trả, Tuấn chỉ đạo đàn em thực hiện “biện pháp” khủng bố con nợ bằng “bom bẩn”. Nguyên liệu làm “bom” gồm mắm tôm trộn dầu luyn được các đối tượng pha chế tại địa điểm tụ tập trong ngõ An Trạch 1, sau đó đổ vào xô nhựa.
Đợi đến thời điểm nửa đêm ngày 28-3, 4 kẻ đòi nợ đi 2 xe máy mang theo xô “bom bẩn” đến nhà ông T. Tùng và Tuyến làm nhiệm vụ trông xe, cảnh giới cho Thiệp và Công mang “bom bẩn” lên nhà ông T. đổ vào cửa. Trên đường về, gặp ông T. đi xe máy về nhà, 4 đối tượng lao vào đánh đấm rồi bỏ đi.
Thương anh trai bị đánh, ngày 29-3, chị Trần Thị Phương D. (em gái ông T.) đã gọi điện cho Nguyễn Hữu Tuấn nói chuyện, xin trả nợ thay anh và hẹn 3 ngày sau sẽ đưa tiền nhưng Tuấn không đồng ý, bắt phải trả tiền ngay trong ngày. Sau khi chị D. trả Tuấn 4,2 triệu đồng, ông T. đã tới cơ quan Công an trình báo sự việc.
Mở rộng điều tra, Công an quận Đống Đa làm rõ ngoài vụ việc trên, từ tháng 2 đến tháng 4-2017, nhóm của Nguyễn Hữu Tuấn còn gây ra 9 vụ ném “bom bẩn” khác trên địa bàn Hà Nội nhằm mục đích khủng bố, gây sức ép, đe dọa về tinh thần ép con nợ phải trả tiền.
Việc ném chất bẩn vào nhà con nợ phải báo cáo và thông qua Nguyễn Hữu Tuấn biết và chỉ đạo thực hiện vào thời điểm đêm khuya từ 24h-6h sáng, khi mọi người đã ngủ say để tránh sự phát hiện, bắt quả tang.
Bóc lột trắng trợn, đánh đập con nợ
Ông Trần Minh T. chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” bằng hình thức tờ rơi quảng cáo kinh doanh tài chính hoành hành trong thời gian qua. Theo cơ quan Công an, ngoài số đông con nợ sử dụng tiền vay chơi cờ bạc và tệ nạn xã hội, có không ít người nghèo, người buôn bán nhỏ, cần vay vốn để kinh doanh kiếm sống cũng trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”.
Cần tiền gấp mà không biết xoay xở ở đâu, những người này trong lúc bí bách đã tìm đến “tín dụng đen” trên tờ rơi quảng cáo, trên mạng hoặc qua giới thiệu mà không lường hết được hậu quả khi rơi vào bẫy của những kẻ chuyên sống bằng việc cho vay với lãi suất “cắt cổ”.
Một nạn nhân thương tâm của “tín dụng đen” là bà Nguyễn Thị Minh (55 tuổi, ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm). Hoàn cảnh chồng mất, bà Minh ở độc thân, cuộc sống hằng ngày dựa vào việc buôn thúng bán bưng trên vỉa hè chợ Thanh Hà.
Tháng 12-2016, cần một khoản tiền để làm vốn kinh doanh, một người đã từng vay nợ giới thiệu bà Minh gặp Vũ Văn Trung (36 tuổi, ở phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) – chủ một “dây họ” tín dụng đen hoạt động bằng hình thức quảng cáo tờ rơi “Alo là có tiền”. Địa bàn cho vay của Trung ở các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hà Đông và huyện Thanh Trì.
Cũng giống như những đối tượng hoạt động tín dụng đen khác, Trung không có cửa hàng đăng ký kinh doanh mà chỉ thuê nhà tụ tập đám tay chân làm nhiệm vụ đi thu nợ hằâng ngày. Sau khi cho bà Minh vay 10 triệu đồng (thực tế bà Minh chỉ được nhận 8 triệu đồng) trong vòng 50 ngày, mỗi ngày trả 200.000 đồng, Vũ Văn Trung giao nhiệm vụ cho đàn em là Lê Hoàng Dương (19 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) hằng ngày đi thu tiền của bà Minh.
Ngoài lãi suất cao tính theo ngày thì nhóm “tín dụng đen” do Trung cầm đầu còn áp dụng hình thức “bóc lột” người vay hết sức trắng trợn: Trong quá trình thu nợ, nếu 3 ngày liền người vay không đóng tiền sẽ bị các đối tượng thu nợ lại từ đầu, không tính số tiền mà người vay đã đóng trước đó.
Tháng 1-2017, sau khi đã đóng cho nhóm của Trung được hơn 6 triệu đồng, do không có khả năng trả nốt số tiền còn lại, bà Minh đã về quê để tìm người vay mượn tiền. Không thấy bà Minh trả tiền hằng ngày, Lê Hoàng Dương báo cho Trung việc bà Minh không đóng tiền mà bỏ trốn. Trung chỉ đạo Dương và đám đàn em phải tìm bằng được bà Minh đòi tiền, nếu không trả thì đánh để ép trả tiền.
Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sử dụng thủ đoạn ném chất bẩn, gây thương tích để đòi nợ bị bắt giữ.
Ngày 27-1, một số đối tượng đến chợ Thanh Hà tìm. Mặc dù bà Minh xin khất nợ nhưng vẫn bị các đối tượng đánh một trận rồi bỏ đi. Không buông tha người đàn bà tội nghiệp này, ngày 31-1, Trung tiếp tục chỉ đạo đàn em đi tìm bà Minh đòi tiền. Đến phố Thanh Hà, một đối tượng gọi bà Minh xuống trước cửa số nhà 1A. Gần chục tên côn đồ xông vào đánh đấm người phụ nữ già yếu, vừa đánh vừa chửi “không trả tiền sẽ đánh chết”.
Để bảo toàn tính mạng, bà Minh nhờ một người hàng xóm lên nhà vét sạch số tiền dành dụm được khoảng 1,7 triệu đồng mang xuống. Một đối tượng giật luôn tiền và dọa “Chiều nay sẽ đến thu nốt, không trả đủ sẽ thu lại từ đầu”. Bị bà Minh dọa báo Công an, nhóm thu nợ xông vào đấm đá khiến bà Minh ngã ra đường, quằn quại. Sau khi bọn chúng bỏ đi, hàng xóm đưa bà Minh đi cấp cứu, xác định bị gãy 5 xương sườn.
Biết con nợ bị thương, Trung một mặt đổi số điện thoại, chuyển địa điểm thuê nhà cho đám đàn em để đối phó với việc điều tra của cơ quan Công an, mặt khác vẫn chỉ đạo đàn em không để cho nạn nhân kịp lành vết thương, quay lại đánh đập tiếp cho “nôn” tiền ra mới thôi.
Thực hiện chỉ đạo của Trung, Dương và đồng bọn tiếp tục đến đe dọa bắt bà Minh phải đóng tiền lại từ đầu. Trước sự đe dọa của các đối tượng đòi nợ, bà Minh đã trình báo Công an quận Hoàn Kiếm.
Qua điều tra, ngày 11-6, Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ Vũ Văn Trung cùng 3 đàn em là Lê Hoàng Dương, Trịnh Hữu Ninh (36 tuổi), Nguyễn Anh Tùng (28 tuổi) và đang tiếp tục truy bắt các đối tượng liên quan khác. Qua khai thác mở rộng, làm rõ ổ nhóm “tín dụng đen” này còn gây ra 1 vụ cướp tài sản của “con nợ” với thủ đoạn tương tự và 13 vụ ném chất bẩn vào nhà con nợ trên địa bàn quận Hà Đông với mục đích ép người thân của con nợ phải trả nợ thay.
Dẹp “nạn” tín dụng đen
Theo cơ quan điều tra, cái khó trong việc xử lý đối với hoạt động rải tờ rơi cho vay tài chính bất hợp pháp ở chỗ các đối tượng thường thuê người lao động, đối tượng không quen biết dán tờ rơi vào ban đêm. Việc làm rõ đối tượng dán quảng cáo và các đối tượng hoạt động cho vay “tín dụng đen” bằng quảng cáo tờ rơi gặp nhiều khó khăn do các đối tượng liên tục thay đổi điện thoại và không có địa chỉ hoạt động cụ thể, chỉ liên lạc với con nợ qua điện thoại.
Trong khi đó, theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (Điều 51 Nghị định 158/2003/NĐ-CP) thì hành vi treo, đặt, dán các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột đèn giao thông, cây xanh nơi công cộng thì bị phạt tiền từ 100.000 đến 2 triệu đồng. So với lợi nhuận khủng do hoạt động cho vay tín dụng đen mang lại thì mức phạt này không đủ sức răn đe.
Do đó, theo chỉ đạo của lãnh đạo Công an TP Hà Nội, hiện công an các quận, huyện đang tập trung tổ chức điều tra cơ bản công tác quản lý về ANTT và phòng ngừa, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”; đồng thời tham mưu cho chính quyền cơ sở, huy động các ban ngành, đoàn thể cùng vào cuộc với lực lượng công an tuyên truyền, bóc gỡ những tờ rơi quảng cáo “tín dụng đen” trên địa bàn; tuyên truyền vận động nhân dân tố giác các đối tượng, cơ sở hoạt động tín dụng đen ở khu dân cư…
Để tránh rơi vào bẫy “tín dụng đen”, Cơ quan công an khuyến cáo người dân cân nhắc kỹ khi chọn các hình thức vay tiền lãi suất cao. Trường hợp xảy ra các vụ việc bị đe dọa, đổ chất bẩn, chất thải, cố ý gây thương tích hoặc hủy hoại tài sản do đòi nợ… cần trình báo ngay và phối hợp chặt chẽ với Cơ quan công an khi xử lý đối tượng.
