Sự lựa chọn bất đắc dĩ
Hôm nay Mận được về quê thăm nhà. Năm ngoái có người đàn ông nụ cười bí ẩn bẹt gí ở trên khuôn mặt, nhưng nói thì ngọt như đường, về tận làng cô tuyển dụng lao động. Dạo ấy Mận còn trẻ lắm, mới có những mụn trứng cá đầu tiên của tuổi dậy thì. Kể ra bám vào váy mẹ thì học được khối điều hay, nhưng tiền thì không có nhiều ở đó, nên cô quyết tâm rời bỏ cái làng quê nghèo với các túp lều rách nát và bóng tối lõm bõm bùn, để ra thành phố đi làm công nhân da giày.
Nhà máy của Mận nằm ở một huyện ven đô Hải Phòng. Công nhân toàn đám choai choai như cô. Mãi sau, Mận mới biết rằng các ông bà chủ thích thuê những cô gái trẻ nông thôn. Cái sự ngây ngô, thật thà, cả tin là những phẩm chất lý tưởng để đóng gói các cô vào khuôn phép! Họ không ưa sự phản kháng, cái đinh nào mà nhô lên là họ đánh tụt ngay xuống.
Mận làm ở phân xưởng may, một cái nhà kho bằng tôn và nhựa rẻ tiền, có những cửa sổ ti hí. Mùa hè mặt trời đổ lửa, mồ hôi đầm đìa đến trôi cả người! Hệ thống thông gió là 2 cánh cửa mở toang, người đi ngoài đường có thể nhìn thấy hàng dãy phụ nữ im lặng làm việc – một thứ im lặng bất ổn! Ngay ngày đầu tiên đi làm, Mận đã cảm nhận thấy sự canh chừng rình rập, riết róng của những cặp mắt không hề biết chớp – những viên chủ quản (đốc công) mang vẻ ngạo mạn lạnh lùng của kẻ đàn ông khát khao thể hiện, lạm dụng quyền lực. Nhà máy như một trại lính bởi cái phong cách quản lý đậm chất nhà binh. NLĐ bị cấm cười, cấm cả nói chuyện. Mỗi bận họ đi vệ sinh đều được vào sổ cẩn thận để không vượt quá số lần cho phép. Nhà máy có cả một danh mục dài những điều cấm đoán mà nếu vô tình phạm phải, NLĐ sẽ bị phạt bằng tiền. Mận nói bằng giọng pha trộn giữa nỗi sợ hãi và sự giận dữ: “Ở nhà quê cháu, đến con chó con cũng cần một cái vỗ nhẹ lên đầu!”.
Nhà máy da giày chẳng sản xuất ra cái gì. Nó chỉ là nơi gia công lắp ráp vật liệu (chủ yếu) nhập từ nước ngoài. Nên việc của Mận (các cô gái khác cũng vậy) không cần kỹ năng, vô cùng đơn điệu. Tuy nhiên cường độ lao động thì thật khủng khiếp, một ngày 10 tiếng là thường. Những khi thời hạn giao hàng gấp gáp họ phải làm việc đến 14 tiếng, mà không có quyền từ chối, bởi hình phạt của giới chủ cho sự từ chối là một quyết định sa thải. Cô P có thai 2 tháng xin được về sớm 1 tiếng. Chủ quản nhìn cô như con thằn lằn nhìn muỗi. Và cô lại ngồi vào cái bàn may của mình với nỗi uất hận tràn trề trong hai con mắt trũng sâu. Làm thêm quá nhiều khiến các cô gái mắc bệnh thiếu ngủ. Những ngày đầu đến nhà máy, Mận không ngủ được vì nhớ tiếng côn trùng kêu rả rích, bóng đêm đưa tận đầu giường mùi hương sâu đậm hoa bưởi. Còn bây giờ thì cứ ngơi việc ra là cô chỉ ngủ, dù bầu không khí ngạt mùi than củi cháy dở, mùi của khí thải xe máy, mùi nấm mốc, mùi nước tiểu cùng với vô số tiếng động ồn ào, hỗn độn bao quanh nhà trọ.
