Sự thật thương vụ tàu sân bay Liêu Ninh: Động cơ nguyên vẹn
Xu Zengping, người mua tàu sân bay Liêu Ninh, không chỉ cho báo giới biết sự thật về nhiệm vụ và chi tiết thương vụ mà còn tiết lộ những bí mật ít ai biết về động cơ của tàu Liêu Ninh, theo South China Morning Post (SCMP).
Ông Xu Zengping (phải) và người đã thiết kế tàu sân bay Liêu Ninh – Ảnh: chụp màn hình SCMP
Lần đầu tiên, ông Xu Zengping tiết lộ động cơ quân sự của con tàu thực chất vẫn còn nguyên khi Ukraine bán cho Xu vào năm 1998. Điều này trái với những gì mà Bắc Kinh nói với thế giới vào thời điểm đó, theo SCMP.
Ông Xu cho biết 4 động cơ vẫn nguyên vẹn, phủ kín dầu mỡ, sau khi con tàu này ngừng vận hành vào năm 1992, và trở thành món hời lớn cho Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên những người liên quan công khai xác nhận động cơ của con tàu vẫn còn nguyên vẹn tại thời điểm diễn ra vụ mua bán. Trong khi đó, các tin tức trước đây lại khẳng định hệ thống phát điện của tàu cùng các thiết bị điện tử và vũ khí đã bị xưởng đóng tàu Nikolayev của Ukraine tháo dỡ tại Biển Đen trước khi Xu mua nó vào năm 1998 với giá 20 triệu USD.
Ông Xu nói: “Khi tôi được kỹ sư trưởng của xưởng đóng tàu đưa tới phòng máy của con tàu, tôi nhận thấy cả 4 động cơ đều còn mới và được bôi dầu mỡ cẩn thận, mỗi chiếc đều có giá ban đầu là 20 triệu USD”. Ông cũng cho hay một đợt tân trang vào năm 2011 đã phục hồi cả 4 động cơ để con tàu có thể vận hành.
Tiêm kích J15 trên tàu sân bay Liêu Ninh – Ảnh: Reuters
Một nguồn tin thân cận trong thương vụ này tiết lộ với SCMP: “Phía Trung Quốc đã cố tình đưa ra thông tin sai lệch về việc tháo bỏ các động cơ để Xu và xưởng đóng tàu dễ dàng thương lượng hơn”.
Video đang HOT
Nguồn tin này cũng cho biết truyền thông phương Tây đã đưa tin việc Mỹ gây áp lực cho Ukraine để nước này tháo bỏ mọi thứ bên trong con tàu và chỉ bán thân tàu cho thương gia Trung Quốc.
Một đại tá nghỉ hưu của hải quân Trung Quốc thậm chí còn cho rằng rất có thể tàu sân bay Liêu Ninh vẫn sử dụng những động cơ gốc của Ukraine. “Công nghệ động cơ của Ukraine tốt hơn so với Trung Quốc. Theo như tôi biết, hải quân của chúng tôi đã nhờ tới sự giúp đỡ của Ukraine để có được các động cơ đó. Chúng được bảo dưỡng trong nhiều năm và vẫn đang hoạt động”, SCMP dẫn lời vị đại tá này.
Tàu sân bay Liêu Ninh – Ảnh: Reuters
Bên cạnh đó, ông Antony Wong Dong, một nhà quan sát quân sự tại Ma Cao cho biết sau nhiều năm đàm phán, xưởng đóng tàu Biển Đen cũng đã chuyển giao công nghệ động cơ cho Công ty Turbine Barbin (công ty chuyên sản xuất nồi hơi quân sự, tua tin và thiết bị hơi nước của Trung Quốc).
Tuy vậy, theo ông Antony Wong Dong, “các hệ thống động cơ đẩy ban đầu được thiết kế cho tàu Liêu Ninh giống với tàu sân bay lớp Kuznetsov của Nga với tốc độ lớn nhất là 32 hải lý. Nhưng tàu Liêu Ninh nặng hơn 6.000 tấn, vì vậy, theo lý thuyết nó sẽ đi chậm hơn. Thế nhưng các cuộc chạy thử nghiệm trên biển gần đây cho thấy tốc độ lớn nhất của tàu Liêu Ninh đạt hơn 32 hải lý. Điều này cho thấy hệ thống động cơ đẩy của nó đã được nâng cấp”.
