Sự thật và huyền thoại về phái tu Đạo Dừa “kì dị”
Đạo Dừa một hiện tượng tín ngưỡng từng được chính quyền chế độ cũ liệt vào hàng tôn giáo “kì dị” trước năm 1975. Người sáng lập ra Đạo Dừa là ông Nguyễn Thành Nam.
Lúc sinh thời, với tính tình kì lạ cùng khát vọng chính trị, ông đã thật sự khuấy động đời sống xã hội Nam Bộ trong khoảng thời gian 20 năm. Đã có lúc người ta tưởng, miền Nam Việt Nam lại có thêm một tôn giáo mới, thế nhưng càng về sau Đạo Dừa bộc lộ những hạn chế và cuối cùng chỉ dừng lại ở một quan niệm tu mang tính cá nhân trước khi chính thức tan rã.
Chân dung kỹ sư hóa học Nguyễn Thành Nam- ông Đạo Dừa. Ảnh T.G
Là con của phú hộ giàu nhất vùng, Nguyễn Thành Nam được gia đình cho sang Pháp du học tự túc để sau này làm rạng danh tổ tông. Ông là một trong số ít người ở xứ Đông Dương sang trời Tây học về ngành khoa học tự nhiên thời bấy giờ. Sau bao năm “dùi mài” kinh sử, cuối cùng cũng trở về với tấm bằng kỹ sư hóa học. Dường như những kiến thức Tây học dường như là nền tảng, sau này ông nghĩ ra những quan điểm cao siêu về thời thế và quyết định con đường tu tập không giống ai của mình.
Con phú hộ sang Tây du học
Nguyễn Thành Nam (1909-1990) nguyên gốc ấp Phước Thiện, xã Phước Thạnh, Tổng Hòa Quới, quận An Hóa, tỉnh Định Tường, Mỹ Tho (nay là xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Tuy nhiên, dân gian biết đến ông nhiều hơn với danh nghĩa là “giáo chủ” của một tín ngưỡng tôn giáo, người ta thường gọi là ông Đạo Dừa. Nguyễn Thành Nam sinh ra trong một gia đình phú hộ giàu có nhất nhì ở tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ, ông cụ thân sinh là Chánh tổng (có hai vợ thì Nguyễn Thành Nam là con trưởng người vợ đầu) có tiếng trong vùng. Là quan lại làm việc cho Pháp nhưng ông lại được lòng dân nhờ không thuộc diện “nợ máu” với đồng bào, ngược lại là gia đình nho giáo, biết coi trọng lễ nghĩa.
Trong số những đứa con của ông Chánh tổng thì Nguyễn Thành Nam bộc lộ bản tính thông minh nhất nên được gia đình vun đắp, cho ăn học đến nơi đến chốn. Thành Nam học tiểu học tại trường dòng dành cho quan lại ở quê, sau đó lên Sài Gòn học trung học tại trường Chasseloup Laubat (nay là trường THPT Lê Quý Đôn). Có chuyện kể rằng, ông học giỏi nên một năm vượt 2 lớp. Năm 1928, với mong muốn con mình sau này làm rạng danh tổ tông, khi chương trình tú tài kết thúc, gia đình tiếp tục cho Thành Nam sang Pháp du học ngành hóa học theo diện tự túc. Những trường hợp du học tự do ở An Nam lúc bấy giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, chỉ có những gia đình cực kỳ giàu có hoặc quyền thế mới có “cửa”.
Những tài liệu cũ mà các ký giả chế độ cũ, cũng như tín đồ của Nguyễn Thành Nam ghi lại lúc sinh thời thì từ năm 1928-1935 ông từng học qua các trường như Pensionnatdes Lazaristes (tại Lyon), trường Saint Joseph et Sainte Maerie (tại Caen), trường Jean Baptistede la Salle (tại Rouen) và Cao đẳng hóa học Rouen. Những danh sách trường này cũng được Nguyễn Thành Nam liệt kê trong danh mục “thành tích” khi ra tranh cử Tổng thống chế độ cũ vào Năm 1967. Không ai có thể kiểm chứng độ xác thực những trường ông đã học qua, thế nhưng quan dân lúc bấy giờ đều gọi là ông kỹ sư hóa học. Ngoài chuyện học, thì thành tích ăn chơi của cậu ấm nhà Chánh tổng cũng vang xa không kém.