Thế nhưng, điều làm họ thất vọng nhất là những lời hứa tăng lương, nó cứ xa vời như lời hứa hẹn phần thưởng ở chốn thiên đàng. K chìa cho tôi xem ảnh một cô gái quê no tròn, trắng nuột như nến nhà thờ và nói: “Ngày xưa cháu đấy!”. Cô dùng cụm từ ngày xưa bởi bây giờ cô gầy yếu, run rẩy vì bị bệnh lao, lên cơn sốt rét. Trước đó cô hỏi: “Chú là người đi tuyển lao động à?” bằng cái giọng điệu như thể trên đời chẳng có loại người nào đáng ghét hơn! Rồi cô giải thích: “Họ dụ dỗ cháu, bảo làm da giày lắm tiền, cho nên cháu mới bỏ quê lên đây”. Tôi kể, tôi đã gặp được chủ cô – bà giám đốc X – một người vừa giàu, vừa có vẻ đẹp hỗn hào, phản ánh tình trạng lương NLĐ quá thấp. Đôi môi tham lam của bà thoắt trở thành một đường ngang mỏng dính, bà nói: “Lương thế tốt chán! Còn hơn làm nông, suốt ngày cắm mặt xuống đất, bán lưng cho trời!”. K bỗng nổi giận, mắt như bắn ra chạm vào mặt tôi: “Bà ấy nói thế tại vì bà ấy có phải làm thân trâu cày như chúng cháu đâu. Suốt ngày bà hít nước hoa, còn chúng cháu hít hóa chất. Bà ấy kiếm được nhiều tiền bằng chán vạn lần chúng cháu. Ở quê ít tiền nhưng còn có con cá tươi, chứ không phải nhai cái thứ cá khô bốc mùi như ở trên này. Lúc ốm thì có bố mẹ ở bên, chứ không phải nằm một mình khóc thầm!”. Thế rồi cô bật khóc thật. Những giọt nước mắt phản xạ sắc đỏ từ ánh mặt trời đang lặn trông như giọt máu.
Buổi trưa, trước cổng nhà máy xuất hiện la liệt những gánh hàng bán đồ ăn, đồ uống. Chúng bày ngay trên mặt đất còn dính bùn từ trận mưa hôm qua, bất chấp đám bụi bốc lên từ hàng trăm đôi bàn chân mệt mỏi kéo lê trên đường. Có đủ thịt, cá, rau, củ, nhưng không ai biết nguồn gốc từ đâu. Chỉ mùi cá ươn, thịt thối, mùi hoa quả bị giập nát nồng nặc dưới nắng mặt trời là chịu tố giác chất lượng của chúng. Anh Thắng – cháu tôi ở quê – kể rằng, có 2 người đến mua lợn. Thắng nói lợn chết, đã đem đi chôn. Họ đề nghị trả tiền Thắng để được đào con lợn chết mang đi. Liệu nó có thành thức ăn cho các công nhân da giày? Ai mà biết được. Chỉ biết những vụ ngộ độc thực phẩm không hề hiếm ở nơi này. Tôi ngồi quan sát V.H – một cô công nhân dán đế và biết “thực đơn” bữa trưa của cô: Một cái bánh mì kẹp thịt, một cốc chè đỗ và một cái tăm! Tất cả 12.000đ. Các cô gái khác cũng vậy, họ rất ít khi ăn quá 15.000đ. Với những thực đơn đạm bạc như thế thì thật khổ cho những con chó đói, hăm hở sục mõm lục lọi đống rác chỉ tìm thấy vỏ hoa quả, mà không bao giờ thấy thức ăn thừa! Tôi hỏi V.H ăn thế có lớn được không? Cô gái 18 tuổi cười, nụ cười giống như vẻ mặt nhăn lại: “Cháu cũng chẳng biết. Đã 3 năm rồi cháu vẫn mặc vừa vặn chiếc áo này!”.
Hết giờ nghỉ trưa, họ lũ lượt vào nhà máy. Nhìn những cô gái bé nhỏ, gầy gò, lầm lũi đi dưới nắng hè không biết ông chủ da giày tôi quen, người chỉ uống rượu champagne Dom Perignon nghĩ gì? Cái nhà máy giày như con quái vật Dracula (ma cà rồng) hút hết nhựa sống của những cô gái trẻ trung sa vào tay nó. Thông thường, chỉ sau 7 năm là họ giải nghệ vì bị kiệt quệ. Công nhân da giày làm hơn 10 năm có thể đếm được trên đầu ngón tay. Họ lại về quê với cái xe đạp với vài chỉ vàng. Chẳng biết ruộng vườn còn không, nhưng tuổi trẻ thì mất rồi. Họ biết làm gì? Làm sao có thể dạy con sáo già biết hót điệu mới?
