Sự thật đằng sau vụ 7 triệu/ 1 con lợn giống: Dân đâu biết giá!
Thực hiện Chương trình 30a tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, việc cấp một con lợn giống Móng Cái 30kg với giá 7 triệu đồng đang gây xôn xao dư luận. Người dân nghèo chỉ biết nhận lợn, không hề biết giá trị con lợn mình nhận lên đến 7 triệu đồng. Phóng viên Dân Việt đã tìm hiểu và bóc trần thêm nhiều sự thật khác.
Không họp dân lấy ý kiến
Ông Điêu Văn Vưỡng, bản Huổi Sáng, xã Lê Lợi trao đổi với phóng viên Dân Việt về việc không đồng tình huyện cấp giống lợn Móng Cái cho hộ nghèo, vì giá quá cao.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Lò Văn Trịnh, Trưởng bản Nậm Ty, xã Nậm Hàng cho biết: “Chúng tôi được Phòng NNPTNT huyện thông báo ngày giờ đến nhận lợn, chứ không biết giá trị thật của con lợn bao nhiêu tiền. Với số tiền 7 triệu đồng/con như huyện cấp thì người dân ở đây sẽ mua được 4 con lợn với trọng lượng từ 30kg trở lên”. Năm 2016 cả bản Nậm Ty được cấp 26 con lợn Móng Cái, thì có 10 con bị chết, số còn lại nuôi đã gần 1 năm nhưng chỉ có vài con sinh sản”.
Anh Vàng A Dính, bản Huổi Van 2, xã Nậm Hàng bức xúc nói: “Với bản vùng cao như thế này đưa giống lợn Móng Cái vào nuôi sẽ không chịu được rét, dù lợn có sống cũng không sinh sản tốt. Người Mông chúng tôi quanh năm sống trên núi cao nào có biết giống lợn Móng Cái là loại gì đâu. Khi thấy thông báo đi nhận lợn thì những hộ trong danh sách xuống nhận về nuôi. Năm 2016 cả bản được cấp 38 con lợn thì có 34 con chết. Số tiền đấy để người dân đi mua lợn rồi huyện vào kiểm tra, trả tiền thì bà con mua được 4 con chứ không phải 1 con. Giá lợn địa phương ở đây loại 30kg/con trở lên chỉ khoảng 50.000 – 70.000 đồng/kg”.
Theo anh Lò Văn Trịnh, giống lợn Móng Cái tỏ ra không thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, cách chăm sóc của địa phương. Những con chết đều chung một nguyên nhân là bỏ ăn, ho và chết, mặc dù đã được thú ý tiêm thuốc. “Người dân trong bản đã kiến nghị không cấp giống lợn Móng Cái mà cấp giống lợn địa phương để bà con chăm sóc tốt hơn nhưng không hiểu sao huyện vẫn cấp. Nuôi lợn Móng Cái không sinh sản được như lợn địa phương vì không hợp khí hậu, trong khi đấy lợn địa phương đẻ tốt, nuôi dễ, giá cả lại rẻ, người nuôi bán cũng có lãi” anh Trịnh lắc đầu ngao ngán khi nói về giống lợn Móng Cái
Cách bản Huổi Van 2 không xa, bản Huổi Van 1 được cấp 39 con thì 34 con bị chết, nguyên nhân đều giống nhau với triệu chứng là lợn ho, bỏ ăn và chết.
Theo anh Lò Văn Suông, bản Huổi Van 1 thì lợn Móng Cái chết là do không hợp khí hậu, cách chăm sóc: “Ở dưới xuôi, họ nuôi lợn bằng cám tăng trọng, ở đây bà con cho ăn bằng cám ngô, sắn thì làm sao lợn không chết. Lợn đang ăn quen cám tăng trọng, bà con nhận về cho ăn cám ngô không quen, dẫn đến lợn bỏ ăn và chết. Nhưng các hộ được nhận giống lợn Móng Cái là những hộ có điều kiện khó khăn họ còn phải lo ăn từng bữa thì thì lấy đâu ra tiền để mua cám tăng trọng cho lợn” anh Suông buồn rầu nói.
