Sự thật động trời bên trong “lò sản xuất trẻ em”
Núp bóng một cơ sở từ thiện, một “nhà máy sản xuất trẻ em” ở Ihiala, bang Anambra, Nigeria hoạt động rất tinh vi, chuyên nghiệp, từ khâu “sản xuất” đến khâu “tiêu thụ”. Chỉ đến khi nhận được đơn tố cáo của một người dân, cảnh sát Nigeria mới phát hiện ra “lò luyện” kinh hoàng này.
Cảnh sát Nigeria đột kích, giải thoát những nạn nhân tại một “nhà máy sản xuất trẻ em” ở bang Enugu
Những “máy đẻ” vị thành niên
Người phát ngôn cảnh sát Nigeria Emeka Chukwuemeka cho biết, ngày 16-10-2012, lực lượng cảnh sát nước này đã tấn công một “nhà máy sản xuất trẻ em” được đăng ký dưới tên Bệnh viện Spormil và trung tâm sản khoa hay còn gọi là Quỹ Iheanyi Ezuma – một tổ chức phi chính phủ – do bà Ngozi Ezuma đứng đầu. Ngozi Ezuma và 2 nghi can đã bị bắt giữ. Cảnh sát trưởng Okoi Apama cho biết, cảnh sát đã khẩn cấp vào cuộc sau khi nhận được đơn tố cáo của một người dân Ihiala về những hoạt động đáng ngờ kéo dài của quỹ Iheanyi Ezuma.
Phó Cảnh sát trưởng Okere Okey và thanh tra Francis Ogbuonye thuộc Cơ quan điều tra hình sự Awka đã dẫn đầu đội đặc nhiệm đột kích “nhà máy” này và giải thoát 25 cô gái ở độ tuổi vị thành niên, trong đó 17 người đang mang thai, 8 người chờ được mang thai. “Chúng tôi có chứng cứ để tin rằng những cô gái trẻ này bị ép sinh con để bán cho những gia đình hiếm muộn”, ông Chukwuemeka nhấn mạnh. Những đứa trẻ bị bán thường được nuôi để làm việc trong các đồn điền, hầm mỏ, nhà máy hoặc giúp việc nhà hay bị bán vào nhà thổ.
Một đại diện Trung tâm Ngăn chặn nạn buôn lậu người quốc gia Nigeria cho biết, các cô gái được trả công mang thai từ 150-180USD, còn mỗi đứa trẻ sẽ được bán với giá 2.000-6.200USD. Những đứa trẻ có giới tính nam có giá bán cao hơn trẻ nữ. Trong số những người bán con cũng có nhiều trường hợp “nhỡ nhàng” hoặc bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà khi mang thai ngoài giá thú và quyết định tìm đến nhà hộ sinh tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhân viên của nhà hộ sinh sẽ “chăm sóc chu đáo” toàn bộ thời gian mang thai của họ và thực hiện một thỏa thuận bán các em bé sau khi sinh. Khi hoàn tất việc sinh nở, nếu có nhu cầu, các cô gái vẫn có thể ở lại và mang thai nhiều lần nữa. Cũng theo nguồn tin từ cảnh sát, tất cả những cô gái trong nhà hộ sinh này đều được thụ thai bởi một người đàn ông 23 tuổi.
Video đang HOT
“Vỏ bọc” hoàn hảo
“Mẹ mìn” Ngozi Ezuma đã điều hành “nhà máy” này hoạt động từ năm 2007. Đây là lần thứ hai Ezuma bị bắt về tội buôn bán trẻ em, tuy nhiên trước đó không rõ lý do gì bà ta không bị ra tòa. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Phát triển trẻ em Nigeria Emeka Ejide cho biết, cơ quan này biết có cơ sở từ thiện của bà Ezuma hoạt động ở Ihiala, nhưng không hề biết họ có những hoạt động vi phạm quyền con người như vậy, cho đến khi cơ sở này bị đột kích. “Quỹ này đăng ký dưới dạng một tổ chức phi chính phủ, song phát hiện gần đây nhất của chúng tôi là họ hoạt động không phép”, bà Emeka Ejide nói.
Đây cũng không phải là trường hợp đầu tiên nhà chức trách phát hiện hoạt động buôn bán trẻ sơ sinh tại Nigeria. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, buôn bán trẻ sơ sinh là loại tội phạm phổ biến nhất ở Nigeria, sau tội lừa đảo và buôn ma túy. Trước đó, tháng 5-2011, cảnh sát bang Abia ở miền Nam Nigeria đã đột kích một “nhà máy sản xuất trẻ em” cũng núp danh tổ chức từ thiện và giải thoát 32 cô gái đang mang thai hộ để bán con, tất cả đều ở tuổi 15-17.
