Sự sao chép của Samsung là cách làm không thể khác để đi lên
Thành công lại đến từ kẻ bắt chước với ngôi vị vua của làng di động. Những trả giá của Samsung vẫn chẳng là gì so với thành công ngoài sức tưởng tượng này.
Mùa thu năm 2008, một năm sau khi tung ra iPhone, chiếc smartphone đã định hình lại cả ngành công nghiệp di động, Apple đã trở thành nhà sản xuất điện thoại có lợi nhuận cao nhất. Theo cách nói của cánh báo giới thì đây là một cột mốc quan trọng bởi ở thời điểm đó, Táo khuyết vẫn chỉ bán được một số lượng rất ít điện thoại so với các đối thủ và cũng thật khó để có thể nghĩ rằng Apple sẽ là một trong những nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.
Những đối thủ của Apple không thể bắt kịp được táo về giá bán trung bình cũng như lợi nhuận biên đã dần dần bị tụt lại phía sau. Trong quý IV năm 2008, Nokia, hãng sản xuất đã có thời gian dài chiếm lĩnh vị trí số một về lợi nhuận di động đã bán được 113 triệu điện thoại trên toàn thế giới trong đó có 15 triệu smartphone. Qua đó hãng điện thoại Phần Lan đã kiếm được 1,2 tỷ USD lợi nhuận bằng việc bán điện thoại. Cũng trong khoảng thời gian đó, Apple đã bán được chỉ 4 triệu chiếc iPhone nhưng lại kiếm được tới 1,3 tỷ USD lợi nhuận.
Những con số trên đã phần nào cho thấy được sự tăng trưởng khủng khiếp của Apple. Các nhà sản xuất điện thoại khác đã lựa chọn những quyết định khác nhau để phản ứng với sự phát triển của Apple.
Một trong số những lựa chọn đó là không làm gì cả, đã có rất nhiều công ty chọn con đường này trong đó có Nokia và RIM. Họ chỉ coi rằng iPhone sẽ không thể hấp dẫn người dùng phổ thông và chẳng việc gì phải bận tâm đến Apple.
Lựa chọn khác đó là đi tắt đón đầu Apple bằng cách tập trung nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra một sản phẩm mới hấp dẫn hơn để đánh bại iPhone. Đây là cách mà Palm và Micrsoft đã lựa chọn.
Cũng có một lựa chọn nữa lả chỉ cần bắt chước lại những gì Apple đã làm: Lấy ý tưởng iPhone làm nền, chỉnh sửa lại một chút rồi đặt dưới thương hiệu của mình. Đó dường như là cách làm của Samsung.
Tuần trước tòa án đã ra phán quyết rằng Samsung đã nhái các thiết bị của Apple. Cũng chẳng cần phải nhờ đến tòa án, phần nhiều trong số chúng ta hẳn cũng sẽ nhận ra được sự giống nhau đến kỳ lạ của Galaxy S và iPhone.
Bản án đã được đưa ra để trừng phạt Samsung, hãng điện tử Hàn Quốc sẽ phải bồi thường 1 tỷ USD cho Apple. Trên hết, công ty này còn phải đối mặt với nguy cơ bị cấm bán sản phẩm hoặc phải trả phí bản quyền cho Apple. Thiệt hại của Samsung có thể ảnh hưởng đến những nhà sản xuất smartphone Android khác như Motorola, HTC… Tuy nhiên chừng đó chưa là gì.
Video đang HOT
Trong ba quyết định phản ứng với sự trỗi dậy của Apple thông qua iPhone thì Samsung đang ở tình trạng tốt nhất nếu không muốn nói là tuyệt vời. Hãng điện tử Hàn Quốc đã soán ngôi của Nokia để vươn lên vị trí số một. Samsung sẽ phải trả 1 tỷ USD cho Apple nhưng đó chưa là gì so với những thành công mà hãng này đã có được từ việc copy Apple.
Trong khi đó thì ở hai quyết định còn lại, RIM và Nokia đang phải sống dở chết dở trên còn đường chật vật định vị lại mình trên bản đồ công nghệ. Palm cũng đã tung ra một sản phẩm mới mang tên Pre nhưng đứa con của Palm thì lại thiếu thốn rất nhiều để trở thành một bom tấn.
