Sự thật về cây sanh cổ thụ ở Huế có ma
Sau khi bán cây sanh cổ thụ trong làng có nhiều chuyện bất thường như người chết, tai nạn, tự tử… liên tục xảy ra khiến nhiều suy đoán khác nhau xuất hiện.
Sự việc xảy ra ở làng Cổ Bưu, xã Hương An (Hương Trà, Thừa Thiên – Huế). Thực hư thế nào thì chưa rõ nhưng khi về làng gặp người nào, ai cũng kể, từ khi làng bán cây sanh ma bắt mấy người rồi. Ngoài ra, cuộc sống người dân trong làng bị xáo trộn, tối đến không ai ra khỏi giường, tắt điện ngủ sớm do sợ ma bắt.
Bán cây sanh, làng có nhiều người chết?
Làng Cổ Bưu bán cây sanh cổ thụ sau cơn bão số 9, ngày 29/9/2009. Cây sanh nằm bên miếu Bà của làng và tỏa bóng mát cho bến nước Mai Đề. Không may cơn bão số 9 quật ngã cây xuống sông. Theo những cụ già trong làng, cây sanh đã 70 tuổi rồi, có đường kính 0,7 m luôn xanh tốt, không một ai trèo lên hay chặt phá.
Cây sanh bị ngã vài ngày, anh Phan Phước Vũ, một người dân trong làng có ý định mua và làm đơn lên xã, được xã bán với giá 10 triệu đồng. Sau đó, anh Vũ lại bán lại cho một người khác, thuê xe cẩu và đưa người về đào gốc, cắt cành để mang cây sanh đi.
Vị trí cây sanh bị ngã do bão
Video đang HOT
Để đưa cây sanh nặng 10 tấn lên xe, những người mua cây đưa một xe cẩu có trọng tải 15 tấn cẩu cây sanh đi nhưng sự cố bất ngờ xảy ra. Đào hết rễ, cắt hết cành, cẩu lên xe nhưng xoay tới xoay lui một ngày xe cũng không cẩu được cây do bị đứt dây cáp, xe vỡ kính và trúng vào người lái cẩu suýt chết. Mặc dù, thay cáp nhiều lần và cật lực làm cả ngày cho đến khuya cũng không đưa được cây sanh lên xe.
Sang ngày thứ 2, một xe cẩu có trọng tải 20 tấn được điều tới nhưng vẫn không chuyển được cây đi. Ngày thứ 3 điều chiếc xe 25 tấn tới, sau nhiều lần thử cuối cùng cũng đưa được cây lên xe.
Nhưng khi chạy qua cổng làng Cổ Bưu, do cổng nhỏ nên phải cắt bớt cành và đưa cây xuống xe, điều thêm một xe cẩu khác đến. Sau một ngày hai xe cẩu mới đưa cây qua cổng làng. Trong quá trình đưa cây đi thì không ít lần đứt dây cáp.
Chưa dừng lại đó, nhiều sự việc ngẫu nhiên xảy ra liên tiếp khiến người làng Cổ Bưu ăn không ngon, ngủ không yên.
Miếu Bà, nơi gần cây sanh trước kia
Mồng 1 Tết Canh Dần, ông Phan Văn T. (69 tuổi) nhà ở gần cây sanh bị bệnh chết. Mồng 2 Tết, anh Phan Phúc Đ. (26 tuổi) ngồi sau xe máy của người em bị rơi xuống đường và chết tại chỗ cách cây sanh khoảng 150m. Đến mồng 3 Tết, anh Phan Phước N. , nhà cũng ở gần cây sanh cắn lưỡi rồi dùng dao tự sát. Ngoài ra, nhiều người dân trong làng cũng gặp tai nạn giao thông, nhiều gia đình vợ chồng đánh nhau, trộm cắp xảy ra.
Thấy vậy, nhiều người dân đi xem bói và được thầy phán: “Cây sanh là nơi trú ngụ của một con ma, do bán cây sanh nên con ma không có nơi ở, do đó gặp người nào bắt người đó”. Sau khi anh N. tự sát nhưng không chết, gia đình đã thuê thầy về cúng để bắt ma.