Video đang HOT
Trong khi đấy giống lợn địa phương có giá thành rẻ, lợn sinh trưởng, sinh sản tốt hơn nhiều so với giống lợn Móng Cái được cấp cho các hộ nghèo
Tại sao cứ phải cấp lợn Móng Cái?
Câu hỏi này được ông Điêu Văn Ấn, trưởng bản Lai Hà, xã Lê Lợi đặt ra khi làm việc với phóng viên Dân Việt. Ông Ân bức xúc nói: “Cuối năm 2016, bản Lai Hà được cấp 8 con lợn Móng Cái cho 8 hộ nghèo, nhưng cấp xong thì có 6 con chết. Trong khi các năm trước cũng cấp lợn Móng Cái, người dân nuôi, con nào sống thì đẻ đến lứa thứ 3 là chất lượng con giống không tốt. Trong khi giống lợn địa phương sinh sản rất tốt, giá lại rẻ, thì Nhà nước không cấp ? 1 con lợn Móng Cái có giá thành bằng 4 con lợn địa phương, tại sao cứ phải cấp lợn Móng Cái”.
“Chúng tôi không mặn mà với giống lợn Móng Cái, vì biết nhận về nuôi tỷ lệ chết rất cao. Thực tế 3 năm qua cả bản được cấp nhiều lần giống này rồi, tỷ lệ chết lên đến trên 60%. Chúng tôi đã đề nghị các cơ quan chức năng, không cấp giống lợn này nữa, nếu cấp thì cấp giống địa phương, nhưng họ không nghe, vẫn cấp. Tiền thì nhà nước vẫn mất mà hộ nghèo không thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi” anh Điêu Văn Vưỡng, bản Huổi Sáng, xã Lê Lợi cho biết.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Theo Danviet
Thôi việc công ty ngoại, về trồng hoa giỏ, bỏ túi chục triệu/tháng
Thôi công việc tại một công ty nước ngoài, anh Nguyễn Ngọc Chương, quê thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) về nhà khởi nghiệp bằng nghề trồng hoa giỏ, bỏ túi trên 20 triệu đồng/tháng.
Những giỏ hoa đầy màu sắc được anh Chương chăm chút hàng ngày.
Chuyên gia hạt giống và trồng hoa
Năm 2008, sau một thời gian rời quê vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp, Chương được giới thiệu làm việc tại một công ty nước ngoài chuyên cung cấp hạt giống hoa. Quá trình đi tìm hiểu thị trường, cung cấp giống, Chương có cơ hội đến hầu hết các làng hoa nổi tiếng trên khắp cả nước, tiếp xúc với rất nhiều nông dân 3 miền Bắc-Trung-Nam. Và từ đó, ước muốn "làm nông dân" ngấm vào anh lúc nào không hay.
"Trước đây, tôi làm công việc chuyên đi đây đó hỗ trợ kỹ thuật, chọn cây giống phù hợp cho các địa phương, giúp công ty quản lý thị trường hạt giống hoa tại Việt Nam. Có chút kinh nghiệm về trồng hoa, năm 2013, tôi quyết định nghỉ hẳn việc ở công ty để về thuê đất trồng hoa giỏ, cung cấp giống và sản phẩm hoa cho thị trường", anh Chương kể.
Bên cạnh những khu sặc sỡ sắc hoa là khu anh Chương trồng những loại cây kiểng, lá kiểng xanh mướt.
Ban đầu, với số tiền tích góp được và vay mượn thêm của người thân, Chương quyết định đầu tư xây dựng cơ sở trồng hoa khá hiện đại tại huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh. Trên diện tích rộng 1ha, anh cho gieo trồng gối đầu các loại hoa như dạ yên thảo, dừa cạn, cát tường, thu hải đường, cúc pha lê, cẩm chướng...trong chậu nhựa.
