Sự hiện diện của ngư dân là khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển
“Bây giờ đi ra Hoàng Sa phải đi đường vòng, tốn kém hơn, chúng tôi đều chấp nhận. Nếu được hỗ trợ một phần nào đó, giúp chúng tôi an tâm trở thành người chiến sĩ bảo vệ vùng biển Việt Nam, kiên quyết không cho Trung Quốc xâm chiếm đất nước mình”.
“Phía Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 là hành động xâm chiếm, vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Không chỉ vậy, họ còn dùng tàu hải quân và kiểm ngư tấn công tàu cá của ngư dân Lý Sơn đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ngoài tinh thần tiếp tục bám biển, chúng tôi mong được hỗ trợ kịp thời nhằm khắc phục hư hỏng, sớm vươn khơi ở ngư trường truyền thống tại Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Nguyễn Quốc Chinh – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn) – bày tỏ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 1.000 tàu cá tham gia đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Riêng huyện Lý Sơn có 427 tàu cá với tổng công suất trên 40.000 CV, trong đó có 158 tàu đánh bắt xa bờ, khai thác chủ yếu trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tàu cá ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung vẫn tiếp tục bám biển Hoàng Sa, Trường Sa cho dù gặp nhiều trở ngại từ Trung Quốc.
Với 32 năm mưu sinh ở Hoàng Sa, ngư dân Mai Văn Lê (53 tuổi, ngụ xã An Vĩnh, Lý Sơn – chủ tàu QNg 96185-TS có công suất 450CV) không nhớ bao nhiêu lần bị phía Trung Quốc tấn công, bắt giữ, cướp tài sản ngay trên ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. Với tinh thần bám biển trên đất tổ tiên mà Đội hùng binh Hoàng Sa đã bảo vệ, ngư dân Mai Văn Lê vẫn một lòng cùng 2 con trai tiếp tục vươn khơi.
Ngư dân Mai Văn Lê khẳng định: “Tôi vừa trở về Lý Sơn từ Hoàng Sa cách đây 6 ngày, tôi cùng các anh em ngư dân vô cùng ngạc nhiên khi mọc lên giàn khoan và hàng chục tàu của Trung Quốc. Hành động xâm chiếm như vậy thật phi lý, ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế trên vùng biển của ta. Dù phía Trung Quốc có hành động uy hiếp nào, ngư dân Lý Sơn vẫn tiếp tục đi ra Hoàng Sa. Tôi tin tưởng sự hiện diện của mình chính là khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.
“Bây giờ đi ra Hoàng Sa phải đi đường vòng, tốn kém nhiêu liệu và kéo dài thời gian hơn, chúng tôi đều chấp nhận cả. Nếu được hỗ trợ một phần nào đó, giúp chúng tôi an tâm trở thành người chiến sĩ bảo vệ vùng biển Việt Nam, đặc biệt ở Hoàng Sa; kiên quyết không cho phía Trung Quốc xâm chiếm bất hợp pháp ở đất nước mình”, ông Lê nhấn mạnh.
Song song với hành động đặt giàn khoan, tàu hải quân và kiểm ngư của Trung Quốc liên tục đâm tàu cá Việt Nam, khiến tàu cá hư hỏng và quay trở về bờ để sửa chữa, gây tổn thất hàng trăm triệu đồng với mỗi chuyến biển bị đe dọa. Mới nhất, vào ngày 7/5, tàu cá QNg 96416-TS của ngư dân Nguyễn Văn Lộc (37 tuổi, ngụ thôn Tây, xã An Vĩnh, Lý Sơn) bị tàu hải quân của Trung Quốc đâm bể mạn tàu cá và hư hỏng nặng ngay tại Hoàng Sa.
Hỗ trợ kịp thời cho tàu cá và ngư dân trên tàu của ông Lộc để sớm vươn khơi ra Hoàng Sa.
Đến ngày 9/5, ngư dân Nguyễn Văn Lộc (chủ tàu kiêm thuyền trưởng) cùng 16 ngư dân cập cảng Lý Sơn để sửa chữa lại tàu. Thuyền trưởng Lộc cho biết: “Tàu tôi dự kiến đi khoảng 1 tháng, còn đây chỉ đi có 6 ngày thì bị Trung Quốc tấn công nên đành quay về, gây thiệt hại hơn 150 triệu đồng phí tổn. Chúng tôi tiếp tục vay mượn tiền để khẩn trưởng sửa chữa tàu, ngày mai tôi lại đi Hoàng Sa, bởi đây là mùa đánh bắt hiệu quả nhất. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm bảo vệ vùng biển của Việt Nam mà cha ông ta đã thực hiện nhiệm vụ với Đội hùng binh Hoàng Sa từ hàng ngàn năm trước”.
