Sự thật về các mức cảnh báo khủng bố của Mỹ
Kể từ khi xảy ra vụ khủng bố lịch sử ngày 11/9/2001, Mỹ đã tăng cường hệ thống an ninh cũng như hệ thống cảnh báo động khủng bố.
Để ngăn chặn và sẵn sàng đối phó với những vụ khủng bố có khả năng xảy ra, năm 2002, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã cho thành lập hệ thống mang tên Homeland Security Advisory System. Mục đích của hệ thống này là nhằm đưa ra những mức báo động khủng bố ở cấp liên bang, tiểu bang, từng địa phương cũng như có hệ thống báo động dành cho dân thường và các doanh nghiệp.
Theo đó, hệ thống báo động khủng bố của Mỹ là hệ thống cảnh báo bằng sắc màu. Trong đó, mỗi màu tương ứng với một mức độ nguy hiểm khác nhau. Màu xanh lá cây tương ứng cho mức báo động khủng bố “thấp” và màu đỏ dùng trong tình huống “nghiêm trọng”. Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) có trách nhiệm đưa ra mức báo động khủng bố chính xác, cung cấp thông tin theo thời điểm cho công chúng về các mối đe dọa khủng bố một cách đáng tin cậy, chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với tình huống.
Kể từ đó cho đến nay, chính quyền Mỹ phần lớn đưa ra mức cảnh báo có màu vàng – tương đương với mối nguy cơ đáng kể và màu cam – tương đương với mối nguy cơ cao. Tính đến tháng 1/2009, mức độ báo động khủng bố của Mỹ đã thay đổi 16 lần kể từ khi hệ thống này được đưa ra và sử dụng. Chính phủ Mỹ đã giữ mức độ cảnh báo toàn quốc ở màu vàng kể từ năm 2006.
Sau vụ khủng bố 11/9, Mỹ đã công bố và nhiều lần thay đổi hệ thống báo động khủng bố.
Video đang HOT
Vào tháng 8/2006, chính quyền Anh bắt giữ một số nhân vật được cho là có liên quan đến một âm mưu phá hủy nhiều máy bay thương mại có hành trình xuất phát từ Vương quốc Anh và điểm đến là nước Mỹ. Vì vậy, cả hai chính phủ Mỹ và Anh đều nâng mức báo động khủng bố.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ đưa ra mức độ báo động khủng bố phụ thuộc vào thông tin tình báo thu thập được bằng cách hợp tác với chính phủ nước ngoài cũng như việc phối hợp hợp tác của 15 cơ quan khác tạo nên mạng lưới tình báo Mỹ. Thêm vào đó, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng sử dụng mạng lưới thông tin của cơ quan này cho phép các cơ quan nhà nước, tiểu bang và liên bang thu thập, phân tích thông tin liên quan đến những mối đe dọa khủng bố tiềm ẩn.
Đến năm 2011, Bộ An ninh Nội địa Mỹ triển khai hệ thống cảnh báo khủng bố mới mang tên National Terrorism Advisory System (NTAS) nhằm thay thế cho hệ thống cảnh báo bằng sắc màu trước đây.
Hệ thống mới có hai mức độ nguy hiểm là “nguy cơ tiềm tàng” cảnh báo về một mối đe dọa khủng bố đáng tin cậy nhằm vào nước Mỹ và “nguy cơ tăng cao” cảnh báo về mối đe dọa khủng bố cụ thể, có cơ sở và đang hình thành. Hệ thống NTAS do Bộ An ninh Nội địa Mỹ công bố cũng cung cấp tóm tắt về một mối đe dọa tiềm ẩn, bao gồm vị trí địa lý, phương thức vận chuyển và cơ sở tạ tầng…
Hệ thống cảnh báo trên cũng bao gồm những hành động cần thiết để đảm bảo an toàn công cộng, những bước cần thiết mà các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ cần thực hiện để ngăn chặn, loại trừ hoặc phản ứng trước nguy cơ khủng bố.
Theo Kiến thức
'Sào huyệt khủng bố' trong lòng nước Mỹ
Tài liệu giải mật của FBI xác nhận sự tồn tại của vùng đất thánh chiến Hồi giáo thuộc một tổ chức cực đoan ở Pakistan ngay trong lòng nước Mỹ.
Chuyên gia về an ninh quốc gia Ryan Mauro của Clarion Project (trái) giáp mặt một thành viên của MOA ở Islamberg - Ảnh: Clarion Project
Khoảng giữa tháng 2.2014, Clarion Project - một tổ chức độc lập nghiên cứu các vấn đề Hồi giáo ở Mỹ - đã công bố tài liệu giải mật của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) về các trại huấn luyện khủng bố trong lòng nước Mỹ. Theo đó, một vùng đất thánh chiến Hồi giáo được cho là nằm gần thành phố Sweeny, quận Brazoria, thuộc bang Texas.
Vùng đất có tên Mahmoudberg, thuộc sở hữu của mạng lưới Muslims of the Americas (MOA) - vốn được cho có liên hệ với tổ chức cực đoan Jamaat ul-Fuqra (JUF) tại Pakistan. JUF là tổ chức được Sheikh Mubarak Ali Gilani, một giáo sĩ Hồi giáo tại Pakistan, thành lập hồi năm 1980 và hoạt động chủ yếu tại Bắc Mỹ.
