Sự thật chuyện hài cốt trong Tháp Rùa
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Tháp Rùa được một phú hộ xây để đặt hài cốt cha mẹ vì đây là mảnh đất thiêng nằm giữa Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều học giả khác lại đưa ra những cách lí giải khác nhau về nguồn gốc của Tháp Rùa.
Mấy tháng qua, có lẽ không chỉ Hà Nội mà đồng bào cả nước đều hướng về Thủ đô để theo dõi tình hình của “cụ” Rùa ở hồ Gươm. Từ sự kiện này, trên các diễn đàn mạng, công luận nhắc đến nhiều chi tiết lịch sử khác.
Trong đó được chú ý nhất là giả thuyết: Tháp rùa do một người có tên là bá hộ Kim xây để an táng hài cốt cha mẹ mình? Sau khi tham vấn nhiều nhà khoa học, văn hóa và đặc biệt là nhà Hà nội học Nguyễn Vinh Phúc-người được coi là “thủ nhang” của “ngôi đền văn hóa Hà thành”, PV đã quyết định tìm hiểu sự thực của câu chuyện này. Bởi nói như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thì những giá trị văn hóa, tâm linh của tháp Rùa nói riêng và quần thể hồ Gươm nói chung đã trở thành một biểu trưng trong đời sống văn hóa, tâm linh của mỗi người dân Việt, nó là sự gắn kết chặt chẽ của những di tích hiện hữu và khó thay đổi dù bất kỳ lý do gì, tuy nhiên việc tìm hiểu thêm lịch sử của những di tích trong quần thể này cũng là điều nên làm.
Trong hành trình đi tìm sự thật của câu chuyện với việc khảo cứu lại rất nhiều tư liệu xưa, gặp lại hậu duệ của nhân vật Bá Hộ Kim và chúng tôi nhận thấy đây có thể chỉ là một câu chuyện mang tính truyền miệng dân gian, có nhiều bằng chứng sự việc trên không có thực. Thế nhưng nó lại ảnh hưởng không ít đến một dòng họ, đặc biệt trong dòng họ đó có một người là Bí thư thành ủy đầu tiên của Hà Nội.
Tháp Rùa Hồ Gươm
Theo tìm hiểu của PV, trong nhiều tài liệu khảo cứu của nhiều học giả nổi tiếng đều cho rằng người xây tháp Rùa Nguyễn Hữu Kim (tức bá hộ Kim, một người giàu có nổi tiếng ở Hà Nội cuối thế kỷ 19 tại Hà Nội). Tuy nhiên, có một số tài liệu lý giải sở dĩ bá hộ Kim xây dựng tháp Rùa là có một mục đích riêng – để đưa hài cốt bố mẹ vào đặt trong đó (!?). Giả thuyết này bắt đầu từ một tài liệu do nhà nghiên cứu Doãn Kế Thiện văn bản hóa và sau đó được một số tài liệu khác trích dẫn lại.
Người xây tháp Rùa là ai?
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thì: “Từ năm 1883, Paul Burde, phóng viên của Thời Báo (Temps) trong thời gian sống trong một ngôi chùa cạnh hồ Gươm (có lẽ là chùa Báo ân – vị trí ở Bưu điện Hà Nội ngày nay) đã từng tả lại như sau: “Cửa buồng chúng tôi nhìn ra cái hồ nằm duyên dáng giữa lòng Hà Nội. Ngồi ở chỗ chúng tôi mà nhìn cảnh bình minh thì thật là tuyệt vời. Bình minh long lanh một thứ ánh sáng huyền ảo mà các truyện thần tiên gọi là màu của trời, xà cừ đẹp nhất Singapore cũng như những viên ngọc đẹp nhất cũng không thể sánh nổi (…). Xa xa một hòn đảo nữa nhỏ hơn với một cái tháp ba tầng, tác phẩm của một người Hoa buôn bán bánh ngọt nào đó, với những khoang cửa hình cánh cung nhọn theo phong cách gô tích khá bất ngờ ở một chỗ như nơi đây…”.
Như vậy có thể thấy, từ thời điểm này, các tư liệu lịch sử bắt đầu ghi nhận sự tồn tại của tháp Rùa như một công trình kiến trúc góp vào khung cảnh tuyệt đẹp của hồ Gươm. Tuy nhiên điều đáng tiếc là những ghi chép trên của Paul Burde lại không xác định một cách chính xác lịch sử của tháp Rùa mà chỉ dừng lại ở việc tả cảnh.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo những tài liệu lịch sử nghiên cứu về Hà Nội và hồ Gươm của những tác giả như Hoàng Đạo Thúy, Trần Huy Liệu, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Vinh Phúc… cùng những tư liệu in bằng tiếng Pháp đều khẳng định rằng tháp Rùa được một nhân vật có tên là “Bá Hộ Kim” (một người giàu nức tiếng đất Hà Nội thời bấy giờ) hay còn gọi là Bá Kim, Thương Kim xây, chứ không phải như Paul Burde là do một “người Hoa buôn bánh ngọt nào đó”.
