Sự thật chuyện diễn viên Ngọc Trinh bị Nhà hát kịch hủy diễn
Diễn viên Ngọc Trinh bị Nhà hát Kịch TP HCM đột ngột ngưng hợp tác, chị quyết định kiện. Theo chị, việc bị buộc ngưng diễn khiến nhóm kịch bị khủng hoảng tinh thần.
Nguồn cơn từ… thỏa thuận miệng?
Ngọc Trinh kể lại, năm 2014, ông Trần Khánh Hoàng – Giám đốc Nhà hát Kịch TP HCM đồng ý hợp tác với nhóm kịch Ngọc Trinh, dàn dựng và tổ chức các chương trình biểu diễn tại sân khấu 30 Trần Hưng Đạo, quận 1. Lúc đó, phía Ngọc Trinh chịu trách nhiệm đầu tư vào kịch mục, diễn viên, tác giả, đạo diễn. Sau khi trừ chi phí, doanh thu sẽ được chia theo tỷ lệ: Nhà hát Kịch 20% và Ngọc Trinh 80%. Tỷ lệ chia này được áp dụng đến khi hoàn vốn đầu tư. Sau đó, nếu vở vẫn tiếp tục biểu diễn, phần lãi thu được sẽ chia theo tỷ lệ 50-50.
Ngoài ra, Giám đốc Nhà hát Kịch còn đề nghị các hợp đồng biểu diễn với diễn viên, bán vé qua mạng do nhà hát đứng tên. Số tiền bán vé qua mạng được trả vào tài khoản của nhà hát. Nhà hát Kịch sẽ tạm giữ số tiền này và trích 4 triệu đồng/đêm diễn để trả chi phí điện, nước và bồi dưỡng cho nhân viên của nhà hát. Bảng kê bồi dưỡng có chữ ký xác nhận của những người nhận tiền sẽ được giao lại cho Ngọc Trinh. Buổi diễn đầu tiên đã mở màn vào tháng 4/2014.
Diễn viên Ngọc Trinh và ông Khánh Hoàng trong buổi ra mắt nhóm kịch Ngọc Trinh năm 2014.
Điều đáng nói là dù sân khấu đã sáng đèn đúng theo tinh thần hợp tác giữa đôi bên nhưng vị giám đốc Nhà hát Kịch khi đó vẫn không ký hợp đồng với phía Ngọc Trinh. Nghệ sĩ Khánh Hoàng cho rằng cứ để sân khấu hoạt động trước, việc ký kết hợp đồng sẽ tiến hành sau.
“Khi quyết định hợp tác, tôi và ông Trần Khánh Hoàng đã có thỏa thuận miệng, tổ chức họp báo với sự chứng kiến của mấy chục phóng viên báo đài. Sau đó, thấy không yên tâm nên tôi nhiều lần yêu cầu nhà hát làm hợp đồng, nhưng rồi bản hợp đồng họ đưa ra có vài điều khoản chưa đúng như thỏa thuận trước đó, chẳng hạn như về ngày diễn. Tôi yêu cầu nhà hát cho phép diễn vào ba ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật nhưng bản thảo hợp đồng phía nhà hát soạn sẵn chỉ có ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Vì vậy, tôi yêu cầu nhà hát bổ sung ngày thứ Sáu và bên Nhà hát Kịch hứa sẽ điều chỉnh hợp đồng…”.
Khi mọi việc còn chưa ngã ngũ thì tháng 10/2014 ông Trần Khánh Hoàng thông báo mình đã có quyết định nghỉ việc vì lý do sức khỏe và thông báo ông Trần Quý Bình đang là Phó giám đốc sẽ tạm thời điều hành Nhà hát Kịch trong thời gian chờ Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM (Sở VH-TT) bổ nhiệm giám đốc mới.