Dân gian có kể lại rằng, vào năm 1931, Bạch Công Tử xứ Bạc Liêu (Trần Huy Trinh) có đưa đoàn cải lương sang Pháp biểu diễn. Thông qua Bạch công tử, ông Chánh tổng có gửi lời sang hỏi thăm cậu ấm nhà mình thì được tin Nam đã bỏ học về Paris chơi, rong ruôỉ cả tháng trời mới quay lại trường. Không biết có phải do mải ăn chơi, mà việc học của Nguyễn Thành Nam bị đình trệ, thay vì 5 năm như dự tính thì phải đến 7 năm mới lấy được bằng kỹ sư.
Tuy nhiên, dường như việc học của Nguyễn Thành Nam chỉ như những chuyến rong chơi ở những nơi đắt đỏ trời Tây mà thôi, chứ thực tình ông không hề mặn mà cho lắm. Sau này về nước, ông có hồi tưởng lại với các đệ tử thế này: “Ngày nay họ (những đồng môn của ông) trở thành kỹ sư vật chất hết, chỉ có cậu Hai (ông tự xưng với đệ tử là cậu) là kỹ sư tinh thần thôi”. Có lẽ chính quan niệm đó mà sau này đã đưa Nguyễn Thành Nam vào con đường tu luyện, ngược lại niềm mong mỏi của gia đình.
Thảm bại kinh tế tìm đường đi tu
Video đang HOT
Sau 7 năm du học, ngày trở về vinh quy bái tổ, ông Chánh tổng mừng khôn xiết, cho người đưa xe hơi lên Sài Gòn làm lễ đón long trọng. Đường vào tổng Kiến Hòa lúc đó phải dùng thuyền bơi, ông cũng cho hàng đoàn thuyền nào đội lân phụng, cải lương múa hát chào mừng “cậu Hai” du học bên Tây về. Những ngày sau đó là lễ ăn uống linh đình kéo dài, quan trên, quan dưới nườm nượp đến chúc mừng, dân chúng tò mò lũ lượt đến xem mặt mũi ông “bác vật lang” ra sao. Nhìn mặt mũi khôi ngô, tuấn tú của cậu Hai, ai nấy trầm trồ rằng tương lai sẽ có một vị quan mới nối nghiệp cha mình. Thế nhưng, không như niềm mong mỏi của ông Chánh tổng, cậu con trai ưu tú lại khước từ những lời mời đi làm quan, tuyệt đối không hợp tác với Pháp mà ở nhà dài dài.
Ông Hải, người em cùng cha khác mẹ với ông Đạo Dừa. Ảnh T.G
Cậu Hai bắt đầu tính chuyện làm kinh tế để chứng tỏ rằng, chuyện học hành ngành hóa học của mình không phải là vô vị. Ông đứng ra thu mua quả dừa, lập nhà máy chiết xuất dừa để làm xà bông tắm, bởi theo kiến thức của ông thì dầu dừa có tác dụng dưỡng da, lại tạo mùi sữa rất tốt cho da. Với ý tưởng này, ông nuôi tham vọng là nhà cung cấp xà phòng tắm hàng đầu ở Nam Bộ và Đông Dương, đánh bại hãng xà bông Cô Ba của Trương Văn Bền trên Sài Gòn. Thế nhưng, mọi thứ không như mong muốn, không biết do kiến thức thực tiễn của ông kỹ sư hóa học còn non tay, hay thời thế chưa đến mà ý tưởng kinh doanh cứ lụi tàn dần.
