Sử dụng đất sai mục đích phạt đến 1 tỷ đồng
Theo Dự thảo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vừa được Bộ TN&MT hoàn thiện, mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai… lên đến 1 tỷ đồng.
Theo Dự thảo, hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.
Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính tối thiểu là 50.000 đồng và tối đa là 500 nghìn đồng đối với cá nhân; tối thiểu là 100 nghìn đồng và tối đa là 1 tỷ đồng đối với tổ chức.
Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
Dự thảo cũng quy định sẽ tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Sẽ đình chỉ một phần hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép; Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc hoạt động khác mà theo quy định của pháp luật không phải có giấy phép và hoạt động đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.
Video đang HOT
Sử dụng đất không đúng mục đích là hành vi sử dụng đất không đúng với mục đích sử dụng, loại đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật đất đai năm 2013.
Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất.
Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc chủ sử dụng đất cho phép sử dụng hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước tạm giao hoặc mượn đất nhưng hết thời hạn tạm giao, mượn đất mà không trả lại đất.
Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác là hành vi đưa vật liệu xây dựng, chất thải, chất độc hại hay các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc lên thửa đất của mình hoặc đào bới, xây tường, làm hàng rào và các hành vi khác mà hành vi này gây cản trở, làm giảm khả năng sử dụng đất của người khác hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.
Cung cấp dữ liệu đất đai không đúng quy định của pháp luật là hành vi cung cấp các số liệu, tài liệu về đất đai gồm: số hiệu, kích thước, hình thể, diện tích, vị trí, người sử dụng thửa đất, nguồn gốc, mục đích, thời hạn sử dụng đất, giá đất, tài sản gắn liền với đất, nghĩa vụ tài chính về đất đai đã thực hiện và chưa thực hiện; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quyền và những hạn chế về quyền của người sử dụng đất, biến động trong quá trình sử dụng đất và các thông tin khác có liên quan không đúng với quy định của pháp luật về thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu đất đai.
Chậm cung cấp thông tin đất đai là hành vi chậm cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra sau 10 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra hoặc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của người có thẩm quyền, của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.
Không hợp tác kiểm đếm là hành vi không hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm tài sản gắn liền với đất, xác định diện tích đất để lập phương án bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Tự ý sử dụng đất là hành vi tự ý sử dụng đất khi chưa thực hiện đầy đủ các bước công việc trong trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Xuân Hưng
Theo_VnMedia
Mức phạt với người ăn trộm
Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới 50 triệu hoặc dưới hai triệu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
Ảnh minh họa
Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Dân sự, quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức được pháp luật công nhận và bảo vệ. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.
Với quy định này, hành vi trộm cắp tài sản của người khác dù giá trị lớn hay nhỏ đều là trái pháp luật. Nó không những xâm phạm đến quyền sở hữu của chủ tài sản mà còn xâm phạm đến an ninh trật tự của xã hội, cộng đồng, là những giá trị mà pháp luật bảo vệ.
Tuy nhiên, tùy theo giá trị tài sản bị trộm cắp mà hành vi này có thể bị xử lý hình sự hoặc chỉ bị xử phạt hành chính. Cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản (như trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...), chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
Hành vi trộm cắp dưới hai triệu đồng và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 138 nói trên thì bị coi là vi phạm hành chính và bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/07/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội với mức phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.
Về nguyên tắc, khi tiếp nhận thông tin liên quan hành vi trộm cắp như có đơn trình báo, đơn tố cáo... của công dân, tổ chức thì cơ quan công an có trách nhiệm phải xem xét, giải quyết bất luận giá trị tài sản mất trộm lớn hay nhỏ.
Nếu xét thấy hành vi trộm cắp có dấu hiệu hình sự và thuộc trường hợp quy định tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự về tạm giữ thì cơ quan điều tra có quyền tạm giữ người vi phạm để điều tra, xác minh. Sau khi xác minh, nếu hành vi trộm cắp chưa đến mức xử lý hình sự thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Người bị tạm giữ trong trường hợp này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp. Trường hợp đủ cơ sở xử lý hình sự thì người vi phạm sẽ bị khởi tố bị can để điều tra.
Căn cứ nhân thân của bị can, mức độ nghiêm trọng của hành vi trộm cắp và giá trị tài sản trộm cắp, cơ quan điều tra có quyền cho bị can tại ngoại để phục vụ điều tra hoặc ra quyết định tạm giam bị can để điều tra. Thông thường, những người có nhân thân xấu (có tiền án, tiền sự), không có nghề nghiệp, địa chỉ cư trú rõ ràng, hoặc căn cứ khác cho rằng bị can có thể bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội thì sẽ bị tạm giam để điều tra.
Về hình phạt, tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi trộm cắp cũng như giá trị tài sản trộm cắp mà người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến chung thân.
Theo VNE
Người mua dâm sẽ bị phạt 10 triệu đồng Theo NĐ167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, hành vi môi giới mua bán dâm sẽ bị phạt 20 triệu đồng; phạt 10 triệu đồng đối với khách mua dâm. Theo NĐ này, kể từ 12/11/2013, hành vi dẫn dắt, dụ dỗ hoạt động mua dâm, bán dâm;...