Từ đây, nhiều bất đồng quan điểm giữa Ngọc Trinh và ông Trần Quý Bình đã nảy sinh, chủ yếu liên quan đến vấn đề tài chính. Theo Ngọc Trinh trình bày, ngay sau đó ông Bình đã thông báo chị còn nợ tiền nhà hát nhưng khi Ngọc Trinh yêu cầu công khai số tiền nhà hát đang giữ từ việc bán vé qua mạng lại không được đáp ứng. Điều đáng nói, ông Bình tiếp tục yêu cầu Ngọc Trinh phải nộp thêm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp ngoài phần thuế giá trị gia tăng được tính 5% trên đầu mỗi vé.
Biên bản xác nhận ngưng hợp tác.
“Ngày 20/10/2014, ông Trần Quý Bình ký Thông báo số 81/NHKTP để yêu cầu việc thu thêm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp để nâng tổng số thuế tôi phải nộp cho nhà hát lên thành 7%. Tôi đã tham khảo những đơn vị cùng ngành thì được biết các sân khấu khác chỉ nộp 4%. Sau khi biết sự việc thì tôi thông báo cho Phòng Tổ chức hành chính kiểm tra lại mức thuế 7% được yêu cầu có chính xác chưa thì không nhận được sự trả lời nào thỏa đáng”, Ngọc Trinh giãi bày.
Video đang HOT
Khi chuyện thuế thu nhập chưa được thống nhất thì ông Bình lại yêu cầu Ngọc Trinh ký bản thỏa thuận hợp tác theo phương thức xã hội hóa. Trong đó có điều khoản nhà hát hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư như chi phí phát hành vé, phục trang… dù các vở diễn đã được dàn dựng đến thời điểm đó đều do Ngọc Trinh đầu tư chi phí 100%, nên chị nhất định không ký.
Ngọc Trinh cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại chị đã đầu tư, dàn dựng và tổ chức công diễn 6 vở kịch tại nhà hát này, bao gồm Chỉ có thể là yêu, Kẻ nói dối đa tình, Cặp đôi hoàn cảnh, A… mẹ ma, Mắt âm dương và 49 ngày yêu.
Tổng chi phí đầu tư cho 6 vở là hơn 450 triệu đồng. Trong quá trình hoạt động, số tiền bán vé không đủ để trả cho diễn viên nên chị phải bù lỗ và đã giao cho nhà hát số tiền để trả cho diễn viên từ ngày 10/4/2014 đến 26/10/2014 là hơn 96 triệu đồng. Chi phí mua trước kịch bản biểu diễn Tết 2015 là 20 triệu đồng (kịch bản Thuật hồi sinh, tác giả Bùi Quốc Bảo). Tổng chi phí chính chị đã chi là hơn 566 triệu đồng. Tất các các chi phí này có hóa đơn, chứng từ và chị đã cung cấp cho nhà hát.
Thông báo nộp thêm thuế.
Trong thời gian chờ phía nhà hát điều chỉnh hợp đồng, nhóm kịch Ngọc Trinh vẫn trình diễn tại rạp. Tuy nhiên, đến tháng 10/2014, phó giám đốc Trần Quý Bình đơn phương quyết định không hợp tác với nhóm kịch Ngọc Trinh nữa. Lý do mà ông đưa ra là do hai bên không đồng thuận và cũng không có hợp đồng chính thức. Từ đó, nhóm kịch Ngọc Trinh đã buộc phải ngưng diễn.
“Sẽ làm đến cùng vì sự kiên nhẫn đã hết”
Theo Ngọc Trinh, động thái này làm chị và nhóm kịch của mình bị tổn thương đến mức “chới với”. Giữa tháng 11/2014, Ngọc Trinh đã gửi đơn khiếu nại cho Sở VH-TT. Tuy nhiên, cho đến nay sự việc vẫn chưa ngã ngũ.