Chẳng nghĩ gì về tương lai
Tuy nhiên có những cô gái da giày không chịu theo cái kịch bản như vậy. Họ bỏ nghề đi làm… điếm, hy vọng thấy một con đường sáng hơn! Tôi gặp P.K ở ngoài Đồ Sơn. Cô có mái tóc đen dài hoang dã và ánh nhìn buồn bã khi bạn tôi khen cô đẹp. Cô nói sắc đẹp của cô để người khác hưởng, còn cô – cô không yêu bản thân mình. Tôi ngạc nhiên trước khẩu khí của cô. Một lần, tôi giúp cô một việc nhỏ. Cô biết ơn tôi. Khi tôi ngỏ ý muốn tiếp xúc với các cô da giày một cách tự nhiên, cô đồng ý ngay.
Một sáng chủ nhật, cô đưa tôi đến gặp các bạn cũ tại một cái ngõ có ngóc, có ngách ở vùng ngoại ô Hải Phòng. Họ sống trong một ngôi nhà cấp 4 tồi tàn mà những người chủ vội vã xây lên để “đón” các cô. Thấy có khách đến, các cô vội vã vơ quáng, vơ quàng đống quần áo bẩn nằm la liệt trên sàn nhà trông như một đống tử thi. Sáu cô trong một căn phòng 16m2 – một mẩu không gian để cho các cô đi lại. Tôi chợt nghĩ đến những con cá thiếu ôxy khổ sở bơi trong thùng nước. Nhà đã chật chội, trên bức tường quét vôi trắng lại còn la liệt ảnh các diễn viên Hàn Quốc và những cô gái phương Tây mặc đồ lót viền đăng ten. Không thấy tivi. Không thấy sách vở. Sau này tôi còn được biết những ngôi nhà trọ vô cảm, hoàn toàn vắng bóng dáng của tình yêu, nỗi buồn của những cô thợ da giày đứng tuổi.
Video đang HOT
Họ mời tôi ngồi xuống một chiếc ghế cũ kỹ phủ một lớp mỏng lông chó. Nhờ có cô điếm làm chất xúc tác và những chuỗi vòng đeo cổ mua ở cửa khẩu Lạng Sơn làm quà, chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh. Các cô bỏ qua giai đoạn cúi mặt xuống sàn, nghịch tóc và cắn móng tay. Trong ánh sáng hiu hắt của một ngày ảm đạm, những câu chuyện của các cô nghe càng buồn hơn. Họ kể về cuộc đời mình như một chuỗi dài chán ngán (“Có lúc rảnh rỗi hiếm hoi chẳng biết làm gì lại bắc ghế ra ngoài cửa, nhìn người đi qua, đi lại” – một cô tâm sự), về những khát vọng tuổi trẻ đã vỡ tan tành như một chiếc bình thủy tinh rơi xuống tảng đá, bây giờ chỉ còn lại những mong muốn đơn giản (“Cháu chỉ ao ước một lần được vào siêu thị Big C để… xem!”), về những bất mãn, bực bội, bị dồn nén dưới bộ mặt cam chịu, phục tùng (“Có đình công cũng chẳng được bao nhiêu. Người có tiền họ đặt ra luật chơi. Họ bảo chúng cháu là bọn kích động, gây rối”). Tôi hỏi các cô có nghĩ gì về tương lai? Không ai trả lời! Bởi thế chẳng hề ngạc nhiên khi họ hoàn toàn bàng quan với những vấn đề lớn của hành tinh như sự biến đổi khí hậu, hay, thậm chí, chiến tranh và hòa bình. Họ không phẫn nộ vì bọn khủng bố phá tượng Phật ở Afghanistan, nhưng lại trách móc đồng nghiệp như một tội đồ ẩm thực, vì dùng mì chính lãng phí ở trong nhà bếp!