Trong cuốn “Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn” tác giả Nguyễn Vinh Phúc đã dẫn ra tập sách Les pagodes de Ha Noi của G. Dumoutier in năm 1887 có đoạn viết: “Giữa hồ có một cái chùa khác. Đó là một công trình bé nhỏ, có nhiều tầng, các vòm cửa hình cánh cung nhọn, công trình này mới có khoảng chục năm nay (Dumoutier viết bài này năm 1886 – N.V.P) nó được xây dựng trên vị trí một ngôi đền nhỏ trước đó thờ thần hồ. Bên trong, trên tường sơn hai chữ Vinh – Bao (tức Vĩnh Bảo – N.VP), đó là tên của viên quan đã xây công trình này. Ông ta trước đây ba năm làm tri phủ Thường Tín, rồi về làm thương biện phủ Hoài Đức, sau dính vào một vụ chính trị nên 1886 bị cách chức và quản thúc tại Hà Nội”.
Một tài liệu khác là cuốn sách Le vieux Tonkin (Bắc Kỳ cổ) của CL.Bourrin gồm hai tập in vào hai năm 1935 và 1941 có viết: “Tháp Rùa chính tên là Quy Sơn Tháp, xây khoảng 1877. Theo Dumoutier thì do một viên quan tên Vinh – Bao đã đứng xây. Theo Bonnal thì người xây là Ba Ho Kiem (Các văn bản viết bằng chữ Pháp khi viết tên người Việt thường viết theo phiên âm latinh, không có dấu – PV). Công trình này thay cho một ngôi miếu nhỏ thờ thần hồ. Vinh – Bao và Ba Ho Kiem chỉ là một người vì Ba Ho Kiem (đúng ra là Nguyen Huu Kiem) cũng là một viên quan”. Như vậy, theo các tài liệu do người Pháp ghi lại thì có thể thấy thể thấy người xây tháp Rùa là Bá Hộ Kim hay Nguyễn Hữu Kim (Nguyen Huu Kiem hay Ba Ho Kiem là do viết chệch).
Cho đến thời điểm nào chưa có giả thuyết hay minh chứng nào khác về người xây dựng tháp Rùa trong hồ Gươm. Chính vì thế, trong hầu hết các tài liệu nghiên cứu đều thừa nhận nhân vật Nguyễn Hữu Kim là người đã xây tháp Rùa.
“Bản kết tội” Bá Hộ Kim
Tuy nhiên cho đến nay chưa có nhiều tài liệu nói cụ thể mục đích của việc ông Nguyễn Hữu Kim khi xây dựng tháp Rùa ngoài một giả thuyết do nhà nghiên cứu Doãn Kế Thiện đưa ra. Trong cuốn “Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội” của Doãn Kế Thiện- NXB văn hóa – 1959 – tr.78 đã đề cập đến lai lịch của Tháp Rùa như sau: “Gò Rùa là nơi Chúa Trịnh dựng Tả Vọng Đình để làm nơi nghỉ mát trong mùa hè. Năm 1884 một tên tay sai của thực dân Pháp là Bá Kim hay Thương Kim, tin thuyết phong thủy nói gò này là kiểu đất “vạn đại công khanh”, để được hài cốt tiền nhân vào đó, con cháu sẽ muôn đời làm quan cao chức trọng. Bá Kim thèm muốn đất ấy nhưng vì là đất công nên không dám tự tiện. Về sau (bấy giờ chùa Báo ân trên bờ hồ phía đông vẫn còn), y mượn cớ xin với nhà chùa và lấy thế thực dân và bọn Việt gian Nguyễn Hữu Độ, xin tự bỏ tiền nhà xây một ngọn tháp lên Trên Gò Rùa để làm hậu chẩm cho ngôi chùa”.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc
Sau đoạn trên, nhà nghiên cứu Doãn Kế Thiện (1891-1965) tiếp tục kể về những toan tính của Bá Kim khi: “Dùng một số tay chân làm thợ nề, dự định ngay đêm hôm khai móng, chờ đến khuya tối giời, đem hài cốt cha mẹ để sẵn trong hai quách nhỏ, ngầm chôn xuống giữa gò, rồi lấp kín, định hôm sau sẽ xây thành nền tháp cao”. Tuy nhiên sau đó một điều bất ngờ đã xảy ra là: “Sáng hôm sau, y hớn hở cùng người nhà và thợ nề vừa ra tới gò, thì bỗng kêu giời và ngã ra, hai cái quách gỗ đã bị lật lên từ lúc nào, chỉ còn quách không, hai bộ hài cốt đều không thấy đâu nữa, thì ra đã bị bới lên quăng cả xuống hồ rồi!. Không thực hiện được âm mưu, nhưng đã hứa với mọi người là xây tháp, không thể bỏ được, y đành phải cắn răng tiếp tục làm cho xong việc”.
