Sự thật cuộc chiến đường hầm tại Dải Gaza
Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại dải Gaza từ ngày 07/7. Cho đến sáng 17/7, các cuộc tấn công được tiến hành chủ yếu từ trên không và từ biển.
Bắt đầu từ chiều ngày 17/7, Israel đã tiến hành chiến dịch trên bộ với nhiệm vụ chủ yếu lúc này là phá hủy các đường ngầm do các chiến binh Palestin đào dưới biên giới Israel- Gaza.
Vậy tại sao Israel phải tiến hành chiến dịch trên bộ để phá hủy các đường ngầm ? Chúng tạo ra mối nguy cơ nào đối với an ninh của Israel ? Xin giới thiệu với bạn đọc một số thông tin về những đường ngầm này .
Một đường hầm ngầm dưới dải Gaza .Ảnh : Jack Guez / AFP
Và khung cảnh đổ nát trên mặt đất . Ảnh REUTERS/ Suhaib Salem
1. Mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh Israel
Trong các năm cầm quyền ở dải Gaza ( từ năm 2007), Hamas đã xây dựng được một mạng lưới các đường hầm sâu dưới lòng đất vùng giáp ranh lãnh thổ Palestin, Ai cập và Israel.
Nếu như trước kia , các đường ngầm này chủ yếu dùng để vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng hóa thì hiện nay chúng còn được sử dụng để vận chuyển vũ khí vào dải Gaza (để tấn công Israel). Các chiến binh Hamas cũng sử dụng những đường hầm thông sang lãnh thổ Israel để tổ chức các hoạt động xâm nhập, biệt kích , bắt cóc v.v.
Như vậy , các đường hầm này của Palestin là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Israel. Theo các số liệu của Bộ Quốc phòng Israel thì chỉ trong nửa năm trở lại đây đã có 20.000 khẩu súng bộ binh, 6.000 tên lửa chống tăng và hơn 100 tấn thuốc nổ đã được đưa vào dải Gaza qua kênh vận chuyển này.
Hiện chưa có số liệu nào về số lượng các đường hầm, nhưng có nhiều thông tin cho rằng con số đó không ít hơn 1.000 ( có số liệu là 1.200 ).
E.Satanovski , giám đốc Viện Trung Đông Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận xét : ” sự tồn tại của một số lượng lớn các đường hầm như vậy là một bất ngờ lớn đối với người Israel. Hệ thống này có 3, 4 tầng, có hệ thống phòng thủ theo tuyến, các hầm dành cho các chiến binh (có thể chứ được ít nhất là 15 người ).
Chúng thông với nhau và các chiến binh Hamas có thể cơ động từ đầu này đến đầu kia. Trong các đường ngầm này có các sở chỉ huy, kho tên lửa, kho vũ khí, các bệ phóng tên lửa, các xưởng sản xuất tên lửa tầm trung có tầm bắn đủ với tới tất cả các thành phố của Israel “.
2. Một số thông tin về các đường ngầm
Theo một số nguồn tin được báo Nga trích lại thì những đường ngầm đầu tiên xuất hiện vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước nhưng số lượng không nhiều. Một số đường ngầm dẫn sang lãnh thổ Ai cập được sử dụng để vận chuyển hàng tiêu dùng và thuốc chữa bệnh.
Nhưng từ năm 2007, khi tổ chức Hamas lên nắm quyền tại dải Gaza thì tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Hamas lên nắm quyền có phần ” đóng góp không nhỏ ” của Mỹ . Năm 2005 , ngoại trưởng Mỹ lúc đó K, Rice đã kiên quyết yêu cầu phải để tổ chức cực đoan Hamas (không được “Phong trào giải phóng Palestin” do I.Araphat đứng đầu công nhận) được tham gia tổng tuyển cử.
Và như đã thấy, tổ chức này đã thắng cử. Ngay sau đó, Hamas đã thiết lập một chế độ toàn trị trên dải Gaza và có thái độ không khoan nhượng đối với nhà nước Do thái.
Để đáp trả những hành động cực đoan của Hamas, Israel cùng với Ai cập đã tuyên bố phong tỏa dải Gaza cũng từ năm 2007. Tất cả mọi phương tiện vận tải vào Gaza đều bị chính quyền Israel kiểm soát (để ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí). Tại dải Gaza bắt đầu xảy ra tình trạng khan hiếm các mặt hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm.
