Sự thật đau lòng sau bức ảnh kền kền đợi ăn thịt em bé
Vinh quang của giải thưởng Pulitzer 1994 không giúp gì cho đứa trẻ người Sudan hay con chim ăn thịt trở nên nổi tiếng nhưng đã khiến một nhiếp ảnh gia tài năng phải tự tìm đến cái chết.
Một bức ảnh quá… nặng
Tại festival ảnh Rencontres d’Arles đang diễn ra tại Pháp, nghệ sĩ người Chi-lê Alfredo Jarr đã trưng bày một tác phẩm có tên Âm thanh của Im Lặng. Tác phẩm này dựa trên bức ảnh huyền thoại của Kevin Carter, nhiếp ảnh gia đạt giải Pulitzer năm 1994. Khán giả sẽ được vào một phòng đen nơi màn hình sẽ trình chiếu trong im lặng một văn bản kể lại cuộc đời của nhiếp ảnh gia Nam Phi này.
Dưới ánh đèn flash nhấp nháy, hình ảnh một bé trai gầy nhom, gục xuống đất vì đói, bên cạnh một con kền kền ăn xác được tái hiện. Đây chính là bức ảnh đem đến cho Carter giải Pulitzer vào năm 1994 và… một vụ tử tự.
Nhiếp ảnh gia người Nam Phi Kevin Carter 33 tuổi, bước vào lịch sử của báo ảnh thế giới với bức ảnh này. Trong nhiều năm làm việc như một phóng viên ảnh, đặc biệt với tư cách là thành viên của câu lạc bộ Bang-Bang, một hiệp hội của bốn nhiếp ảnh gia muốn ghi lại quá trình chuyển đổi của Nam Phi, ống kính của Carter đã gắn liền với những sinh hoạt của những người nghèo khó.
Tháng 3 năm 1993, cùng với Joao Silva, một thành viên của câu lạc bộ Bang-Bang, Carter đến Sudan để điều tra về cuộc nội chiến và nạn đói. Trên đường đến làng Ayod, nhiếp ảnh gia Carter bắt gặp một đứa trẻ gầy giơ xương đang trên đường bò đến trạm cung cấp thực phẩm. Đột nhiên, một con kền kền đến đứng ở phía sau. Đột nhiên, Carter bị xúc động mạnh mẽ bởi khung cảnh của sự nghèo khổ tột cùng, anh nâng máy ảnh lên và chụp.
Bức ảnh đoạt giải Pulitzer của Kevin Carter
Carter đứng ở đó, chờ trong 20 phút, hy vọng con kền kền sẽ bay đi, giang đôi cánh của nó để có được một bức ảnh có sức nặng hơn, nhưng vô ích. Carter đuổi con kền kền đi và chạy một mạch hai dặm, vừa chạy vừa gạt nước mắt.
Khi gặp người bạn Joao Silva, Carter bị xúc động mạnh. Hai mươi năm sau, Silva kể lại: “Anh ấy rõ ràng bị quẫn trí khi giải thích cho tôi những gì anh ấy đã chụp được, anh ấy nói không ngừng và chỉ tay vào không trung. Anh ấy nói về cô con gái Megan và mong muốn ôm chặt cô bé trong tay. Chắc chắn Carter đã bị ảnh hưởng bởi hình ảnh ông ấy chụp được và nó đã ám ảnh anh cho đến những ngày cuối đời”.
Video đang HOT
Ngày 26/3/1993, tờ New York Times công bố bức hình và nó có tác động ngay lập tức. Tòa soạn sau đó nhận được rất nhiều thư của độc giả yêu cầu được biết số phận của đứa trẻ trong bức hình. New York Times mấy hôm sau đăng tải một bài xã luận để thông báo rằng đứa trẻ có thể đã vào được trung tâm cứu trợ nhưng không chắc là bé được cứu sống.