Thầy cúng nói: “Tối bà con sống gần khu vực nhà anh N. phải đóng cửa tắt điện đừng ra khỏi nhà để tôi bắt ma. Nếu bắt không được, thì con ma chạy gặp ai sẽ ám vào người đó liền”.
Nghe lời thầy bói, gần 1 tháng, cứ đêm xuống, gia đình nào trong làng Cổ Bưu cũng đóng cửa, tắt điện đi ngủ sớm, không ai dám ra khỏi nhà, nhất là không tới khu vực trồng cây sanh trước đây.
Ma không thấy nhưng trong làng xảy ra nhiều chuyện
Trao đổi về việc này, ông Phan Phước Thìn, Phó chủ tịch xã Hương An cho biết: “Ma thì không thấy nhưng trong làng có nhiều việc xảy ra như người chết và người làng bị tai nạn xảy ra nhiều so với các năm. Việc cây sanh ngã và xã đem bán đó là chuyện bình thường nhưng có nhiều chuyện ngẫu nhiên xảy ra khiến dân chúng xôn xao. Số tiền bán cây sanh xã sẽ giao lại cho làng Cổ Bưu để dùng vào việc xây lại bến nước Mai Đề”.
Xã Hương An cũng cử cán bộ về làng họp dân để trấn an tinh thần. Ngoài ra, cử lực lượng tuần tra và nhắc nhở người dân đỏ điện, đi lại trong làng bình thường. Nếu người dân nào đốt vàng mã, đồn đại sự việc này, đội an ninh của xã phát hiện sẽ đưa về xã nhắc nhở.
Ông Thìn khẳng định, đến nay, mọi việc ở làng Cổ Bữu đã yên ổn trở lại. Người dân đi lại, hoạt động vào ban đêm bình thường nhưng câu chuyện về con ma ở cây sanh vẫn được bà con bàn tán.
Giải thích những chuyện khác thường từ khi bán cây sanh, ông Thìn cho biết thêm: “Việc đưa xe cẩu đến chở cây và xảy ra sự cố nhiều lần là do những người làm không đúng kỹ thuật, dẫn đến việc xe không cẩu được cây và xảy ra tại nạn. Còn người trong làng chết là do đau ốm, bệnh tình nặng quá không qua khỏi.
Việc tai nạn chết là do uống rượu chạy với tốc độ cao và không đội mũ bảo hiểm. Trường hợp anh N. tự sát là do bức xúc chuyện bạn bè mới dẫn đến như vậy. Những sự việc diễn ra trùng lặp và một số người dân đi xem bói về đã loan tin dẫn đến những tin đồn bán cây sanh có ma”.
Ông Phan Chí Thân, Thôn trưởng làng Cổ Bưu cũng cho hay: “Do bão làm cây đổ nên mới bán chứ làng có muốn như vậy đâu. Trong việc này, cũng có lỗi của xã khi bán cây không họp dân lại để có kế hoạch mà có người mua là bán liền. Sau khi bán cây nhiều sự trùng hợp xảy ra và có nhiều người đến tung giá cao mua cây sanh nhưng đã bán rồi, do đó người dân nghĩ xóm và xã ăn bớt tiền”.
Bà Hà Thị Khả (78 tuổi) kể: “Tôi sống ở đây mấy chục năm nhưng chưa một lần nào thấy ma, việc đồn có ma là người dân nói vậy chứ không có mô. Tại khu vực cây sanh là nơi có nhiều người chết, nhất là vào giai đoạn Nhật đảo chính và Tết Mậu Thân. Nơi đây là trận địa có nhiều trận đánh, khi chết chôn tại đây. Sau giải phóng đến nay có một thanh niên và mấy đưa trẻ đi chăn trâu chết gần đó”.
Hiện cây sanh được trồng trên đường Nguyễn Văn Linh và có giá trên 200 triệu đồng. Anh Vũ, người mua và bán cây sanh cùng người chủ cây sanh vẫn sống bình thường.
Theo Bưu Điện Việt Nam