Sự khác nhau giữa đồng hồ 10 triệu và 100 triệu đồng
Tại sao hai chiếc đồng hồ có thiết kế tương tự, đều được đánh giá là rất đẹp, nhưng một chiếc có giá chỉ 10 triệu đồng, còn chiếc kia bạn phải bỏ tới 100 triệu để sở hữu?
Người ta thường nói rằng trên đời này có hai loại đàn ông. Thứ nhất là những người sở hữu một chiếc đồng hồ đeo tay truyền thống. Thứ hai là những người chỉ cần điện thoại di động để kiểm tra giờ. “Tại sao tôi lại phải bỏ một mớ tiền ra mua một thứ chỉ có mỗi công dụng báo giờ khi đã có smartphone?”, nhiều anh chàng thuộc nhóm hai vẫn nói vậy.
Nhưng với những người nhóm một, chiếc đồng hồ đeo tay truyền thống không chỉ đơn giản là để kiểm tra giờ giấc. Đó còn là một món đồ không thể thiếu, một niềm tự hào. Vì vậy, họ sẵn sàng chi từ hàng trăm tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn USD, cho một chiếc đồng hồ truyền thống.
Đồng hồ cao cấp có sự khác biệt rất lớn so với phần còn lại.
Vậy đâu là sự khác biệt giữa một chiếc đồng hồ 10 triệu đồng và một chiếc 100 triệu đồng? Hai mức giá này chính là đại diện tốt nhất cho phân khúc đồng hồ tầm trung và cao cấp, theo chuyên gia đồng hồ Bani McSpedden của Australian Financial Review.
Phương pháp sản xuất phức tạp
Một trong những yếu tố quyết định giá cả đồng hồ gây tranh cãi nhất là phương pháp sản xuất được sử dụng cho đồng hồ và chuyển động của đồng hồ. Trong khi McSpedden tin rằng “không có sự tương quan giữa độ chính xác và giá cả”, các chuyên gia khác khẳng định độ chính xác cao hơn dẫn tới mức giá đắt đỏ hơn.
Theo quan sát chung, một chiếc đồng hồ trong tầm giá 10 triệu đồng sẽ có ít chi tiết được điều chỉnh thủ công, ít tinh vi hơn trong việc đo thời gian. Trong khi đó, ở đồng hồ giá 100 triệu đồng, mọi chuyển động đều đáp ứng các thông số kỹ thuật của chronometer, chi tiết được hoàn thiện thủ công, việc tạo góc cạnh, khắc hay tráng men đều bằng tay.
Một chiếc đồng hồ có tầm giá trăm triệu thường có rất nhiều chi tiết phức tạp.
Quy trình sản xuất hàng loạt sẽ khiến việc sản xuất và hoàn thiện đồng hồ trở nên đơn giản hơn, đồng nghĩa với giá thành thấp hơn. Trong khi đó, một chiếc đồng hồ xa xỉ mất nhiều thời gian và lao động hơn để sản xuất do các chuyển động cơ học phức tạp đòi hỏi một người lắp ráp.
Chi phí thiết kế
Dù bạn có tin hay không, thì thiết kế của một chiếc đồng hồ vẫn đóng vai trò khá nhỏ đối với mức giá cuối cùng. Ví dụ như đồng hồ Daniel Wellington có giá dưới 5 triệu đồng. Nó có thiết kế đơn giản, ít chi tiết nhưng đẹp và sang trọng. Cũng có thể dùng những từ này để mô tả đồng hồ Nomos Glashtte của Đức, nhưng chiếc này lại có lên đến 100 triệu đồng.
Dù vậy, thiết kế giữa đồng hồ hạng sang và đồng hồ trung cấp vẫn có những khác biệt đáng kể. Ở những chiếc đồng hồ dưới 10 triệu đồng, mặt đồng hồ phẳng và trông hai chiều hơn, kim được mạ điện hoặc vẽ tay thay vì nung đến một nhiệt độ cụ thể để đạt được màu sắc.