Video đang HOT
Và chính từ thời điểm này, việc đào các đường hầm xuyên biên giới bắt đầu ” được đẩy mạnh” . Ngoài chức năng ban đầu là vận chuyển hàng hóa, các đường hầm này bắt đầu được sử dụng để tuồn vũ khí vào dải Gaza.
Một chiến binh Palestin đang xuống đường hầm dẫn sang lãnh thổ Ai cập .27/3/2013 .Ảnh : Said Khatib / AFP
Kết cấu của đường hầm cũng trở nên phức tạp hơn và hoàn thiện hơn. Chúng được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, các phương tiện thông tin liên lạc, các quạt thông gió và được ” bê tông hóa”.
Điều nghịch lý là chính Isarel và cả Liên Hợp Quốc đã ” vô tình giúp đỡ ” Palestin kiên cố hóa hệ thống các đường ngầm này vì đã cung cấp cho Palestin vật liệu xây dựng trong các gói trợ giúp nhân đạo. Vấn đề là ở chỗ sau các cuộc chiến tranh năm 2009 và 2012, theo các điều kiện của thỏa thuận ngừng bắn thì nhà nước Do thái phải cung cấp cho chính quyền dải Gaza một khối lượng lớn xi măng để xây dựng lại các thành phố (như một dạng bồi thường chiến tranh ).
Kể cả Israel lẫn Liên Hợp Quốc đều không hề nghi ngờ (vào thời điểm đó) là có hơn 50 % lượng xi măng mà Israel cung cấp được Hamas sử dụng để kiên cố hóa các đường ngầm đào nối các vùng khác nhau trên dải Gaza với các vùng đất trên lãnh thổ Israel và cả Ai cập.
Các chiến binh đặc nhiệm Hamas trong quân phục của binh sỹ Israel (Israel trong chiến dịch đang tiến hành đã tìm thấy nhiều kho chứa quân trang của Quân đội Israel trong các kho của Hamas dưới đường ngầm), có thể bất ngờ xuất hiện trên lãnh thổ Israel, giết binh sỹ Israel hoặc bắt cóc con tin như đã nói ở trên.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Israel thì từ năm 2007 đến nay, Hamas đã chi 1,25 tỷ đô la để xây dựng các đường ngầm. (với số tiền này, theo tính toán của các chuyên gia, Hamas có thể xây dựng được 2 bênh viện lớn, 20 trường học, 3 tòa nhà văn phòng cao tầng và 3 trung tâm thương mại lớn).
Nhưng sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu biết rằng khoản tiền mà Hamas thu được khi xây dựng hệ thống đường ngầm này. Cụ thể: Hamas thu 15% lợi nhuận của các băng buôn lậu Palestin với một điều kiện duy nhất – không được đưa vào dải Gaza 3 mặt hàng là ma túy, thuốc lá và đồ uống có cồn.
Nhiều nhà phân tích am hiểu cho rằng từ năm 2006, đã có một sô lượng rất lớn các mặt hàng có nhu cầu cao tại Gaza như: thịt tươi, hoa quả, sôcôla, quần áo, giấy vệ sinh đã được đưa từ Ai cập sang Gaza qua các đường hầm này.
Thậm chí, các băng nhóm buôn lậu còn vận chuyển cả ô tô, thuyền buồm, mô tô ( đã tháo rời ) cũng từ Ai cập cũng được vận chuyển qua tuyến giao thông “dưới đất” này . Một trong những những mặt hàng bán có lời nhất ngoài vũ khí là xăng dầu cũng được đưa từ Ai Cập sang qua các đuờng ống chạy dọc theo các đường ngầm.
Chỉ trong vòng vài năm, công việc đào và khai thác các đuờng ngầm đã trở thành ” ngành kinh tế ” thịnh vượng nhất của dải Gaza . Đã có hơn 30.000 người Palestin làm việc trong ” ngành ” này (dân số dải Gaza khoảng 1,7 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp là 32 %- số liệu năm 2013).
Rất nhiều trẻ em Palestin từ 14 tuổi trở lên cũng tham gia, hoặc là thi công hoặc làm ” cửu vạn” dưới các đường hầm . Chúng có thể kiếm được tới 20 đôla một ngày và đối với dân địa phương thì đây là một món tiền không nhỏ .