Trong khi đó ở Sài Gòn hãng xà bông Cô Ba cứ ngày một lớn mạnh, đánh bại cả những nhãn hiệu có tiếng của Pháp xuất sang, thậm chí xà bông Cô Ba còn xuất cảng sang các nước khác như Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ. Tại bến tre, xà bông dầu dừa của Nguyễn Thành Nam dù đóng gói nhưng không thể nào cạnh tranh được ngoài thị trường được, một thời gian sau thì phá sản. Công việc kinh doanh hoàn toàn đổ bể, chán nản, gia đình buộc lấy vợ, Nguyễn Thành Nam miễn cưỡng đồng ý.
Theo lời kể của ông Nguyễn Thành Hải (77 tuổi, em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Thành Nam), sinh thời anh trai ông không mặn mà chuyện lấy vợ, thế nhưng khi buộc phải lấy để vừa lòng cha mẹ thì cũng kén chọn như bậc vua chúa. Cậu Hai biết ở xứ Gò Công là nơi sản sinh ra những phụ nữ quý tộc, thường là thê thiếp cho vua chúa, quan lại triều đình Huế (hoàng hậu Từ Dũ, Nam Phương Hoàng hậu) nên nhất định phải chọn vợ cho mình quê gốc ở đây. Qua mai mối, ông Chánh tổng cũng tìm được cho mình người con dâu môn đăng hộ đối là Lộ Thị Nga (con của một phú hộ ở Gò Công). Trước khi cưới vợ, cậu Hai có ra một điều kiện buộc gia đình phải ưng thuận là nếu sau này có đi tu thì không được ai ngăn cản. “Anh trai tôi đã có ý định đi tu từ trước, dường như việc kinh doanh xà bông thất bại cũng là do số mệnh của ông ấy”, ông Hải nói.
Cuối năm 1935, đám cưới được tổ chức, hai năm sau Nguyễn Thành Nam có con gái đầu lòng và đây cũng là đứa con duy nhất, hiện nay người này đang định cư tại Mỹ (trong đó một người cháu cũng có bản tính thích tu thiền như ông ngoại mình). Theo những nhân chứng gần như sống cùng thời với ông Nguyễn Thành Nam thì sau khi lấy vợ tính tình bắt đầu thay đổi rõ rệt. Ông ít gần vợ con mà thường nói đến chuyện tu thiền, đến chuyện thực hư trên cõi đời bằng những lí luận cao siêu, vô hình. Ông không màng cuộc sống sung sướng nhung lụa nữa mà thường tìm cách “hành hạ” mình bằng cách nhịn đói, ăn chay trường mỗi ngày một bữa. Một ngày nọ, ông trốn nhà ra đi bảo gia đình rằng về quê vợ Gò Công chơi, nhưng thực tình âm thầm lên ngọn núi Cấm ở An Giang để tầm sư học đạo. Con đường đi tu của ông bác vật bắt đầu khai mở từ đó.
Còn nữa
Theo Hàn Phong – An Nhàn
Người tu hành khổ hạnh cuối cùng của đạo Dừa ở Việt Nam
17 năm tịnh khẩu (không nói), 7 tháng ngồi thiền trên ngọn cây chỉ uống nước không ăn, phương pháp tu hành vô cùng kỳ lạ của phái đạo Dừa đã khiến nhiều đệ tử sống dở chết dở.
"Tịnh khẩu" để siêu thoát
Đạo Dừa ra đời vào những năm 40 - 50 của thế kỷ trước. Đạo Dừa không ăn sâu bén rễ vào đời sống như là một tôn giáo đúng nghĩa, bởi bản thân đạo này không có giáo lý, cũng như người đứng đầu như các tôn giáo khác. Người chủ trương sáng lập là ông Nguyễn Thành Nam (1910-1990, ngụ xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre). Ông vốn là một kỹ sư Tây học thức thời. Sau khi làm kinh doanh thất bại, cùng một số uẩn khúc đời tư, ông đã bỏ tất cả và đi tu.