Video đang HOT
Đồng hồ Daniel Wellington có thiết kế đẹp nhưng không đắt đỏ.
Trong khi đó, đồng hồ 100 triệu đồng lại có thể mang lại nhiều họa tiết hơn trên mặt như các chi tiết và chữ số cách điệu hay bezels sứ để chống xước.
Nếu thật sự yêu cái đẹp nhưng lại không đi theo chủ nghĩa tối giản như DW, nhiều khả năng bạn sẽ phải chi từ hàng chục đến hàng trăm triệu để mua một chiếc đồng hồ cao cấp với đường viền thép không gỉ, viền vàng và mặt đá tinh thể.
Chi phí xây dựng thương hiệu
“Không phải ngẫu nhiên mà đồng hồ từ các thương hiệu uy tín lại có giá cao hơn. Bởi chúng ta phải trả tiền cho giá trị. Trong nền công nghiệp đồng hồ, nếu bạn là thương hiệu được kính trọng, bạn được quyền tính phí cao hơn”, chuyên gia McSpedden cho biết.
Rolex là một trong những thương hiệu đồng hồ nổi tiếng nhất thế giới.
Bên cạnh đó, danh tiếng và uy tín đòi hỏi rất nhiều công sức và tiền bạc để xây dựng. Ví dụ, một thương hiệu sẽ phải bỏ cả đống tiền để mở cửa hàng xa xỉ tại khu phố sang trọng, tổ chức triển lãm và ra mắt đồng hồ, quảng cáo trên phim… Những chi phí ấy phần lớn được quy vào giá trị chiếc đồng hồ, đẩy nó lên mức hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn USD.
Chất liệu quyết định giá cả
Một yếu tố khác nói lên sự khác biệt giữa đồng hồ 10 triệu và 100 triệu đồng là vật liệu sản xuất. Ví dụ, mặt đồng hồ 10 triệu được sản xuất từ vật liệu tinh thể có giá thành thấp hơn. Những loại chất liệu này thường là từ thuỷ tinh, dễ bị trầy xước và hư hại bề ngoài.
Ngược lại, đồng hồ 100 triệu chỉ sử dụng tinh thể đắt tiền, đa phần là sapphire, là tinh thể gần như không thể bị phá vỡ, vì vậy có tuổi thọ lâu hơn và không bị trầy xước.
Chất liệu là sự khác biệt căn bản giữa một chiếc đồng hồ xa xỉ và tầm trung.
Vật liệu được sử dụng bên trong chiếc đồng hồ xa xỉ cũng luôn đắt tiền hơn, góp phần vào giá cả của chúng. Chúng thường là kim loại quý hay thậm chí đá quý để chống bị hư hỏng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhận thấy sự khác biệt trên quai đeo đồng hồ. Ở mức giá 10 triệu, bạn có thể sở hữu quai làm bằng da bê, rất khác với da cá sấu chính hãng.
Chất liệu và công đoạn hoàn thiện cuối cùng mang đến giá trị rất quan trọng: sự bền bỉ. Những chiếc đồng hồ nam đắt tiền thông thường sẽ vượt qua mọi điều kiện khắc nghiệt, bền bỉ theo năm tháng, giữ vững tính thẩm mỹ qua nhiều năm, và là món đồ giá trị có thể truyền lại cho đời sau.
Theo motthegioi.vn
Ba quy tắc căn bản để phối đồng hồ với trang phục nam giới
Đôi khi, công sức cả tháng trời để đặt may bộ suit và chọn giày tây lại trở thành số không chỉ vì bạn mang sai đồng hồ.
Không giống như phụ nữ, đôi khi toàn bộ số trang sức của một người đàn ông chỉ quẩn quanh vài chiếc đồng hồ. Tuy nhiên, việc kết hợp những chiếc đồng hồ đó với phục trang của bạn lại không hề đơn giản. Dưới đây là vài lời khuyên đến từ tạp chí Art of Manliness.