Và Microsoft cũng đang gặp phải không ít khó khăn với nền tảng Windows Phone của mình. Phải thừa nhận rằng hệ điều hành di động của Micosoft rất tuyệt vời nhưng tuyệt vời chỉ là điều kiện cần mà không phải là điều kiện đủ để thành công.
Windows Phone đã ra mắt quá muộn khi mà iOS của Apple đã định hình trong tâm lý người dùng rằng smartphone phải đi kèm với giao diện cuộn trang ngang cùng các biểu tượng ứng dụng được sắp xếp ngay hàng thẳng lối. Chính vì vậy mà dù rất cố gắng nhưng Windows Phone trong mắt người dùng vẫn còn khá xa lạ. Đó là chưa kể đến sự thiếu thốn ứng dụng, thứ không thể phát triển trong một sớm một chiều được.
Kết quả là từ năm 2007 đến nay, Apple và Samsung vẫn là hai cái tên thành công nhất. iPhone đã mang lại cho Apple một khoản tiền lên đến 70 tỷ USD trong khi Samsung cũng đã kiếm được đến 25 tỷ USD từ việc kinh doanh điện thoại vào cùng kỳ năm ngoái. Do vậy mà số tiền 1 tỷ USD bỏ ra để bồi thường cho Apple dường như quá nhỏ bé so với thành công mà Samsung đã gặt hái được.
Không đơn giản chỉ là vấn đề lợi nhuận, việc copy Apple cũng mang lại cho Samsung rất nhiều tiếng tăm với các sản phẩm điện thoại chất lượng tốt. Có rất nhiều ý tưởng không phải là của Samsung nhưng người dùng không cần biết đến điều đó. Cái họ cần là một sản phẩm có thể thỏa mãn tốt những nhu cầu của mình.
Khác hẳn đối thủ của mình, Samsung hướng sự phục vụ của mình đến nhiều đối tương khách hàng hơn. Và không đơn thuần chỉ là bắt chước, hãng điện tử Hàn Quốc đã thực hiện một số nâng cấp dành cho điện thoại của mình để khiến chúng trở nên tốt hơn như màn hình tốt hơn, trọng lượng nhẹ hơn, mỏng hơn hay thời lượng pin cao hơn. Samsung đã tạo ra những sản phẩm thay thế tốt nhất dành cho iPhone với chi phí thấp và bán trên nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Sự thật thì sự copy của Samsung đem lại nhiều cái lợi hơn dành cho người dùng. Sự lớn mạnh của hãng điện tử Hàn Quốc đã tạo ra cạnh tranh và buộc Táo khuyết không thể ngủ quên trên chiến thắng. Apple đã phải giảm giá những sản phẩm điện thoại iPhone có tuổi xuống còn 100 USD (kèm hợp đồng mạng), tập trung nghiên cứu màn hình Retina mà không nâng giá thành iPhone lên nhiều chỉ để cản bước tiến lớn mạnh của đối thủ.
Bắt chước không phải là kế sách dài lâu, có lẽ là Samsung đã nhận ra được điều đó. Tân vương di động đang có những bước chuyển mình về sáng tạo và thiết kế. Tuy rằng những thiết kế đó vẫn chưa được đón nhận nhiều nhưng cũng không thể phủ nhận được rằng Galaxy S III thực sự là bom tấn. Rõ ràng là Samsung thừa sức để tạo ra những sản phẩm khác biệt chỉ là hãng này có muốn hay không thôi. Giờ thì dù muốn hay không thì đã đến lúc Samsung cần phải tự tìm lấy con đường cho riêng mình.
Theo VietBao
Nguyên nhân khiến mua bán sáp nhập trở thành xu thế Phần 1: Người mua mua gì?
Trong vòng một hai năm trở lại đây, xu hướng mua bán sáp nhập (hay được gọi là M&A - Merger and Acquisition) ngày càng phổ biến.