Lối tu của ông vô cùng khổ hạnh và kì lạ. Ông uống nước dừa, ăn chay trường, niệm Phật để mong đạt đến một cảnh giới nào đó cho bản thân được giải thoát. Chính vì đặc trưng uống nước dừa để tu nên dân gian gán cho ông biệt danh là đạo Dừa và xem ông với tư cách giống như là giáo chủ của phái tu hành này.
Quá trình tu, ông đạo Dừa cho đệ tử chặt một cây dừa cao, đóng một nền ván hình bát quái ở trên, dựng ngay sát bờ sông Tiền, ông treo mình lên đó ngồi thiền ngày này qua tháng khác. Sau này, sang Cồn Phụng (cù lao nằm giữa sông Tiền chảy qua Tiền Giang), ông đạo Dừa còn cho người làm thêm chiếc đài cao ngót 20m để ông tiếp tục lên ngồi thiền. Ngày nay, cột tháp đó vẫn sừng sững ở trên Cồn Phụng và được cho là điểm du lịch tạo sự hiếu kì muôn thuở đối với du khách. Cồn Phụng từ một bãi bồi hoang vu giữa sông Tiền bỗng chốc sầm uất, ngày ngày vang lên tiếng kinh cầu, người người lui tới tấp nập. Sinh thời, ông đạo Dừa tự đặt cho Cồn Phụng cái tên mỹ miều là "Đại giang sơn Cồn Phụng".
Nói về đạo Dừa thì có vô vàn những điều lạ lùng, từng tốn không ít giấy mực của báo chí và các nhà nghiên cứu văn hóa. Bởi, người ta khó có thể lý giải được sự kì dị trong chủ trương tu của ông đạo Dừa. Lúc còn sống, có giai đoạn ông tự đặt lối tu vô cùng hà khắc, như: Uống nước, ăn rau, ngủ ngồi, không tắm, tịnh khẩu... năm này qua tháng nọ. Thế nhưng, có rất nhiều người theo ông đạo Dừa nhận làm sư phụ. Họ tự tu theo sự khổ hạnh của ông và có những người từng đạt được những khả năng khó tưởng tượng. Trong một tài liệu ghi lại tại khu lưu niệm đạo Dừa tại Cồn Phụng có ghi những "kỷ lục" kinh ngạc của ông tổ đạo Dừa: "3 năm ngồi tại núi Tượng (An Giang), 3 năm ngồi ở mé sông Cửu Long; 23 năm không ăn các thứ bột ngọt; 21 năm không ăn muối, đường; 24 năm không tắm; 14 năm tịnh khẩu...".
Năm 1968, vùng Cồn Phụng, nơi ông đạo Dừa hành đạo, quy tụ nhiều thanh niên trốn lính đi tu, chính quyền Sài Gòn cũ biết nhưng không làm gì được. Nghe tin đây là nơi an toàn, ông Nguyễn Thái Hoàng cũng tìm đến cúi đầu trước ông đạo Dừa xin nhận làm đệ tử. Tại đây, ông được vị giáo chủ này đặt tên là đạo Hoàng (theo quan niệm của đạo Dừa, nam là "đạo", nữ là "diệu" gắn với tên thật). Từ đây cuộc đời ông đạo Hoàng gắn với những tháng ngày đọc kinh, cầu nguyện và sống theo lý tưởng là sẽ được giải thoát bằng con đường tu khổ hạnh.
Ông đạo Hoàng trở về được ca ngợi như một tiên ông đắc đạo.
Đạo Dừa thời gian đầu có yếu tố hướng đạo, giúp người ta tu tâm, dưỡng tính, sống theo đạo lý nên có nhiều người theo. Tuy nhiên, càng về sau, bản thân ông đạo Dừa đã sáng tạo ra những lối tu kì dị, có lẽ vì thế mà tư tưởng không còn ăn sâu bén rễ trong đời sống tinh thần của người dân ở Bến Tre.