Tôi cố pha trò để các cô cười, nhưng họ không cười to được, vì chất buồn đã chảy trong mạch máu. Có lẽ tình yêu nam nữ là niềm hạnh phúc lớn nhất của các cô gái xa nhà. Nó ở ngay cạnh các cô và các cô làm ra được, chứ không xa xỉ như lời mời gọi ở trên tivi: Mùa xuân đi Mộc Châu ngắm rừng mận nở hoa! Trong 6 người ở cùng nhà có một cô gái tóc được búi cao sau gáy, để lộ đôi tai nhỏ nhắn đeo hoa tai bằng thủy tinh màu vàng. Cô chuẩn bị để đi với người yêu. Một thằng cha có 2 mắt nhỏ như cúc áo, đầy vẻ gian tà. Gã nhìn vào cô thèm thuồng như thể cô là viên kẹo để gã nuốt chửng vào mồm. Thật tiếc cho cô!
Khá nhiều cô gái da giày xa nhà đã không gặp may trong chuyện tình cảm. Lợi dụng sự cô đơn của các cô, những gã sở khanh mò đến. Các cô gái quê ngây thơ không hiểu những lời thề thốt của người đàn ông chỉ là cái cọc để người đàn bà nắm lấy trước khi ngã lộn cổ xuống. Và hậu quả là họ phải đến gặp bác sĩ phụ sản hoặc những kẻ phá thai chui. Song tệ hại hơn, có cô vớ phải thằng nghiện trong những cuộc tình chớp nhoáng (Công nhân da giày thì làm gì có thời gian tìm hiểu). Nó đã lây nghiện sang cô. Cô bị mất việc. Không dám về quê. Bây giờ cô đang ở đâu đó ngoài Đồ Sơn.
Ngày nay, công nhân da giày không phải làm thêm giờ nhiều như cái ngày xưa. Không phải bởi giới chủ biết điều hơn, mà vì họ bắt đầu thấy cần công nhân hơn. Ngành da giày đã mất đi cái ánh hào quang giả tạo ban đầu của nó. Xử tệ với NLĐ thì họ bỏ đi chỗ khác, dẫu rằng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Đồng lương có tăng, nhưng trượt giá tăng nhanh hơn.
Dẫu sao, những lúc nhàn cư, có cô công nhân da giày chợt nghĩ: Dại gì lại đi biếu không cho lũ sở khanh và họ quyết định đem bán cái vốn tự có, tranh thủ những khi không phải ngồi may mũi giày. Mấy tiếng vào trong khách sạn vừa có tiền tiêu vừa tiết kiệm được tiền điện, tiền nước ở nhà! Ông giám đốc B hói đầu, chân ngắn. Để đền bù cho những khiếm khuyết về hình thể, ông có nhiều tiền. Một buổi tối nọ, ông “nhặt” được trên đường Nguyễn Văn Linh (Hải Phòng) một “em” mắt to, mũi nhỏ, môi mọng. Sau cuộc vui vẻ, ông trả tiền cô và ngạc nhiên thấy cô đưa lại ông 100.000đ. “Ngày xưa, chúng em đình công 8 ngày, anh mới chịu tăng phụ cấp 100.000đ. Hôm nay em bo cho anh!”. Thì ra cô là công nhân da giày của ông. Ông đem chuyện này kể cho chúng tôi khi con mắt đã lờ đờ hoang vắng bởi chai Chivas gần cạn.
Vĩ thanh
Cuối thế kỷ trước, có một lý thuyết làm đảo lộn cả thị trường lao động toàn cầu: “Thương hiệu, chứ không phải là sản phẩm, là mấu chốt của thành công”. Thương hiệu tốn rất nhiều tiền, nên phải cắt bớt càng nhiều càng tốt chi phí sản xuất. Thế là, các tập đoàn lớn không tự sản xuất sản phẩm trong nhà máy của mình nữa. Họ đi thuê ngoài. Cái họ cần là giá thành thật rẻ. Đơn hàng được giao cho nhà thầu chính kéo theo một lô các nhà thầu phụ. Đến nhà thầu cuối thì giá đã rẻ như bèo. Họ tìm đến các quốc gia có lao động rẻ và thiếu việc làm. Đương nhiên NLĐ nước sở tại sẽ chỉ nhận được đồng lương mạt hạng.