"Tại cơ sở ở Củ Chi, mình chủ yếu tập trung làm hoa Tết, khoảng 40.000-60.000 chậu hoa các loại/vụ. Sau khi trừ chi phí, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm", Chương chia sẻ.
Sau 3 năm làm ăn thuận lợi và tích cóp được số vốn kha khá, đầu năm 2016, anh Chương suy tính muốn tiếp tục mở rộng thị trường. Thế là anh đem nghề trồng hoa giỏ treo về quê Quảng Nam - Đà Nẵng, với ước muốn sẽ hình thành1t khu vườn có mặt đầy đủ các chủng loại hoa trên khắp đất nước.
Kiếm trên 20 triệu đồng/tháng
Tháng 4.2016, Chương về Đà Nẵng thuê 6.000m2 đất ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) và bỏ ra gần 500 triệu đồng để đầu tư cơ sở giàn lưới, hệ thống tưới,...Sau hơn 2 tháng, vườn hoa nở rộ, bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ cách trồng gối đầu liên tục các loại hoa nên chưa khi nào cơ sở của anh thiếu hàng.
Công việc trồng hoa giỏ khi đã đi vào ổn định giúp anh Chương có nguồn thu nhập cả hàng chục triệu đồng/tháng ở cả 2 cơ sở sản xuất tại Đà Nẵng và TP. HCM.
Anh Chương tự tin cho biết: "Hoa được cung cấp tại Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định...Hiện tại, với cơ sở tại Đà Nẵng, bình quân mỗi tháng, tôi xuất ra khỏi vườn khoảng 1.000 - 1.500 chậu, giá từ 15.000 - 40.000 đồng/chậu (tùy loại). Sau khi trừ chi phí, tôi kiếm được 20 triệu đồng/tháng...".
Chương chia sẻ, đa số các loại hoa trồng từ 70 - 90 ngày là có thể xuất bán, nhưng cũng có loại 6 tháng như hoa cát tường, thu hải đường,...Mô hình trồng kinh doanh hoa giỏ treo tuy không mới nhưng không phải ai muốn cũng làm được, bởi đòi hỏi phải am hiểu kỹ thuật...
"Mình thành công ban đầu cũng từ kinh nghiệm đi nhiều nơi học hỏi. Thuận lợi nữa là thị trường hoa giỏ còn mới, chưa có ai làm chuyên nghiệp. Mình có cơ sở trồng trong phố nên thuận lợi khi vận chuyển. Tuy nhiên, thời tiết miền Trung thất thường, hoa có nhiều bệnh, phải đầu tư theo kiểu khép kín mới lâu dài, đòi hỏi nguồn vốn nhiều,... Hơn nữa, để thành công với nghề này, trước hết phải có đam mê...", Chương thổ lộ.
Mô hình trồng hoa giỏ của anh Chương được nhiều người biết tới, nhất là các bạn trẻ muốn khởi nghiệp bằng nghề trồng hoa, cây kiểng.
Được biết, hiện cơ sở sản xuất hoa giỏ của Chương đang tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên, với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Ngoài trồng hoa, cơ sở của anh còn cung cấp, phân phối các cây lá kiểng, cây thành phẩm, cây ăn trái các loại...
Chương dự tính sẽ phát triển cơ sở tại Đà Nẵng thêm 1.000 m2 nhà lưới để trồng nhiều loại hoa nữa. Và anh cho biết luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những ai yêu thích nghề này. Bạn đọc nào quan tâm tới mô hình, xin liên hệ với anh Ngọc Chương theo số điện thoại: 0916 516 367.
Theo Danviet
"Hot girl" 9X thiến lợn siêu tốc chia sẻ cách chăm lợn nái mới sinh Không chỉ được biết đến như một "hot girl" 9X Hà Giang có biệt tài thiến lợn nhanh như máy, cô gái xinh đẹp Nguyễn Thanh Tú còn có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi hữu ích khác chia sẻ cùng bà con, như cách thức chăm sóc lợn nái mới sinh thế nào cho hiệu quả Thanh Tú chăm sóc lợn nái mẹ...