Video đang HOT
Không chỉ riêng ngư dân Lý Sơn mà ngư dân Bình Sơn, TP Quảng Ngãi, Đức Phổ điều quyết tâm bám biển trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều gây trở ngại nhất ở Hoàng Sa, chính từ hành động vô nhân đạo của Trung Quốc, luôn tấn công, đập phá, cướp tài sản và gây bất ổn trên biển Đông trong lãnh hải của Việt Nam.
Qua thống kê mới nhất, trong tháng 5/2014, tàu Trung Quốc đã tấn công 3 tàu cá Lý Sơn khi đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, gồm tàu cá QNg 96416-TS của ngư dân Nguyễn Văn Lộc (bị đâm vỡ tàu); tàu QNg 96147-TS do ngư dân Dương Văn Giàu làm thuyền trưởng (bị đập phá, cướp trang thiết bị, ngư lưới cụ và hải sâm); tàu QNg 96354-TS do ngư dân Nguyễn Chí làm thuyền trưởng (bị đập phá và cướp tài sản). Cả 3 tàu cá đều bị tàu Trung Quốc tấn công cùng ngày 7/5 vừa qua.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phùng Đình Toàn – Phó Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh, kiêm thành viên Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi – cho biết: “Chúng tôi luôn tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, để ngư dân xác định phạm vi hoạt động đánh bắt xa bờ. Đồng thời động viên ngư dân Quảng Ngãi bám biển ở Hoàng Sa và Trường Sa. Riêng về Quỹ hỗ trợ ngư dân, đến nay đã vận động hơn 30 tỷ đồng và tiếp tục kêu gọi, vận động, tiếp nhận các nguồn hỗ trợ để kịp thời giúp đỡ ngư dân gặp nạn đang hoạt động trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa”.
Theo chức năng và nhiệm vụ, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi thực hiện hỗ trợ không hoàn lại các trường hợp ngư dân bị nạn khi đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho vay ưu đãi để sắm tàu mới, hoặc nâng công suất máy trên tàu cá.
Trong sáng ngày hôm nay (12/5), Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 10 triệu đồng cho tàu cá QNg 96416-TS của ngư dân Nguyễn Văn Lộc. Đồng thời, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ toàn bộ chi phí sửa chữa tàu, mức hỗ trợ 100% thiệt hại do bị tàu Trung Quốc đâm vỡ mạn tàu (tạm ứng ban đầu 400 triệu đồng).
Hỗ trợ Cảnh sát biển vùng 2 an tâm thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, tại đơn vị Cảnh sát biển vùng 2, UBMTTQVN tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng và Tỉnh đoàn Quảng Ngãi hỗ trợ 10 triệu đồng đến cán bộ, chiến sĩ thuộc Cảnh sát biển vùng 2.
Trong những năm gần đây, ngư dân Quảng Ngãi luôn bị phía Trung Quốc quấy nhiễu, tấn công, đánh đập ngư dân, cướp và phá tài sản trên tàu cá. Mỗi chuyến biển không may mắn, ngư dân rất cần nguồn hỗ trợ kịp thời, nhờ đó ngư dân khắc phục hư hỏng nhanh chóng và tiếp tục bám biển ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu.
UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích khai thác hải sản trên các vùng biển xa đợt 1 năm 2014, với tổng kinh phí 31,5 tỷ đồng. Trong đó, 325 tàu chuyên khai thác hải sản trên vùng biển xa ở Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi) được hỗ trợ nhiên liệu với tổng số tiền là 30,774 tỷ đồng; hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và thuyền viên trên tàu cho 32 tàu với tổng số tiền là hơn 97 triệu đồng; hỗ trợ chi phí mua máy thông tin liên lạc cho 22 tàu với số tiền là 616 triệu đồng.
Theo dantri
Tâm lý khó hiểu của Dương Chí Dũng khi tòa tuyên y án tử hình
Trong suốt những ngày diễn ra phiên xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm, người ta luôn thấy cựu Chủ tịch Vinalines giữ được phong thái bình thản, cười tươi khi gặp lại vợ con, thậm chí còn chủ động chào, bắt tay cựu Tổng giám đốc Mai Văn Phúc, người "không đội trời chung" với mình.
Cho đến chiều 7/5, khi nghe tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình, Dương Chí Dũng cố tỏ ra bình tĩnh, nhưng ánh mắt không giấu nổi vẻ sầu thảm.
Sự bình thản khó hiểu
Những ngày diễn ra phiên phúc thẩm xét xử "đại án" xảy ra tại Vinalines, Dương Chí Dũng cũng nổi bật so với các bị cáo khác, trong khi các đồng phạm mặc đồng phục màu xanh thì bị cáo Dũng luôn xuất hiện trong vành móng ngựa với áo sơ mi trắng, quần đen, đi giày tây. Khi nhìn thấy vợ con cùng với những người thân trong gia đình, ông Dũng cười rất tươi và dặn dò mọi người rằng: "Cứ bình tĩnh, yên tâm. Giữ gìn sức khỏe!".