Nhờ vào một nguồn tin mật báo tại New York, FBI đã phát hiện ra "làng" Mahmoudberg, theo Clarion Project. Làng này tọa lạc trên vùng đất rộng khoảng 10 ha và được cho là đã tồn tại ở Texas từ những năm cuối thập niên 1980. "Khu vực này là vùng nông thôn, nên không có gì lạ khi người dân tập tành bắn súng hoặc săn bắn trên mảnh đất của họ mà không có sự can thiệp từ chính quyền địa phương", theo tài liệu của FBI. Còn theo điều tra của Clarion Project, người dân địa phương kể lại họ có nghe tiếng súng nổ từ Mahmoudberg. Ngoài Mahmoudberg, MOA còn duy trì một cơ sở ở Houston, Texas cho một số hoạt động của nhóm.
Theo báo cáo của FBI hồi năm 2007, các thành viên MOA đã tham gia vào ít nhất 10 vụ giết người, hàng loạt vụ đánh bom cũng như âm mưu đánh bom khắp nước Mỹ. "Xu hướng bạo lực của tổ chức này củng cố niềm tin rằng lãnh đạo MOA tán dương các thành viên theo đuổi một chính sách thánh chiến hoặc cuộc thánh chiến chống lại các cá nhân hoặc tổ chức được xem là kẻ thù của người Hồi giáo, bao gồm cả chính phủ Mỹ. Các thành viên của MOA được khuyến khích đến Pakistan để được giáo sĩ Gilani đào tạo về tôn giáo và quân sự/khủng bố", theo tài liệu của FBI.
Tài liệu này cũng ghi nhận: "MOA hiện là một tổ chức tự trị, sở hữu một cơ sở hạ tầng có khả năng lập kế hoạch và thực hiện các chiến dịch khủng bố ở nước ngoài cũng như trong lòng nước Mỹ". Các báo cáo khác của FBI cũng mô tả MOA theo cách tương tự. Một báo cáo hồi năm 2003 trích dẫn: "Cuộc điều tra MOA dựa trên những sự kiện kết nối cụ thể cho thấy nhóm này dính líu các hoạt động khủng bố quốc tế...".
22 trại huấn luyện khủng bố
MOA cho biết tổ chức này có một mạng lưới gồm 22 "làng" kiểu như Mahmoudberg trên khắp nước Mỹ, theo Clarion Project. Trụ sở chính của MOA đặt tại vùng núi Catskill gần thị trấn Hancock, New York, có tên gọi là Islamberg. Theo một đoạn phim bí mật của MOA mà Clarion có được, các thành viên nữ của mạng lưới này được huấn luyện bán quân sự tại Islamberg. Một báo cáo điều tra đăng trên trang WorldNetDaily hồi năm 2006 cho thấy cư dân quanh Islamberg đã lo ngại về các khóa huấn luyện kiểu quân sự đang diễn ra ở đó và tỏ ra thất vọng khi chính quyền liên bang không mấy bận tâm điều này.
Báo cáo hồi năm 2007 của FBI còn đề cập đến một "làng khủng bố" của MOA tại Badger, bang California được gọi là Baladullah. Hồi tháng 3.2001, một thành viên của Baladullah đã bị bắt giữ khi vận chuyển súng trái phép giữa New York và nam California. Nhà chức trách Mỹ cũng từng bố ráp một "làng" rộng 18 ha cách thành phố Dallas khoảng 112 km hồi năm 1992, sau khi kế hoạch đánh bom của MOA tại Toronto (Canada) bị đập tan.
Các tài liệu của FBI mà Clarion Project có được xác định rõ MOA/JUF là một tổ chức khủng bố. Bộ An ninh nội địa Mỹ hồi năm 2005 cũng đã đưa MOA/JUF vào danh sách những nhà tài trợ tiềm năng các cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ. Thế nhưng, Bộ Ngoại giao vẫn chưa xem đây là một tổ chức khủng bố nước ngoài nên MOA vẫn tiếp tục hoạt động tại đây. Hồi năm 1998, báo cáo Các kiểu khủng bố toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ có mô tả MOA là một "giáo phái Hồi giáo tìm cách thanh lọc Hồi giáo thông qua bạo lực". Báo cáo cho biết các thành viên MOA tham gia các vụ ám sát và đánh bom tại Mỹ trong thập niên 1980.
Clarion Project cho biết kể từ năm 2000, MOA/JUF không bao giờ xuất hiện trong báo cáo khủng bố hằng năm. Tuy nhiên, FBI đã tỏ ra quan ngại về tổ chức này. Phản ứng trước báo cáo của Clarion Project, hạ nghị sĩ Louie Gohmert đại diện bang Texas đã lên tiếng chỉ trích việc Bộ Ngoại giao Mỹ không liệt MOA/JUF vào danh sách các tổ chức khủng bố. "Phản ứng lờ đờ với mối đe dọa liên quan đến khủng bố đó còn hơn cả gây phiền muộn, mà là kinh hãi...", ông Gohmert nói trong một tuyên bố được Clarion Project đăng tải ngày 25.2.
Theo TNO
Nhật hết lo đánh "giặc ngoài mạnh" lại đau đầu đối phó "đồng minh lớn" Sự thiếu vắng những cơ chế an ninh có thể sớm đẩy Đông Á vào một cuộc chiến quy mô lớn. Tình hình căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này đã thúc đẩy những ý tưởng về hệ thống an ninh tập thể hiệu quả trong khu vực. Vài ngày gần đây, các tàu Trung Quốc lại có mặt...