Vì vậy mà dù mỗi tháng có tới hàng chục người chết do các kiểu tai nạn khác nhau dưới các đường ngầm nhưng số người muốn tham gia vào các ” dịch vụ” tại đây vẫn không hề giảm đi.
Một người Palestin đang làm việc dưới đường ngầm. 11/9/2013 Ảnh: Mahmud Hams / AFP
Khoản đầu tư ban đầu để đào (và kiên cố hóa ) được một đường ngầm là vào khoảng vài trăm nghìn đôla (có thông tin cho rằng khoảng từ 1 triệu đô la) . Nhưng khoản chi này sẽ hoàn vốn chỉ trong vòng từ 4 đến 5 tháng, còn sau đó chủ nhân chỉ việc thu lãi.
Một số chuyên gia tính toán rằng, lợi nhuận thu được chỉ từ một đường ngầm có thể lên tới vài nghìn đô la mỗi ngày, và như vậy trong một năm – sẽ hơn 1 triệu đô la. Chính vì thế mà hiện nay , chủ nhân của các đường ngầm chính là những người giàu có nhất dải Gaza.
Tờ ” The Guardian ” nhận xét : ” Một số người ( Palestin) kiếm nhiều tiền từ ” nền kinh tế đường ngầm” và tại dải Gaza đã xuất hiện một lớp người giàu có có thể tự cho phép mình ăn trưa tại các khách sạn sang trọng “. Dĩ nhiên, một ” giai cấp tư sản đường ngầm” mới không chỉ có trong những người Palestin mà còn cả trong giới cảnh sát và quan chức Ai cập bảo kê cho các nhóm buôn lậu.
Phải nói rằng, mối quan hệ làm ăn giữa một ” bộ phận không nhỏ” người Ai cập và các nhóm buôn lậu Palestin qua các đường ngầm này đã đạt đến mức độ hoàn hảo . Dân cư dải Gaza có thể đặt mua bất cứ mặt hàng gì họ muốn từ nước láng giềng Ai cập .
Dĩ nhiên, giá cả thường đắt gấp ba . Điều ít người biết là những người Palestin rất ưa chuộng các sản phẩm của KFC. Để được đáp ứng nhu cầu này , chỉ cần một cú điện thoại gọi cho nhà hàng nào đó trên đất Ai cập.
Đối tác của các phần tử buôn lậu tại đây sẽ mang gói hàng theo ý khách đến cửa xuống của đường hầm và tại đó đã có ” cửu vạn” chờ sẵn” để chuyển giao cho khách . Thường thì từ lúc đặt hàng đến lúc nhận chỉ khoảng vài giờ đồng hồ .
Một ” cửu vạn” mang đồ ăn KFC về dải Gaza , ngày 13 /5 2013.
3. Những khó khăn của Israel trong việc giải quyết vấn nạn đường ngầm
Thứ nhất : Do các đường hầm được xây dựng kiên cố cho nên việc phá hủy chúng tốn nhiều thời gian và rất phức tạp.
Thứ hai : Rất khó phát hiện. Nếu như trước đây các chiến binh Hamas thường đào các cửa lên xuống trong các nhà kính ( dùng để trồng cây – do người Israel xây dựng, sau khi Israel rút quân thì các nhà kính này được Liên Hợp quốc mua lại và chuyển giao cho người Palestin) thì thời gian gần đây các cửa lên xuống các đường ngầm được Hamas bố trí ngay trong các bệnh viện, nhà thờ Hồi giáo, nhà trẻ, trường học và các khu nhà ở (tức các mục tiêu dân sinh – vì vậy mà nhiều dân thường thiệt mạng khi Israel không kích hoặc bắn tên lửa để phá hủy các cửa lên xuống , mặc dù trước khi không kích phía Israel luôn thông báo để các thường dân Palestin rời khu vực này).
Một ví dụ điển hình : Sở chỉ huy ngầm của Hamas được bố trí ngay dưới bệnh viện ” Shif” , – để có thể tiêu diệt được đầu não của Hamas, Israel buộc phải hoặc là tấn công bệnh viện ( dể dẫn đến tổn thất sinh mạng binh lính Israel ), hoặc là phải sử dụng bom khoan sâu chống các boongker ngầm.