Nhiều người dần bỏ đạo trở về với đời thường, tín đồ vơi dần, luật tu bắt đầu pha trộn những kiểu hỗn tạp, không có một con đường tu thống nhất. Riêng ông đạo Hoàng quyết định rời "Đại giang sơn Cồn Phụng", tìm về núi Cấm ở Châu Đốc (An Giang) quyết tâm tịnh tu theo sư phụ đạo Dừa.
"Hành xác" trên ngọn cây
Trên đỉnh núi Cấm, ông đạo Hoàng tìm đến một hốc đá có 3 hòn nhỏ dựng đứng, có một cây đa cổ thụ gần như bao trùm lên ba hòn nhỏ này, bốn bề xung quanh yên ắng. Vượn kêu, chim hót rợn người. Nhận thấy đây là địa điểm tu lý tưởng, ông đạo Hoàng quyết định dừng chân, dựng căn lều tạm bên dưới.
Cồn Phụng, nơi khai thiên lập địa phái tu đạo Dừa.
Cây đa ông chọn ở đỉnh núi Cấm làm đài tu cao khoảng 20m, bên trên ông làm một nền 8 cạnh, trên có lọng che phòng trừ trời mưa, dọc thân cây có bậc đi lên. Thời gian tu hành ở trên núi, hầu như ông không ở dưới mái lều mà chỉ ngồi trên cây để thiền và tịnh khẩu. Mọi giao tiếp với bên ngoài ông đều viết qua một tờ giấy và nhờ người bạn thân làm giùm.
Tuy nhiên, với nhu cầu của một người tu kì lạ thì việc sinh hoạt, ăn uống không phải là vấn đề cốt yếu. Ban đầu ông chỉ ăn rau, trái cây, những ngày sau đó ông ăn ít dần và chuyển sang uống nước nhiều hơn.
Chính vì sự khổ hạnh khó hiểu này mà ông trở thành tâm điểm cho những người hiếu kỳ tại vùng đất mới. Hằng ngày có rất nhiều người từ khắp nơi tìm đến xem ông ngồi trên cây tu như một sinh vật kỳ lạ. Người ta xì xào, bàn tán nhiều và cho rằng, thần kinh ông bất bình thường. Có người sợ ông chết nên đã dọa rằng, nếu ông không xuống sẽ cho người đốn cây, nhưng ông nhất định không xuống. 9 năm tu hành khổ hạnh, ông chỉ ăn rau rồi dần dần ông tuyệt thực luôn mà chỉ uống nước.
7 tháng cuối cùng trước khi "hạ sơn", ông chỉ uống nước, chủ yếu là nước mía và nước trái cây, chứ tuyệt đối không ăn thứ rau quả nào khác. Ngày lẫn đêm, ông ngồi khoanh chân chữ ngũ thiền chót vót ở "đàn bát quái" trên ngọn cây. Ông không tắm, ít đi đại tiện. Khi nào cần uống nước thì có người bạn dùng ròng rọc kéo thùng lên cho ông uống. Nơi ông tu, nếu đứng dưới nhìn lên hệt như một tổ vượn. Ông chỉ xuống gốc cây khi nào có việc cần thiết, đặc biệt ông không bao giờ nói. Chính vì kiểu tu lạ lùng này nên từng có thời điểm người người hiếu kì khắp nơi đổ về xem. Tin đồn ông là "tề thiên, là thánh sống" lan nhanh khắp các tỉnh miền Tây.
Một trong những kiểu tu "hành xác" của đạo Dừa.