Ngành gia công da giày của VN là như thế đó. Họ chẳng đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách, cho sự phát triển kinh tế bền vững, mà còn tạo ra rất nhiều hệ lụy: Ô nhiễm môi trường, sức khỏe cộng đồng… Cái lý cho sự tồn tại của ngành chỉ là vấn đề giải quyết lao động thất nghiệp. Thật buồn khi phải nói rằng: Da giày không phải là sự lựa chọn giữa việc làm tốt và việc làm tồi, mà là lựa chọn giữa việc làm tồi và không có việc làm.
Theo Hà Linh Quân
Lao động
Bi kịch nhói lòng 'đại gia' săn 'quà quê' khu công nghiệp
Tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), không ai không biết tới Trang - một "quà quê" mà nhiều "đại gia" săn đón. Hồi đi học, Trang được coi là hoa khôi của một trường miền núi...
Thời gian gần đây, tại các khu công nghiệp rộ lên việc có nhiều "đại gia" lui tới săn "quà quê". "Quà quê" mà dân chơi hay nói tới là các nữ công nhân làm tại các khu công nghiệp. Do thiếu thông tin, sự hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết và thiếu việc làm, thu nhập thấp nên nhiều nữ công nhân dễ rơi vào nguy cơ bị lợi dụng, mua bán dâm.
Từ công nhân tới "quà quê"
Tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), không ai không biết tới Trang - một "quà quê" mà nhiều "đại gia" săn đón. Hồi đi học, Trang được coi là hoa khôi của một trường miền núi của tỉnh Hà Giang. Nhà nghèo nên sau khi thi trượt đại học, Trang lặn lội ra Hà Nội tìm việc. Gõ cửa hết công ty này đến công ty khác, cuối cùng cô cũng kiếm được công việc may gia công cho một doanh nghiệp chuyên về may mặc với mức lương 1,1 triệu đồng/tháng.
Làm được vài tháng, cơn bão khủng hoảng kinh tế tràn tới đẩy cô rơi vào cảnh thất nghiệp. Đang lúc không việc làm, không nơi nương tựa thì một người đàn ông "nghĩa hiệp" xuất hiện. Ông ta trang trải toàn bộ tiền thuê nhà, tiền ăn và trả thêm cho Trang 1 triệu đồng/tháng với điều kiện có thể đến với Trang bất cứ lúc nào. Điều kiện quá hấp dẫn khiến Trang nhắm mắt chấp thuận dù biết ông ta đã có gia đình. Không những vậy, để có thêm tiền, Trang chấp nhận làm món "quà quê" cho vài người đàn ông khác.
Nhiều nữ công nhân gặp khó khăn trong cuộc sống. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).
Dạo qua các nhà trọ ven khu công nghiệp sẽ không mấy khó khăn nhận diện những nữ công nhân đang tự biến mình thành "quà quê". Sở dĩ các đại gia gọi đó là "quà quê" bởi theo họ, những cô gái có gốc gác quê mùa này đa phần vẫn còn giữ được "hương đồng gió nội", không "moi" giỏi như những cô gái nhà hàng.
Đây là "mảnh đất" béo bở để những anh chàng "họ Sở" tha hồ "cày bừa". Họ yêu chóng vánh, trao thân dễ dàng và khi người yêu ra đi thì nữ công nhân buộc phải chối bỏ giọt máu trong bụng mình để có cơ hội xây dựng tương lai với người khác.
Để đánh giá bước đầu về tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế đối với việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân nữ nhập cư và mối liên hệ với nguy cơ mua bán người, Trung tâm Hợp tác phát triển nguồn nhân lực và ActionAid Việt Nam đã phối hợp lựa chọn địa bàn một số thành phố công nghiệp có tính chất đại diện của vấn đề để nghiên cứu. Đó là xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội (có khoảng 20 nghìn công nhân nhập cư, 70% là nữ); phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng (có khoảng 29 nghìn công nhân nhập cư, 65% là nữ); phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh (60 nghìn công nhân nhập cư, 75% là nữ).