Theo dự kiến ban đầu, phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 22 - 24/4, thế nhưng đến ngày 25/4 thì tòa vẫn chưa thể tuyên án mà bất ngờ quay lại phần xét hỏi để làm rõ một số tình tiết trong vụ án cũng như xem xét thấu đáo các chứng cứ gỡ tội mà phía luật sư đưa ra. Kết thúc buổi xét xử hôm đó (chiều 25/4), những người thân của Dương Chí Dũng "mừng ra mặt". Bà Phương dặn chồng: "Đêm nay ngủ ngon nhé!" và không quên giơ nắm tay lên thể hiện sự quyết tâm. ánh mắt Dương Chí Dũng khi đó cũng rất lạc quan, có thể ông ta đang hy vọng "cửa sinh" sẽ mở ra đối với mình. Những ngày sau đó, diễn biến phiên tòa cũng "nóng" lên với nhiều tình tiết bất ngờ, Dương Chí Dũng luôn giữ được vẻ bình thản, điềm đạm.
Dương Chí Dũng và đồng phạm đều tỏ ra căng thẳng khi nghe HĐXX tuyên án. (ảnh: Thành Long).
Trong một cuộc PV tiếp xúc riêng với vợ, con của Dương Chí Dũng, người nhà cựu Chủ tịch Vinalines cho biết, từ ngày chồng bị bắt, bà Phạm Thị Mai Phương đêm nào cũng lên sân thượng nhà mình để thắp hương cầu khấn cho chồng mình được giảm tội. Cô con gái thứ hai của vợ chồng ông Dũng tâm sự: "Có khi 12h đêm, trời mưa bão to mà mẹ em vẫn cứ ngồi trên sân thượng thắp hương cầu khấn cho bố khiến tụi em rất lo lắng cho sức khỏe của mẹ. Tụi em khuyên thế nào mẹ em cũng không chịu xuống, mẹ bảo sẽ làm mọi thứ vì bố!".
Trong cả hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm xét xử chồng mình cũng như tại phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Đại tá công an Dương Tự Trọng và đồng phạm, bà Phương được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng, hôm nào bà cũng đến từ rất sớm, ra về khá muộn với mong muốn được gặp gỡ chồng bên lề phiên tòa. Bị cáo Dũng thường được đưa đến ngồi chờ tại phòng xét xử trước các bị cáo đồng phạm nên bà Phương thường mon men lại gần tranh thủ hỏi han, động viên chồng vài câu. ở phiên tòa phúc thẩm xử Dương Chí Dũng, bà Phương gầy xọp đi so với mấy tháng trước.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Vân, vợ bị cáo Mai Văn Phúc cũng xuất hiện tại tòa với đôi mắt thâm quầng, khuôn mặt hốc hác. Sau mỗi buổi xét xử, vợ Mai Văn Phúc lại nước mắt ngắn dài, dáng vẻ tiều tụy.
Một điều mà những người tham dự phiên tòa nhận thấy, trước công đường Dũng, Phúc đều nói rằng trước đây cả hai vốn giống như "mặt trăng, mặt trời", "không đội trời chung với nhau", đây là lý do mà hai bị cáo lập luận rằng: "Không thể có chuyện hai người ngồi thỏa thuận với nhau về số tiền lại quả", rồi cả hai "sếp lớn" đều đổ vấy trách nhiệm cho bị cáo Trần Hải Sơn, cho rằng Sơn tự dàn xếp số tiền "lại quả".
Tuy nhiên, trong vành móng ngựa, Dũng và Phúc bắt tay chào hỏi nhau, tỏ ra "đồng cảm" vì đều kêu mình bị oan. Nhưng, trước các chứng cứ và nguồn tài liệu thu thập được, tòa cho rằng, đủ căn cứ chứng minh các bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều phạm tội tham ô tài sản.
Có người đã nói rằng, nếu như trước đây Dũng, Phúc luôn muốn thể hiện mình quan trọng nhất trong các quyết định của tổng công ty, nhưng khi bị quy trách nhiệm thì không ai nhận mình là "quan trọng nhất"! Trước đây họ là "mặt trăng, mặt trời" thì giờ cùng nói mình không thỏa thuận gì việc "lại quả", chỉ có Sơn "làm hết". Tại cơ quan điều tra và trước tòa, Dương Chí Dũng đã nhiều lần thay đổi lời khai nhưng thái độ thì luôn giữ vẻ bình tĩnh, điềm đạm đến khó hiểu.
