Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây thiệt hại phải bồi thường
Bộ NN-PTNT vừa ban hành thông tư về quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Theo thông tư, người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây thiệt hại về vật chất cho người khác thì phải bồi thường; gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác còn phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại kinh tế do việc tuyên truyền, quảng cáo, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đủ, không đúng, không chính xác, làm cho người mua và sử dụng thuốc nhầm lẫn, gây tác hại đối với sức khỏe của người, vật nuôi, môi trường và tổn hại đến sản xuất. UBND xã chịu trách nhiệm quản lý việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25.2.2013.
Theo TNO
Bộ trưởng Nông nghiệp yêu cầu truy tận gốc thực phẩm
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa yêu cầu siết chặt kiểm tra thực phẩm, giảm tỷ lệ rau củ nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Chiều 24/12, khi chỉ còn cách Tết Nguyên đán hơn một tháng, Bộ NN&PTNT họp bàn phương án kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm. Theo Cục Bảo vệ thực vật, với 400 mẫu rau, quả tươi đã lấy mẫu thì 16 mẫu có dư lượng thuốc vượt ngưỡng cho phép, chiếm 4%. Cục đang truy xuất nguồn gốc để phối hợp với các địa phương làm rõ nguyên nhân, có giải pháp khắc phục. Ngoài ra, khi kiểm định gần 700 mẫu thuốc bảo vệ thực vật, Cục này phát hiện 11 mẫu nhập khẩu không đạt chất lượng.
Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, tỷ lệ rau nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng còn khá cao so với các nước tiên tiến. "Đến trước Tết, Cục sẽ tăng tần suất lấy mẫu rau củ nội địa lẫn các loại rau nhập khẩu từ các chợ đầu mối, tăng kiểm tra đột xuất và siết chặt hơn khâu kiểm dịch", ông Hồng nói.
Thịt thối bị công an bắt giữ tại cửa ngõ Sài Gòn. Ảnh: An Hội.
Theo Cục Chăn nuôi, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản tràn lan khiến người tiêu dùng hoang mang. Các mẫu kiểm nghiệm cho thấy dư lượng kháng sinh, lượng vi sinh vật còn cao trong thủy sản tươi. Chất kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi lợn dù đã giảm khoảng 4% so với năm ngoái song vẫn không loại trừ các nông hộ lạm dụng chất này...
Hiện, tình trạng này đã được siết chặt hơn, tỷ lệ mẫu kiểm nghiệm cho kết quả khả quan hơn song theo Cục Chăn nuôi, thời điểm giáp Tết có nguy cơ gia tăng bởi đây là lúc nguồn cung phục vụ lượng lớn nhu cầu tiêu thụ. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm dễ xảy ra dịch bệnh về gia súc gia cầm do thay đổi thời tiết, việc giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng. Nếu không siết chặt các khâu từ giết mổ đến vận chuyển, nguy cơ bùng phát dịch dịp cận Tết dễ xảy ra.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các cơ quan phải truy tận cùng nguồn gốc các loại rau quả, thực phẩm, đặc biệt là vào thời điểm cận Tết. Với tiêu chí không hô hào, làm có trọng tâm, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan chức năng phải thực hiện triệt để các biện pháp. Trong đó, với khoảng hơn 2.000 mặt hàng đang thuộc quản lý của Bộ, ông Phát yêu cầu tập trung các hàng nông sản thiết yếu như rau củ quả, gà, lợn, hải sản...
Do nguồn lực có hạn nên Bộ trưởng Nông nghiêp yêu cầu tập trung vào khâu chính, từ trang trại đến bàn ăn, cần tìm ra những mắt xích quan trọng để giải quyết; không chỉ dừng lại ở phạt hành chính mà có thể tính đến việc truy cứu trách nhiệm dân sự, kiểm soát ngược đến toàn bộ lô hàng liên quan để truy tận gốc sự việc.
Theo VNE
Gần 27% số hộ nông dân vi phạm quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật Ngày 17.10, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, qua kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của 14.593 hộ nông dân đã phát hiện 3.919 hộ có vi phạm, chiếm 26,85%. Các vi phạm phổ biến là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, không đúng quy trình kỹ thuật, vượt quá nồng độ...