‘Sứ giả’ gắn kết sinh viên Việt – Lào
Suốt bốn năm qua, Hiếu giữ vai trò như một “sứ giả”, đưa tiếng Việt đến với sinh viên Lào, qua đó tạo tình cảm gắn kết giữa sinh viên Việt – Lào. Hiếu vừa học vừa làm, vừa đảm nhiệm công tác tình nguyện.
Phan Trung Hiếu là gương mặt đóng vai trò như một “sứ giả” gắn kết sinh viên Việt – Lào ở Hà Tĩnh nhờ tiếng Việt – Anh: NVCC
Tình nguyện mang đến rất nhiều trải nghiệm, có thể là cốc nước mát người dân gửi tặng khi chúng mình hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, hay nhìn thấy các bạn sinh viên Lào có kết quả học tập tốt lên… là động lực để mình bước tiếp.
PHAN TRUNG HIẾU
“Trong quá trình học tập, việc giao tiếp ngôn ngữ giữa sinh viên Lào với sinh viên chúng mình và thầy cô còn nhiều hạn chế. Từ đó mình đặt câu hỏi: Mình có thể làm gì để giúp các bạn giao tiếp dễ dàng, hội nhập với môi trường ở Việt Nam?” – Phan Trung Hiếu, 24 tuổi, chủ nhiệm CLB Tình nguyện quốc tế, Trường ĐH Hà Tĩnh, nhớ lại ý tưởng ban đầu.
Là chủ nhiệm CLB, Hiếu là nhân tố tích cực truyền lửa cho các hoạt động tình nguyện của trường, đặc biệt đóng vai trò như một “sứ giả” gắn kết sinh viên Việt – Lào nhờ tiếng Việt.
Video đang HOT
“Bỏ túi” tiếng Lào
Hiếu nhớ năm 2016 vào trường, được anh chị khóa trước giới thiệu đến CLB Tình nguyện quốc tế. Năm ấy, trong lớp có một bạn sinh viên Lào gặp khó khăn trong việc giao tiếp với bạn bè trong lớp cũng như thầy cô, Hiếu quyết định rủ bạn tham gia câu lạc bộ.
Được nhà trường cho mượn phòng sinh hoạt chung, mỗi tuần Hiếu cùng các tình nguyện viên Việt Nam tổ chức 3-4 buổi dạy kèm tiếng Việt cho 15-20 sinh viên Lào. Những buổi đầu còn bỡ ngỡ, các thầy cô trong trường sẽ hướng dẫn tình nguyện viên Việt đứng lớp dạy sinh viên Lào cách giao tiếp, trò chuyện, hỏi đường, trả giá khi đi chợ. Khi quen giao tiếp, sẽ tổ chức lớp học ngôn ngữ chuyên ngành, kiến thức chuyên ngành giúp đỡ sinh viên Lào.
“Khó khăn nhất là lúc mới bắt đầu, vốn tiếng Việt của các bạn sinh viên Lào còn ít. Mỗi tình nguyện viên Việt phải “bỏ túi” cách giao tiếp bằng tiếng Lào và nhờ thêm sự trợ giúp của các bạn sinh viên Lào thành thạo tiếng Việt làm phiên dịch, nhờ đó chúng mình có thể dạy từng bước một” – Hiếu bộc bạch.
Mới đầu làm sao để thuyết phục sinh viên Lào tham gia CLB, Hiếu giãi bày do gặp rào cản ngôn ngữ nên các bạn Lào ngại giao tiếp. Do vậy, Hiếu cùng tình nguyện viên phải đến tận phòng giải thích cho sinh viên Lào hiểu đây là lớp học hoàn toàn miễn phí.
“Chúng mình sẽ giúp các bạn giỏi tiếng Việt hơn. Khi giỏi tiếng Việt sẽ học tập tốt hơn, mang lại kết quả học cao hơn. Dần dần các bạn đặt niềm tin vào chúng mình. Sau khi học thử 1-2 buổi ngay tại phòng, nếu các bạn thấy hứng thú sẽ đến với lớp học chung” – Hiếu quả quyết.
Hiếu chia sẻ những ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa có tình nguyện viên di chuyển từ 10-15km mới đến chỗ dạy. Nhưng xuất phát từ niềm yêu thích tình nguyện, người nọ bảo người kia, động viên nhau tham gia CLB để tạo sự gắn kết giữa sinh viên Việt – Lào.
Kết quả là giờ đây với 58 tình nguyện viên Việt Nam, CLB Tình nguyện quốc tế của trường còn kết nạp thêm 15 tình nguyện viên Lào. Họ là những sinh viên đã được CLB dạy tiếng Việt thành thạo, học xong xin quay lại hỗ trợ phiên dịch hoặc trực tiếp đứng lớp hướng dẫn các bạn khóa mới học tiếng Việt dễ dàng hơn. Tính đến nay mỗi năm CLB hỗ trợ từ 100-150 sinh viên Lào.