Năm ngoái, Microsoft mua lại Skype - dịch vụ chat, điện thoại... với giá 8,5 tỷ USD hay gần đây hơn là vụ thâu tóm Instagram trị giá 1 tỷ USD thực hiện bởi Mark Zuckerberg, gần hơn nữa là 1,2 tỷ USD Microsoft dành cho BLĐ Yammer để mua lại "đứa con" của họ. Gần đây, thương vụ thâu tóm Motorola Mobility của Google trị giá 12 tỷ USD khiến cả 5 nước thành viên thường trực hội đồng bảo an phải cân nhắc kỹ trước khi chấp thuận.
Không khó để nhận thấy M&A đang trở thành lựa chọn hàng đầu của các công ty lớn khi họ buộc phải xâm nhập thị trường mới hoặc mở rộng, nâng cấp các sản phẩm của mình. Một thực tế nữa đễ để nhận ra, hầu hết các vụ mua bán sáp nhập đều được thực hiện ở mức giá cao hơn giá trị thật (được đánh giá bởi các nhà kinh tế hàng đầu) rất nhiều. Ví dụ như, Skype, ở thời điểm Microsoft mua lại, Skype được định giá ở mức chỉ 2,5 tỷ USD (giá mua lại gấp hơn 3 lần định giá) hay Instagram, một dự án 2 năm với 13 nhân viên được được mua với giá tới 1 tỷ USD (gấp đôi mức 500 triệu USD - mức mà các nhà đầu tư đánh giá về Instagram).
Tại sao lại vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng tập trung chủ yếu vào 4 thương vụ mua bán đình đám vừa xảy ra trong khoảng 2 năm trở lại đây: Microsoft mua lại Skype, Facebook mua lại Instagram, Google mua Motorora Mobility,
Mua công việc làm ăn?
Một câu hỏi đặt ra, các ông lớn bỏ cả núi tiền ra để mua cái gì? Tất nhiên, Microsoft hay Facebook không bỏ tiền ra để mua lại công việc kinh doanh của Skype hay Instagram bởi nó thật sự quá nhỏ so với núi tiền của người mua. Skype có doanh thu 860 triệu trong năm 2011 nhưng trong tình trạng lỗ (6,9 triệu USD) và dự báo doanh thu của Skype cũng không lấy gì làm khả quan lắm. Hay Instagram thậm chí còn chưa tạo ra doanh thu cũng đã được mua lại với giá 1 tỷ USD.
Hay một con số rõ ràng hơn bạn có thể so sánh: giá trị dự kiến của các công ty được xây dựng dựa trên những yếu tố về doanh thu, dự báo doanh thu, dự báo công việc làm ăn (thường là khá đáng tin cậy) của các chuyên gia. Cả 4 vụ M&A đáng chú ý kể trên, giá trị thương vụ đều lớn hơn (nhiều) so với giá trị công ty.
Vậy tại sao họ mua?
Có 4 thứ hấp dẫn ở các công ty nhỏ mà các đại gia "ham muốn" và sẵn sàng chi cả núi tiền để có được.
Thứ nhất, sản phẩm
Nhiều người nghĩ, Microsoft thừa sức phát triển một Skype thứ 2, thậm chí còn mạnh hơn, tốt hơn. Đúng, Microsoft có thể. Nhưng câu chuyện sản phẩm thành công không chỉ nằm ở vấn đề kỹ thuật, ở vấn đề bạn có thể hay không có kỹ thuật tốt hơn đối thủ. Một sản phẩm tốt, là sự kết tinh của nhiều yếu tố mà kỹ thuật chỉ là một phần trong đó.
Trong những phần ngoài kỹ thuật, yếu tố quan trọng nhất của một sản phẩm thành công lại không nằm trong sản phẩm đó. Điều quan trọng mà tôi muốn nhắc đến nằm trong chính suy nghĩ của các bạn, hình ảnh của sản phẩm trong đầu khách hàng. Rất khó để miêu tả, chỉ ra chính xác đó là điều gì và tại sao, nhưng nó luôn có tác động rất lớn đến quyết định lựa chọn của người dùng.