Theo UNICEF, mỗi ngày có ít nhất 10 trẻ em ở Nigeria bị bán. Dù Chính phủ nước này đã tăng cường chống nạn buôn bán trẻ em nhiều năm qua, song nạn buôn người ở Nigeria vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong khi đó, những phòng khám chăm sóc thanh thiếu niên có thai ngoài ý muốn vẫn mọc lên nhan nhản khắp Nigeria. Đây chính là vỏ bọc hoàn hảo cho “nhà máy sản xuất trẻ em”. Vì thế, khi bị bắt, họ dễ dàng thoát tội vì cơ sở của họ đã được đăng ký hợp pháp với mục đích hỗ trợ thanh thiếu niên trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra, dư luận cũng cho rằng, sở dĩ các “nhà máy sản xuất trẻ em” vẫn tiếp tục hoạt động ở Nigeria là do hệ thống luật pháp chưa được thực hiện nghiêm minh và thậm chí, có sự tiếp tay của chính lực lượng cảnh sát.
Theo An Ninh Thủ Đô
Tiết lộ động trời về đường dây mua bán tinh trùng, trứng và đẻ thuê giá hàng trăm triệu tại Sài Gòn
Sau khi Công an TPHCM khám phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh, Viện kiểm sát Nhân dân TPHCM đã hoàn tất bản cáo trạng, đề nghị Tòa án đưa ra xét xử. Điều đáng nói là, đằng sau đó còn nhiều chuyện "động trời" khác chưa được tiết lộ về đường dây này: Có sự tiếp tay của một số nhà hộ sinh "lo" thủ tục giấy tờ để hợp thức hóa cho những bé sơ sinh vừa chào đời hay "dịch vụ" mua bán tinh trùng, trứng, mang thai hộ, đẻ thuê với giá từ hàng trăm triệu đồng...
Các ông, bà "trùm" đường dây mua bán trẻ em sắp hầu tòa.
Đành đoạn rứt ruột bán con
Toàn bộ hành vi gây án của đường dây phạm tội mua bán trẻ em đã được các cơ quan tố tụng TPHCM tiến hành điều tra, xác minh và đang chờ ngày đưa ra xét xử công khai tại TAND TPHCM vào thời gian tới. 5 đối tượng bị truy tố về hành vi "mua bán trẻ em" gồm: Tưởng Đình Thương (SN 1979, thường gọi là Thưởng, ngụ TP.Hải Phòng, tạm trú quận 10, từng có 1 tiền án về tội "trộm cắp tài sản"), Ngô Thị Lan (SN 1970, thường gọi là Hồng, ngụ tỉnh Bình Phước, tạm trú quận 1), Trần Ngọc Quỳ (SN 1970, thường gọi là Phấn, ngụ quận Tân Phú, từng có 1 tiền sự về hành vi "tàng trữ trái phép chất ma tuý), Phạm Tuấn Phương (SN 1962, thường gọi là Hải, ngụ tỉnh Đắc Nông, tạm trú quận Tân Phú, từng có nhiều tiền án, tiền sự về các tội "cướp tài sản", "trốn tránh nghĩa vụ quân sự", "trộm cắp tài sản", "gây rối trật tự công cộng") và Nguyễn Văn Viễn (SN 1970, ngụ tỉnh Quảng Ngãi, tạm trú quận Gò Vấp). Đường dây buôn bán trẻ em sơ sinh này do Tưởng Đình Thương cầm đầu.
Từ mắt xích quan trọng, các trinh sát Cơ quan CSĐT đã nắm bắt về một trường hợp đành đoạn rứt ruột bán đứa con vừa mới sinh của họ. Đó là vào giữa năm 2013, Nguyễn Văn Viễn quen biết và chung sống như vợ chồng với Võ Thị Kiều Trang (SN 1988, cùng quê Quảng Ngãi với Viễn). Kết quả là Trang mang thai, Viễn bàn với Trang sẽ tìm người mua đứa con vì lo ngại gia đình Trang biết chuyện. Viễn liên hệ với Nguyễn Thiện Nhân và Nhân hứa sẽ tìm người bán con của Viễn và Trang. Nhân tìm gặp Trần Ngọc Quỳ - một phụ nữ hành nghề làm móng tay chân dạo ở khu vực Bệnh viện Từ Dũ - có quen biết nhiều người chuyên buôn bán trẻ em sơ sinh.
