Sự khôi hài khi Trung Quốc tuyên bố là cường quốc có trách nhiệm
Với những đã làm ở Biển Đông, thì thật khôi hài khi Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc tuyên bố nước này là quốc gia có trách nhiệm và muốn giữ gìn công lý trên thế giới.
Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc . CGTN
Ngày 5.6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tải thông cáo về việc Ngoại trưởng nước này Vương Nghị vừa có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Cuộc gọi nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong nhiều lĩnh vực, đồng thời kêu gọi Nga cùng phối hợp chống lại các hành động “ngang ngạnh” của Mỹ.
“Với tư cách là các cường quốc có trách nhiệm và là thành viên thường trực của HĐBA LHQ, Trung Quốc và Nga cần hợp tác để vạch trần và chống lại những hành vi sai trái của Mỹ, duy trì vững chắc hệ thống quốc tế với cốt lõi là LHQ và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, duy trì sự công bằng và công lý quốc tế, đồng thời bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới”, thông cáo dẫn lời Ngoại trưởng Vương trong cuộc gọi trên.
Trước hết, bỏ qua các cáo buộc của Trung Quốc đối với Mỹ, không xét đến đúng sai phải trái giữa Bắc Kinh với Washington trong quan hệ giữa 2 bên. Tuy nhiên, thật thiếu thuyết phục khi ông Vương tự nhận Trung Quốc là cường quốc có trách nhiệm, muốn giữ gìn công bằng, công lý quốc tế, đồng thời bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới.
Nhìn lại tình hình Biển Đông, Tòa trọng tài Quốc tế (PCA) ở The Hague năm 2016 đã phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra đối với vùng biển này. PCA được thành lập và đưa ra phán quyết dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là một bên tham gia UNCLOS 1982. Thế nhưng, từ khi PCA đưa ra phán quyết đến nay, Trung Quốc đã hoàn toàn phớt lờ phán quyết này.
Không những vậy, từ đó đến nay, Trung Quốc còn xây dựng hàng loạt hạ tầng và quân sự hóa các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở cả quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong số này, tại các bãi đá Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi, Bắc Kinh xây dựng cả hạ tầng quân sự quy mô lớn, đồng thời triển khai một số loại máy bay tiêm kích, oanh tạc cơ chiến lược, máy bay trinh sát… Từng bước, Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự hòng kiểm soát trái phép vùng biển này.
Các hành động vừa nêu chứng minh Trung Quốc là quốc gia vô trách nhiệm, không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Chưa dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn điều động lực lượng hùng hậu gồm tàu hải cảnh được vũ trang, tàu dân binh… thường xuyên quấy phá các hoạt động chính đáng của ngư dân Việt Nam. Thậm chí, nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc với sức mạnh của tàu chiến thực thụ, nhưng lại tổ chức vây ráp rồi tông chìm tàu cá ngư dân Việt Nam.
Tàu hải cảnh Trung Quốc uy hiếp tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi hồi năm 2020 . NGƯ DÂN CUNG CẤP
Đáng lo hơn, vào tháng 1 vừa qua, Trung Quốc còn tự trao quyền cho lực lượng hải cảnh nước này được quyền nổ súng nhằm vào tàu nước ngoài ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Điều đó đồng nghĩa với việc tàu Việt Nam đứng trước rủi ro bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công bằng vũ lực ở Biển Đông, dù Bắc Kinh không hề có chủ quyền hợp pháp tại vùng biển này.
Đây chính là các hành vi gây bất ổn, gây phương hại hòa bình quốc tế.
Chính vì thế, tuyên bố của ông Vương Nghị không chỉ thiếu thuyết phục, mà còn rất khôi hài để minh chứng cho kiểu nói một đường làm một nẻo như cách Trung Quốc hành xử trên Biển Đông!
Tàu Trung Quốc hiện diện gần Senkaku/Điếu Ngư lâu kỷ lục
Tính đến 0 giờ hôm qua 4.6, các tàu công vụ Trung Quốc hiện diện gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông trong 112 ngày liên tiếp, theo Đài NHK dẫn dữ liệu từ Lực lượng Tuần duyên Nhật (JCG).
Một tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Ảnh tư liệu . Ảnh REUTERS
Số liệu mới đánh dấu tàu công vụ Trung Quốc hiện diện gần Senkaku/Điếu Ngư trong thời gian liên tục lâu nhất kể từ khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo tranh chấp.
Các tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng tiếp giáp nằm ngoài khu vực Nhật tuyên bố là "lãnh hải" xung quanh Senkaku/Điếu Ngư. Ngoài ra, tàu Trung Quốc cũng đã nhiều lần vào "lãnh hải" và cố tiếp cận tàu cá Nhật hoạt động trong khu vực.
Trước tình trạng này, JCG luôn đặt trong tình trạng báo động và cho hay sẽ hành động cứng rắn theo luật pháp trong nước cũng như quốc tế nhằm ngăn chặn tình hình leo thang.
Chiến hạm Nhật Bản theo sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ - Nga cảnh báo nhau Ngoại trưởng Blinken cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục đáp trả "các hành động gây hấn" của Nga, trong khi Lavrov nói hai bên cần thẳng thắn với nhau. Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken được tổ chức bên lề cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực ngày 19/5 tại Reykjavik, Iceland, nhằm...