“Với sinh viên Lào, chúng mình phải thật sự chuyên tâm vào hoạt động dạy, giúp các bạn đạt kết quả thật tốt, nhờ đó những bạn sinh viên Lào khác cũng hào hứng tham gia” – Phan Trung Hiếu bộc bạch.
Còn trẻ, còn sức là còn đi
Suốt bốn năm trên ghế giảng đường, chưa lúc nào Hiếu rời hoạt động tình nguyện. Trong mọi công việc, Hiếu luôn chú trọng sử dụng hiệu quả thời gian biểu để tránh lãng phí. Vừa học vừa đi làm thêm bận rộn nhưng vẫn năng nổ tham gia các hoạt động tình nguyện, Hiếu chia sẻ phải sắp xếp quỹ thời gian hợp lý mới đảm bảo được “ba vai”.
“Đầu tiên phải xác định việc học là quan trọng nhất” – Hiếu quả quyết. Bí quyết là nắm bài nhanh ở trên lớp và về nhà sớm hoàn thành bài tập, nhờ đó Hiếu có nhiều thời gian tham gia hoạt động tình nguyện và tranh thủ làm thêm như gia sư, bưng bê ở quán cà phê, rạp chiếu phim để kiếm sinh hoạt phí.
Không dừng lại ở việc giúp đỡ sinh viên Lào, mới đây Hiếu còn phát triển dự án “Hope – Trung tâm phát triển kỹ năng sống và phòng chống xâm hại ở trẻ em” hướng đến việc giảng dạy với sự hướng dẫn của giáo viên tâm lý học, áp dụng tình huống giả định để xử lý tình huống.
“Bắt đầu từ một khóa học ở trường, tôi suy nghĩ: “Mình nên làm gì để giúp ích cho xã hội?”. Trong thời gian đó có vụ án cháu bé bị ông ngoại xâm hại, tôi trăn trở trước thực trạng đó, có thể một ngày nào đó những em bé xung quanh mình hoặc người thân của mình rơi vào hoàn cảnh đó, vậy họ sẽ xử trí như thế nào? Tôi quyết định lên ý tưởng cho dự án, trước tiên là dạy cho các em kỹ năng về phòng chống xâm hại” – Hiếu giãi bày. Năm 2019, dự án của Hiếu đoạt giải khuyến khích cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 2019, Phan Trung Hiếu nhận giải thưởng “Sao tháng giêng” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng và nhận bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên.
Là một trong những gương mặt trẻ tuổi được Tỉnh đoàn Hà Tĩnh giới thiệu là tấm gương học tập và làm theo lời Bác, Phan Trung Hiếu chia sẻ học Bác ở tinh thần học và tự học. “Luôn luôn học hỏi để nâng cao sự hiểu biết của bản thân, học hỏi để không thụt lùi. Là thanh niên trẻ, luôn nỗ lực cống hiến để giúp ích cho xã hội, đóng góp một phần để phát triển xã hội ngày một tốt đẹp hơn” – Phan Trung Hiếu nói.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen cho sinh viên Lào dũng cảm cứu người
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có Quyết định tặng Bằng khen cho sinh viên Vongyasone Miny (Lào) có hành động mưu trí, dũng cảm cứu người thoát khỏi đuối nước.
Lễ trao tặng bằng khen đã được tổ chức chiều 13/5 tại Trường ĐH Hà Tĩnh.
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, TS Đoàn Hoài Sơn, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Tĩnh đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho em Vongyasone Miny, sinh viên năm thứ 2, lớp K11, Khoa Môi trường, Trường ĐH Hà Tĩnh.
Trước đó, ngày 1/5, nhìn thấy một người đàn ông từ trên cầu Thạch Đồng (giáp ranh giữa xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh và xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà) rơi xuống sông, Vongyasone Miny, đã kịp thời nhảy xuống sông cứu người.
Sau khi lao xuống, Miny nhanh chóng tiếp cận người đàn ông, giữ người này để không bị chìm và cuốn theo dòng nước. Sau khoảng 20 phút, một chiếc thuyền của người dân đi ngang qua đã giúp cả hai vào bờ an toàn.
Ngày 8/5, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng đã trao tặng bằng khen cho sinh viên Vongyasone Miny vì đã có hành động dũng cảm cứu người đuối nước.
Nam sinh viên Lào dũng cảm cứu người nhảy sông tự tử Nam sinh viên 22 tuổi, quốc tịch Lào đang theo học đại học ở Việt Nam đã dũng cảm lao xuống sông cứu người tự tử. Chiều 1-5, Công an xã Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) cho biết một sinh viên người Lào đã dũng cảm lao xuống sông Rào Cái cứu sống ông TVĐ (51 tuổi, trú TP Hà Tĩnh)...