Ông im lặng theo lối tu hành và chẳng cần nghe ý kiến, lời khuyên từ ai. Người ta dần quen với cái sự lạ đời ấy của ông. Không ai quan tâm nữa, mặc kệ cho ông tu trên ngọn cây. Bỗng một hôm, có người nhìn từ dưới lên thấy ông như một pho tượng bất động. Lạ quá, người này trèo lên xem thế nào thì ông gần như không còn biết gì nữa. Tình trạng quá nguy cấp, người này hô hoán bà con xung quanh làm ròng rọc để ông ngồi vào chiếc lồng như lồng chim, thòng từ ngọn cây xuống. 9 năm trời mới xuống đất, ông ngơ ngác với mọi thứ. Tu luyện khổ hạnh suốt thời gian dài khiến thân hình ông tiều tụy đi rõ rệt. Từ một người đàn ông cao lớn vừa bước qua tuổi 40, thân hình vạm vỡ, lên núi tu được mấy năm đã trở nên già khọm hom hem. Đôi mắt ông sâu hoắm, chân tay nổi gân cốt, da sạm đen, nhăn nheo.
Mái tóc ông dài như con rồng quấn quanh thân, đôi mắt lờ đờ sâu hoắm, miệng không nói được nữa. Ông cũng không còn tự đi được, mọi người phải cho ăn uống điều độ ông mới trở lại trạng thái bình thường. Chính bản thân cũng không hiểu vì sao ông có khả năng sống được trong 7 tháng ròng không ăn mà chỉ uống nước. Rơi vào trạng thái tu hành, ông đã đạt đến độ không còn nhận thức được sự sống của mình, người kiệt đi vì thiếu chất. Tính tổng khoảng thời gian tu hành, ông đạo Hoàng đã tịnh khẩu suốt 17 năm trời. Miệng không nói trong một thời gian dài khiến bộ phận cấu âm trở nên cứng. Về sau, khi ông quyết định "khai khẩu" thì rơi vào trạng thái cứng lưỡi, như một đứa trẻ mới tập nói.
Sau lần tu đạt ngưỡng sắp về cõi vĩnh hằng, ông đạo Hoàng thấy đó là sự kì dị, bản thân lạc lõng ngoài xã hội, vì vậy ông quyết định xuống núi về lại quê nhà tại ấp Mỹ An (xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Sau nhiều năm "thoát trần", ông không bắt nhịp được với cuộc sống phố thị khó khăn bên ngoài, trong lúc này cha mẹ đã già yếu.
Ngoài 60 vẫn cô độc, ông quyết định học làm đậu hũ, bán cho các chùa và những phật tử ăn chay. Ngẫm lại quãng thời gian tu kiểu "hành xác", ông tự nhận thấy bản thân mình đã tu một cách mê muội, tự hành hạ thân thể đúng hơn là tìm hướng giải thoát vào cõi niết bàn. Từ ngày được cẩu từ ngọn cây xuống, vị đệ tử thứ nhất của ông đạo Dừa không còn giữ lối tu hà khắc xưa nữa. Ở đây không ai biết ông là người từng gắn bó tu hành với ông đạo Dừa, cũng chẳng rõ ông tu theo phái nào. Nhưng tin ông đột ngột trở về mang hình hài đặc trưng, giống hệt những đạo sĩ đến từ một miền non cao nào đó, thì nhiều người đã đổ xô đến cầu phép, xin lộc khiến ông mất ăn mất ngủ dài ngày.
Ông Phan Thành Nghĩa - Trưởng Công an ấp Mỹ An
(xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang): "Chuyện tu hành của ông Hoàng ngày trước đã là quá khứ rồi. Nhưng từ khi ông về lại địa phương thì có nhiều người hiếu kỳ tìm đến hỏi chuyện. Chúng tôi đã vận động ông Hoàng yêu cầu bà con không nên tin theo những đồn đoán thánh thần hay trường sinh bất tử gì cả. Giờ ông ấy sống rất bình yên, chăm chỉ làm ăn được bà con quý trọng".
Theo CAND
Cho thuê sân trường làm bãi giữ xe ! Trong khi trường lớp chật hẹp, học sinh ta thán thiếu không gian để chơi, thì Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM lại cho thuê sân trường làm bãi giữ xe suốt nhiều năm qua (ảnh). Ảnh: Nguyễn Thanh Nam Theo phản ảnh của học sinh và phụ huynh trường này, sân trường phải chia đôi, nhường nửa diện tích làm bãi...