Tuy nhiên, loại bom này rất đắt và Israel cũng không có nhiều (mục tiêu của các bom này là các cơ sở hạt nhân của Iran).
Thứ ba: Việc đánh sập hoặc dùng xe ủi lấp các cửa lên xuống các đường ngầm cũng không thực sự hiệu quả bởi vì các chiến binh Hamas dễ dàng khôi phục lại chúng. Israel thừa hiểu rằng nếu như bây giờ họ rút ra khỏi dải Gaza, thì chỉ từ 2 đến 3 năm sau các đường ngầm bị đánh sập này sẽ hoạt động trở lại ( có khi còn sớm hơn).
Để giải quyết những khó khăn trên, trong chiến dịch quân sự lần này, ngoài các phân đội đặc nhiệm, Israel đã đưa vào sử dụng các robot trinh sát chiến thuật ( MTGR) . Nhiệm vụ chính của các MTGR – thay thế con người phát hiện các đường ngầm thường bị cài mìn hoặc được các chiến binh Hamas bảo vệ.
MTGR với chiều cao 60 cm và nặng 9 kg được trang bị 5 camera – nhờ có các camera này MTGR có thể quan sát tất cả những gì đang diễn ra xung quanh nó. Trên cơ sở những dữ liệu nhận được từ MTGR , các chuyên gia Israel vẽ bản đồ của các đường ngầm để xác định vị trí và sau lính công binh sẽ được cử đến để đánh sập. Hiệu quả hoạt động của MTGR đến đâu, hiện chưa có nhiều thông tin.
Robot MTGR
Robot MTGR đang hoạt động trong đường hầm
4. Tin mới nhất về chiến dịch quân sự của Israel tại dải Gaza
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Israel thì đến 12 giờ (giờ VN) ngày 5/8 ( khi thỏa thuận ngừng bắn 72 giờ có hiệu lực), Quân đội Israel đã tấn công 4.762 mục tiêu, tiêu diệt từ 750 đến 1.000 chiến binh, tiêu diệt 2/3 tiềm lực quân sự của Hamas. Phía Hamas đã phóng 3.356 qủa tên lửa ( 1/3 số tên lửa của Hamas ) vào lãnh thổ Israel , 1/3 số tên lửa khác đã bị Quân đội Israel phá hủy.
Nhưng theo các tướng lĩnh và các chính khách Israel thì kết quả quan trọng nhất của chiến dịch chính là việc Quân đội Israel đã phá hủy được 32 đường ngầm, trong đó có 14 đường ngầm dẫn sang lãnh thổ Israel.
Phía Israel có 67 người thiệt mạng, trong đó có 64 người là binh lính và sỹ quan. Đây là tổn thất lớn nhất của Israel kể từ cuộc chiến Li Băng năm 2016 đến nay. Có 546 người bị thương, trong đó có 463 quân nhân.
Còn theo số liệu của Cơ quan y tế dải Gaza thì có 1.884 người Palestin thiệt mạng , 9.567 người bị thương . Có 10.000 ngôi nhà bị phá hủy ( tổng diện tích của dải Gaza là 360 km2 ) . Tổng thiệt hại được các giới chức Gaza ước tính là vào khoản từ 4 đến 6 tỷ đô la.
Hiện nay, các bên đang đàm phán( không trực tiếp – qua sự trung gian của Ai cập ) về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài . Chưa biết có thành công hay không và nếu thành công thì trong thỏa thuận ngừng bắn mới có điều khoản nào về việc Israel phải cung cấp xi măng cho Hamas xi măng để ” tái thiết ” hay không.
Theo Đất Việt
Những hậu quả của cuộc chiến giữa Palestine và Israel ở Dải Gaza
Dải Gaza đã tạm im tiếng súng khi Israel rút bộ binh ra khỏi Gaza, bắt đầu 72 giờ ngừng bắn với Hamas từ chiều 5/8.
Nhiều cư dân ở Dải Gaza đã rậm rịch trở về nhà, nhưng trước mắt họ là cảnh hoang tàn đổ nát chỉ sau một tháng chiến tranh. Chiến sự tạm lắng nhưng một cuộc chiến không kém phần khốc liệt khác đang lộ ra, đó là khủng hoảng nhân đạo.
Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế Peter Maurer ngày 4/8 đến thăm Dải Gaza đã bàng hoàng trước cảnh nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị bom đạn tàn phá. Ông Maurer cảm thấy thất vọng vì Tổ chức này đã không thể làm gì hơn để bảo vệ dân thường.
Một ngôi nhà của người dân Palestine tan hoang sau đạn pháo của Israel (Ảnh AP)
Ông Maurer nói: "Tôi đã chứng kiến nhiều thương vong của cuộc chiến tranh trong những tuần qua tại đây. Điều đó khiến tôi có cảm giác bị sốc. Những gì chứng kiến khiến tôi có cảm giác giận dữ, thất vọng về một thực tế là chúng tôi đã không thể ngăn chặn những gì đã diễn ra".
Cùng ngày, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc trong cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sỹ cho biết, hơn 400 trẻ em Palestine bị thiệt mạng trong gần 1 tháng Israel mở chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. Khoảng 373.000 em bị chấn thương trực tiếp, cần được hỗ trợ tâm lí đặc biệt.
Người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc Christopher Tidey lưu ý, hàng trăm nghìn trẻ em bị chấn thương nặng về tâm lý bởi các em tận mắt chứng kiến nhiều người, trong đó cha mẹ, họ hàng bị giết, chứng kiến nhà cửa, khu dân cư bị tàn phá ở mức độ chưa từng có.
Người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho biết, trước mắt trẻ em ở Gaza không có nơi nào để đi học: "Thiệt hại đối với các trường học ở Dải Gaza là chưa từng có. Tôi nghĩ có hơn 140 trường học ở Dải Gaza bị hư hại, hoặc hoàn toàn bị phá hủy. Làm thế nào để xây lại những ngôi trường này. Khi các em bị gián đoạn chương trình học tập thì thiệt hại sẽ ra sao, tương lai của các em sẽ ra sao. Một đứa trẻ lớn lên ở Gaza trong điều kiện hiện nay thì không thể dám chắc khi trưởng thành các em có một tương lai tươi sáng hơn".
Ngoại trưởng Palestine Riad al-Malki ngày 4/8 đã gặp các công tố viên của Tòa án Hình sự quốc tế ở Hà Lan, yêu cầu mở cuộc điều tra về việc Israel phạm tội ác chiến tranh với người dân ở Dải Gaza.
Cuộc chiến kéo dài gần 1 tháng đã làm 1.867 người Palestine thiệt mạng, phần lớn là dân thường. Phía Israel có 64 binh sỹ và 3 dân thường thiệt mạng.
Chiến tranh đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của cả hai phía. Israel thiệt hại hàng trăm triệu USD về du lịch và các lĩnh vực kinh tế khác, và có thể phải giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Trong khi đó, theo tính toán, Gaza sẽ cần 6 tỷ USD để xây dựng lại hạ tầng cơ sở. Các quan chức Palestine cho biết một hội nghị các nhà tài trợ nhằm gây Quỹ tái thiết Gaza sẽ được tổ chức tại Oslo, Na Uy vào tháng 9 tới.
Phái đoàn Israel, lãnh đạo của Hamas và phong trào Jihad đã tới Cairo, Ai Cập tham gia đàm phán về một lệnh ngừng bắn lâu dài. Bên cạnh những nỗ lực ngoại giao để chấm dứt chiến sự, cư dân ở Dải Gaza đang rất cần được hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần bởi họ đã phải chịu quá nhiều căng thẳng cùng những chấn thương tâm lý liên tiếp từ cuộc xung đột năm 2009, năm 2012 và cuộc xung đột mới nhất này./.
Trần Nga Tổng hợp
Theo_VOV
Israel rút quân khỏi Dải Gaza sau lệnh ngừng bắn 72 tiếng Quân đội Israel tuyên bố rút toàn bộ binh sỹ tới "các điểm phòng thủ" bên ngoài Dải Gaza, sau khi Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn 72 giờ, dưới sức ép của quốc tế. Dải Gaza bị tàn phá dữ dội sau gần 1 tháng giao tranh Tuyên bố rút quân của Israel diễn ra chỉ ít phút trước...