“Sở nhận đơn và nói rằng cần có thời gian điều tra, yêu cầu tôi không cung cấp thông tin cho báo chí. Do vậy, tôi hoàn toàn im lặng. Nhóm kịch chúng tôi có 30-40 người, trong đó hơn 50% là diễn viên trẻ đầy nhiệt huyết với nghề. Khi bị ngưng diễn, họ đã rất sốc, tìm tôi thắc mắc nhưng vì cam kết với thanh tra Sở nên tôi không dám chia sẻ gì. Các diễn viên ấy còn gia đình và tương lai nữa, cứ nghĩ đến điều này là tôi lại vô cùng khổ tâm và đau đớn vì không thể giúp gì được họ”, Ngọc Trinh bộc bạch.
Cảnh trong vở Cặp đôi hoàn cảnh.
Theo Ngọc Trinh, Thanh tra Sở có mấy lần gọi chị lên làm việc nhưng qua đó chị lại phát hiện thêm một số việc từ phía nhà hát như: Ghi khống hóa đơn tiền bồi dưỡng cho các diễn viên, tiền trang phục biểu diễn… Chị khẳng định, tất cả những chi phí đó đều do chị đầu tư, nhà hát không hề chi đồng nào. Ngay đến số tiền thuế trên vé mà nhà hát yêu cầu chị đóng cũng chênh lệch với thực tế bên ngoài. Từ đó chị đã yêu cầu Sở VH-TT phải có cuộc đối chất ba bên giữa chị và ông Trần Khánh Hoàng, ông Trần Quý Bình để làm sáng tỏ sự việc, trả lại công bằng cho chị. Nếu không giải quyết được êm thấm, chị sẽ khởi kiện ra tòa án.
Ngọc Trinh chia sẻ: “Tôi rất trân trọng thế hệ những nghệ sĩ đàn anh như Trần Khánh Hoàng, thực ra là anh em nghệ sĩ với nhau bản thân tôi cũng không muốn phải cạn tình cạn nghĩa để lôi nhau ra tòa. Nhưng tôi thấy quá cay đắng khi chồng tôi đang nằm viện, tôi vẫn phải lo từ chiếc xe tải chở đồ, nhờ người nhà đến nhà hát nhận tài sản liên quan đến 6 vở diễn mà người ta đã “đẩy” ra đường”.
Ông Trần Quý Bình trả lời báo chí ngắn gọn rằng thời điểm hiện tại, cá nhân ông cũng như nhà hát xin không đưa ra bất cứ ý kiến gì. Còn ông Trần Khánh Hoàng cho biết việc thu thuế nhà hát đã làm đúng luật quy định của Nhà nước. Chưa kể giai đoạn ông còn làm việc, ban giám đốc Nhà hát Kịch rất ủng hộ việc hợp tác với Ngọc Trinh. Tuy nhiên, sau đó nhà hát quyết định ngưng làm việc vì nữ diễn viên có nhiều đòi hỏi quá đáng mà phía nhà hát không đáp ứng được (?). Ngoài ra, ông Hoàng còn nhấn mạnh rằng những vở diễn Ngọc Trinh dàn dựng đều không tạo được hiệu quả về doanh thu lẫn nghệ thuật. Nhiều đêm nhà hát chỉ bán ra được vài chục vé, lỗ triền miên…
Phản biện thông tin này, Ngọc Trinh tỏ vẻ bức xúc: “Tôi biết khó khăn ngay khi chấp nhận hợp tác, thế nên tôi như người công nhân chỉ biết lăn ra làm. Có thể lãnh đạo Nhà hát bảo rằng một vở kịch tôi chỉ bán được vài chục vé nhưng thử hỏi, trước tôi đã ai bán được vé nào? Chưa kể trong 6 vở kịch tôi dàn dựng có vở đã đạt giải thưởng, đảm bảo cho sân khấu luôn đỏ đèn và khán giả đã bắt đầu chủ động lên mạng đặt vé đi xem kịch”.
Trong vụ việc này, mọi việc hiện còn chưa ngã ngũ và có kết luận cuối cùng. Nhưng qua đây có thể thấy trong việc hợp tác biểu diễn, đầu tư kinh doanh, nếu không có hợp đồng, văn bản được ký kết hợp pháp, cụ thể, nhiều khả năng phía tư nhân rất dễ phải chịu thiệt hại. Nhưng phía nhà hát cũng không tránh khỏi những điều tiếng không hay với khán giả, công chúng.