Câu chuyện trên được khá nhiều sách ghi chép lại với nội dung tương tự. Ngay cả sách “Lịch sử Thủ đô Hà Nội” của nhóm tác giả do nhà sử học Trần Huy Liệu đứng đầu xuất bản năm 1960 cũng chép y nguyên nội dung của câu chuyện trên. Chính việc làm đó đã khiến cho một câu chuyện mang nhiều yếu tố truyền thuyết dường như nghiễm nhiên được công nhận như một sự thực lịch sử. Và như thế “Bá Hộ Kim” người xây tháp Rùa đã phải mang theo rất nhiều những cái nhìn không được thiện cảm của lịch sử cũng như rất nhiều người dân Hà Nội nói riêng.
Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu mà PV đã từng tham vấn thì ngay trong bản thân những chi tiết, lập luận trong cuốn sách của nhà nghiên cứu Doãn Kế Thiện có nhiều chỗ mâu thuẫn không rõ ràng.
“Tháp Rùa đã trở thành một biểu trưng của hồ Gươm” Tháp Rùa không mang trong mình những lịch sử vẻ vang, không có giá trị kiến trúc, song nó đã trở thành một biểu trưng của hồ Gươm và hơn thế, của cả Hà Nội. Từ trên một trăm năm nay nó đã dần trở nên quen thuộc với người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Thực ra mọi người cũng chẳng tính đến lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, chỉ biết tháp Rùa là một bộ phận hữu cơ của hồ Gươm, có hồ là có tháp. Tuy nhiên đối với những người quan tâm đến lịch sử Hà Nội thì biết thêm về lai lịch và kiến trúc tháp cũng có thể là điều không thừa. (Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc)
VGT(Theo Đời sống pháp luật)
Cụ Rùa bị nhân viên môi trường... ném đá
Sáng nay, 21.3, rùa Hồ Gươm lại nổi. Trong khi hàng trăm du khách chăm chú theo dõi thì lại tái diễn cảnh ném đá vào rùa. Và quá bất ngờ khi thủ phạm là những nhân viên bảo vệ môi trường Hồ Gươm.
Sáng nay, 21.3, rùa Hồ Gươm nổi một vòng quanh hồ. Bắt đầu từ phía Nhà hàng Thủy Tạ, rùa bơi ngang qua trước đền Ngọc Sơn, tiến sang phía đường Đinh Tiên Hoàng, sau đó bơi dọc mép hồ tiến lên phía trước tượng đài Lý Thái Tổ, trước khi bơi ra phía Tháp Rùa rồi lặn xuống.
Rùa Hồ Gươm nổi sáng nay, 21.3
Đáng chú ý, sáng nay, lại tái diễn tình trạng ném gạch, đá, cành cây về phía rùa Hồ Gươm đang nổi. Nằm ngoài suy đoán của nhiều người, thủ phạm chính là nhân viên môi trường ven Hồ Gươm.
Trong khi hàng trăm du khách đang mải mê theo dõi rùa Hồ Gươm nổi gần bờ, đoạn gần cầu Thê Húc thì bất ngờ có vài viên đất, đá nhỏ được ném về phía rùa Hồ Gươm.
Sáng nay, rùa Hồ Gươm lại bị ném khi đang nổi
Ngay lập tức, hàng trăm ánh mắt và những lời trách móc đổ dồn về "tác giả" của hành động vô ý thức đó. Thủ phạm là một nam thanh niên đi cùng với ba người phụ nữ làm nhiệm vụ bảo vệ cỏ ở Hồ Gươm.
Đón nhận những ánh mắt trách móc của người xem, nam thanh niên này nói lớn: "Đuổi nó đi cho mọi người đỡ giẫm lên cỏ. Hôm nào nó cũng nổi, có gì đâu mà xem".
Nói xong, nam thanh niên này còn tiện tay lấy thêm hai viên đất, đá nữa, ném về phía rùa Hồ Gươm, tuy nhiên, do bị cản tầm nhìn, viên đất rơi cách xa rùa Hồ Gươm vài mét. Nếu không có ý kiến của nhiều người, anh này còn định ném thêm vài viên nữa.
Trong khi luôn miệng thổi còi, nhắc nhở người xem không được giẫm lên cỏ, chính những nhân viên này còn thản nhiên đứng cười đùa, nói chuyện trên cỏ.
Đứng xem rùa nổi, một nam thanh niên cũng vơ một khúc cây định ném về phía rùa, nhưng trước thái độ bất bình của đông đảo du khách, anh này rụt tay lại, không dám ném nữa.
Thấy động, rùa Hồ Gươm bơi ra xa một lát, sau đó lại bơi vào và tịnh tiến dọc mép hồ trong niềm vui mừng của đông đảo du khách. Đến khoảng hơn 12 giờ, rùa Hồ Gươm từ từ bơi ra phía Tháp Rùa rồi lặn xuống.
VGT(Theo Dân Việt)
Cụ rùa lượn lờ 'thăm dò' Sau màn bị vây bắt hụt ngày 8/3, sáng 14/3, lúc 9h30 đến 10h, cụ rùa Hồ Gươm lại tiếp tục nổi ở khu vực gần Hàng Khay, Lê Thái Tổ. Như thường lệ, việc cụ rùa nổi thu hút được sự chú ý của rất nhiều người dân. Hàng trăm người dân khi nghe tin cụ rùa nổi đã đổ xô ra...