Theo số liệu của Công an TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 865 cơ sở, cá nhân hoạt động kinh doanh tài chính, trong đó có tới 669 cơ sở, cá nhân hoạt động rải “họ” (một hình thức cho vay tín dụng đen) không có giấy phép. Cũng theo thống kê, trong tháng 6-2017, toàn thành phố xảy ra 56 vụ đổ chất thải bẩn có liên quan đến các hành vi đòi nợ, mâu thuẫn, tăng 13 vụ so với tháng 5-2017.
Với tinh thần quyết tâm tấn công, đánh mạnh vào các ổ nhóm hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, cầm đồ… thực hiện Kế hoạch 231 của Công an TP Hà Nội, từ ngày 9-6 đến 24-6, các đơn vị Công an TP đã phát hiện, điều tra khám phá 5 ổ nhóm hoạt động tín dụng đen, bắt 26 đối tượng về các hành vi cướp, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê bằng hình thức đổ chất bẩn.
Theo Hương Vũ
An ninh thế giới
Triệt phá đường dây đánh bạc gần 500 tỷ đồng ở Bình Định
Trong 2 ngày 24 và 25-5, CBCS Trung tâm phục hồi dữ liệu chứng cứ điện tử Indira - Gandhy (Phòng 6), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (C50) phối hợp với Công an tỉnh Bình Định đã phá chuyên án, triệu tập 14 đối tượng trong đường tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá trên mạng Internet. Đây là đường dây đánh bạc lớn nhất tỉnh Bình Định bị triệt phá.
Đường dây đánh bạc trên bị lực lượng chức năng phát hiện từ năm 2016 - trong dịp chung kết Euro. Tuy nhiên, sau một thời gian đối tượng ngừng hoạt động, chuyển sang phương thức, thủ đoạn khác để đối phó với cơ quan Công an.
Đến khoảng tháng 3-2017, CBCS phòng Cảnh sát hình sự Công an Bình Định phát hiện các đối tượng hoạt động trở lại nên đã báo cáo lãnh đạo lập án đấu tranh.
Xác định các đối tượng hoạt động chủ yếu trên mạng Internet với nhiều thủ đoạn tinh vi nên Công an Bình Định đã đề nghị Phòng 6, Cục C50 phối hợp đấu tranh. Cầm đầu đường dây trên là Nguyễn Quốc Việt (25 tuổi, trú ở phố Nguyễn Thị Minh Khai, TP Quy Nhơn). Việt là đối tượng hình sự, có tiền án, chuyên tụ tập các đối tượng phức tạp trên địa bàn để phục vụ cho việc "làm ăn" của mình.
Các con bạc trong đường dây của Việt đều là những người có "máu mặt", có cả cán bộ nhà nước và con cháu của những gia đình giàu có hoặc làm cán bộ lãnh đạo. Chính vì con bạc là những người "có tóc" nên Việt đã tổ chức cho con bạc tham gia cá độ dưới hình thức tín chấp.
Các đối tượng Quân, Việt, Tiến.
Theo đó, vào thứ 2 hàng tuần, Việt cho người đến thanh toán tiền thắng thua với con bạc. Bên cạnh đó, với những con bạc "sộp", Việt cấp hẳn một đường dây mạng riêng với hạn mức khá. Khi con bạc chơi hết hạn mức trên, Việt mới cho người đến thanh toán tiền rồi cấp hạn mức tiếp.
Cùng tổ chức đánh bạc với Việt là Nguyễn Minh Quân (29 tuổi, trú ở tổ 23, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) và Ngô Minh Tiến (27 tuổi, trú ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn). Cùng với việc mua mạng của Việt, Quân và Tiến cũng mua mạng của các đối tượng khác ở TP Hồ Chí Minh để tổ chức cho các con bạc tham gia sát phạt.
Ngày 24-5, đồng loạt 8 tổ công tác của Cục C50 và Công an Bình Định triển khai các mũi tấn công, khống chế, bắt giữ Việt và đồng bọn. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận hành vi phạm tội của mình. Tiếp đó, sáng 25-5, các mũi trinh sát khác tiếp tục triệu tập các đối tượng đánh bạc để làm rõ hành vi phạm tội của chúng.
Bước đầu, Nguyễn Quốc Việt và Nguyễn Minh Quân khai nhận đã mua tài khoản cá độ từ các đối tượng khác ở trang b88ag.com sau đó chia thành 410 tài khoảng con bạc với tổng số tiền giao dịch qua tài khoản cá độ là 9.523.650 điểm, tương đương gần 500 tỷ đồng (gái mỗi điểm tương đương 50.000 đ).
Hiện Phòng 6, Cục C50 đang cùng Công an Bình Định tiếp tục điều tra, xác minh, mở rộng vụ án.
Theo P. Thuỷ
Công an nhân dân
Sự thật vụ bày trận TNGT bắt cóc con: Để con gặp ông nội lần cuối Do sức khỏe của bố mình ngày một xấu đi, anh Đạt đã đến xin gia đình vợ đưa con về gặp ông nội lần cuối. Nhiều người dân tập trung xem sự việc tại trụ sở cơ quan chức năng. Thông tin từ Công an huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cho biết: Do nóng ruột để đưa con về gặp ông nội...