Từ đó, Ngô Thị Lan được Quỳ ra giá sẽ mua con của Viễn và Trang với giá 7 triệu đồng. Đến tháng 2.2014, Trang sinh được bé gái nặng 3,5kg tại Bệnh viện Từ Dũ. Viễn liền gọi điện thoại báo cho Quỳ và Lan. Ngày 27.2, Trang xuất viện và ngay trong chiều cùng ngày, Quỳ đến gặp vợ chồng Viễn tại cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 (trên đường Lý Thái Tổ, quận 10) để giao dịch. Tuy nhiên, khi bán con, Trang thấy áy náy và đã thay đổi ý định, lúc này Viễn lại quyết liệt bán con và khi nhận tiền từ tay Lan, công an ập đến bắt quả tang. Từ manh mối này, cũng như qua lời khai của "trùm" Lan, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã truy bắt toàn bộ đường dây chuyên buôn bán trẻ sơ sinh với quy mô cực lớn.
Rao bán con người như... rau ngoài chợ
Đường dây do Tưởng Đình Thương điều hành đã bị vạch trần, Thương và đồng bọn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Thương lập ra trang web mang tên "mamsongviet.com" để rêu rao "bán" trẻ sơ sinh và cả những chuyện khác. Thương đưa tin về việc mua bán tinh trùng, trứng, giải quyết chuyện con cái cho những gia đình hiếm muộn, theo nhu cầu của khách hàng. Thậm chí, Thương còn rao việc mang thai hộ, đẻ thuê với giá từ 100 - 150 triệu đồng/trường hợp... Thông qua trang web này, bà N.T.N.T (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) - có nhu cầu con nuôi - đã liên hệ với Thương qua số điện thoại di động đăng trên trang web.
Với lời hứa sẽ tìm cho bà T một cháu bé vừa chào đời, Thương đã chỉ đạo đồng bọn truy lùng con mồi khắp các bệnh viện phụ sản để cung cấp "hàng" cho bà T. Ngày 15.2.2014, Lan và Phương biết tin chị Lý Thủy Ngân vừa sinh hạ bé trai tại Bệnh viện Từ Dũ, liền gọi điện cho bà T và ra giá 25 triệu đồng để mua cháu bé con chị Ngân. Sau khi đồng ý giá cả, bà T đến gặp băng nhóm của Thương bên ngoài Bệnh viện Từ Dũ và nhận cháu bé với giá 25 triệu đồng. Thương chia số tiền này cho đồng bọn gồm, Phương được 4 triệu đồng, Quỳ 2 triệu đồng, Thương 2 triệu đồng, Lan 17 triệu đồng (do có công lớn nhất trong việc tìm kiếm cháu bé).
Tại Cơ quan điều tra, Lan khai nhận, với số tiền này, Lan đưa cho chị Ngân mẹ cháu bé 10 triệu đồng để lo tiền thủ tục xuất viện và tiêu xài sau khi sinh. Sau khi nhận cháu bé về nuôi, bà T muốn làm giấy chứng sinh cho cháu bé với tên mẹ là tên bà T, nên lại liên hệ với Thương. Lúc này, Thương cho bà T số điện thoại của một người tên Châu và bảo liên hệ với người này để làm giấy chứng sinh cho cháu bé. Bà T gọi điện và được Châu hẹn ra ngoài gặp. Châu ra giá 10 triệu đồng sẽ có giấy chứng sinh theo mong muốn của bà T và phi vụ được thực hiện trót lọt.
Tuy nhiên, khi đưa giấy chứng sinh cho bà T, Châu lại gạ bà T là hiện có một sản phụ, tên là Nguyễn Thị Tuyết Trang, vừa sinh bé gái, nhưng không có điều kiện nuôi, nên ra giá 23 triệu đồng nếu bà T muốn nuôi bé gái này. Bà T đồng ý và ngày 16.2.2014, Châu hẹn bà T đến một quán càphê trên đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM để giao dịch. Khi gặp nhau, bà T đồng ý mua bé gái với giá 23 triệu đồng, Châu chia cho Lan 4 triệu đồng, đưa cho mẹ cháu bé Trang 9 triệu đồng, còn lại Châu hưởng. Phi vụ này, bà T tiếp tục nhờ Châu làm giấy chứng sinh cho bé gái cũng với giá 10 triệu đồng. Tuy nhiên, lần này, Châu đưa giấy chứng sinh không rõ ràng, sửa chữa nhiều chỗ, nên bà T yêu cầu đổi giấy khác. Lúc này, Châu nói bà T đến nhà bảo sanh (hộ sinh) Thiên Hồng Ngọc (số 108, đường Trần Đình Xu, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) gặp Ngô Thị Lệ Trinh nhờ làm lại.