Phân loại đồng hồ dựa theo tính trang trọng
Để làm được điều này, trước tiên bạn cần nắm thông tin khái quát về các loại đồng hồ. Nhìn chung, thế giới đồng hồ nam có thể được chia thành 5 nhóm.
Dress Watch, hay nói nôm na là đồng hồ trang trọng, có kiểu dáng đẹp, đơn giản và tinh tế. Đây là kiểu đồng hồ với mặt số trắng trơn, không có nhiều chức năng bổ sung, dây đeo mỏng bằng da hay kim loại. Đúng như tên gọi, đây là loại đồng hồ mang đến vẻ ngoài rất lịch thiệp, phù hợp với kiểu trang phục chỉn chu như bộ suit đi tiệc, suit doanh nhân hay trang phục công sở.
Dress Watch rất phù hợp với trang phục trong sự kiện đòi hỏi phải chỉn chu.
Dive Watch, hay đồng hồ thợ lặn, được thiết kế chuyên biệt cho việc lặn dưới nước nên có khả năng chống nước và chịu áp lực lớn. Đồng hồ này thường làm từ kim loại có mặt số trung bình và dễ đọc được giờ. Với vẻ ngoài pha lẫn giữa phong trần và lịch lãm, dive watch không phù hợp với bộ suit đi tiệc, nhưng trông sẽ rất tuyệt khi đi cùng với suit doanh nhân, đồ công sở hay trang phục thường ngày.
Racing Watch, hay đồng hồ thể thao, có kích thước từ trung bình đến lớn, với mặt số thể hiện chữ số lớn rõ ràng, có nhiều màu tương phản. Racing Watch thông thường được tích hợp nhiều chức năng, có kiểu dáng đa dạng rất nổi bật, phù hợp hơn khi đi cùng quần áo casual, đồ thể thao, hay đôi khi là trang phục công sở có đôi chút phá cách ở chiếc áo sơ mi được buông hờ hàng nút, quần jeans tối màu và giày da.
Aviator Watch, hay đồng hồ phi công, có mặt và chữ số to rõ ràng, quai đeo lớn bằng da, được tích hợp thêm nhiều chức năng phụ. Tương tự như vậy, Field Watch, hay đồng hồ quân đội, cũng sở hữu vẻ bề ngoài gai góc đầy nam tính, với mặt số có độ tương phản cao, dây đeo bằng da hay canvas. Cả hai đều là điểm nhấn rất đáng kể cho set đồ casual.
Dive Watch là món đồ mang đến vẻ lịch lãm pha lẫn chút điệu nghệ đàn ông.
Smartwatch, hay đồng hồ thông minh, có thể mang lại nhiều chức năng tương tự chiếc điện thoại tí hon được gắn trên cổ tay. Chính vì thế mà so với các loại đồng hồ khác, Smartwatch dễ khiến người dùng xao nhãng hơn. Thêm vào đó, mặc dù được thiết kế với phong cách tối giản tựa như Dress Watch, Smartwatch vẫn không thể mang đến ấn tượng thanh lịch và trang trọng tương tự.
Vì vậy, hãy chỉ mang Smartwatch khi nào thấy thật sự cần thiết. Nếu bạn phải sở hữu một chiếc để tiện việc làm ăn, hãy phối nó với các set đồ thoải mái, hiện đại hơn thay vì đồ trang trọng. Và nếu được, cố gắng đừng để chúng khiến bản thân bị phân tán quá nhiều.
Phối hợp đồng hồ dây da với trang phục
Có hai nguyên tắc chính để thực hiện điều này. Thứ nhất, dây đeo bằng da (loại da trơn mịn) được xem là trang trọng hơn dây đeo kim loại. Thứ hai, dây đeo màu đen trang trọng hơn dây đeo màu nâu.
Mặc dù các loại dây đeo vàng hay bạc không phù hợp với các sự kiện đòi hỏi tính trang trọng cao, bạn vẫn có thể dùng nếu thấy chúng tôn lên bộ trang phục.
Field Watch phù hợp với những set đồ casual, là vật bất ly thân của chàng trai ưa mạo hiểm.