Một năm sau khi bức ảnh được đăng tải, ngày 12/4/1994, Nancy Buirski, biên tập viên ảnh của New York Times gọi cho Kenvin Carter báo tin anh đã giành được giải Pulitzer với bức ảnh này. Giải thưởng uy tín này mang lại cho Carter một cơn lốc chỉ trích khắc nghiệt. Hầu hết mọi người đều tập trung vào đạo đức của các nhiếp ảnh gia trong một tình huống như vậy. “Người đàn ông không từ bỏ mục tiêu của mình để giúp đỡ người khác trong lúc hoạn nạn chỉ có thể là một động vật ăn thịt, một con kền kền trên hiện trường”, tờ St Petersburg Times viết, tự hỏi vì sao Carter không giúp đứa trẻ trong bức ảnh.
Công lý đến muộn
Năm 2011, Alberto Rojas, một phóng viên ảnh cho tờ El Mundo, nhật báo của Tây Ban Nha, đi công tác tại Ayod. Bị ám ảnh bởi bức hình kền kền, anh bắt đầu tìm kiếm thông tin về nó. Rojas chỉ tìm thấy những bài báo chỉ trích Kevin Carter vì không cứu đứa trẻ nhưng không ở đâu có bằng chứng về điều đó. Rojas quyết điều tra để tìm ra công lý.
Rojas bắt đầu bằng cách nói chuyện với người bạn của mình, nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha José Luis Maria Arenzana, người cũng có mặt ở trại tị nạn Ayod vào năm 1993. Lời chứng của ông là một dấu mốc quan trọng mang tính bước ngoặt trong nghiên cứu của Rojas. Arenzana cũng chụp một bức ảnh tương tự. Trong bức ảnh của Arenzana, đứa bé không chỉ có một mình, nó chỉ cách trung tâm chăm sóc có vài mét, bên cạnh đó là cha đứa bé và các nhân viên y tế.
Bức ảnh đó đã đem lại cho Rojas niềm hy vọng, rõ ràng sự xuất hiện của các tổ chức nhân đạo là một thông tin tốt cho đứa bé. “Đứa bé có thể đã sống sót qua nạn đói, con kền kền và những lời nói gở của độc giả phương Tây”, Rojas nói. Rojas tiếp tục điều tra bằng cách tìm đến các nhân viên y tế, các bác sĩ trong tổ chức bác sĩ không biên giới làm việc tại Ayod vào thời điểm đó. Sau đó, Rojas quay lại hiện trường.
Sau khi thực hiện các cuộc gặp trên, Rojas đã gặp được cha của đứa trẻ trong bức ảnh của Kevin Carter. Điều bất ngờ là trong làng Ayod, không một ai từng nhìn thấy bức ảnh này và biết rằng người làng mình đã nổi tiếng trên toàn thế giới. Sự xuất hiện của con kền kền, một điềm xấu so với những người phương Tây thì ở đây thấy rất bình thường, kền kền nhiều không đếm nổi. Và một tin bất ngờ khác, đứa bé thực sự đã sống sót sau nạn đói nhưng đã chết 14 năm sau đó vì một cơn sốt rét.
Nhờ Alberto Rojas, bây giờ chúng ta biết rằng cậu bé trong bức ảnh không bị chết đói, không bị bỏ rơi để trở thành xác thối, làm bữa ăn cho kền kền như các độc giả đã “tiên đoán”. Công lý đã được thực hiện. Nhưng Kevin Carter đã không còn để nhận được tin đó. Anh đã chết sau ba tháng nhận giải Pulitzer.
“Những ký ức dai dẳng về các vụ giết người và các xác chết” đã ám ảnh nhiếp ảnh gia này từng giây từng phút. Không có một chút vinh quang nào, không hy vọng, không niềm vui. Vinh quang của giải thưởng Pulitzer cũng không giúp gì cho đứa trẻ người Sudan hay giúp con chim ăn thịt trở nên nổi tiếng nhưng đã khiến một nhiếp ảnh gia tài năng phải tự tìm đến cái chết. Truyền thông đã trở thành một con kền kền đối với Kevin Carter, một đứa trẻ một mình, một mình thực sự trên thế giới.