Cũng qua trang web của Thương, một cặp vợ chồng ngụ ở tỉnh Tây Ninh ngỏ ý muốn có con nuôi, nên thông qua Thương tìm kiếm với giá 35 triệu đồng. Ngày 29.2.2014, Phương biết sản phụ Nguyễn Hạ Thiên vừa sinh cháu bé tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM), liền báo tin cho Lan và Quỳ. Lan gọi điện báo cho Thương đã có "hàng". Khi Thiên xuất viện, giao con cho Lan. Lan thuê một phụ nữ cùng nhau đón xe taxi đi lên huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh giao cháu bé cho vợ chồng đã đặt hàng qua Thương. Tại phi vụ này, sản phụ Thiên chỉ nhận được 6 triệu đồng từ đường dây buôn bán trẻ em.
Ngoài ra, tại cơ quan điều tra, Thương khai nhận, còn cùng đồng bọn mua bán trót lọt 2 trẻ em sơ sinh vào năm 2013. Làm việc với nhà bảo sanh Thiên Hồng Ngọc, bà chủ nhà bảo sanh này thừa nhận đã làm 2 giấy chứng sinh cho bà T, mang tên bà T và bà Tr là mẹ đẻ ra 2 cháu bé, mặc dù 2 cháu bé không sinh ra tại nhà bảo sanh này. Bà chủ nhà bảo sanh Thiên Hồng Ngọc còn thừa nhận làm 2 giấy chứng sinh với giá 4 triệu đồng.
Theo cơ quan điều tra, do chưa đủ cấu thành phạm tội hình sự, nên không xử lý hình sự đối với nhà bảo sanh Thiên Hồng Ngọc, nhưng đề nghị UBND quận 1, TPHCM xử lý hành chính đối với nhà bảo sanh này. Cáo trạng của VKSND TPHCM truy tố: 5 bị can Thương, Lan, Quỳ, Phương và Viễn không những xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe con người và quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ mà còn gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, do đó cần xử lý nghiêm để phòng ngừa và răn đe chung. Ngoài ra, hiện Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cũng cho biết đang truy lùng đối tượng Châu, là nhân vật liên quan trực tiếp đến đường dây mua bán trẻ em do Tưởng Đình Thương cầm đầu. Đối với Võ Thị Kiều Trang, vì đã thay đổi ý định bán con (Viễn - chồng hờ của Trang - lừa Trang đi vệ sinh đã bán con và nhận tiền), do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng không xử lý hình sự đối với người mẹ này n
Những bà mẹ khai rằng, vì không có điều kiện nuôi dưỡng, hoàn cảnh nghèo khó nên đã cho con đi, chứ họ không bán con và cũng không biết đường dây của Tưởng Đình Thương nhận con của họ để mua bán, do vậy cơ quan tố tụng không xử lý trách nhiệm hình sự. Các bà mẹ cũng cho biết, họ cho con với hy vọng các cháu sẽ được đến những gia đình khá giả hơn, có điều kiện tốt hơn... Trường hợp bà T và một số người khác nhận con nuôi để chăm sóc, chứ không mua bán, nên cũng không xử lý hình sự.
Trong các vụ mua bán trẻ sơ sinh của đường dây do Tưởng Đình Thương cầm đầu, công an đã tìm lại được 3 cháu bé đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội ở quận Gò Vấp, TPHCM nuôi dưỡng. Riêng cháu bé con chị Nguyễn Hạ Thiên vẫn chưa tìm được, vì vợ chồng ở Gò Dầy, tỉnh Tây Ninh mua cháu bé này đã sử dụng giấy tờ, số điện thoại giả mạo để giao dịch với đường dây của Thương.
Theo Lao Động
Tiết lộ động trời về đường dây mua bán tinh trùng, trứng và đẻ thuê giá trăm triệu Đường dây đẻ thuê giá trăm triệu này còn có sự tiếp tay của một số nhà hộ sinh "lo" thủ tục giấy tờ để hợp thức hóa cho những bé sơ sinh vừa chào đời... Tiết lộ động trời về đường dây mua bán tinh trùng, trứng và đẻ thuê giá trăm triệu Sau khi Công an TPHCM khám phá đường dây...