Vậy là lại thêm một bí mật nữa về chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – chiếc tàu do Xu mua được với cớ xây dựng khách sạn và sòng bạc lớn nhất thế giới – nay được dùng để huấn luyện và phục vụ công tác nghiên cứu cho quân đội nước này.
Tuy những bí mật này cho thấy Trung Quốc đã có món hời lớn từ thương vụ, nhưng cũng không phải câu chuyện chỉ là mua tàu. Trung Quốc phải mất 4 năm mới đưa tàu sân bay này từ Ukraine về Liêu Ninh và mất hơn 1 thập kỷ để trang bị và hoàn thiện. Số hiệu 16 của tàu Liêu Ninh cũng bằng số năm từ khi Trung Quốc thực hiện thương vụ đến khi hoàn thành.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Trung Quốc sẽ xây căn cứ tàu sân bay tương lai ở đâu?
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần ít nhất 4 căn cứ tàu sân bay tương lai, trong đó có 2 căn cứ chính và 2 căn cứ hỗ trợ.
Tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Kyodo
Thời gian gần đây, cư dân mạng Trung Quốc đang sôi nổi thảo luận địa điểm mà chính phủ của họ sẽ lựa chọn để xây dựng căn cứ cho các tàu sân bay tương lai.
Khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn của quân đội Trung Quốc Yang Yujun nói với thời báo Hoàn Cầu rằng, người dân Trung Quốc nên kiên nhẫn chờ đợi.
Hoàn Cầu cho biết, sau khi quân đội Trung Quốc tuyên bố kế hoạch đưa vào hoạt động tổng cộng 4 tàu sân bay trong tương lai, các chuyên gia cho rằng nước này sẽ cần ít nhất 4 căn cứ.
Quần đảo Chu San ngoài khơi tỉnh Chiết Giang và thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam được cho là những địa điểm tiềm năng nhất để xây 2 căn cứ tàu sân bay trọng yếu cho Hạm đội Đông Hải và Nam Hải của Hải quân Trung Quốc.
Tàu sân bay Liêu Ninh rời căn cứ ở Thanh Đảo để tham gia một đợt huấn luyện. Ảnh: Sina
Bên cạnh đó, thêm 2 căn cứ tàu sân bay hỗ trợ có thể được xây dựng.
Thanh Đảo, nơi đặt căn cứ của Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc hiện nay, có thể sẽ là 1 trong 2 căn cứ này.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, căn cứ còn lại có thể được xây dựng bên ngoài Trung Quốc.
Ông Yang cho biết, còn nhiều yếu tố phải cân nhắc trước khi quân đội Trung Quốc chọn địa điểm để xây căn cứ tàu sân bay.
Để quyết định xem địa điểm nào thích hợp cho các hoạt động của biên đội tàu sân bay, theo ông Yang, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố địa hình, con người và tình trạng kinh tế của từng nơi.
Ông Yang kêu gọi các cư dân mạng Trung Quốc: "Hãy chờ đợi, các bạn sẽ biết căn cứ tàu sân bay tương lai của chúng ta ở đâu".
Hoàn Cầu cho hay, quần đảo Chu San được đánh giá là một địa điểm tiềm năng để đặt căn cứ tàu sân bay Trung Quốc do vị trí tương đối gần với Đài Loan và Nhật Bản.
Khi khởi hành từ Chu San, biên đội tàu sân bay Trung Quốc có thể xâm nhập vào chuỗi đảo thứ nhất trên Thái Bình Dương (kéo dài từ Alaska tới Philippines).
Trong khi đó, theo Hoàn Cầu, căn cứ tại Tam Á có thể giúp Trung Quốc triển khai sức mạnh hải quân vào Ấn Độ Dương.
Theo Đại Lộ