Một nghịch lý cho đến nay mọi người đều phải công nhận: Bức ảnh này có giá trị gấp nhiều lần những cuộc biểu tình hay các cuộc chiến. Và, cái chết của Kevin là bài học cho cả thế giới.
Cái chết và gia cảnh cơ hàn của nhiếp ảnh gia Vài tháng sau khi nhận được giải thưởng cao quý, Kevin Carter được cảnh sát tìm thấy chết vì ngộ độc khí gas trong xe hơi của mình. Trong bức thư tuyệt mệnh, anh viết: “Tôi hoàn toàn suy sụp, không điện thoại, không tiền thuê nhà, không tiền nuôi con, không tiền trả nợ… Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sờ sờ về sự chết chóc, những xác chết, cơn giận dữ và nỗi đau… về những đứa trẻ chết đói… về những người đàn ông điên khùng, thường là những kẻ hành hình…”.
Theo VTC
Báo chí vô cảm: Việt Nam cũng dự phần
Câu chuyện thông tin và đạo đức báo chí lâu nay đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của chính báo chí, nhưng nó vẫn luôn nóng hổi như mới hôm qua.
Việc Đài truyền hình KBS nổi tiếng của Hàn Quốc quay lại toàn bộ vụ tự tử của đại diện tổ chức phi chính phủ Korean Men's Association đã khơi dậy một cuộc tranh luận gay gắt về đạo đức nhà báo.
Tờ Tuổi trẻ dẫn tin theo The Dong-a Ilbo, ông Sung Jae Ki, 46 tuổi, người Hàn Quốc, đã nhảy xuống sông tự tử vào chiều 26/7 trước sự chứng kiến của ba cộng sự và các phóng viên Đài truyền hình KBS. Ngay vào lúc nguy cấp nhất, các phóng viên KBS cứ đứng yên để quay phim mà không ngăn cản.
Các phóng viên và cộng sự của KBS quay phim, chụp ảnh khoảnh khắc ông Sung Jae Ki nhảy khỏi cầu. Ảnh: CRI
Chiều 25/7, Sung viết trên mạng xã hội cho biết sẽ nhảy khỏi cầu Mapo bắc qua sông Hàn (Seoul) để xin vay tiền. "Tôi hi vọng các bạn sẽ cho chúng tôi cơ hội cuối cùng. Hãy cho chúng tôi mượn 100 triệu won để chúng tôi trả nợ", Sung viết. Theo những cộng sự của Sung, ông này cho rằng mình sẽ không chết khi nhảy khỏi cầu (nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể).
Do mắc một số nợ lớn, ông Sung đã nghĩ ra cách tự tử để thu hút sự chú ý của dư luận.
Tờ The Dong-a Ilbo cho biết hành động ghi hình của ba đồng sự trong Tổ chức Korean Men's Association cùng các phóng viên của KBS có thể đã khuyến khích Sung thực hiện màn tự tử trên. Tờ báo này nhận định các phóng viên đã không tuân theo những chuẩn mực đạo đức báo chí khi vẫn quay phim mà không hề ngăn cản việc nhảy cầu, khi ai cũng biết việc nhảy xuống sông Hàn khi mực nước cao và dòng chảy quá mạnh là vô cùng nguy hiểm.
Câu chuyện này lại làm tôi nhớ câu chuyện của tác giả bức ảnh "Kền kền chờ đợi" của tác giả Kevin Carter - phóng viên ảnh người Nam Phi, đoạt giải Pulitzer vào tháng 4/1994. Bức ảnh chụp ở miền nam Sudan, tả lại cảnh một cháu bé suy dinh dưỡng đang kiệt sức cố lết tới nơi phát lương thực cứu trợ của Liên hợp quốc, phía sau con kền kền đứng đợi cháu bé tắt thở để ăn thịt.
Tuy nhiên bức ảnh gây nhiều phản ứng trái chiều, nhiều người lên tiếng chỉ trích tác giả vì không cứu đứa bé, dù anh đã đuổi con kền kền đi, và không ai rõ số phận của cháu bé này sau đó ra sao.
