Sử dụng thuốc tùy tiện – nguyên nhân quá tải bệnh viện?
Tùy tiện trong sử dụng thuốc chữa bệnh là thói quen xấu, được xem là hệ quả của tình trạng quá tải bệnh viện kéo dài những năm trước đây.
Sau 4 ngày gia đình cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol, 4 viên/ngày, loại viên 500mg, bé trai hơn 2 tuổi ở Thanh Sơn, Phú Thọ đã bị ngộ độc dẫn tới hôn mê. Sự việc vừa xảy ra một lần nữa cảnh báo về tình trạng nhiều người dân cứ có biểu hiện bị ốm là tự ý mua thuốc về uống mà không đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Đây là vấn đề đáng báo động hiện nay.
Việc sử dụng thuốc tùy tiện có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)
Ngày 14/8, nhập Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, bệnh nhi này nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Dù được áp dụng phác đồ điều trị tốt nhất nhưng cháu bé vẫn nguy kịch.
Dược sĩ Nguyễn Trọng Dự, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, nguyên nhân là gia đình đã tùy tiện trong sử dụng thuốc. Trong khi đó, Paracetamol không nằm trong danh mục thuốc kê đơn và có thể mua được dễ dàng tại các hiệu thuốc.
Video đang HOT
“Paracetamol là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt, được sử dụng rất rộng rãi trong các trường hợp đau vừa và nhẹ như đau đầu, đau răng, đau cơ và các trường hợp bị sốt. Đây là loại thuốc rất phổ biến được bán ở hầu khắp các hiệu thuốc trong cả nước. Paracetamol hấp thu hoàn toàn trong vòng 2 giờ sau khi uống. Thời gian phát huy tác dụng của thuốc chỉ kéo dài từ 4-6 giờ. Tuy nhiên việc sử dụng quá liều Paracetamol dẫn đến tổn thương tế bào và hoại tử gan.” – Dược sĩ Nguyễn Trọng Dự cho hay.
Đáng báo động là thời gian qua nhiều trường hợp ngộ độc Paracetamol đã xảy ra. Nhiều bệnh nhân đã tử vong hoặc nếu được cứu sống thì tốn kém hàng trăm triệu đồng chi phí điều trị vì phải lọc máu hoặc sử dụng những loại thuốc hạ men gan rất đắt tiền. Tất cả đều do thói quen của người Việt, cứ bị ốm là mua thuốc về sử dụng thay vì đi khám tại các cơ sở y tế.
Tùy tiện trong sử dụng thuốc chữa bệnh được xem là hệ quả của tình trạng quá tải bệnh viện kéo dài những năm trước đây. Đây là thói quen xấu cần phải thay đổi, nhất là khi Việt Nam có tỷ lệ kháng thuốc thuộc diện cao nhất trên thế giới và đã xuất hiện vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới, tức là không còn thuốc chữa đối với những bệnh nhân nhiễm loại vi khuẩn này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Tại nước ta có một thực trạng rất khác với các nước trên thế giới là người dân cứ khi đau ốm, có thể lần đầu tiên được bác sỹ kê đơn, sau đó cứ thấy có triệu chứng tương tự là lại đi mua thuốc đó về uồng mà không cần hỏi ý kiến của bác sỹ. Việc mua thuốc không cần đơn cũng dễ dàng. Điều này dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc”.
Khắc phục trình trạng vừa nêu, Bộ Y tế đang tập trung chỉ đạo thực hiện đề án nối mạng các nhà thuốc, quầy thuốc để quản lý việc bán thuốc theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh, hạn chế tình trạng người bán thuốc chạy theo lợi nhuận, bán kháng sinh cho người mua không có đơn của bác sĩ hoặc mượn đơn của bệnh nhân khác. Tuy nhiên, với những thuốc không cần kê đơn như Paracetamol vẫn có thể gây ngộ độc khi sử dụng không đúng hướng dẫn. Trong trường hợp này, phòng ngừa những hậu quả khó lường chỉ có thể dựa vào ý thức của người dân./.
Theo VOV
Bé trai 27 tháng tuổi nguy kịch vì uống thuốc hạ sốt quá liều
Bé trai 27 tháng tuổi ở Phú Thọ được gia đình cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500 mg với liều lượng 4 viên/ngày trong 4 ngày. Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng tử vong cao.
Ngày 14/8, khoa Cấp cứu - Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhi T.V.D (27 tháng tuổi, trú tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) có dấu hiệu ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều.
Khi vào viện, bé D. đang ở trạng thái lơ mơ, mệt lả, sốt 38 độ, khó thở, ho khò khè, tim nhịp nhanh, phổi thông khí kém, gan to dưới bờ sườn 2 cm. Theo chẩn đoán, bệnh nhi bị suy hô hấp toan chuyển hóa nặng (PH 7.1) trên bệnh nhi viêm phổi, theo dõi ngộ độc Paracetamol.
Sau khi sơ cấp cứu ban đầu, các bác sĩ đã chuyển bé D. lên khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. để đặt ống nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, bù kiềm.
Bệnh nhi D. đang ở trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: BVCC.
Tuy nhiên, 2 tiếng sau khi nhập viện, bệnh nhi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao, Bilirubin tăng cao.
Khi được hỏi, gia đình bé D. cho biết: 4 ngày qua, bé sốt cao từng cơn, ho khò khè nên gia đình cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg x 4 viên/ngày. Cháu D. đã uống thuốc được 4 ngày.
Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan. Sau khi được điều chỉnh các chức năng sống cơ bản, bệnh nhi được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.
Năm ngoái, cũng ghi nhận một trường hợp bệnh nhi 3 tuổi tử vong do ngộ độc Paracetamol, Thạc sĩ, bác sĩ Phan Hồng Sáng - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Trung tâm Sản Nhi cho biết.
Theo thoidai
Sữa học đường: Lời giải cho bài toán khó về thiếu vi chất dinh dưỡng Các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng ở Việt Nam đều có chung một trăn trở về tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em. Chính phủ đã ban hành Chương trình cấp quốc gia về Sữa học đường chính là nhằm cải thiện thực...