HĐXX phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc về hai tội cố ý làm trái và tham ô tài sản; Trần Hữu Chiều 19 năm tù cho cả hai tội danh trên; Trần Hải Sơn 22 năm tù về cả hai tội cố ý làm trái và tham ô tài sản.
Dương Chí Dũng sẽ làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá?
Đầu giờ chiều 7/5, bị cáo Dương Chí Dũng được đưa đến tòa sau cùng nhưng được đưa thẳng vào phòng xử án, trong khi các bị cáo khác đều được đưa vào tập trung tại phòng chờ bên cạnh. Đứng ở ngoài hàng rào, khi nhìn thấy Dương Chí Dũng bước ra khỏi xe thùng, cô con gái thứ hai của bị cáo hét lên: "Bố ơi, chúc mừng sinh nhật bố!". Đáp lại lời chúc đó, ông Dũng giơ tay vẫy chào và cười rất tươi. Cô gái cho biết, hôm 5/5 là ngày sinh nhật bố mình. Cũng theo cô, trước đây mỗi lần sinh nhật vợ, con, Dương Chí Dũng thường làm thơ tặng mọi người.
Cũng giống như những ngày trước đó, Dương Chí Dũng chủ động bắt tay bị cáo Phúc và cười tươi, chờ HĐXX bắt đầu làm việc. Tuy nhiên, sau gần hai tiếng đồng hồ đứng trong vành móng ngựa nghe tòa luận tội, tuyên án, nét mặt Dương Chí Dũng trở nên căng thẳng. Bản án xác định, Dũng và Phúc cùng chỉ đạo cấp dưới mua ụ nổi qua công ty AP, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng. Đủ cơ sở buộc tội các bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều có hành vi tham ô tài sản, trong đó Dũng và Phúc là chủ mưu, mỗi bị cáo chiếm đoạt 10 tỉ đồng, Sơn chiếm đoạt gần 8 tỉ đồng, còn Chiều 340 triệu đồng.
Các bị cáo Mai Văn Khang; Lê Văn Dương bị tuyên 7 năm tù về tội cố ý làm trái. HĐXX chấp nhận kháng cáo và giảm hình phạt đối với bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện, nguyên là các cán bộ hải quan. Cả ba bị cáo này đều nhận mức án 6 năm tù về tội cố ý làm trái, giảm 2 năm tù so với mức án 8 năm tù mà cấp sơ thẩm tuyên phạt.
Về trách nhiệm liên quan của cục Đăng kiểm Việt Nam, tòa cho rằng việc xác định ụ nổi không phải là tàu biển, không đề cập yêu cầu đảm bảo về tuổi của ụ nổi khi nhập khẩu là không đúng quy định pháp luật. Tòa đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra xem xét trách nhiệm của đơn vị này. Ngoài ra, HĐXX cũng cho rằng, cần xem xét kiến nghị làm rõ vai trò của bà Trần Thị Hải Hà, em gái bị cáo Trần Hải Sơn, để tránh bỏ lọt tội phạm.
Khi nghe HĐXX tuyên án, Dương Chí Dũng lặng người đi, Mai Văn Phúc và một số bị cáo khác rưng rưng, đặc biệt bị cáo Chiều liên tục đưa tay lên gạt nước mắt. Dù Dương Chí Dũng cố giữ lấy vẻ bình tĩnh, nhưng ánh mắt thì sầu thảm. Ngồi cuối góc khán phòng, bà Phương vẻ mặt thẫn thờ, gần như không còn quan tâm đến mọi việc đang diễn ra xung quanh, hai bàn tay cầm chặt chiếc khăn mùi xoa như thể muốn kìm nén cảm xúc. Trong khi đó, vợ Mai Văn Phúc khóc thút thít.
Vợ Dương Chí Dũng chạy với theo dặn chồng "nhớ làm đơn xin ân giảm gửi Chủ tịch nước".
Kết thúc phiên tòa, bà Phương chạy với theo chiếc xe thùng bít bùng chở chồng mình, nước mắt ngắn dài dặn dò: "Anh nhớ viết đơn xin ân giảm gửi Chủ tịch nước". Đáp lại, Dương Chí Dũng khẽ gật đầu, rồi dặn vợ: "Giữ gìn sức khỏe". Bà Phương cố với theo: "Các con đến đông đủ nhưng đứng ở bên ngoài, gửi lời chào bố!".
Theo Đời sống Pháp luật
Ngày 22/5, xét xử phúc thẩm Dương Tự Trọng và đồng phạm Theo lịch xét xử của TAND Tối cao, dự kiến ngày 22/5 tới, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Dương Tự Trọng cùng nhóm bị cáo phạm tội "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" sẽ được diễn ra. Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt: Dương Tự Trọng 18 năm tù...