Chính bức ảnh và phản ứng của dư luận đã khiến Kevin Carter gặp vấn đề về tâm lý.
Ngày 27/7/1994, Kevin Carter được cảnh sát tìm thấy chết vì ngộ độc khí gas trong xe hơi của mình, khi đó anh mới 33 tuổi. Bức thư tuyệt mệnh của anh viết: "Tôi hoàn toàn suy sụp, không điện thoại, không tiền thuê nhà, không tiền nuôi con, không tiền trả nợ... Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sờ sờ về sự chết chóc, những xác chết, cơn giận dữ và nỗi đau... về những đứa trẻ chết đói... về những người đàn ông điên khùng, thường là những kẻ hành hình...".
Trong hai trường hợp trên, trước cái chết, các phóng viên chỉ đứng nhìn và thực hiện công việc của mình - ghi lại cảnh đang diễn ra, cái chết cận kề mà không hề có hành động cứu giúp. Vấn đề đặt ra ở đây là, trong những trường hợp đó cần cứu người hay là ghi lại khoảnh khắc có một không hai, nếu cứu người sẽ không bao giờ có thước phim, bức hình về cảnh tượng cuối cùng của sự sống đó, còn nếu ghi lại nhân vật trong tác phẩm đấy sẽ chết, lựa chọn cái nào?
Và lúc này người ta sẽ đặt ra vấn đề đạo đức nghề nghiệp, thậm chí đơn giản hơn là tinh thần cứu giúp đồng loại.
Tương tự như vậy, ngay tại Việt Nam ta, cũng không ít trường hợp mà khi thông tin, hành ảnh được đưa lên người ta đặt ra câu chuyện đạo đức nhà báo. Mới hôm qua thôi, một tờ báo điện tử đăng một chùm ảnh với cái tít rất &'kêu': "Rùng rợn cảnh "xẻ thịt" ở nhà xác Đại học Y TP. HCM", chìm ảnh ghi lại những cái xác người được hiến tặng cho trường Đại học Y TP. HCM phục vụ nghiên cứu và sinh viên y khoa thực hành, với những cảnh đầu lìa khỏi xác, phanh bụng, lột da... Vì ghi lại những cảnh quá rùng rợn, độc giả phản đối nên ít lâu sau tòa soạn đã phải gỡ bài, nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ để các trang tin tổng hợp, diễn đàn lấy lại và lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Còn những bức ảnh rùng rợn về tai nạn giao thông, xác người chẹt trong bánh xe, máo me bê bết đã không còn xa lạ trên báo chí. Thậm chí, cách đây vài năm khi một chiếc xe tải chở xi măng đâm vào gốc cây xà cừ ở đầu đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) khiến anh tài xế mới 23 tuổi tử vong tại chỗ. Sau gần nửa ngày chiếc xe được lực lượng cứu hộ kéo ra anh tài xế tử vong trong tư thế ngồi ôm vô lăng mắt nhìn thẳng đã được một tờ báo điện tử ghi lại rõ nét, thậm chí để tạo sự chú ý hơn, phóng viên đã xử lý ảnh bằng cách thêm một vòng tròn đỏ và múi tên chỉ vào người tài xế. Ảnh đăng lên được vài tiếng độc giả phản đối vì quá rùng rợn, tòa soạn đã phải gỡ ảnh.
Những trường hợp như vậy vẫn diễn ra, có thể do vô tình hoặc cố ý vì các mục đích khác nhau, thậm chí để giật gân, câu khách nên một số phóng viên, tòa soạn vẫn thược hiện, bất chấp tính nhân văn, đạo đức của báo chí.
Theo Phunutoday
Bằng chứng người ăn thịt người đã rõ Sau hành trình 16 tuần vượt Đại Tây Dương, Jane, 14 tuổi đến từ miền Nam nước Anh, tới Jamestown, thuộc địa đầu tiên của Anh tại châu Mĩ. Với hi vọng có một cuộc sống mới nhưng thật không may cô lại bị chính đồng đội của mình ăn thịt. Chân dung cô gái bị đồng loại ăn thịt Hàng thế kỷ...