Theo Lữ Phạm/ Công An Nhân Dân
Diễn viên nổi tiếng suýt bỏ nghề đi xuất khẩu lao động
Câu nói của bố: "Mày thi tuyển thế nào thì tuyển, đừng làm xấu mặt tao ra" cũng vô tình trở thành động lực để diễn viên Trung Anh quyết tâm theo đuổi nghiệp diễn.
Cuộc đời nhiều nước mắt của diễn viên chuyên vai khắc khổ
30 năm làm diễn viên ở Nhà hát Kịch Việt Nam, đóng vô số vở kịch và bộ phim lớn nhỏ, Trung Anh được xếp vào hàng diễn viên quen mặt trên truyền hình. Tuy nhiên, nam diễn viên thừa nhận thực ra trước đây anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm diễn viên. Nói đúng hơn, anh trở thành diễn viên vì "hoàn cảnh xô đẩy".
Suýt bỏ nghề đi xuất khẩu lao động
Trung Anh và NSND Lan Hương trong phim Những công dân tập thể. Hai người vào Nhà hát Kịch Việt Nam cùng thời điểm và đóng chung với nhau rất nhiều.
Sau biến cố lớn của gia đình, anh từ Hà Tĩnh ra Hà Nội sống cùng bố. Được vài năm, bố anh đi bước nữa khi Trung Anh mới hơn 10 tuổi. Dù người mẹ kế rất tốt nhưng sống trong cảnh phụ thuộc, cuộc sống lại quá khó khăn khiến cậu bé mới lớn Trung Anh cảm thấy ngột ngạt và muốn dứt khỏi gia đình. Đúng lúc đó, cuối năm 1978, Nhà hát Kịch Việt Nam tuyển diễn viên, chàng trai 17 tuổi quyết định chộp lấy cơ hội này.
"Bố tôi làm ở bộ phận hành chính của Nhà hát Kịch Việt Nam nhưng không đồng ý cho tôi đi thi song tôi vẫn quyết tâm tự làm hồ sơ, nhờ người giả chữ ký bố. Ngày tuyển sinh, bố tôi có nói một câu mà sau này tôi không thể quên: 'Mày thi tuyển thế nào thì tuyển, đừng làm xấu mặt tao ra'. Cũng có thể các cô chú ở nhà hát ưu ái nên cho tôi đỗ dù khi đó Nhà hát chỉ lấy 40 người trong số mấy ngàn người thi tuyển", Trung Anh nhớ lại. Anh bảo chính câu nói của bố khi ấy đã trở thành động lực để anh quyết tâm hơn, để ông không phải xấu mặt với đồng nghiệp cùng cơ quan vì cậu con trai.
Trung Anh thành thực lúc đầu anh chẳng có khái niệm về sự yêu ghét cái nghề diễn này nhưng càng học càng thích, càng làm thì càng say dù đôi lúc cuộc sống cơ cực khiến anh phải phân vân có tiếp tục làm diễn viên nữa hay không.
Năm 1982, vừa thi tốt nghiệp trường Sân khấu điện ảnh được 8 ngày trở về nhà hát, Trung Anh và Quốc Khánh, Đỗ Kỷ, Trọng Trinh cùng nhận lệnh nhập ngũ lên biên giới. Anh bảo nhìn lại quãng thời gian vất vả đó anh vẫn sợ nhưng vui vì có thêm vốn sống mà nếu ở thành phố sẽ không có được. 2 năm rèn luyện trong quân ngũ cũng là 2 năm quan trọng trong cuộc đời để anh tích lũy kinh nghiệm giúp Trung Anh vào vai lính ngọt hơn sau này. Tuy nhiên, khoảng thời gian mới trở về từ quân ngũ không dễ dàng với anh.
So với những người bạn đồng lứa như Đỗ Kỷ (trái), Quốc Khánh, Trọng Trinh, Trung Anh có vẻ chìm lắng hơn.