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu, phần lớn lao động nữ nhập cư chỉ được doanh nghiệp ký hợp đồng ngắn hạn, chỉ có 28% nữ công nhân nhập cư có hợp đồng lao động không xác định thời hạn; 10% công nhân nữ nhập cư đang ký hợp đồng miệng hoặc không ký hợp đồng lao động; 24% đang ký hợp đồng thời hạn dưới 12 tháng ngay cả khi đang làm những công việc có tính chất thường xuyên, không thời vụ.
Tính chất bấp bênh còn thể hiện ở chỗ có 36% công nhân nữ nhập cư đã từng chuyển nơi làm việc 1 -5 lần trong 5 năm qua. Tiền lương và thu nhập thực tế của hầu hết công nhân nữ nhập cư từ nơi làm việc giảm so với trước (bình quân từ 15- 30%) nên người lao động phải chi tiêu tiết kiệm, kham khổ hơn, nhất là những người phải tiết kiệm tiền để gửi về hỗ trợ gia đình, người thân.
Dễ sa chân vào cạm bẫy vì ít được quan tâm
Trên 90% công nhân nữ nhập cư đều xác định khi bị giảm hoặc mất việc làm, giảm thu nhập, sẽ tìm kiếm một công việc mới (kể cả công việc có điều kiện lao động thấp kém hơn), ít người lựa chọn phương án trở về quê.
Đáng buồn là theo kết quả điều tra, đã có nhiều thông tin cho thấy có sự tham gia của một số công nhân nữ nhập cư vào hoạt động mại dâm, làm việc ở những cơ sở "nhạy cảm" như massage, karaoke "ôm", nhà nghỉ, cắt tóc - gội đầu - giải khát - thư giãn... trên địa bàn cư trú hoặc ở những địa bàn lân cận. Có một thực tế đang diễn ra là các chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến những khó khăn của công nhân như việc làm, thu nhập, sức khoẻ, điều kiện làm việc, ăn ở, đi lại, tham gia hội họp, học tập.
Đặc biệt, nữ công nhân nhập cư phải sống trong các khu trọ không được đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, không được hưởng thụ văn hoá và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo quan sát của nhóm nghiên cứu, công nhân ở đây -nhất là công nhân nữ -thường thuê chung 3 -4 người/nhà và không có bất kỳ phương tiện thông tin giải trí nào, từ tivi đến sách báo.
Phần lớn các nữ công nhân đều đến từ các vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ và các huyện ngoại thành, chưa qua đào tạo, tay nghề thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có kinh nghiệm trong sản xuất công nghiệp, tâm lý không ổn định.
Bất chấp khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp ít tuyển dụng lao động hơn, nhiều lao động nữ nông thôn vẫn tìm đường lên thành thị để tìm kiếm việc làm. Chính vì vậy, việc chấp nhận một công việc nhiều rủi ro, bất chấp hậu quả là điều dễ xảy ra, nhiều chị em dễ bị lợi dụng, dụ dỗ, lừa gạt vào con đường mại dâm.
Để giảm nguy cơ những nữ công nhân bị sa vào tệ nạn mại dâm, buôn bán người, nhóm nghiên cứu khuyến cáo bản thân nữ công nhân rất cần được nâng cao sự hiểu biết xã hội. Họ cần hiểu hơn về các quy định của pháp luật, về hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội...
Với kiến thức xã hội thu nhận được, họ sẽ xử lý tốt hơn các vấn đề thường gặp trong cuộc sống, trong công việc. Quan trọng hơn, họ cảm thấy mình thực sự được quan tâm và bớt đi tâm trạng, nỗi buồn nơi đất khách quê người. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các đoàn thể, doanh nghiệp.
Theo_Người Đưa Tin
Truy tìm nguồn gốc tảng đá lớn làm 3 toa tàu trật bánh 9 giờ sau khi xảyra vụ tai nạn tàu hỏa trật bánh khỏi đường ray, đến 20h ngày 10/7, 3 toa tàu SE4 đã được giải cứu, tuyến đường sắt Bắc - Nam lưu thông trở lại. Cơ quan chức năng đã truy tìm nguồn gốc của tảng đá "bất đắc dĩ" nằm giữa đường ray. Trao đổi với PV Dân trí, ông...