Sự thật giật mình về Malaysia Airlines
Malaysia Airlines từng được đánh giá là 1 trong 10 hãng bay tốt nhất thế giới theo bình chọn của Hãng nghiên cứu thị trường hàng không Skytrax.
Một chiếc máy bay của Malaysia Airlines
Malaysia Airlines là hãng hàng không quốc gia của Malaysia, phục vụ các chuyến bay quốc tế và nội địa. Thành lập năm 1947 với tên Malayan Airways, hãng bay đã trải qua rất nhiều thay đổi. Đến năm 1972, hãng đổi tên thành Malaysia Airlines. Thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của hãng là vào thập niên 80, nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Malaysia. Đội bay và đường bay của hãng thời điểm này cũng nhanh chóng được mở rộng.
Hãng có trung tâm hoạt động chính tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur cùng một trung tâm thứ hai ở Kota Kinabalu và Kuching. Malaysia Airlines có các chuyến bay trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á, Nam Á, Trung Đông và trên đường Kangaroo giữa châu Âu và châu Úc.
Malaysia Airlines từng được coi là hãng hàng không có uy tín và chất lượng nhất thế giới với việc cung cấp các dịch vụ tốt và giá cả phải chăng. Trong 10 năm qua, hãng đã nhận được hơn 100 giải thưởng. Malaysia Airlines cũng được Skytrax bình chọn là “hãng hàng không 5 sao” của thế giới.
Malaysia Airlines cũng chính thức trở thành hãng đầu tiên trên thế giới đưa vào sử dụng loại máy bay thế hệ mới Boeing 737-800 với cabin thiết kế kiểu mới mang tên Boeing Sky Interior. Tính đến tháng 4/2012, Malaysia Airlines chính thức sở hữu 115 máy bay đa kích thước bao gồm Airbus A330-200/300, Airbus A380-800, Boeing 737-400/800, Boeing 747-400, và Boeing 777-200ER.
Malaysia Airlines có các hạng vé là First Class, Business Class, Economy Class, Trẻ sơ sinh. Từng hạng vé có những quy định khác nhau về trọng lượng hành lý, các vật dụng được phép mang theo.
Mặc dù được đánh giá là một trong những hãng hàng không tốt nhất thế giới song Malaysia Airlines cũng không tránh khỏi những tai nạn thảm khốc. Ngày 4/12/1977, chiếc máy bay Boeing 737-200 của hãng đã lao xuống đầm lầy khi đang đến gần sân bay Subang (Malaysia), làm 100 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Sau 37 năm, người ta đến giờ vẫn không biết sự thật về vụ tai nạn này.
Ngày 18/12/1983, máy bay Airbus A300-B4 đã lao khỏi đường băng cũng tại sân bay Subang trong điều kiện trời mưa to. Không có thương vong trong vụ này, nhưng chiếc máy bay đã phát nổ ngay sau khi mọi người thoát ra khỏi chiếc máy bay đã bị vỡ đó. Các quan chức sân bay đã không thông báo kịp thời bất kỳ điều gì cho đến khi các hành khách đã ra khỏi khu vực bùn lầy ở cuối đường băng.
Video đang HOT
Vụ tai nạn ngày 4/12/1977
Không chỉ dừng lại ở đó, năm 1995, chiếc máy bay Fokker 50 của hãng đã gặp nạn sau khi chạy vượt quá đường băng tại sân bay Tawau (Malaysia), làm 34 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Lỗi phi công được cho là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn này.
Năm ngoái, một máy bay MH3002 phiên bản “Twin Otter” của MASWings chở 16 hành khách từ Kota Kinabalu tới Kudat đã chạy vượt quá đường băng và đâm vào một ngôi nhà. Viên phi công phụ và một hành khách đã thiệt mạng, trong khi 6 hành khách khác bị thương nặng.
Đặc biệt, năm 2014 có thể coi là một năm kinh hoàng với hãng hàng không Malaysia. Ngày 8/3/2014, thế giới bàng hoàng khi máy bay mang số hiệu MH370 cất cánh từ Kuala Lumpur đã mất liên lạc khi đang thực hiện hành trình bay. Chiếc máy bay chở 227 hành khách thuộc 13 quốc tịch, trong đó có 2 trẻ sơ sinh cùng với 12 người của phi hành đoàn. Ngay sau vụ việc, Malaysia đã chi 8,6 triệu USD để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Tuy nhiên, cho tới tận bây giờ, tung tích của chiếc máy bay cùng hơn 200 người vẫn là một bí mật.
Ngay khi dư âm của vụ MH 370 vẫn còn chưa kịp lắng xuống, hôm qua 17/7, chiếc máy bay Boeing-777 của hãng hàng không Malaysia Airlines chở 285 người với 15 phi hành đoàn đã bị rơi ở miền đông Ukraine, gần biên giới với Nga, hiện đang nghi do bị bắn hạ. Tất cả được xác định là đã thiệt mạng. Công tác điều tra, tìm kiếm đều được tiến hành hết sức khẩn trương. Thân nhân nhiều hành khách đã tập trung về sân bay Kuala Lumpur và Amsterdam để chờ đợi tin tức người thân.
Theo Kiến Thức
Các bài đăng đã bị xóa cho thấy phiến quân bắn nhầm máy bay
Những bài đăng trên các trang mạng xã hội của các thành viên lực lượng nổi dậy tại Ukraine - mặc dù hiện giờ hầu hết đã bị gỡ bỏ - cho thấy có thể lực lượng phiến quân nghĩ rằng họ đã bắn rơi một chiếc máy bay của quân đội Ukraine, rồi sau đó kinh hoàng nhận ra rằng thực tế đó lại là một máy bay dân dụng chật kín người của hãng hàng không Malaysia.