"Năm 1984, khi trở về, cuộc sống khó khăn đã là 1 chuyện nhưng các bạn học của mình đã vượt chúng tôi rất nhiều. 2 năm đi lính cũng là khoảng thời gian không được làm nghề, thậm chí cuộc sống ở thành phố cũng trở nên xa lạ với chúng tôi chứ đừng nói đến sân khấu. Đó là thời gian tôi suy nghĩ về nghề nhiều. Hồi đó có phong trào đi xuất khẩu lao động. Anh trai tôi nói nếu chán nghề mà muốn đi Liên Xô hay Đức xuất khẩu lao động thì anh sẽ lo cho. Tôi cũng suy nghĩ nhiều về hướng đó nhưng cuối cùng quyết định ở lại với nhà hát", Trung Anh tâm sự.
Mong được đóng vai ác
Tôi hỏi anh đã từng có ý định bỏ nghề không? Trung Anh thành thật rằng có đôi ba lần anh đặt ra câu hỏi này nhưng rồi nhanh chóng từ bỏ. "Từ năm 1992 trở đi, phim ảnh tương đối nhiều, tôi đóng nhiều phim nên cuộc sống đỡ cơ cực hơn. Nhưng thực ra làm phim chỉ là cứu cánh vì tôi mê sân khấu hơn và đó mới là nơi tôi thuộc về. Phim ảnh giờ phù phiếm lắm bởi ngay cả diễn viên trẻ chỉ cần đóng 1-2 phim cũng đã thành ngôi sao này sao nọ. Tôi có đóng phim nhiều cỡ nào thì sân khấu vẫn là lĩnh vực tôi yêu thích và đam mê nhất", giọng anh trầm hẳn xuống.
Nói đến Nhà hát kịch Việt Nam, nơi Trung Anh đã làm việc suốt 30 năm qua, anh chia sẻ mình cảm thấy buồn, buồn vì nhiều năm qua nhà hát không có chỗ diễn, buồn vì có quá nhiều thứ đã thay đổi.
Trung Anh (trái) trong bộ phim mới nhất vừa đóng máy. Những đứa con của làng của nhà sản xuất Nguyễn Thị Hồng Ngát dự kiến sẽ tranh giải tại LHP quốc tế Hà Nội tới đây.
"7 năm nữa tôi mới về hưu nhưng đến bây giờ tôi đã cảm thấy mình không còn là người của nhà hát nữa. 2 năm trở lại đây nhà hát có nhiều chuyện quá. Nhà hát không còn là nhà hát nữa và mọi chuyện rối tung lên. Tiêu chí về nghệ thuật trước đây không còn nữa. Tôi thì không muốn đi theo một định hướng nghệ thuật khác vì đã theo đuổi nó quá lâu. Thế hệ trước chúng tôi quá rực rỡ, quá vàng son và mình bị ngấm phong cách ấy vào người nên không thể đi theo một ngã rẽ khác. Nhà hát Kịch Việt Nam có không còn là 'anh cả đỏ' không phải là vấn đề lớn lắm. Nó có thể xuống cấp về nhiều mặt nhưng định hướng nghệ thuật mất đi và không rõ ràng nữa mới là điều làm chúng tôi chán", Trung Anh trải lòng.
Trung Anh cho biết đã 2 năm nay không tham gia vở diễn nào mới của Nhà hát Kịch Việt Nam. Anh cho biết, điều anh mơ ước có một sân khấu riêng (điều Trung Anh và Trần Lực từng cố gắng thực hiện hơn 10 năm trước nhưng không thành công) để được làm những vở diễn mình yêu thích. Và anh mong sẽ có nhiều đạo diễn mạo hiểm mà giao cho mình những vai phản diện thay vì cứ mãi đóng khung Trung Anh vào những vai khắc khổ. Chúc anh sớm toại nguyện, vì anh xứng đáng được như thế!
Theo Hoàng Vy/Vietnamne