Có một thử nghiệm khá nổi tiếng thế này. Người ta lấy cùng 1 loại nước hoa cho vào hai chai, một chai không dán nhãn, một chai đề thương hiệu của một hãng nước hoa nổi tiếng thế giới, 100% phụ nữ trong cuộc thử nghiệm khẳng định nước hoa trong chai có nhãn tốt hơn. Đó là câu chuyện về thương hiệu, bạn cũng vậy. Hãy thử tượng tượng 1 trình duyệt giống hệt Chrome nhưng lại dán nhãn trình duyệt bạn ghét là IE, bạn sẽ cảm thấy thế nào. Tôi đã tiến hành một thử nghiệm nho nhỏ (thật ra là trêu đùa một cậu bạn) bằng cách thay đổi giao diện Chrome về giống IE. Kết quả cậu bạn khẳng định trình duyệt này chậm hơn Chrome.
Trở lại câu chuyện của chúng ta. Yếu tố đầu tiên khi các ông lớn quyết định chia tiền là sản phẩm - thứ họ rất khó xây dựng được.
Thứ hai, người dùng
Trong 3/4 trường hợp tôi nêu, người dùng là một yếu tố quan trọng. Instagram có sẵn 40 triệu người dùng trong khi Skype tại máy tôi khẳng định có 40 triệu tài khoản Skype online, một lượng người dùng khổng lồ. Trường hợp còn lại, Yamer, họ không có một lượng người dùng lớn như Skype hay Instagram nhưng đó lại là một đối tượng cực tiềm năng cho các sản phẩm chiến lược của Microsoft.
Thứ ba, thời gian
Cả hai yếu tố trên, thực tế, các ông lớn hoàn toàn có thể xây dựng được. Nhưng có một thứ không cho phép họ chờ đợi, đó là thời gian. Trong một thị trường cạnh tranh như thế này, ra mắt sản phẩm sớm hay muộn 1 tháng đôi khi cũng là cả một vấn đề lớn. Đằng này, để xây dựng được một sản phẩm như Skype hay Instagram, khoảng thời gian vài tháng là quá ít. Chưa kể lượng người dùng khổng lồ, trung thành và đầy tiềm năng không phải dễ dàng mà có được.
Mua các công ty đã thành công trong thứ mình thiếu là cách nhanh nhất, ít rủi ro nhất là các đại gia có thể lựa chọn để trở nên mạnh mẽ và hoàn tiện hơn.
Cuối cùng, quan trọng nhất, nhân tài
Có một sự thật thế này, các công ty lớn, đặc biệt là các công ty rất lớn và có tình hình tài chính tuyệt vời như 3 đối tượng của chúng ta, điều họ thiếu để dẫn đến thành công không phải tiền mà là nhân tài, nhất là trong những thị trường mới.
Nếu bạn nghĩ có tiền là có tất cả thì thật ra bạn chưa hoàn toàn đúng. Đúng là việc Microsoft hay Google tuyển được nhân tài không phải là điều khó nhưng để có được những thiên tài, những nhân vật có thể đứng trong hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu là điều cực khó. Để tìm được những người làm sản phẩm tốt, có tài cũng khó không hề kém.
Đó là những điều mà những công ty được mua lại có. Một đội ngũ nhân viên tài năng, tâm huyết và gắn bó với sản phẩm. Không có họ, không thể có Instagram. Những nhân viên tài năng, tâm huyết và được việc thực sự là tài sản không thể quý hơn. Thực tế, trong đa số các vụ mua lại, đội ngũ cũ của công ty được mua đều được giữ lại, nếu họ không quyết ra đi.
Trong phần sau, chúng ta hãy cùng đến với góc nhìn của người bán, tại sao họ lại quyết định bán những dự án hết sức tiềm năng trong tương lai.
Theo vietbao
Thanh toán qua ví Paygate, tiết kiệm hữu hiệu chi tiêu Tâm lý chung của người tiêu dùng là luôn luôn mong muốn tìm được một sản phẩm như ý, có chất lượng tốt, với một mức giá ưu đãi và phục vụ tận tình. Thương mại điện tử được xem như là một trong những dịch vụ có thể đáp ứng được nhu cầu đó của người tiêu dùng. Dường như việc sử...