Hiện trường máy bay rơi. (Nguồn: AFP)
Các dòng Tweet cũng như thông điệp trên blog này đã ngay lập tức được các nhà chức trách Kiev công khai trong bối cảnh đang diễn ra cuộc chiến khốc liệt về thông tin giữa Kiev và Điện Kremlin nhằm giành lấy các ý kiến ủng hộ từ quốc tế cũng như lòng tin của dân chúng.
Việc xác nhận trách nhiệm của các máy bay chiến đấu ly khai về cái chết của 298 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur sẽ là một trở ngại đối với nỗ lực của tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thuyết phục cộng đồng thế giới rằng cuộc nổi dậy chỉ là một cuộc đấu tranh đòi quyền tự quyết.
Truyền thông Nga đã tránh đề cập tới những bài đăng gây tranh cãi này, và thay vào đó đăng tải các thông tin về việc lãnh đạo lực lượng dân quân cáo buộc lực lượng không quân Ukraine đã bắn hạ chiếc máy bay Boeing 777 này.
Ban đầu, quân nổi dậy tuyên bố đã bắn rơi ít nhất một máy bay quân đội Ukraine trên bầu trời miền đông nước này vào cuối buổi chiều thứ năm.
Trang mạng xã hội Vkontakte của Igor Strelkov - "Bộ trưởng Quốc phòng" của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, trước đó đã có bài đăng rằng: "Chúng tôi vừa bắn rơi một chiếc AN-26 gần Torez. Và đây là một đoạn băng video chứng nhận rằng máy bay đã bị bắn hạ."
Phía dưới bài đăng là một liên kết giống hệt với liên kết được đăng tải bởi truyền thông Ukraine trong các báo cáo liên quan tới máy bay của hãng hàng không Malaysia.
Đoạn băng cho thấy người dân địa phương đã đề cập đến khu mỏ than trong vùng mà Strelkov đã nhắc tới.
Trang tin Pravda sau đó đã đăng một đoạn ghi âm ghi lại một cuộc đối thoại được cho là giữa nhóm phiến quân và một đại diện phía Nga về việc máy bay rơi.
"Chúng tôi vừa bắn hạ một máy bay," một thành viên của lực lượng nổi dậy được nhận diện với cái tên Bes nói với một người khác được cho là một sỹ quan tình báo Nga.
Một đoạn ghi âm khác ghi lại đoạn báo cáo từ một máy bay chiến đấu tại hiện trường nơi máy bay MH17 bị bắn hạ, cho biết "chắc chắn 100% đây là một máy bay dân sự."
Bài đăng trên trang Vkontakte này đã nhanh chóng bị gỡ bỏ, nhưng những bức ảnh chụp lại bài đăng này trên màn hình đã được ghi lại và phân phối trong một thông cáo báo chí bằng tiếng Anh được đưa ra bởi các trụ sở quân sự thuộc chiến dịch miền Đông của Kiev.
Các bình luận liên quan tới bài đăng của Strelkov không nhắc tới tên lửa cụ thể nào đã bắn hạ máy bay dân sự đang bay ở độ cao hơn 10.000m này.
Lính cứu hỏa làm việc tại hiện trường máy bay rơi. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tuy nhiên vài giờ trước đó, một bài đăng khác trên trang Twitter của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng đã thông báo rằng lực lượng nổi dậy đã có trong tay một loạt hệ thống tên lửa Buk do Nga chế tạo, có khả năng bắn hạ các mục tiêu ở độ cao này.
"@dnrpress: hệ thống tên lửa Buk đối không, tự hành đã được Cộng hòa Nhân dân Donetsk chiếm được từ trung đoàn tên lửa đối không A1402 (của Ukraine)."
Đoạn tweet này sau đó cũng bị gỡ bỏ.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhanh chóng gọi vụ việc này là một "động thái khủng bố" và cho biết ông "không thể loại trừ trường hợp" rằng chiếc máy bay bị lực lượng nổi dậy bắn rơi.
Mặt khác, ông Putin cho rằng vụ việc sẽ không bao giờ xảy ra nếu chính phủ Ukraine không "tiếp tục chiến dịch quân sự ở miền Đông-Nam Ukraine."
Các nhà lãnh đạo lực lượng ly khai cũng như các quan chức quốc phòng Nga đều đã nhanh chóng xóa sạch các dấu vết của những tuyên bố ban đầu được đưa ra bởi quân nổi dậy về việc bắn rơi một máy bay vận tải của Ukraine.
Thủ tướng Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk Oleksander Borodai đã chia sẻ với truyền thông Nga rằng các đơn vị của ông không sở hữu những thiết bị có khả năng đạt tới độ cao của một chiếc Boeing.
Borodai cho biết việc các tay súng tiến hành một cuộc tấn công tầm cao như vậy "về mặt kỹ thuật là không thể xảy ra."
Bộ Quốc phòng Nga thì cho rằng nhiều khả năng lực lượng quân đội Ukraine đã bắn tên lửa Buk làm rơi máy bay MH17.
"Các báo cáo của quan chức Kiev rằng những hệ thống như vậy ... không hề được sử dụng trong các cuộc không kích khơi dậy những nghi ngờ nghiêm trọng," Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.
Theo Vietnam
Vì sao hộp đen MH17 bị bắn hạ lại được chuyển về Nga Quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Ukraine lý giải tại sao hộp đen máy bay MH17 được chuyển về Nga trong khi rơi trên lãnh thổ Ukraine. Tại một cuộc họp báo vừa kết thúc ở Kiev, ông Andrey Sybig, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố theo luật Hàng không quốc tế, các hộp đen của chiếc...