Dây đeo bằng da thô với bề mặt xù xì (như thường thấy trên các mẫu Field Watch) có thể được xem như ngoại lệ đối với quy tắc dây đeo da. Chúng chỉ nên được mang cùng quần áo casual như quần jeans, áo phông, giầy thể thao thay vì áo sơ mi hay suit.
Bên cạnh đó, nếu bạn lựa chọn mẫu đồng hồ dây da, hãy đảm bảo là chúng phù hợp với chất liệu và màu da trên các món đồ còn lại bạn đang mang, như túi, thắt lưng và giày. Ví dụ, đồng hồ đen nên được mang cùng giày đen, thắt lưng đen. Đồng hồ nâu nên đi cùng giày và thắt lưng màu nâu.
Để làm được điều này, bạn có thể bắt đầu với việc chọn giày và thắt lưng đồng màu phù hợp với trang phục. Sau đó tìm cho mình mẫu đồng hồ tương ứng.
Màu sắc dây đeo của đồng hồ không cần thiết phải giống hệt màu các phụ kiện còn lại, nhưng nên đi theo một tông màu nhất định (như màu sáng, trung tính hay màu tối).
Phối hợp đồng hồ kim loại với trang phục
Kim loại được sử dụng để chế tạo vỏ đồng hồ (mặt và/hoặc dây) bao gồm thép, vàng, bạc, bạch kim và titan. Màu sắc của kim loại nên phù hợp hay tôn lên các loại phụ kiện khác, như nhẫn, khuy măng sét, khóa giày, khóa thắt lưng... sao cho mọi thứ đều có cùng một tông.
Ví dụ, đồng hồ Casio bằng thép nên đi cùng nhẫn bạc, khóa giày và khóa thắt lưng làm từ sắt. Màu sắc không nhất thiết phải y hệt như nhau: bạn hoàn toàn có thể phối chiếc đồng hồ vàng hồng với thắt lưng có khuy vàng, miễn là ấn tượng chúng mang đến không đến tương phản.
Đồng hồ vàng nên đi cùng trang sức vàng để tạo sự đồng điệu.
Khi đeo đồng hồ dây kim loại, bạn có thể tuỳ nghi lựa chọn giày màu đen hay nâu. Song cũng có vài mã màu nhất định mà bạn cần nắm được. Thứ nhất, đồng hồ bạc đẹp nhất khi đi cùng quần áo và giày màu đen, xám, xanh dương. Thứ hai, đồng hồ vàng tốt nhất nên đi cùng màu nâu, các tông beiges và tông màu đất khác.
Trên đây là những quy tắc căn bản để kết hợp đồng hồ và trang phục. Tuy nhiên, cũng như mọi quy tắc khác, vẫn tồn tại vài ngoại lệ, nhất là đối với những ai yêu thời trang và luôn mong được ăn mặc phá cách. Ngoại lệ thứ hai chính là dành cho các món kỷ vật, đồ gia truyền hay những chiếc đồng hồ chất chứa nhiều kỷ niệm.
Chắc hẳn rất nhiều người còn nhớ vị giáo sư điển trai Robert Langdon trong loạt phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Dan Brown. Ông gây ấn tượng mạnh với người bạn khác giới khi mang trên mình chiếc đồng hồ Mickey không hề ăn nhập với bộ suit. Đó chính là giá trị của tinh thần, là thứ mà không có quy tắc ăn mặc nào có thể mang lại được.
Theo news.zing.vn
7 mẫu túi xách, balo nam tính hợp xu hướng thời trang 2018 Phái mạnh tưởng chừng không quan tâm lắm đến thời trang nhưng thực chất vẫn có những phụ kiện các chàng đặc biệt quan tâm như: đồng hồ, giày công sở, thắt lưng... và đặc biệt là túi xách. Cập nhật những mẫu túi xách balo nam đang hot mùa hè 2018 dễ dàng phối hợp với mọi loại trang phục ngay nhé....